BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH

         Đình Cả ở phường Việt Hòa là một trong những nơi thờ Đức Thánh Khai Thiên Thể Đạo - một vị tướng tài giỏi dưới thời Hùng Vương thứ 18.
 
 
Đình Cả nơi thờ Đức Thánh Khai Thiên Thể Đạo
 
         Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, đình Cả là di tích thuộc thôn Lam Kiều, xã Chi Các, tổng Đan Tràng, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, xã Chi Các cùng với các xã: Hàn Trung, Đồng Niên và Địch Hòa chuyển thành thôn và hợp thành 1 xã mới lấy tên là Tân Dân. Đến năm 1946, sau cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân của xã và tỉnh, xã Tân Dân đổi thành xã Việt Hòa, năm 1956 đổi thành xã Cẩm Hòa đến năm 1967 lại đổi lấy lại tên xã là Việt Hòa. Đến tháng 11 năm 1969, theo Nghị định của Hội đồng Chính phủ, xã Việt Hòa, huyện Cẩm Giàng được cắt chuyển về thị xã Hải Dương.
         Ngày 19/3/2008 theo Nghị định 30/2008/NĐ-CP của Chính phủ, xã Việt Hòa được nâng cấp thành phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, theo đó làng Chi Các được chia thành 2 khu: khu 1, khu 2 thuộc phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương.
 
Sự tích lưu truyền
 
         Theo Thần tích-thần sắc năm 1938 do Hương lý, kỳ hào làng Chi Các kê khai, hiện lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội Hà Nội và truyền ngôn trong nhân dân: Vào đời Hùng Vương thứ 18, tại làng Chi Các, có một người đàn bà nghèo khổ, mò cua, bắt ốc kiếm sống qua ngày. Vào một ngày tháng 8, trời nổi giông to, gió lớn, bà chui vào gầm cầu đá để tránh mưa.Trời tạnh, bà lên cầu chợt thấy có vết chân lạ to khác thường, liền ướm thử. Không ngờ từ đó bà mang thai. Thấy vậy, hương lão, chức dịch trong làng bắt bà phạt vạ, do không có tiền bà bị đuổi ra khỏi làng. Khi đến bến đò Phương Độ, bà làm thuê kiếm sống qua ngày và được người dân nơi đây che chở, bao bọc. Vào ngày rằm tháng 8 năm sau, bầu trời trong xanh vời vợi, không khí mát mẻ khác thường, bà sinh hạ một bé trai, mặt mũi khô ngô tuấn tú, đặc biệt sau lưng có bốn chữ “Khai Thiên Thể Đạo” màu son đỏ. Lớn lên, cậu bé rất thông minh, nhanh nhẹn. Tiếng lành đồn xa, triều đình cử sứ giả về bến Phương Độ thăm dò. Quả đúng như lời đồn, Vua hạ chỉ đón hai mẹ con bà về kinh đô, từ đây cậu bé được ăn học trở thành một tráng sĩ văn võ song toàn, tài năng đức độ.
         Vào cuối thời Hùng Vương thứ 18, nước ta có giặc Xích Quỷ đến quấy phá, xâm chiếm lãnh thổ.Quân giặc có tài đánh dưới nước, tàn phá, cướp bóc dã man gây cho người dân biết bao cực khổ. Vua Hùng rất lo lắng, trước tình thế nguy cấp, Khai Thiên Thể Đạo liền tâu với Vua xin được cầm quân đánh giặc. Vua liền phong cho ông chức Đại tướng quân, tổng chỉ huy thủy bộ.Trong quá trình cầm quân, ông luôn lấy đoàn kết làm trọng, coi tình quân sĩ như anh em, thương dân như con nên được quân lính và nhân dân hết lòng ủng hộ.Ông tổ chức binh sĩ luyện tập dưới nước không kể ngày đêm, lợi dụng lúc thủy triều xuống mới cho quân xung trận. Khi giao chiến với quân giặc, dùng thuyền nhỏ, đầu thuyền có một vị tiểu tướng đầu chít khăn đỏ, cầm đao chỉ huy quân và múa đao như rồng bay phượng múa. Các thuyền quân sĩ đồng loạt theo sau, tiến đánh ào ào. Chẳng mấy chốc, quân giặc đã bị đánh tan tành, tháo chạy tán loạn.
         Tin thắng trận đến triều đình, Vua rất vui mừng, khen ngợi công lao tài trí của ông và phong tặng bốn chữ “Hùng vĩ Việt vương” (Người Việt hùng vĩ). Đất nước trở lại thanh bình, ông xin về thăm quê hương, bản quán.Ngày 25 tháng 11 (âm lịch) ông mất.Cảm phục trước tài năng, đức độ và lòng dũng cảm của ông, nhân dân gọi ông là Đức thánh thủy tiên.Trải qua các triều đại, ông đươc tặng 17 sắc phong vào các năm: Vĩnh Khánh thứ 2 (1730); Cảnh Hưng thứ 28 (1767); Cảnh Hưng thứ 44 (1783); Chiêu Thống thứ nhất (1787); Quang Trung thứ 4 (1791); Cảnh Thịnh thứ 4 (1796); Tự Đức thứ 6 (1853); Tự Đức thứ 33 (1880); Đồng Khánh thứ 2 (1887); Duy Tân thứ 3 (1909); Khải Định thứ 2 (1917); 6 sắc năm Khải Định thứ 9 (1924). Tuy nhiên, trải qua thời gian và chiến tranh các sắc phong này đã bị thất lạc, nay không còn. Đây thật là điều đáng tiếc.
 
Nhân dân thờ phụng
 
         Để tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông, nhân dân Lam Kiều và Phương Độ đã tôn ông làm Thành hoàng làng và xây dựng đình hương hỏa thờ phụng cho đến ngày nay.
         Theo các nguồn tài liệu lưu trữ tại di tích và tương truyền cho biết, đình Cả được khởi dựng khá sớm,trùng tu thời hậu Lê và thời Nguyễn, là ngôi đình hàng xã nên được xây dựng to đẹp, vững chắc, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 7 gian đại bái, 2 gian hậu cung. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ lim, kết cấu khung vì kiểu con chồng giá chiêng.Tại tòa đại bái có nhiều bức chạm khắc nghệ thuật tứ linh, tứ quý. Công trình được tọa lạc trên thế đất thiêng, toàn bộ ngôi đình được ví như đầu rồng, phía trước có hai giếng tròn được gọi là hai mắt rồng, qua cổng đình có con đường cái được gọi là râu rồng. Từ đình ra đường cái làng có một cây cầu đá, bắc qua con ngòi được gọi là mũi rồng.Qua cầu đá và đường làng là một ao đình lớn được gọi là miệng rồng.Năm 1947 đình bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn.Đến năm 2010 chính quyền và nhân dân địa phương đã khôi phục lại ngôi đình trên nền đất cũ. Cũng từ đây, đình Cả phối thờ Tôn Thời Quân là một viên tướng của triều đình bị chết trôi trên sông Thái Bình và hai vị tướng người làng là hai anh em ruột Phạm Đức Quang và Phạm Đức Cảnh có công đánh giặc Triệu Đà, đem thái Thái Bình cho đất nước vào thời kỳ đầu dựng nước.Hiện nay công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái xây đao tàu déo góc và 2 gian hậu cung, chất liệu bằng bê tông cốt thép sơn màu giả gỗ. Hiện trong đình còn đôi câu đối ca ngợi công lao của Đức Thánh Khai Thiên Thể Đạo.
Phiên âm: Đức đại phù Hùng, tính danh lưu sử sách,
                  Công cao hộ quốc, huân liệt chấn sơn hà.
Dịch nghĩa: Đức lớn giúp nhà Hùng, tên tuổi lưu truyền sử sách,
                     Công cao bảo vệ nước, oanh liệt nổi tiếng non sông.
         Hàng năm, tại đình Cả diễn ra các kỳ lễ hội:Ngày 10 tháng 3 (âm lịch)lễ vào đám; ngày 15 tháng 8 (âm lịch)kỷ niệm ngày sinh của Đức Thánh Khai thiên Thể Đạo; ngày 25 tháng 11 (âm lịch) kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh Khai Thiên Thể Đạo. Trong đó lễ hội lớn là vào 10 tháng 3 (âm lịch) được tổ chức trong ba ngày, từ ngày mồng 9 đến ngày 11, đây cũng là dịp lễ người dân kỷ niệm ngày giỗ tổ Hùng Vương. Tại phần lễ có tổ chức tế và rước Thành hoàng, phần hội là các trò chơi dân gian như đi cầu kiều, bắt vịt, đánh cờ tướng, hát chèo... thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách trong vùng.Với các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, năm 2013 đình Cả được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ra Quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.
 
                                                   NGUYỄN HẠNH
                                                    Phòng Nghiên cứu lịch sử địa phương
Các tin mới hơn
XÃ CẨM HOÀNG (HUYỆN CẨM GIÀNG) TỔ CHỨC LỄ ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH CẤP TỈNH ĐÌNH PHÍ XÁ (19/04/2024)
KHẢO SÁT DI TÍCH XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA NĂM 2024(16/04/2024)
THÔNG BÁO DANH MỤC DI TÍCH XÂY DỰNG HỒ SƠ XẾP HẠNG NĂM 2023(30/06/2023)
KHẢO SÁT DI TÍCH ĐỀ NGHỊ XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA(09/05/2023)
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC MỞ RỘNG XÉT DUYỆT HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH NĂM 2022(12/12/2022)
Các tin cũ hơn
LỄ GIỖ TỔ THẬP NHỊ GIA TIÊN - NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG LỄ HỘI ĐỀN CAO (CHÍ LINH)(30/03/2022)
PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI DU LỊCH TÂM LINH TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG CỔ THÀNH, THÀNH PHỐ CHÍ LINH, TỈNH HẢI DƯƠNG(28/03/2022)
KHẢO SÁT THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP LÃNH BINH PHẠM XUÂN QUANG(25/03/2022)
NGHIÊM QUANG TỰ NGÔI CHÙA CỔ GẮN LIỀN VỚI TÊN TUỔI ĐẠI DANH Y THIỀN SƯ TUỆ TĨNH(21/03/2022)
NGUYỄN LƯƠNG BẰNG NGƯỜI CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG KIÊN TRUNG(21/03/2022)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín