BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
SƯU TẦM CHUYÊN ĐỀ

Năm 1980, ông Makoto Anabuki - nguyên Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, lúc đó là cán bộ Bộ Ngoại giao Nhật Bản tại Tokyo, trong lần đi công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện bình gốm hoa lam lưu giữ tại Bảo tàng Topkapi Saray ở Thủ đô Istambul, có 13 chữ, vốn giỏi tiếng Hán nên ông đọc được ngay: “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”. Dòng chữ trên bình gốm đã khiến ông đặt ra nhiều câu hỏi, có Nam Sách châu không, ở đâu, bà (hay là cô) Bùi Thị Hý là người như thế nào, học kỹ thuật vẽ trên gốm ở đâu, thời gian đó sản xuất gốm (lò gốm) đặt ở đâu… ông biết điều này rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử thủ công nghiệp và vai trò của phụ nữ nói riêng. Ngay sau đó, ông Makoto Anabuki viết thư với những thắc mắc của mình gửi cho ông Ngô Duy Đông - Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng. Nhận thư, ông Đông giao cho ông Doãn Thế Tịch - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hải Hưng phụ trách. Vì lá thư là bản tiếng nước ngoài (tiếng Nhật) nên Thư ký của ông Đông là Đoàn Mạnh Thê đã đến nhờ Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Hải Hưng dịch nhưng cũng chưa đọc được. Lá thư được chuyển lên Đại sứ quán Nhật Bản dịch ra bản tiếng Việt.
Thời gian này, ông Nguyễn Hữu Phách là phóng viên Báo Hải Hưng rất xông xáo, được ông Nguyễn Hữu Thanh - Ủy viên Thường trực tỉnh ủy Hải Hưng giao cho bức thư đã được dịch ra tiếng Việt để đi cơ sở huyện Nam Sách tìm hiểu về bà Bùi Thị Hý (Nam Sách châu). Sau nhiều ngày ông Phách đi điền dã, nghiên cứu vẫn chưa có kết quả gì. Trước khi trả lá thư cho Văn phòng Tỉnh ủy, ông Phách ghi chép lại đầy đủ nội dung lá thư trên làm kỷ niệm nghề nghiệp của mình.
Toàn văn bức thư:
“Ngày 10 tháng 6 năm 1980
Kính gửi ông Ngô Duy Đông
Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng
Thưa ông!
Tên tôi là Makoto Anabuki, hồi trước là Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, nay là cán bộ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản tại Tokyo.
Trước hết, tôi xin chúc tỉnh Hải Hưng đang phát triển rất mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp, nhất là ao cá Bác Hồ đem lại hiệu quả kinh tế cao và sản xuất rau cải được tăng lên.
Hôm nay, tôi xin nhờ sự giúp đỡ của ông về việc sau đây.
Từ hồi trước đến nay, tôi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nói chung, đồ gốm cổ Việt Nam nói riêng. Gần đây, tôi mới biết là Viện Bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bảo tồn một lọ hoa lam Việt Nam đã được xuất cảnh từ Việt Nam hồi thế kỷ 15 - 16.
Lọ ấy có mang chữ Hán như sau: 太 和 八 年 南 策 州 匠 人 裴 氏 戲 筆 – Phiên âm: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”.
13 chữ Hán nói trên có nghĩa là: “Năm Thái Hòa thứ 8 (năm 1450), một người thợ tên là bà (cô) Bùi Thị Hý ở Nam Sách châu vẽ vui (hoa văn trên lọ)”.
Theo tôi biết thì thời Việt Nam thuộc nhà Minh thì nhà Minh chia nước Việt Nam thành 17 phủ (tổ chức hành chính), trong đó có Lạng Giang phủ. Lạng giang phủ có 3 châu là: Lạng Giang châu, Thượng Hồng châu và Nam Sách châu.
Trong Nam Sách châu có ba huyện là Thanh Lâm huyện, Chí Linh huyện và Bình Hà huyện, có nghĩa là phạm vi của Nam Sách châu hồi đó là Trung phần và Bắc phần của tỉnh Hải Dương (hồi 1976).
Dưới thời vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ) thì chia Việt Nam thành 5 đạo (Đông, Bắc, Tây, Nam, Hải Tây). Dưới thời Lê Nhân Tông thì tổ chức hành chính như thế nào, chúng tôi không có tư liệu để điều tra. Có lẽ không thay đổi tổ chức hành chính và vẫn dùng tổ chức hành chính của hồi Lê Thái Tổ vì lúc Vua Lê Nhân Tông tức vị mới được 2 tuổi.
Dưới thời Lê Thánh Tông thì đặt 12 đạo, trong đó có Nam Sách đạo và sau năm 1490, vua đó đã cải biến tổ chức hành chính và Nam Sách đạo trở thành Hải Dương xứ.
Vậy tôi muốn hỏi thời Lê Nhân Tông có Nam Sách châu không, ở đâu, bà (hay là cô) Bùi Thị Hý là người như thế nào, học kỹ thuật vẽ trên gốm ở đâu, hồi đó sản xuất gốm (lò gốm) đặt ở đâu… Điều này rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử thủ công nghiệp và vai trò của đàn bà nói riêng.
Xin ông chỉ thị cho những chuyên gia nghiên cứu 13 chữ Hán nói trên và nếu có kết quả thì xin cho tôi biết qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội (hộp thứ số 49 Hà Nội).
Hơn nữa, nếu được thì xin giới thiệu cho tôi những chuyên gia khảo cổ học và mỹ thuật, nghệ thuật ở tỉnh Hải Hưng để trao đổi ý kiến với nhau.
Xin cảm ơn ông
Nay kính
M. ANABUKI
Cán bộ Bộ Ngoại giao”
Gốm Chu Đậu của Việt Nam bất ngờ được đánh thức bởi bức thư của một vị cán bộ Bộ Ngoại giao Nhật Bản và sự phát hiện ngẫu nhiên. Cùng thời gian trên ông Tăng Bá Hoành - Ủy viên Thường trực Hội đồng nghiên cứu, biên soạn lịch sử tỉnh Hải Hưng (gọi tắt là Ban thông sử) cũng được giao nhiệm vụ tìm hiểu và nghiên cứu về nội dung câu hỏi trong thư. Tuy nhiên ông Hoành cũng chưa một lần được trực tiếp đọc lá thư mà chỉ nhận nhiệm vụ qua trao đổi từ cấp trên. Đến khi cán bộ của Ban thông sử tỉnh Hải Hưng đến Chu Đậu để nghiên cứu nghề dệt chiếu thì được nhân dân cho biết nơi đây phát hiện thấy nhiều mẫu gốm lạ và đưa về cơ quan nghiên cứu. Sau đó là cả một hành trình dài khám phá lòng đất Chu Đậu của các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước về di chỉ gốm này. Nội dung bức thư trên đã đánh dấu một mốc quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và các cuộc khai quật khảo cổ học về dòng gốm bác học đã bị thất truyền nhiều thế kỷ.
Sau nhiều năm tôi tìm gặp những người có liên quan để sưu tầm lá thư gốc nhưng đều không tìm được, vì lý do: thư thất lạc mất, người lưu giữ hoặc biết về lá thư đã qua đời, có người chưa hề biết gì về bức thư đó,…Rồi tình cờ trong lần sưu tầm chuyên đề “Hải Dương - 50 năm thực hiện di chúc Bác Hồ” tôi được gặp ông Phách và tiếp xúc với nội dung bức thư ấy. Bản ghi chép được ghi lại vào sổ tay của phóng viên Nguyễn Hữu Phách, ban đầu như ông Phách tâm sự: “chỉ vì tò mò, vì nội dung bức thư đặc biệt và… vì nhà báo thì nên ghi chép, chứ không ai bắt tôi chép”, không ngờ đến nay nội dung bản ghi chép đầy đủ ấy có giá trị nhất định. Thông qua toàn văn bức thư chúng ta hiểu về sự yêu mến và quan tâm đặc biệt của ngài cán bộ Bộ Ngoại giao Nhật Bản Makoto Anabuki về kỹ thuật vẽ hoa văn trên gốm, về vai trò của phụ nữ trong xã hội, về di sản Việt Nam nói riêng và di sản thế giới nói chung.
 
 
 
 
Bút tích của ông Nguyễn Hữu Phách, ghi ngày 10/6/1980
                                                                 Hoàng Hương
Các tin mới hơn
KỲ CÔNG SƯU TẦM CHIẾC TI VI MƠ ƯỚC CỦA NHIỀU GIA ĐÌNH THỜI BAO CẤP (13/11/2023)
CÔNG TÁC SƯU TẦM TÀI LIỆU, HIỆN VẬT, HÌNH ẢNH PHỤC VỤ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “NHỚ VỀ THỜI BAO CẤP”(13/11/2023)
Các tin cũ hơn
CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU SƯU TẦM HIỆN VẬT TRONG 5 NĂM (2018-2023) CỦA BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG(29/06/2023)
TỔNG KẾT CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU SƯU TẦM NĂM 2022, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2023(21/02/2023)
CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, SƯU TẦM TÀI LIỆU HIỆN VẬT PHỤC VỤ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “TẾT VIỆT XƯA”(09/01/2023)
BẢO TÀNG TỈNH TIẾP NHẬN HIỆN VẬT CỦA NGƯỜI CON QUÊ HƯƠNG HẢI DƯƠNG CÔNG TÁC TẠI HUYỆN ĐẢO TRƯỜNG SA(01/10/2022)
BỊ ĐỊCH ĐÁNH DẬP 10 ĐẦU NGÓN TAY VÀ Ý CHÍ CỦA NGƯỜI TÙ PHÚ QUỐC (28/09/2022)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín