BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
SƯU TẦM CHUYÊN ĐỀ

      Ông Lê Văn Quảng (tức Thứ) sinh năm 1925, trong một gia đình nông dân nghèo, mẹ mất sớm, là con thứ 3 trong 9 anh chị em tại thôn Tràng Kỹ, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Vì nhà nghèo nên ông rất chăm chỉ học hành. Ông học ngay tại xã và đỗ sơ học yếu lược, sau đó học lên trường huyện.
      Năm 1945, khi chính phủ ta đấu tranh để giành chính quyền, ông tham gia Việt Minh. Sau khi giành được chính quyền, xây dựng lực lượng tự vệ thôn, ông được giao làm Tổ trưởng đội tự vệ thôn.
 
(Chân dung ông Lê Văn Quảng - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung) 
      Ngày 21/7/1947, địch đánh chiếm thị xã Hải Dương và mở rộng về các thôn, xã. Tại thôn Tràng Kỹ, địch xây dựng đồn bốt Cachiê, (một đại đội) đóng quân tại đó. Lúc này, ông Quảng cùng gia đình tản cư sang huyện Bình Giang. Tại đây, ông tiếp tục tham gia tự vệ và làm thôn đội trưởng của thôn Tràng Kỹ với nhiệm vụ khá quan trọng: đêm về hoạt động, quấy rối địch, làm cho chúng tinh thần dao động, tiêu hao sinh lực địch. Cuối năm 1947, ông được cử làm xã đội trưởng của xã Tân Trường. Vừa tròn 23 tuổi (20/4/1948), ông được kết nạp vào Đảng Đông Dương, sau đó giữ chức Chi uỷ viên, rồi làm phó Bí thư của xã Tân Trường.
      Cuối năm 1949, ông lập gia đình với người cùng xã là bà Nguyễn Thị Thuỷ, bà là người phụ nữ mang lại niềm vui, hạnh phúc và là động lực giúp ông hoạt động cách mạng sau này.
      Năm 1950, ông được điều động về huyện uỷ Cẩm Giàng làm chính trị viên Trung đội của huyện đội Cẩm Giàng. Sau đó ông làm Trung đội trưởng Trung đội 3 huyện đội Cẩm Giàng.
      Ngày 27/3/1951, đơn vị ông đóng quân tại xã Minh Tân, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh, địch mở cuộc tổng càn quét vào nơi đây nên ông bị bắt, chúng giam và tra tấn ông tại nhà tù Hải Dương. Khi bị bắt, ông hiểu rằng rồi đây ông sẽ phải trải qua một thử thách vô cùng khó khăn, có khi phải hy sinh cả tính mạng để bảo vệ cho nền độc lập của dân tộc. Địch tra hỏi ông rất nhiều:
         “ - Tại sao mày chiến đấu chống chế độ?.
            - Mày làm việc cho ai?.
            - Cơ sở ở đâu?” v.v…
      Chúng bất lực trước người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, trung thành với tổ chức. Địch dụ dỗ mua chuộc không được, rồi lại tra tấn, chúng dùng vòi phun nước, phun vào bụng ông cho đầy căng, sau đó dận chân lên bụng cho nước ựa ra, dùng điện tra tấn ông chết đi sống lại nhiều lần. Có lần chúng tưởng ông đã chết, liền quẳng ra ngoài nhà. Sau ông tỉnh lại, chúng mua chuộc dụ dỗ ông cũng không được. Tháng 6/1951, ông trốn tù nhưng không thành công, chúng cho rằng đây là đối tượng khó trị, không thu được tư liệu gì và xếp vào loại “nguy hiểm”. Tháng 7 năm 1951, địch đưa một số người theo chúng cho là “bất trị, nguy hiểm” như ông Quảng cho sang trại Ôppisê (căng sĩ quan ở Hà Đông, Hà Nội). Sau khi lên căng Ôppisê, ông liền liên lạc với tỉnh uỷ Hà Đông. Địch lại tiếp tục dụ dỗ ông ra làm lính, lấy chức vụ để dụ dỗ ông, nhưng cũng không thành. Những người tù cùng ông phản đối kịch liệt:
      - “Chúng tôi chỉ có một Chính phủ, Chính phủ đó là Hồ Chí Minh, còn Bảo Đại chỉ là kẻ bù nhìn”
      Từ đó, địch loại dần những đối tượng phản đối trực diện, nguy hiểm để đầy ra Côn Đảo. Ngày 27 tháng 10 năm 1951, chúng đưa ông và một số người tù khác đi Côn Đảo. Khi đi tàu biển ra Côn Đảo, chúng cho người tù đi lên boong tàu, tiếp xúc với lái tàu và lính. Đến địa phận Thanh Hoá, những người tù có chủ trương bắt lính, cướp tàu để trở về đất liền thuộc địa phận Thanh Hoá. Nhưng việc không thành, vì sau một ngày đêm, chúng không cho tù nhân tiếp xúc với lái tàu và lính, nên tù nhân đành phải ngậm ngùi ra Côn Đảo. Đi tàu từ Hải Phòng ra Côn Đảo mất 3 ngày, 3 đêm, những người tù chưa khỏi hết bàng hoàng vì say sóng, vì đói khát lại gặp ngay cảnh đón tiếp tù nhân tại Côn Đảo. Ông Quảng kể lại:
      “Sà lan vừa cập bờ, vài chục tên giám thị, cai ngục hông đeo súng lục, tay cầm dùi cui và các loại roi: roi da, roi song,… chúng quất túi bụi vào mặt, vào lưng, vào vai chúng tôi, vừa đánh vừa chửi bằng một thứ tiếng nhà nghề muôn thuở:
      - Át - tắng - xương (attention - Coi chừng, liệu hồn)
      - Cu - Xông (conchon - Lợn con)
      - Ixixepulocông đo (ici, c’ccsi leponlo - condore - Đây là Côn Đảo)
      Một số tên cai tù cũng hùa theo nạt nộ: đây là Côn Đảo, chúng mày sẽ rũ xương nếu bậy bạ. Chưa kể hai bên thành cầu, lính lê dương lăm lăm súng lưỡi lê tuốt trần, mặt đằng đằng sát khí, đứng thành hàng ngang thị uy và sẵn sàng ra tay nếu có tù nhân chống đối”.
      Các lớp tù bị đầy đi Côn Đảo đều được đón tiếp như vậy. Khi ra đến Côn Đảo được hơn nửa tháng, ông Quảng bắt liên lạc với những tù kháng chiến đã bị bắt giam giữ trước đó. Những người tù cũ viết thư liên lạc với những người tù mới bị đầy ra Côn Đảo. Trong nội dung những bức thư liên lạc có nói: ở đây có tổ chức cho những người hoạt động cách mạng kháng chiến bị bắt ra Côn Đảo, có Liên đoàn tù nhân Côn Đảo, có Đảng bộ nhà tù Côn Đảo,…
      Từ đó, khối tù nhân ngày 27/10/1951 gồm 110 đồng chí (lấy thêm tù ở Hải Phòng 90 người) cử đại diện ra bắt liên lạc trao đổi cụ thể với những người tù ở Côn Đảo. Ở thời điểm đó, ông được đánh giá là người dũng cảm chiến đấu, kiên quyết đấu tranh với địch trong các nhà tù, nên ông bầu làm Bí thư phân chi uỷ.
      Đến năm 1952, địch có chủ trương lợi dụng sức lao động của những người tù, bắt họ lao động khổ sai như: lên rừng xẻ gỗ, xuống biển mò san hô, vác đá… để chúng vơ vét mang về chính quốc. Lúc này, trong nhà tù tổ chức Đại hội Đảng bộ nhà tù Côn Đảo lần thứ 3, ông Lê Văn Hiến (Hồng Khê, Bình Giang, Hải Dương) làm Bí thư Đảo uỷ, ông Lê Văn Quảng làm Bí thư phân chi uỷ 4, đồng thời là phái viên của Bí thư Đảo uỷ có nhiệm vụ hàng ngày liên lạc với các Đảo uỷ viên khác của khu tù án như: ông Hoàng Trừ (lúc bị bắt làm quận uỷ Công an Hải Phòng, địch xử 20 khổ sai biệt sứ) giữ chức Phó Bí thư Đảo uỷ ở khu Lò Vôi, ông Vũ Hiệu (là Tỉnh uỷ viên, Phó chỉ huy Tỉnh đội Hưng Yên) bị địch bắt đầy và giam giữ ở khu Sở Giẫy, Chuồng Bò. Hàng ngày ông Quảng phải liên hệ với hai đồng chí trên để nắm bắt, báo cáo tình hình bên địch - bên ta cho các đồng chí trong ban lãnh đạo thuộc Đảng bộ nhà tù. Sau khi nhận thông tin chỉ thị, chủ trương lại báo cáo với hai đồng chí trên.
      Trong tù, ngoài việc phải quan hệ gặp gỡ các đồng chí Đảo uỷ ở khu vực tù án, ông còn giữ chức Đại đội phó của Đại đội phân trại 3, nhiệm vụ: gặp gỡ những người tù mà địch đã mua chuộc thành công là người Campuchia và Lào để làm công tác vận động sao cho họ đồng tình, ủng hộ cuộc kháng chiến của ta với việc đấu tranh giành quyền sống của các tù nhân.
      Khi địch tổ chức một lực lượng trên 20 người tù chuyên lên rừng xẻ gỗ, ông được Bí thư Đảo uỷ chỉ định, phụ trách những người trên có nhiệm vụ: hàng ngày xẻ được nhiều gỗ thì cất giấu nhiều, được ít thì cất giấu ít, cứ chia đôi chúng một nửa, ta một nửa, để cho đội quân ngầm đóng thuyền chờ điều kiện thuận lợi vượt tù về đất liền. Và nhiệm vụ thứ hai, do được quản lý đội xẻ gỗ, lợi dụng việc được phép đi lại chọn lựa gỗ để anh em xẻ, ông đi lại gặp gỡ hai đồng chí Hoàng Trừ và Vũ Hiệu để nghe báo cáo và nhận những báo cáo viết tay hoặc báo cáo miệng gửi cho đồng chí Bí thư Đảo uỷ.
      Tại nhà tù Côn Đảo, cứ 2 km ven biển có một bốt tù gian (những người tù địch mua chuộc thành công), chủ yếu là người Campuchia, Lào. Tên Rơxec (tù gian người Campuchia) theo dõi ông Quảng lâu ngày, phát hiện được mấy tấm gỗ ta dấu đi để đóng thuyền, hắn đã chỉ điểm báo cáo với địch về việc giấu gỗ. Ông Quảng (người Hải Dương), ông Vũ, ông Đàm, ông Vệ (người Vĩnh Phúc), ông Phúc (người Phú Thọ) bị địch bắt tống giam vào xà lim và được nửa ngày địch đưa các ông ra tra tấn. Địch trói các ông 2 tay ra đằng sau, treo lên xà nhà rồi dùng thanh gỗ đánh vào mặt và người, dùng bóng điện cực lớn (500W) soi vào mắt. Đảo uỷ lo lắng đưa tin để ông Quảng biết: “tôi sợ hai đồng chí kia không chịu đựng nổi sự tra tấn của địch khai báo tổ chức, nên đồng chí Quảng đứng ra nhận trách nhiệm về mình”. Địch tra hỏi:
        - “Tại sao mày giấu gỗ?
      - Ông Quảng nhận: “Giấu gỗ là do mình tôi, không liên quan đến những người kia. Tôi giấu gỗ vì tôi không muốn ở tù, khi nào có điều kiện tôi đóng thuyền để trốn”.
      Địch nghĩ: thằng này lý luận đúng tâm lý người tù. Từ đó, những người tù kia được tha. Sau 10 ngày tra tấn, địch quyết định phạt ông Quảng 3 tháng giam lỏng trong xà lim Chuồng Cọp, diện tích chật hẹp (rộng 80cm, dài 2m), ở cuối chân có 2 cọc sắt to, 2 chân cùm vào cọc sắt, nằm, ngồi, ăn, vệ sinh đều ở một vị trí suốt 3 tháng. Hết hạn, ông Quảng bị liệt nửa người. Do chế độ một bữa ăn một bát cơm bằng gáo dừa, một tháng tắm một lần, một ngày 1 chai nước, ở trong xà lim kín chỉ có một lỗ thông hơi (đủ đưa qua một điếu thuốc). Sau khi ra khỏi xà lim, Đảo uỷ thấy sức khoẻ ông Quảng giảm sút. Sau hơn một tháng, được Đảo uỷ và anh em trong tù quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng, ông lại tiếp tục được giao nhiệm vụ lên rừng quản lý đội xẻ gỗ. Ông có ý chí kiên cường, dũng cảm, trung thành với tổ chức, dám hy sinh nhận tất cả trách nhiệm về mình để đồng đội được tha, cho dù phải đối mặt với sự nguy hiểm tính mạng.
      Ngày 12/12/1952, toàn bộ tù binh và tù án nổi dậy bắt toàn bộ sỹ quan, binh lính địch. Ta dùng những chiếc thuyền tự đóng, dùng tàu của địch vượt biển về đất liền để tiếp tục đi theo Đảng kháng chiến. Nhưng cuộc khởi nghĩa của tù nhân Côn Đảo bị thất bại, tuy nhiên, thái độ của địch có sự thay đổi, trước kia địch không sợ người tù thì giờ phải kính nể và khiếp sợ tù nhân.
      Năm 1954, ta và địch có chủ trương trao đổi tù binh, ông Quảng được trở về quê hương và tiếp tục công tác trong quân đội. Ông được cử đi cải cách ruộng đất đợt 5 ở Thái Bình. Sau khi cải cách ruộng đất kết thúc, ta phát hiện có sai lầm, Quân đội và Nhà nước cử ông đi làm nhiệm vụ sửa sai trong việc cải cách ruộng đất tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
      Ngày 20/4/1958, ông Quảng được phục viên về quê nhà, đến tháng 12 tổ chức Đại hội Đảng bộ xã, ông được bầu làm Bí thư Đảng bộ xã Tân Trường.
      Tháng 2/1960, qua Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Giàng, ông được bầu làm Huyện uỷ viên huyện Cẩm Giàng, phụ trách Trưởng Công an huyện Cẩm Giàng. Sau làm uỷ viên Thường vụ Huyện uỷ, Thường trực Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Công an huyện, rồi chuyển sang làm Giám thị trại tạm giam tỉnh Hải Dương, Trưởng phòng cảnh sát bảo vệ Công an Hải Dương, Trưởng Công an thị xã Hải Dương.
      Do có nhiều công lao đóng góp với cách mạng nên ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:
      - Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba (tháng 3/1959)
      - Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất (1959)
      - Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất (1984)
      - Huân chương quân công hạng ba (tháng 6/1986)
      Tháng 10/1986, ông về nghỉ chế độ hưu trí. Hiện ông được thờ cúng tại nhà con trai cả là Nguyễn Quang Yên tại số 2 phố Bình Minh, phường Phạm Ngũ Lão, TP. Hải Dương (do tuổi cao ông qua đời năm 2019).
Ông là một tấm gương dũng cảm trong chiến đấu, trung thành với Đảng với Cách mạng. Lòng căm thù đế quốc, phong kiến có từ tấm bé nên tham gia hoạt động cách mạng khá sớm, bất kỳ tình huống nào dù gian khổ đến đâu cũng sẵn sàng tiến công. Ông xứng đáng là một chiến sỹ cách mạng kiên cường, bất khuất, gan dạ, dũng cảm để các thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Hoàng Thị Hương
Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm
Các tin mới hơn
KỲ CÔNG SƯU TẦM CHIẾC TI VI MƠ ƯỚC CỦA NHIỀU GIA ĐÌNH THỜI BAO CẤP (13/11/2023)
CÔNG TÁC SƯU TẦM TÀI LIỆU, HIỆN VẬT, HÌNH ẢNH PHỤC VỤ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “NHỚ VỀ THỜI BAO CẤP”(13/11/2023)
BỨC THƯ ĐẶC BIỆT VÀ NHỮNG PHÁT LỘ KỲ DIỆU TỪ LÒNG ĐẤT(08/09/2023)
CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU SƯU TẦM HIỆN VẬT TRONG 5 NĂM (2018-2023) CỦA BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG(29/06/2023)
TỔNG KẾT CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU SƯU TẦM NĂM 2022, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2023(21/02/2023)
Các tin cũ hơn
NGHỀ ĐAN THÚNG ĐAN GIÁP, THANH GIANG, THANH MIỆN(03/12/2020)
DỆT CHIẾU TIÊN KIỀU - HÀ ĐÔNG(07/11/2020)
PHÁT HIỆN ĐỒ GỐM TẠI ĐIỆN SÙNG ĐỨC, THÔN LONG ĐỘNG, XÃ NAM TÂN, HUYỆN NAM SÁCH, TỈNH HẢI DƯƠNG(26/10/2020)
PHÁT HIỆN DI VẬT TẠI THÔN QUANG TIỀN, XÃ ĐỒNG QUANG HUYỆN GIA LỘC, TỈNH HẢI DƯƠNG(13/08/2020)
KẾT QUẢ SƯU TẦM ĐÁNG KHÍCH LỆ 2019(30/12/2019)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín