Trong mỗi gia đình người Việt xưa, bếp có vị trí quan trọng thứ hai sau ngôi nhà chính. Bếp không chỉ là nơi đun nấu, chế biến món ăn mà còn là nơi giữ “lửa” cho gia đình. Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa dân tộc. Trong dịp tết năm nay, lần đầu tiên tại Bảo tàng Hải Dương tái hiện lại không gian Tết xưa để giúp du khách, người dân nhớ về cội nguồn dân tộc và những nét văn hóa đặc trưng ngày tết xưa.
Không gian bếp được tái hiện tại Bảo tàng Hải Dương
Căn bếp được phục dựng bằng nguyên liệu có sẵn như: Tre, rơm,... gồm có 3 khu vực:
1. Khu vực để đun nấu: là nơi đặt bếp, rơm để nấu cơm, luộc bánh, xào nấu thức ăn,...
2. Khu vực để chất đốt: Là nơi chứa rơm, củi, rạ, lá cây,... được ngăn cách với khu đặt bếp đun một khoảng trống vừa đủ để người ngồi đun nấu dễ dàng điều khiển trong bếp.
3. Khu vực sơ chế thức ăn: Là nơi bố trí dụng cụ và đồ dùng sơ chế biến thức ăn như: chạn bát, xoong nồi, dao thớt, ống đũa, rổ rá,...
Trong những ngày Tết, góc bếp nhỏ cũng chính là nơi làm nên không khí ấm áp nhất, đủ đầy nhất. Nếu ở phòng khách khiến ta thích thú với sắc đào hồng, mai vàng, thì nơi góc bếp dường như là cả một phiên chợ sắc màu với mấy bó lá dong xanh mướt, túm ớt đỏ tươi, rổ cà rốt cam rực rỡ, vài cọng rau thơm non mơn mởn... Chỉ vậy thôi cũng đủ làm xốn xang bếp Tết.
Bắt đầu từ ngày Táo Quân 23 tháng Chạp, nhà nào cũng làm một mâm cỗ cúng, để “tiễn đưa” ông Táo lên chầu trời tâu bày với Ngọc Hoàng chuyện làm ăn, bếp núc, đời sống gia đình trong suốt một năm qua. Rồi bếp đỏ lửa thơm hương nấu bánh chưng, bếp "ngọt ngào" với những món mứt ngon từ bàn tay mẹ.
Nhớ làm sao, chiều cuối năm, cũng trong gian bếp ấm cúng ấy, bữa cơm tất niên được dọn lên với những món ăn dân dã, bình thường từ bánh chưng, dưa hành, thịt gà, chả nem... cũng trở nên đặc biệt biết bao. Bởi trong đó gói ghém trọn vẹn tình cảm gia đình ấm áp, những câu chuyện sẻ chia vui buồn về một năm lao động, học tập và cả những háo hức bàn tính việc đón giao thừa, chào mừng năm mới...
Mặc cho những suy chuyển của thời gian, ngày trước là sự hiện hữu của bếp củi, bếp than hay ngày nay là bếp ga, bếp điện, việc nấu nướng trong mỗi căn bếp trở nên đơn giản, thuận tiện hơn. Hay sự bận rộn khiến người ta ít có thời gian vào bếp hơn mà thay bằng những đồ ăn, thực phẩm chín mua sẵn... Song, dù có thay đổi thế nào thì trong mỗi ngôi nhà của người Việt, bếp vẫn là nơi âm thầm sưởi ấm cho từng căn nhà.
Hoàng Thị Phương Lan