BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
CHUYÊN MỤC 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1988-2018)


Vũ Văn Sinh
Nguyên Trưởng phòng Bảo tồn Bảo tàng Hải Dương 

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, hy sinh, công tác Bảo tồn Bảo tàng tỉnh Hải Dương - Hải Hưng dường như bế tắc, khó khăn. Song, với tinh thần quyết tâm, trong quá trình hoạt động đã vượt lên tất cả, phát huy nhiều sáng kiến, bám sát nhiệm vụ chính trị, phục vụ đắc lực cho sản xuất, chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trước tình hình đó, nhiệm vụ quan trọng số một là phải tìm địa điểm tương đối an toàn để sơ tán kho hiện vật. Bởi thị xã và các đầu mối giao thông như: cầu Phú Lương, cầu Lai Vu, bến Đò Hàn… đều nằm trong mục tiêu bắn phá của giặc Mỹ. Nếu chẳng may trúng bom địch oanh tạc phá hoại thì mọi công sức và những di sản chứng minh cho lịch sử dân tộc ở nhiều thời đại tan thành “mây khói” không gì có thể bù đắp lại được.
Từ suy nghĩ ấy, lúc đầu kho hiện vật được chuyển về đình Quý Dương, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (cách thị xã khoảng 10 km). Sau đó, nhận định chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng ác liệt, chúng không chỉ nhằm vào một số mục tiêu trong khu vực thị xã mà chúng còn có thể đánh phá rộng ra các vùng lân cận. Vì vậy, để bảo đảm an toàn kho bảo quản hiện vật, phòng Bảo tồn Bảo tàng một lần nữa phải chọn những hiện vật có giá trị đặc biệt chuyển đến một địa điểm xa hơn, hẻo lánh hơn đó là chùa Lâm, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ. Như vậy công việc đầu tiên và cũng là công việc quan trọng bậc nhất được hoàn thành, công tác bảo tồn bảo tàng có thể chuyển sang các hoạt động khác phục vụ sản xuất, chiến đấu tích cực hơn, kịp thời hơn.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn, đó là một truyền thống quý báu của ta! Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó biến thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó vượt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và lũ cướp nước”(1). Phát huy thế mạnh của công tác bảo tồn bảo tàng thời kỳ này là tập trung chủ yếu khơi dậy và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, phục vụ sản xuất và chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tiến tới giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Việc làm đầu tiên là “Tổ chức kiểm kê di tích lịch sử kết hợp với kể chuyện truyền thống”. Công việc này kéo dài từ năm 1968 - 1972. Để có số lượng cán bộ chuyên môn vừa làm công tác kiểm kê di tích, sưu tầm hiện vật, vừa tổ chức kể chuyện truyền thống, phòng Bảo tồn Bảo tàng tỉnh đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ làm công việc này. Đối tượng được tuyển chọn là những cán bộ văn hóa xã ở một vài huyện, thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ từ 20 - 25 ngày.
Việc tổ chức kiểm kê di tích lịch sử nếu chỉ phục vụ cho ngành chuyên môn thì không được nhân dân ủng hộ. Từ thực tiễn đó, mọi hoạt động phải kết hợp chặt chẽ với địa phương, nhiệm vụ chính trị đặt lên hàng đầu. Cụ thể là phải tuyên truyền, cổ vũ khơi dậy truyền thống giữ nước của dân tộc, đặc biệt là ôn lại các thành tích đã đạt được trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc và 9 năm kháng chiến trường kỳ để làm nên chiến công vĩ đại - chiến thắng lịch sử Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy Hải Hưng về “Kiểm kê di tích lịch sử kết hợp với kể chuyện truyền thống”, việc tổ chức được thực hiện theo kiểu “cuốn chiếu”, xong huyện này mới chuyển sang huyện khác. Công tác kiểm kê di tích: Chủ lực là các cán bộ chuyên môn kết hợp với các đồng chí cán bộ văn hóa xã. Ngoài ra, còn có sự giúp đỡ tích cực của giới phụ lão, những người am hiểu về đình, chùa, đền, miếu … hướng dẫn và cung cấp tư liệu.
Việc kể chuyện truyền thống thường được thực hiện vào các buổi tối. Để đạt kết quả cao, địa phương thường cho mời những người có thành tích tham gia cách mạng, kháng chiến có uy tín với địa phương (cán bộ lão thành cách mạng) kể lại những thành tích trong kháng chiến cho cán bộ và nhân dân địa phương. Thông qua những buổi kể chuyện, địa phương phát động thực hiện những nhiệm vụ trước mắt như: chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tuyển quân, đóng góp lương thực, thực phẩm,… cho Nhà nước.
Kết quả của kiểm kê di tích đã giúp cho phòng Bảo tồn Bảo tàng tỉnh nắm được tương đối chính xác về số lượng di tích. Trên cơ sở đó tiến hành nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị xếp hạng và hướng dẫn địa phương thành lập các “Tổ bảo vệ di tích”. Trong đợt kiểm kê di tích đã thu thập được khá nhiều hiện vật, Bảo tàng đã phân loại đưa hiện vật về kho bảo quản của tỉnh và hiện vật để ở huyện.
Kết quả của đợt kiểm kê di tích lịch sử và kể chuyện truyền thống đã giúp một số huyện xây được nhà truyền thống như: Kinh Môn, Văn Giang… Nhiều nhà truyền thống cấp xã cũng được xây dựng và đi vào hoạt động trong thời kỳ này như: Ninh Thành (Ninh Thanh), Hợp Tiến, An Châu (Nam Thanh), Lai Cách, Tân Trường (Cẩm Bình),…
Nhằm tuyên truyền, cổ vũ, bám sát cơ sở trong hoàn cảnh chiến tranh, với chủ đề phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước, phòng Bảo tồn Bảo tàng tỉnh đã chủ động tổ chức trưng bày lưu động đến các xã, huyện thường xuyên bị địch bắn phá như: Kim Môn, Nam Thanh, Chí Linh để động viên, khích lệ nhân dân sản xuất và chiến đấu. Bên cạnh đó, phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trưng bày lưu động tại huyện Châu Giang (nay thuộc 2 huyện Khoái Châu và Văn Giang tỉnh Hưng Yên), mỗi địa điểm phục vụ từ 5 đến 7 ngày, thu hút hàng nghìn lượt người đến xem. Tại di tích Kiếp Bạc (Chí Linh), phòng Bảo tồn Bảo tàng tỉnh xây dựng trưng bày “Trần Hưng Đạo với ba lần chiến thắng Nguyên - Mông (thế kỷ XIII)”, phục vụ khách tham quan, tưởng niệm trong những ngày lễ hội.
Nội dung trưng bày chủ yếu khơi dậy truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, tỉnh qua các giai đoạn lịch sử. Nhiều hình ảnh về các trận địa phòng không, hình ảnh phong trào “tay cày - tay súng” và “tay búa - tay súng”. Những hình ảnh về trận địa, mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi, cùng với quân trang, đồ dùng của tên giặc lái Mỹ bị ta bắt sống trong chiến thắng trận đầu bắn rơi máy bay Mỹ tại cầu Lai Vu ngày 05/11/1965. Mỗi cuộc trưng bày lưu động chỉ với 5 đến 7 cán bộ phụ trách và thuyết minh, vài chiếc xe ba - gác thô sơ, từ 2 - 3 ngọn đèn măng xông là cũng đủ ánh sáng để phục vụ vào những buổi tối. Những đợt trưng bày lưu động của phòng Bảo tồn Bảo tàng tỉnh đã được cán bộ, nhân dân các địa phương nhiệt liệt hưởng ứng và đánh giá cao.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ diễn ra ác liệt, phòng Bảo tồn Bảo tàng tỉnh còn cộng tác đắc lực với phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng nội dung truyền thống lực lượng vũ trang Hải Hưng phục vụ tại địa phương và tham gia trưng bày tại Quân khu III đạt kết quả tốt. Kế thừa trưng bày lưu động này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã xây dựng thành Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh, nhằm giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ lâu dài.
Ngoài những công việc bám sát nhiệm vụ chính trị kể trên, những lúc giao thời Mỹ tạm ngừng ném bom từ năm 1968 - 1972, phòng Bảo tồn Bảo tàng tỉnh tranh thủ phối hợp với các địa phương tổ chức tu bổ, tôn tạo những di tích bị xuống cấp do năm tháng và chiến tranh như: chùa Đông Cao (Ninh Thanh); đình Huề Trì (Kim Môn); chùa Đồng Ngọ (Nam Thanh)… Đặc biệt là đã tiến hành di chuyển an toàn chùa Giám (Cẩm Giàng) vào nội đồng để giải phóng dòng chảy sông Thái Bình. Đắp đê quai bảo vệ di tích lịch sử đền Kiếp Bạc (Chí Linh) dài gần một cây số.
Những hoạt động của phòng Bảo tồn Bảo tàng tỉnh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước thật đáng ghi nhận và tự hào. Phòng đã nhiều lần vinh dự được Tỉnh ủy, UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng. Nhiều đồng chí lãnh đạo Vụ Bảo tồn Bảo tàng (Bộ Văn hóa) đã về thăm, tham dự các hội nghị tổng kết và đánh giá cao những kết quả mà phòng Bảo tồn Bảo tàng tỉnh đã đạt được. Đặc biệt, từ năm 1971-1981 phòng Bảo tồn Bảo tàng nhiều năm được nhận Cờ thưởng của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch).
Ôn lại đôi nét về hoạt động của phòng Bảo tồn Bảo tàng tỉnh trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, viên chức đơn vị của phòng Bảo tồn Bảo tàng tỉnh nhà (nay là Bảo tàng tỉnh) dù đã nghỉ hưu hay còn đang công tác đều có quyền tự hào về những thành quả đạt được. Đó là những năm tháng, mọi thành viên đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp của ngành văn hóa nói chung và công tác Bảo tồn Bảo tàng nói riêng. Các thế hệ cán bộ viên chức, người lao động Bảo tàng tỉnh Hải Dương hôm nay có trách nhiệm xây dựng Bảo tàng Hải Dương ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là điểm đến hấp dẫn của du khách xa gần./.

(1) Hồ Chí Minh: “Về đấu tranh vũ trang và lực lương vũ trang nhân dân” - Nhà xuất bản QĐND. Hà Nội, tháng 10 năm 1976, trang 239.
Các tin mới hơn
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP(15/06/2023)
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG - 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN(23/05/2020)
CHÚC MỪNG BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG NHÂN KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP (23/05/2020)
Các tin cũ hơn
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG - NHỮNG NĂM THÁNG ĐẦU TIÊN (23/05/2020)
NỬA THẾ KỶ NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ VÀ SỰ NGHIỆP BẢO TÀNG (23/05/2020)
VỊ THẾ CỦA BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG HỆ THỐNG BẢO TÀNG VIỆT NAM (23/05/2020)
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA XÃ HỘI CỦA TỈNH(23/05/2020)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín