Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã có nhiều hoạt động đổi mới nhằm tuyên truyền, giới thiệu và lan tỏa những di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của tỉnh nhà đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa, cách mạng, yêu nước của địa phương.
Với mong muốn tiếp tục giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc đến với công chúng,giúp khách tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Nhân dịp đón xuân Quý Mão (2023),Bảo tàng tỉnh Hải Dương xây dựng Kế hoạch tổ chức trưng bày chuyên đề “Tết Việt xưa và Gốm nghệ thuật”tại Bảo tàng tỉnh. Trưng bày gồm 3 nội dung chính:
Nội dung 1: Trưng bày chuyên đề “Không gian Tết Việt xưa”
- Trưng bày, giới thiệu những tư liệu, tài liệu, hình ảnh, hiện vật về phong tục, tập quán, nghi lễ đón Tết Nguyên Đán của người Việt như: Tết ông Công, ông Táo, dựng cây nêu, lễ tất niên, lễ giao thừa, lễ hóa vàng... và các hoạt động chuẩn bị đón Tết vui xuân trong mỗi gia đình,...
Nội dung 2: Trưng bày Gốm nghệ thuật
- Trưng bày 52 tác phẩm của 4 tác giả là thành viên thuộc Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật Hải Dương.
Nội dung 3: Không gian Chợ Tết và hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian
- Phục dựng một số gian hàng trưng bày đồ nông sản, đồ khô, bánh kẹo, hoa, quả, đồ gốm, đồ mã, thư pháp...; hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng, nặn tò he, trang trí thiệp chúc Tết, bao lì xì, viết thư pháp…và các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, bịt mắt đánh trống, chơi ô ăn quan, kéo co...
Ngay sau khi Kế hoạch được xây dựng, Ban lãnh đạo Bảo tàng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng chuyên môn, từng cá nhân trong cơ quan. Cùng với việc sắp xếp tài liệu, hình ảnh, hiện vật, xây dựng maket để làm sinh động hơn không gian trưng bày, thể hiện một cách chân thực nhất về không gian Tết Việt xưa, Bảo tàng tỉnh đã tái hiện lại không gian Tết với 4 mảng chính: 1 góc chợ đình ngày Tết, Ban thờ ngày Tết, không gian bếp ngày Tết và các gian chợ Tết xưa.
Để bảo đảm đúng tiến độ, ngay từ những ngày đầu triển khai Kế hoạch, viên chức, lao động Bảo tàng tỉnh đã tích cực chủ động mọi công việc bám sát nội dung, mua sắm nguyên vật liệu bắt tay vào xây dựng từng mảng trưng bày. Từ những cây tre, cây dóc, những tấm lá cọ nhưng dưới những đôi bàn tay khéo léo của các cán bộ Bảo tàng, từ góc chợ đình, căn bếp Việt đến những gian chợ Tết xưa đã dần được hình thành. Những thanh sắt khô cứng cũng được thổi hồn tạo nên cây đa cổ thụ giúp khách tham quan được hoài niệm và trở về với những giá trị truyền thống.
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang khẩn trương hoàn thành công tác dàn dựng. Việc tái hiện lại Không gian Tết xưa tại Bảo tàng tỉnh, giúp khách tham quan có cơ hội hiểu hơn về phong tục tập quán trong những ngày Tết của người Việt xưa. Qua đó khơi dậy niềm tự hào, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha trong cuộc sống đương đại. Đồng thời tạo không gian văn hóa vui xuân, đón Tết cổ truyền, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho công chúng trong dịp Tết Quý Mão (2023).
Trưng bày chuyên đề “Tết Việt xưa và Gốm nghệ thuật”dự kiến khai mạc ngày 11/01/2023 và sẽ mở cửa phục vụ công chúng đến hết ngày 06/02/2023./.
Thủy Ngọc