BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH

         Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 02 tháng 4 năm 1904 tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm (nay là thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Ông là con trai út trong gia đình nhà Nho nghèo có 4 chị em. Cha ông làm nghề dạy học, mẹ làm nghề hàng xáo. Ông được cha dạy chữ Nho và được cho đi học chữ Quốc ngữ, dẫu không học được nhiều nhưng đã giúp ông hiểu ra rằng, chỉ có tri thức mới có thể giúp con người thay đổi.
 
 
 
 
 Chân dung đ.c Nguyễn Lương Bằng
 
         Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước lầm than, cuộc sống của nhân dân cực khổ dưới ách thống trị thực dân phong kiến. Nguyễn Lương Bằng phải chịu chung cảnh tủi nhục đó với dân tộc. Năm 14 tuổi cha ông qua đời, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn. Năm 15 tuổi ông đi học may đến năm 17 tuổi rời làng xuống Hải Phòng tìm việc kiếm sống. rải qua nhiều công việc như: phụ bếp cho khách sạn; giúp việc gia đình người Pháp, người Ấn ở Hải Phòng. Với đồng lương ít ỏi của mình nhưng ông vẫn quyết tâm trích chút tiền thuê thầy dạy tiếng Pháp để có thể nói và hiểu được ngôn ngữ của người Pháp. Mùa thu năm 1925 nhờ người quen giới thiệu, Nguyễn Lương Bằng được nhận làm công cho tàu Căng tông theo hải trình Hải Phòng - Hồng Kông, sau đó làm đầu bếp trên một chiếc tàu khác của Pháp ở Quảng Châu (Trung Quốc).
         Năm 1925 lần đầu tiên Nguyễn Lương Bằng đặt chân đến đất Quảng Châu, nơi đây là trung tâm cách mạng của Trung Quốc, tại đây lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bắt đầu công cuộc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 6/1925 tại Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Lương Bằng được đồng chí Hồ Tùng Mậu giới thiệu vào Hội, lễ kết nạp có sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, khi đó Nguyễn Lương Bằng mới 21 tuổi và là hội viên thứ sáu. Nhận thức rõ lý luận cách mạng, tháng 6/1926 đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tình nguyện xin về nước để hoạt động cách mạng. Với nhiệm vụ cụ thể là tổ chức thiết lập đường dây liên lạc đường thủy giữa Hải Phòng - Hồng Kông - Quảng Châu để đưa thanh niên nước ta ra ngoài và chuyển tài liệu sách báo nước ngoài về nước. Từ đây chủ nghĩa Mác - Lên nin được lan rộng khắp nơi, trong đó có cả Hải Dương quê hương của đồng chí. Cũng trong thời gian này một số hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên đã về Hải Dương để tiếp tục truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin, gây dựng cơ sở góp phần thành lập các tổ chức quần chúng có tính chất cách mạng như: Hội Tương tế, Hội Ái hữu, Nông hội. Một số cơ sở còn thành lập được chi bộ của Hội như: mỏ than Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh), thôn Đọ Xá (Hoàng Tân, Chí Linh),...Cuối năm 1929 đồng chí được điều động trở lại Thượng Hải (Trung Quốc) để xây dựng cơ sở cách mạng trong Việt Kiều và làm công tác binh vận. Nguyễn Lương Bằng đã gia nhập nhóm cộng sản đầu tiên của người Việt ở nước ngoài.
         Tháng 5/1931, mật thám Anh bắt được đồng chí tại Quảng Châu và đưa về Sài Gòn, sau đó dẫn về nhà tù Hải Dương giam giữ. Tại Hải Dương đồng chí đã bí mật vận động anh em trong tù đấu tranh. Tháng 8/1932 chúng đưa đồng chí ra xét xử tại tòa án thị xã Hải Dương. Trước sự đấu tranh của nhân dân, thực dân Pháp lại đưa đồng chí về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Trong những ngày ở Hỏa Lò đồng chí đã hăng hái cho thành lập chi bộ Đảng trong nhà tù, được anh em bầu chọn làm đại diện trong các cuộc đấu tranh đòi cải thiện nhà tù. Chính trong các cuộc đấu tranh trong tù Hỏa Lò này đồng chí có thêm bí danh “Sao Đỏ” (Người tù đỏ). Ngày 24/12/1932 đồng chí Nguyễn Lương Bằng và một số đồng chí khác đã vượt ngục thành công, trở về Hải Dương - nơi thực dân Pháp không ngờ nhất để tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng. Tháng 01/1933 đồng chí đã đến xã Phạm Kha (huyện Thanh Miện) tìm đến nhà ông Cửu Tần (một tù nhân được ông giác ngộ ở nhà tù Hải Dương) để nhờ liên lạc với người nhà ở Đoàn Tùng (huyện Thanh Miện) tiếp tục hoạt động. Giữa năm 1933, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cho xuất bản tờ báo “Công nông” và truyền đơn gửi đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Qua tờ báo và truyền đơn, quần chúng đã hiểu được về Đảng, về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và chủ nghĩa Mác - Lê nin. Đồng thời, liên kết những thanh niên tiến bộ lại với nhau, thúc đẩy phong trào phát triển. Trước những việc làm của đồng chí Nguyễn Lương Bằng thực dân Pháp đã cho truy lùng gắt gao, và cuối cùng đồng chí lại bị thực dân Pháp bắt, chúng kết án tù chung thân và đày đi Sơn La. Giữa năm 1943, đồng chí lại vượt ngục và trở về hoạt động cách mạng. Tháng 10/1943 đồng chí liên lạc với Trung ương Đảng và được chỉ định làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận. Đứng đầu Mặt trận Việt Minh, là Tổng Trưởng tài chính của Tổng bộ Việt Minh. Cuối năm 1943 đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử về ATK (An toàn khu) ở ven Hà Nội và nhận nhiệm vụ binh vận. Sang năm 1944 đồng chí được giao phụ trách tài chính của công tác Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Đồng chí đã đề nghị Thường vụ Trung ương cho phát hành tín phiếu và đã được đồng ý.
         Năm 1945 tại Hội nghị toàn quốc của Đảng đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào đồng chí đã được bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Toàn quốc. Trong Cách mạng Tháng tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là đại diện của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh cùng một số đồng chí khác vào Huế tịch thu ấn tín của vua Bảo Đại. Ngày 28/8/1945 Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam đổi thành Chính phủ lâm thời. Nghe theo tinh thần đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng xin rút khỏi Ủy ban Thường trực của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam để nhường chỗ cho các thân sỹ yêu nước còn ở ngoài Mặt trận Việt Minh sang làm công tác Mặt trận với trách nhiệm là Tổng Thư ký. Đánh giá việc làm này của đồng chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân”. Từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến khi đồng chí từ trần (tháng 7/1979), đồng chí liên tục là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Từ Đại hội Đảng lần thứ III đến Đại hội Đảng lần thứ IV đồng chí là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Lương Bằng lần lượt giữ chức vụ: Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô. Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Tổng Thanh tra Chính phủ.
          Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa III, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
        Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ cách mạng kiên cường, bất khuất, trí dũng song toàn. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng ở cương vị nào đồng chí cũng xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần cao cả; là tấm gương sáng về đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư và tác phong cần cù giản dị. Tâm niệm trong sáng suốt đời của đồng chí là “Làm thì nhìn lên, hưởng thụ thì nhìn xuống” đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cảm phục, các đồng chí kính trọng gọi bằng cái tên thân mật “Anh Cả”. Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Đảng và Nhà nước ta truy tặng “Huân chương Sao vàng”. Tên ông được đặt cho các phố ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Dương... Ngoài ra, tên của đồng chí được đặt cho nhiều trường học trên địa bàn cả nước như: Hải Dương, Yên Bái, Hải Phòng, Hà Nội,...Bên cạnh đó tên ông còn được đặt cho giải thưởng ngành báo chí của tỉnh Hải Dương được tổ chức 5 năm một lần, bắt đầu từ năm 2000. Đây là giải thưởng cao nhất giành cho những tác phẩm báo chí xuất sắc của tỉnh. Giải mang tên Nguyễn Lương Bằng - một chiến sỹ cách mạng nổi tiếng trên quê hương Thanh Miện Hải Dương./.
 
                                                             ĐỖ ĐÌNH QUYẾT
                                                          Trưởng phòng Bảo tồn di tích
Các tin mới hơn
THÔNG BÁO DANH MỤC DI TÍCH XÂY DỰNG HỒ SƠ XẾP HẠNG NĂM 2023(30/06/2023)
KHẢO SÁT DI TÍCH ĐỀ NGHỊ XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA(09/05/2023)
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC MỞ RỘNG XÉT DUYỆT HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH NĂM 2022(12/12/2022)
HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI KIỂM KÊ KHOA HỌC, ĐĂNG KÝ CỔ VẬT HUYỆN NAM SÁCH LẦN II, NĂM 2022(19/10/2022)
HỘI NGHỊ KHOANH VÙNG BẢO VỆ DI TÍCH(11/10/2022)
Các tin cũ hơn
PHO TƯỢNG ĐỘC ĐÁO TRONG NGÔI CHÙA CỔ TRÊN ĐẤT HẢI DƯƠNG(17/03/2022)
ĐẢO CÒ - KHU DANH LAM THẮNG TÍCH(17/03/2022)
XÃ AN SƠN VÀ DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH CHÙA CÕI(16/03/2022)
NHÀ KHOA BẢNG TÀI, ĐỨC VẸN TOÀN(15/02/2022)
NGÔI CHÙA CÓ SƯ THẦY LÀ LIỆT SĨ(07/02/2022)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín