Đối với thế hệ 7x, 8x cái chạn bát dường như là người bạn tri kỉ lớn lên theo năm tháng. Đây được coi là kí ức, là kỉ niệm của một thời khó khăn, thiếu thốn -một thời gắn liền với gian bếp trong mọi gia đình người Việt Nam nói chung và người Hải Dương nói riêng.
Chạn bát - hay còn gọi là gạc-măng-giê (garde manger) được làm bằng gỗ, là vật dụng rất quen thuộc trong thời bao cấp. Đây là nơi cất giữ thức ăn chống ruồi, muỗi, chuột, gián, để mèo không ăn vụng được. Và, để tránh lũ kiến leo lên, người ta còn kê 4 cái chân chạn lên 4 cái bát cũ, đổ ngập nước. Với những đứa trẻ ngày xưa, cái chạn quen thuộc ấy chẳng khác gì cái “tủ lạnh thần kỳ” bây giờ, lúc nào cũng có thức ăn hoặc hoa quả, bánh trái mà bà và mẹ cẩn thận cất đi.
Cái chạn đã gắn bó với mỗi gia đình Việt Nam qua rất nhiều năm khốn khó, lũ trẻ con đi học, đi chơi về đến nhà là lục chạn xem có gì ăn không, có khi chỉ là củ khoai, củ sắn hấp cơm còn để lại trong cái bát chiết yêu miệng loe, có khi là lọ muối vừng, bát mắm dở, tý tép rang, vài quả cà thâm đen, ... cũng đủ để ăn nốt bát cơm nguội cho ấm bụng.
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đang lưu giữ, bảo quản 02 chiếc chạn, 01 chiếc chạn tre và 01 chiếc chạn gỗ. Tại trưng bày chuyên đề “Nhớ về Thời bao cấp” chúng tôi lựa chọn chiếc chạn sưu tầm của gia đình bà Nguyễn Thị Sỹ, thôn An Tân, xã Cẩm Định (nay là xã Định Sơn), huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Chiếc chạn do những người thợ mộc trong làng đóng và đã được gia đình bà sử dụng từ năm 1972.
Chạn làm bằng chất liệu gỗ chắc chắn, có kích thước dài 80cm, rộng 40 cm và cao 120cm. Chạn gồm có 3 tầng. Tầng trên cùng bưng kín 3 mặt, mặt chính phần cánh cửa tạo lưới thoáng mát, có một miếng gỗ nhỏ để chốt. Nóc chạn thường là nơi gác mâm, úp lồng bàn, rổ rá. Tầng giữa tạo những thanh chấn song để úp bát đĩa. Tầng dưới cùng không có cánh cửa dùng để xoong nồi. Bên cạnh là ống tre để đựng đũa cả, đũa xào,...
Năm 2016, gia đình bà Sỹ đã tặng chiếc chạn cho Bảo tàng tỉnh Hải Dương để bảo quản và gìn giữ lâu dài. Và, hiện nay đang được trưng bày trong tổ hợp gian bếp tại không gian trưng bày chuyên đề “Nhớ về Thời bao cấp”.
Ngày nay, cuộc sống đã đủ đầy hiện đại hơn, cái chạn trong mỗi gia đình được thay thế bằng những tiện nghi sang trọng thì ít ai còn biết đến những chiếc chạn bát xuất hiện ở khoảng đầu thế kỉ 20 từng là vật dụng không thể thiếu của ông cha ta. Có chăng chỉ là những hình ảnh cũ kỹ trong ký ức về một thời đã xa.
Lê Thị Thủy Ngọc - Phòng Trưng bày