BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
CHUYÊN MỤC 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1988-2018)

Nguyễn Văn Mục
Nguyên Trưởng Ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, công tác bảo tồn bảo tàng tỉnh Hải Dương đã được tiến hành. Từ năm 1956 - 1968, chỉ với số người ít ỏi, điều kiện làm việc khó khăn nhưng với sự nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp, các cán bộ làm công tác bảo tàng đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào: Việc sưu tầm được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, phục vụ nghiên cứu, trưng bày tuyên truyền; công tác lập hồ sơ xếp hạng hàng chục di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu; tổ chức kiểm kê di tích kết hợp các hoạt động giáo dục kể chuyện truyền thống lịch sử trong toàn tỉnh đạt hiệu quả và đã được Bộ Văn hóa tặng cờ “Đơn vị thi đua khá nhất” ngành bảo tồn, bảo tàng địa phương năm 1968. Cùng lúc này, phong trào xây dựng nhà truyền thống xã, huyện và nhà lưu niệm đang nở rộ ở nhiều địa phương. Phòng Bảo tồn Bảo tàng đã tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức trưng bày chuyên đề tại thị xã và đi lưu động ở các huyện, xã, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Công tác lập hồ sơ, sổ sách đăng ký tài liệu, hiện vật lưu giữ trong kho bảo quản được Vụ Bảo tồn Bảo tàng (Bộ Văn hóa) chọn làm điểm điển hình.
Những kết quả ban đầu ấy là nền tảng, cơ sở để năm 1985, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Hưng quyết định cho xây dựng nhà Bảo tàng tỉnh. Vị trí đất xây dựng Bảo tàng tỉnh lúc đầu thuộc xóm Gốc Mít, phía Tây trường cấp 3 phổ thông Hồng Quang (nay là Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh) thuộc xã Bình Hàn, thị xã Hải Dương (nay là phường Trần Phú, TP. Hải Dương) với diện tích trên 04 ha, (từ Đài Liệt sĩ TP. Hải Dương đến Nhà thi đấu Thể thao). Tôi cùng với ông Vũ Đức Bảo (Phó phòng Kế hoạch Tài vụ, Ty Văn hóa - Thông Tin) được giao nhiệm vụ nhận bàn giao đất và tiến hành kiểm kê tài sản, hoa màu của gần 20 hộ gia đình để tính tiền đền bù, tổ chức san lấp mặt bằng xây dựng nhà Bảo tàng tỉnh. Khi công việc đền bù, giải phóng mặt bằng và thiết kế công trình đang diễn ra thì năm 1987, sau khi xét thấy vốn đầu tư có hạn, việc thi công có thể kéo dài, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 314/QĐ-UB giao khu KII rộng 4.800m2 (nguyên là cơ sở 3 của trường Nguyễn Ái Quốc cũ) cho Sở Văn hóa - Thông tin cải tạo làm nhà Bảo tàng tỉnh.
Ngày 15 tháng 6 năm 1988, UBND tỉnh Hải Hưng quyết định thành lập Bảo tàng Hải Hưng (nay là Bảo tàng Hải Dương) và chọn địa điểm xây dựng ở cơ sở 5 Trường Nguyễn Ái Quốc tại số 11, đường Hồng Quang, thị xã Hải Dương với diện tích gần 4.800m2 , đến năm 1991 bổ sung thêm 3.400m2. Đây là địa điểm trung tâm của thị xã, thuận tiện cho nhân dân đến tham quan, học tập.
Với một số công trình để lại của trường Nguyễn Ái Quốc như: Hội trường, thư viện, nhà bảo vệ nhưng trong tình trạng bị bỏ hoang và xuống cấp (do Trường đã chuyển về Hà Nội 2 năm trước). Những ngày đầu tiếp quản cơ sở, phòng Bảo tồn Bảo tàng có 2 cán bộ (tôi và đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lan) ra quản lý đã gặp rất nhiều khó khăn: điều kiện cơ sở vật chất, điện, nước phải nhờ nhà dân, an ninh trật tự khá phức tạp (trộm cắp, tệ nạn) vì gần Ga xe lửa Hải Dương. Mặc dù khó khăn, những những lớp cán bộ đầu tiên như chúng tôi vẫn vui vẻ, tích cực làm việc với tâm trạng phấn khởi khi nhìn về tương lai có một Bảo tàng tỉnh mà bao thế hệ cán bộ tâm huyết với nghề đã từng mơ ước.
Từ nhận thức không có trưng bày thì không có bảo tàng, trưng bày là bộ mặt của bảo tàng, là nơi đầu tiên công chúng tiếp cận và biết tới hoạt động bảo tàng nên việc đầu tiên chúng tôi tiến hành là nghiên cứu, trình phương án tu sửa, cải tạo Hội trường làm Nhà trưng bày của Bảo tàng. Hội trường của trường Nguyễn Ái Quốc được xây dựng từ năm 1962, do kiến trúc sư Nguyễn Văn Kiểm thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống gồm hai tầng tám mái, có nhiều cửa và hành lang rộng bao quanh. Để đáp ứng yêu cầu trưng bày bảo tàng và phù hợp với điều kiện thực tiễn, chúng tôi đề xuất phương án xây thêm tầng, xây bịt cửa phía sau và mở rộng sảnh về phía trước. Như vậy sẽ tăng thêm diện tích trưng bày mà không phá vỡ hình dáng, phong cách kiến trúc công trình, đồng thời khi được tu sửa, đã bổ sung họa tiết đao mái sẽ tăng thêm nét đẹp kiến trúc truyền thống cho công trình. Đơn vị thực hiện cải tạo, xây dựng nhà trưng bày do Công ty Xây lắp 4 - Sở Xây dựng thi công hơn 01 năm (đầu năm 1990) thì hoàn thành.
Cùng với việc cải tạo nhà trưng bày, việc xây dựng kho bảo quản cũng được xây dựng để lưu giữ bảo quản tài liệu hiện vật. Vị trí xây dựng kho liền kề với nhà trưng bày tạo thuận lợi cho hoạt động của bảo tàng, nhất là hoạt động xây dựng nội dung trưng bày. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí và nhận thức, nhưng với sự nỗ lực, vượt khó, công việc xây dựng kho cũng đã được hoàn thành. Toàn bộ tài liệu, hiện vật (lúc này đang lưu giữ tại khu Triển lãm của tỉnh với điều kiện bảo quản, làm việc rất khó khăn) đã được chuyển về kho bảo quản và tiến hành chỉnh lý, lập hồ sơ khoa học, lựa chọn hiện vật chuẩn bị, kịp thời phục vụ cho trưng bày.
Về nhân lực: đội ngũ cán bộ công tác ở Bảo tàng Hải Hưng thời gian mới thành lập gồm các đồng chí: Tăng Bá Hoành, Nguyễn Văn Mục, Nguyễn Thanh, Bùi Hải Ưng, Lê Xuân Quý, Đào Phạm Tuyến, Diêm Công Quang, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Vũ Thị Phương Liên, Lê Thị Dự, Phan Thị Trinh, Dương Kim Loan, An Văn Mậu. Sau dần được bổ sung: Nguyễn Thị Ánh, Phạm Trung Hiếu, Hoàng Oánh, Vũ Xuân Tỉnh và Nguyễn Thị Liên,… Nhóm cán bộ làm nhiệm vụ tại Khu di tích Côn Sơn-Kiếp bạc gồm: Vũ Văn Xu (phụ trách), Phạm Khắc Hồng, Cao Xuân Khánh và Đinh Thị Lợi.
Năm 1992, Ban Thông sử sáp nhập với bảo tàng, đội ngũ cán bộ được bổ sung gồm: Đặng Đình Thể, Nguyễn Duy Cương, Vũ Danh Thắng, Đào Thị Hoa, Nguyễn Khắc Minh càng làm cho Bảo tàng Hải Dương thêm vững mạnh.
Công tác Đảng tại Bảo tàng, năm 1990 được thành lập Chi bộ gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Mục - UVBTV, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy làm Bí thư chi bộ, các đảng viên: Tăng Bá Hoành, Vũ Văn Xu, Bùi Hải Ưng, Phạm Khắc Hồng, Đặng Đình Thể, Vũ Danh Thắng, Nguyễn Duy Cương, Nguyễn Khắc Minh, Vũ Hữu Trạch, Lê Thị Dự… Các đảng viên lúc đó đều là hạt nhân lãnh đạo mọi nhiệm vụ của Bảo tàng.
Dấu ấn đầu tiên còn in đậm trong tôi là việc nhận thức tầm quan trọng của việc trưng bày vì, không có trưng bày sẽ không tuyên truyền, giới thiệu những giá trị lịch sử đến được với công chúng. Từ nhận thức đó, vừa cải tạo xây dựng công trình, vừa phải tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, lựa chọn và sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật đồng thời học hỏi, nghiên cứu, xây dựng đề cương trưng bày.
Việc trưng bày lúc này có những thuận lợi nhất định, khi được thừa kế nguồn tài liệu, hiện vật gốc sưu tầm từ hơn 30 năm trước của 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Các cán bộ bảo tàng đã được tập dượt, có kinh nghiệm, kiến thức từ các đợt tổ chức trưng bày nhà lưu niệm, nhà truyền thống cấp huyện, nên việc xây dựng đề cương trưng bày nhanh chóng được hoàn thành. Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, bảo tàng đã đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép Bảo tàng Hải Dương phối hợp (ký kết hợp đồng) với Bảo tàng Hồ Chí Minh - một Bảo tàng Quốc gia có đội ngũ cán bộ kinh nghiệm và cách tiếp cận bảo tàng học khá mới mẻ - để tổ chức thiết kế mỹ thuật và thi công trưng bày dưới sự chủ trì của Họa sĩ Nguyễn Khắc Thịnh (Bảo tàng Hồ Chí Minh) và cán bộ nội dung Nguyễn Đình Nhạ (nguyên là cán bộ Bảo tàng Hải Hưng, sau chuyển công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Theo đó, các cán bộ Bảo tàng Hải Dương chịu trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng nội dung; các họa sĩ và cán bộ thi công chịu trách nhiệm thiết kế, dàn dựng trưng bày. Trong quá trình thực hiện, để đảm bảo nội dung, giải pháp thiết kế đồng bộ, thể hiện đúng ý tưởng trưng bày, các bộ phận đã chủ động phối hợp chặt chẽ, luôn trao đổi, bàn bạc để đi đến thống nhất. Điều đó không chỉ giúp cho công trình, nội dung trưng bày đảm bảo chất lượng, hiệu quả mà đây còn là cơ hội để các cán bộ ở các lĩnh vực công việc học hỏi lẫn nhau, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Với phương pháp phối hợp khoa học như thế nên chưa đầy 5 tháng đã hoàn thành nội dung trưng bày.
Sau hơn 3 năm tích cực cải tạo, xây dựng, ngày Quốc khánh 2/9/1990, Bảo tàng Hải Hưng tổ chức Lễ khánh thành nhà trưng bày, mở cửa đón tiếp nhân dân tới tham quan học tập. Lễ khánh thành bảo tàng được tổ chức trọng thể trong niềm hân hoan, phấn khởi của các quý vị đại biểu khách quý và nhân dân, đặc biệt là cán bộ bảo tàng. Trong tháng đầu tiên, Bảo tàng Hải Hưng đã đón tiếp hàng ngàn lượt người đến tham quan từ các bậc lão thành cách mạng đến các cháu học sinh đến tham quan. Khi đến, họ đều chung một cảm xúc vui mừng, phấn khởi, dành tặng những lời khen ngợi cho đội ngũ cán bộ bảo tàng.
Sau 4 năm Bảo tàng đi vào hoạt động, để quản lý, phát huy hiệu quả hơn nữa di tích gắn với danh nhân tiêu biểu của dân tộc. Năm 1994, UBND tỉnh Hải Hưng quyết định thành lập Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và giao tôi phụ trách. Trong bối cảnh “khai sơn, lập địa”, biết đây là một công việc khó khăn, phức tạp nhưng tôi vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ và quyết tâm phấn đấu. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình như một “chiến sĩ công binh” trên mặt trận văn hóa. Ở đâu, vào thời điểm nào, khó khăn đến mấy, tôi đều nhận nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc và cùng đồng nghiệp đặt những viên gạch đầu tiên, xây dựng nền móng cho sự nghiệp văn hóa, sự nghiệp bảo tàng Hải Dương phát triển như ngày hôm nay.
Sau 30 năm nhìn lại, tôi thấy tự hào với những đóng góp của mình cho sự nghiệp bảo tồn bảo tàng. Nhân dịp 30 năm ngày thành lập Bảo tàng tỉnh Hải Dương, xin tri ân các đồng nghiệp Bảo tàng tỉnh, Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chân thành cảm ơn các cấp, các ngành, những tháng năm đầu tiên ấy, đã giúp đỡ, cùng tôi thực hiện, hoàn thành trọng trách một cách vẻ vang./.
Các tin mới hơn
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP(15/06/2023)
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG - 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN(23/05/2020)
CHÚC MỪNG BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG NHÂN KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP (23/05/2020)
HOẠT ĐỘNG BẢO TỒN BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG - HẢI HƯNG TRONG NHỮNG NĂM THÁNG CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (23/05/2020)
Các tin cũ hơn
NỬA THẾ KỶ NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ VÀ SỰ NGHIỆP BẢO TÀNG (23/05/2020)
VỊ THẾ CỦA BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG HỆ THỐNG BẢO TÀNG VIỆT NAM (23/05/2020)
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA XÃ HỘI CỦA TỈNH(23/05/2020)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín