NỬA THẾ KỶ NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ VÀ SỰ NGHIỆP BẢO TÀNG
Tăng Bá Hoành Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương Biên soạn lịch sử địa phương, quốc gia hay thế giới đều phải dựa vào minh văn, di vật lịch sử và thành tựu của liên ngành khoa học, bởi sử học là thành tựu của các ngành khoa học. Sử học với quan điểm hiện đại không thuần túy viết về chính trị xã hội từng thời đại của xã hội loài người mà là toàn bộ những hiện tượng tự nhiên và xã hội qua thời gian, không gian và mối tương tác giữa các hiện tượng ấy. Nhưng thông lệ, người ta quan tâm trước hết đến lịch sử xã hội loài người theo biên niên hay chuyên đề của từng thời đại, từng giai đoạn lịch sử cũng như từng dân tộc, từng địa phương, thậm chí tiểu sử từng nhân vật. Nhưng muốn làm tốt công tác sử học phải nghiên cứu Văn bản học, Khảo cổ học, Dân tộc học, Văn hóa học,... đặc biệt là di vật lưu trữ trong các bảo tàng cũng như tại các di tích lịch sử, đây là những di vật khách quan, sinh động nhất của lịch sử loài người, những di vật có minh văn, thiếu nó, lịch sử chỉ còn là truyền thuyết. Ngược lại, muốn nghiên cứu di vật lịch sử ngoài những biện pháp về khoa học kỹ thuật, không thể không nghiên cứu lịch sử thành văn liên quan đến di vật. Như vậy quan hệ giữa sử học và bảo tàng là quan hệ hữu cơ không thể tách rời. Với 50 năm làm công tác nghiên cứu và một thời gian vừa tham gia quản lý để thực thi hai nhiệm vụ này của tỉnh. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Bảo tàng Hải Dương, có nhiều kỷ niệm về quá trình công tác. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết dưới đây chỉ nêu sơ lược một số sự kiện thấy cần ghi lại của hai nhiệm vụ nói trên mà tôi từng phụ trách. Ngày 23/02/1961, theo yêu cầu của Nhà nước, tôi đi xây dựng kinh tế văn hóa miền núi Tây Bắc, cũng là phong trào của thanh niên thời ấy. Sau 5 tháng lao động cực nhọc, tôi được chọn đi học lớp Kế toán công nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình. Khi tốt nghiệp trở về được đề bạt chức danh Kế toán tổng hợp của một đơn vị Thanh niên xung phong mang tên Cù Chính Lan, với quân số 1.200 người, sau đó kiêm luôn giáo viên Bổ túc văn hóa cho cán bộ cơ quan. Tháng 4/1968, tôi về công tác tại Ty Văn hóa Hải Hưng, khi đó tỉnh vừa hợp nhất, Văn phòng Ty sơ tán tại xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ. Thời kỳ công tác ở miền núi, cơ quan đóng tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, về tỉnh lại ở xã Kỳ Sơn, một sự trùng hợp hiếm có. Nhận công tác được vài ngày tôi phải đi nhận thịt bò ở Đông Triều, phục vụ hội nghị hợp nhất của ngành. Thời đó đời sống vật chất cực kỳ khó khăn, nhưng tinh thần cán bộ và nhân dân thật lạc quan và đằm thắm hiếm có, tin tưởng cuộc chống Mỹ cứu nước nhất định thắng lợi. Riêng tôi, sau hơn 7 năm công tác miền núi, có một tháng ở Đài tiếng nói Việt Nam, rồi về tỉnh công tác, đi đến đâu cũng đầy xúc cảm về những làng quê lần đầu được đặt chân đến, dù rất nghèo nhưng tình người thật nồng hậu và ở đâu tôi cũng tìm được điều mới lạ, hấp dẫn, nhất là những di tích lịch sử hiện còn. Khi còn đi học, tôi thích tất cả các môn khoa học vì thấy môn nào cũng mang lại tri thức thiết thực cho con người. Năm 1964, Báo Toán học tuổi trẻ ra đời, mỗi số báo có 12 bài toán khó, thậm chí rất khó của cấp ba. Tôi tranh thủ sau giờ làm việc, tham gia giải toán ở báo này và được giải hai năm liền. Từ đó tự cho mình có năng khiếu học toán, hy vọng trở thành một thày giáo dạy toán trong tương lai. Năm 1964, tôi xin thi vào Đại học tổng hợp Hà Nội, ngành toán chứ không phải ngành sử, nhưng cơ quan không nhất trí, vì chưa có người thay thế, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ đã cận kề. Để có điều kiện tự học, tôi viết đơn xin về công tác tại Hà Nội nhưng không thành công, sau xin về Thư viện Hải Dương, ở đó, hy vọng sẽ có nhiều sách để đọc và học xong chương trình Toán đại học tổng hợp càng sớm càng tốt, nhưng khi nhận công tác lại biên chế về phòng Bảo tồn bảo tàng. Hỏi ra mới biết, đồng chí Dương Đình Xòe, Trưởng phòng Bảo tồn bảo tàng khi đó, xem hồ sơ thấy tâm đắc, liền đề nghị tổ chức biên chế về đơn vị mình. Sau khi nhận công tác, tôi được tham gia kiểm kê di tích tại huyện Văn Giang, mặc dầu rất gian khổ, sức khỏe có hạn, phương tiện chỉ có chiếc xe đạp tàng tàng, nhưng đi đến đâu cũng được nhân dân quý trọng, hiểu biết nhiều về lịch sử, văn hóa nên vẫn phấn chấn, hơn nữa đồng chí trưởng phòng là người gương mẫu, nhân văn tạo nên sự yên tâm công tác. Tháng Giêng năm 1968, tiến hành hợp nhất hai tỉnh Hải D¬ương và Hư¬ng Yên thành tỉnh Hải Hư¬ng, sự nghiệp bảo tàng phát triển mạnh, phòng nghiệp vụ có 9 biên chế, do đồng chí Dương Đình Xòe làm trưởng phòng, kho hiện vật sơ tán tại đình Quý D¬ương (Cẩm Giàng) và một số địa điểm khác tại Thanh Miện, Tứ Kỳ. Năm 1970, Hải H¬ưng là tỉnh đầu tiên hoàn thành kiểm kê di tích lịch sử văn hoá, 3 năm liền (1968-1970) giữ lá cờ đầu về công tác bảo tàng của miền Bắc. Sau ngày giải phóng miền Nam, một số cán bộ đ¬ược điều động vào Nam, giúp các tỉnh mới giải phóng và kết nghĩa xây dựng bảo tàng nh¬ư: Phú Yên, Long An, Đồng Tháp. Ngày 26/3/1969, tôi được phân công làm thủ kho Bảo tàng, nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của tôi là bảo quản và tổng kiểm kê tốt hiện vật của hai bảo tàng vừa hợp nhất tại nơi sơ tán ở Đình Quý Dương (Tân Trường - Cẩm Giàng). Tại kho, tôi được phép thuê lao động hợp đồng nên việc phân loại, kiểm kê đăng ký hiện vật của hai kho Hải Dương và Hưng Yên tương đối nhanh, riêng tư liệu bằng Hán Nôm, phải nhờ các cụ Nho học cao niên đọc và trích yếu. Do được quan tâm của ngành, đặc biệt là Phó Tiến sĩ Lâm Đình Tường, cục phó Cục Bảo tàng khi đó, trực tiếp hướng dẫn, nên kho Bảo tàng Hải Hưng sớm là kho hiện vật điển hình của Miền Bắc. Đầu năm 1970, nhà nước chủ trương giải phóng dòng chảy sông Thái Bình, chuyển toàn bộ xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng vào trong đê. Bảo tàng có trách nhiệm di chuyển di tích chùa và nghè Giám vào trong đê theo dân cư đến cánh đồng phía tây bắc xã Tân Trường, cách địa điểm cũ khoảng 7km. Công trình đang tiến hành di chuyển thì lũ lớn, vỡ đê Nhất Trai vào cuối tháng 8/1971, nước tràn ngập nhiều huyện trong tỉnh với độ sâu hàng mét. Đình Quý Dương, nơi đặt kho bảo tàng, mực nước lên tới 71cm, kéo dài hàng tháng, nhưng nhờ chủ động và trang thiết bị tốt nên hiện vật không bị hư hại. Đây là thành tích đáng kể của phòng Bảo tồn bảo tàng trong việc bảo vệ hiện vật và chống thiên tai. Tháng 11/1973, tôi về Bộ Văn hóa để ôn thi vào trường đại học theo yêu cầu của cơ quan. Thay vì như 10 năm trước, xin thi vào Đại học tổng hợp Toán, nay thi vào khoa Sử, chuyên ngành Khảo cổ học. Trong 5 năm làm việc tại Bảo tàng, tôi rất thích Hán văn và nghĩ rằng, Hán văn phù hợp với lĩnh vực của mình hơn. Năm thứ tư, Giáo sư Hà Văn Tấn giao cho đề tài luận văn: Phổ hệ hoa văn trên văn bia Việt Nam, để từ hoa văn xác định niên đại tương đối của hiện vật. Luận văn được làm trong điều kiện vật chất vô cùng kham khổ, cường độ lao động cao, luận văn chưa xong đã ốm nặng và nằm viện một tháng. Dù vậy, kết quả vẫn đạt điểm cao, được đánh giá là một trong ba luận văn có chất lượng khoa học cao của khóa. Thời kỳ đó, đồng chí Nguyễn Văn Mục, cũng là cán bộ bảo tàng được cử đi học và học cùng khóa. Sau khi tốt nghiệp, cả hai chúng tôi trở lại địa phương công tác. Tháng 12/1978, chúng tôi trở về cơ quan công tác, không nghỉ ngơi mà bắt tay ngay vào công việc đi điền dã tại Côn Sơn. Quá trình điền dã phát hiện tháp Huyền Quang bằng đất nung, được đánh giá là một trong những ngôi tháp đẹp thời Trần (1334). Tháng 4/1979, ngôi tháp được phục dựng như khi phát hiện để kịp thời cho lễ kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi và tôn vinh Ông là Danh nhân văn hóa thế giới vào tháng 10/1980. Năm 1982, Giáo sư Văn Tạo, Viện trưởng Viện sử học đi về các tỉnh xúc tiến việc thành lập Ban Thông sử để biên soạn lịch sử địa phương theo biên niên. Ngày 23/1/1983, Ban Thông sử được thành lập theo quyết định của Tỉnh ủy. Tháng ba năm đó, tôi nhận công tác, trụ sở đặt tại nhà Liên cơ, nguyên là Nhà khách của UBND tỉnh từ năm 1977. Với 5 biên chế đã tốt nghiệp đại học ngành sử, một văn thư kiêm sửa bản in và 7 hợp đồng là những cán bộ hưu trí đều có trình độ trung cao cấp. Để có tư liệu, trước hết chúng tôi đọc và trích yếu hoặc chụp các văn bản bằng quốc ngữ, Pháp văn và Hán văn, trong đó có thư mục 1.500 văn bia được in dập trước Cách mạng tháng Tám mà phần lớn hiện vật nay không còn. Photo copy khi đó mới có ở Cục Lưu trữ nhà nước, nhưng cán bộ của Cục rất ủng hộ Hải Hưng trong việc sao lục. Cục sao chụp cho hàng nghìn trang tư liệu, nhất là các báo cáo của công sử Pháp qua từng năm, những tài liệu về địa lý, bản đồ cổ, tất cả đều không lấy lệ phí lưu kho. Đề cương biên niên sử và từng chuyên đề đã được biên soạn, thông qua ý kiến của Viện Sử học và Ban Tuyên giáo, vấn đề còn lại là thực thi công việc. Chuyên đề đầu tiên chúng tôi thực hiện là “Nghề cổ truyền Hải Hưng”, nhiều di tích được phát hiện trong khi thực hiện chuyên đề này, như Gốm Chu Đậu, Gốm Cậy,... Bộ tranh khắc gỗ do Hăng-ri-ô-giê tổ chức thực hiện vào năm 1909, thợ Liễu Chàng (Gia Lộc) vẽ và khắc trên 4.200 bản, hệ thống bản đồ cổ được phát hiện trong dịp này. Trong 5 năm (1983-1988), Ban Thông sử đã thực hiện được nhiều đề tài, làm nền tảng cho việc biên soạn Biên niên sử và Địa chí, như: Nghề cổ truyền Hải Hưng, thành và thị Hải Hưng, lịch sử kiến trúc nhà thờ Thiên chúa giáo, khai quật một số di tích gốm sứ và mộ cổ. Tháng 8/1988, tôi có quyết định làm Giám đốc bảo tàng, kiêm nhiệm Ban Thông sử. Đây là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu của tôi. Khi nhận nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao trách nhiệm việc cải tạo, sửa chữa Hội trường Trường Nguyễn Ái Quốc để làm nhà bảo tàng và dự kiến khánh thành vào dịp Quốc khánh 2/9/1990, nhân kỷ niệm 45 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mồng 2 tháng 9. Sau hơn 2 năm xây dựng và cải tạo công trình cũ, ngày 2/9/1990, Bảo tàng Hải H¬ưng chính thức khánh thành trọng thể trước sự chứng kiến của Bộ Văn hóa - Thông tin và lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương. Với sự quan tâm của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, sự nỗ lực cố gắng của cán bộ bảo tàng, không chỉ nhà bảo tàng hoàn thành mà nội dung trưng bày cũng đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan. Những cố gắng đó, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin đánh giá là một trong những bảo tàng lớn ở địa ph¬ương, có nội dung phong phú, kho hiện vật có nhiều s¬ưu tập quý, điển hình là đồ gốm. Đây là bảo tàng thứ 28 của đất nư¬ớc chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Năm 1992, Bảo tàng chịu trách nhiệm về tư liệu cho Hội thảo quốc tế Phố Hiến, đồng thời chuẩn bị địa điểm, phác thảo mẫu tượng Trần Hưng Đạo để năm 1993 khởi công xây dựng. Không chỉ kiêm nhiệm Tổng biên tập địa chí Hải Hưng, mà còn kiêm nhiệm Phó ban xây dựng tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ, phụ trách công tác mỹ thuật và kỹ thuật nên nhiệm vụ rất nặng nề, vất vả. Ngày 6/10/1993, Đại t¬ướng Võ Nguyên Giáp về thăm đã ghi vào sổ l¬ưu niệm: "Bảo tàng Hải H¬ưng đ¬ược xây dựng khá công phu, phản ánh được một phần khá quan trọng lịch sử một miền đất có truyền thống văn hiến lâu đời và thành tích chiến đấu vẻ vang trong những năm kháng chiến hào hùng của dân tộc..." Năm 1994, di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc tách khỏi bảo tàng, trở thành đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin. Đầu 1997, tái lập tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, điều mà 29 năm trước khi sáp nhập không ai nghĩ tới. Ngày hợp nhất, tôi là người nhận và đăng ký tài sản bảo tàng, thì nay cũng lại là người đứng ra bàn giao tài sản, hiện vật cho việc chia tách. Khi hợp nhất, Hải Dương có 559 đơn vị hiện vật được đăng ký, vài trăm hiện vật chưa kiểm kê, Hưng Yên có trên 1.000 đơn vị hiện vật và đã có Bảo tàng cách mạng, xây dựng tại Phố Hiến, hai tỉnh khi đó mới có trên 10 di tích được xếp hạng. Ngày chia tách hai tỉnh đều có Bảo tàng và trên một vạn hiện vật, 127 di tích được xếp hạng quốc gia, như thế cũng là cố gắng lắm vì cán bộ chuyên môn quá thiếu, kinh tế khó khăn vô cùng, nhất là Hưng Yên. Trước khi chia tách, biên chế của Bảo tàng có 29 cán bộ, gồm: Ban giám đốc và 5 phòng ban trực thuộc, quản lý nghiệp vụ trên 1.700 di tích, trong đó có 127 di tích xếp hạng Quốc gia, 1 bảo tàng tổng hợp, 18 nhà truyền thống, được UBND tỉnh Hải Hưng xếp loại II trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam. Sau khi bàn giao, Bảo tàng Hải D¬ương còn 23.000 đơn vị hiện vật các loại, 84 di tích đư¬ợc xếp hạng, 887 di tích được kiểm kê, đăng ký bảo vệ, 8 nhà truyền thống cơ sở và chuyên ngành được xây dựng và duy trì. Đến năm 2001, Hải Dương đã có 97 di tích đ¬ược xếp hạng quốc gia, trực tiếp hướng dẫn các nhà truyền thống; lưu giữ gần 40.000 hiện vật các loại, phần lớn là đồ gốm, trong đó có sư¬u tập gốm khai quật ở biển Cù Lao Chàm với 5.561 hiện vật; công tác xã hội hoá chống xuống cấp di tích thực hiện có hiệu quả; công tác nghiên cứu, điền dã, sưu tầm, khai quật thường kì, trên diện rộng đạt hiệu quả cao, như¬: Gốm sứ cổ, Tôn giáo, Nghề cổ truyền, Thành thị, Làng kháng chiến, Danh nhân, Đăng khoa lục, Phong tục tập quán, Lễ hội, Di sản Hán Nôm...; xuất bản 15 đầu sách khảo cứu về lịch sử, văn hoá; 12 tờ gấp, giới thiệu di tích; kết hợp với một số cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nư¬ớc về công tác nghiên cứu, tổ chức hội nghị khoa học, xuất bản sách lịch sử, văn hoá địa phư¬ơng, quốc gia và khu vực; kết hợp với các bảo tàng tr¬ưng bày nhiều chuyên đề tại các thành phố trong cả nước. Sau 40 năm 9 tháng trong biên chế nhà nước, ngày 03/11/2001, tôi được nghỉ chế độ khi tròn 60 tuổi. Lúc này, các công việc còn đang ngổn ngang với những đề tài đang cần thực hiện, nhưng với tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, tôi vẫn làm việc cho đến ngày cuối cùng (02/11). Nay, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Bảo tàng và cũng là 50 năm làm công tác nghiên cứu lịch sử, tôi viết đôi điều về quá trình xây dựng bảo tàng thật gian nan nhưng vô cùng hứng thú vì nó có ích cho địa phương và đất nước lâu dài./.
Các tin mới hơn
|
|
Các tin cũ hơn
|
|
|
|
|
Video
|
|
|
|
|
|
Liên kết website
|
|
|
|
|
|
|
|