PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA XÃ HỘI CỦA TỈNH
Bảo tàng là một trong những thiết chế văn hóa đặc biệt, có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, tồn tại ở nhiều chế độ chính trị xã hội, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau của mỗi quốc gia, dân tộc. Bảo tàng tỉnh là thiết chế văn hóa đặc biệt của tỉnh Hải Dương có chức năng, nhiệm vụ phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội. Chủ tịch Hội đồng Quốc tế Bảo tàng (ICOM) nhấn mạnh: "Bảo tàng với vai trò như những nhà giáo dục và truyền bá văn hóa ngày càng đóng một vai trò thiết yếu đóng góp vào việc giải thích và thực hiện các quy tắc phát triển bền vững" để thúc đẩy và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ngày một bền vững. Bảo tàng Hải Dương được thành lập theo Quyết định số 13/QĐ-TC ngày 15/6/1988, đến nay tròn 30 năm xây dựng và trưởng thành. Những ngày đầu thành lập, bộ phận Bảo tồn bảo tàng thuộc Ban Sưu tầm - Ty Thông tin Tuyên truyền và Kiểm duyệt, rồi Ty Tuyên truyền Văn nghệ. Tháng 7/1956, bộ phận Bảo tồn bảo tàng thuộc phòng Văn hóa quần chúng của Ty Văn hóa và có duy nhất 01 cán bộ... mãi đến năm 1968, Phòng Bảo tồn Bảo tàng mới thành lập, kiện toàn đầy đủ hơn để thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh trong dòng chảy của dân tộc. Đến thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XX, Bảo tàng Hải Dương được đánh giá là một trong những bảo tàng khảo cứu địa phương đi đầu cả nước về công tác nghiên cứu, tổ chức nhiều cuộc trưng bày hiệu quả, với nhiều sáng kiến, tư duy đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Bảo tàng Hải Dương trở thành "địa chỉ đỏ" lưu giữ nguồn tài liệu quý, nơi phục vụ và tuyên truyền giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh, cũng như khách quốc tế biết đến mảnh đất, con người Hải Dương qua tiến trình lịch sử. Là mảnh đất ghi dấu sự xuất hiện của loài Đười ươi (tên khoa học Pongo) sinh sống cách ngày nay 5-3 vạn năm với việc phát hiện những chiếc răng hóa thạch tại hang Thánh Hóa (Kinh Môn). Bên cạnh đó, còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị, trong đó có 5 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận là: trống đồng Hữu Chung, bia Thanh Mai, bia Thanh Hư động, Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám và chùa Động Ngọ. Đặc biệt, nơi đây được các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước biết đến với các trung tâm sản xuất gốm cổ, nổi bật là gốm Chu Đậu, Mỹ Xá (Nam Sách), Cậy, Hợp Lễ (Bình Giang), gốm Vạn Yên, Trạm Điền (Chí Linh),... đã chứng minh và khẳng định được nguồn gốc lịch sử, cội nguồn hun đúc nên cốt cách con người Hải Dương qua mọi thời kỳ; xứng đáng và tự hào về mảnh đất địa linh nhân kiệt, văn hiến - anh hùng. Nhìn từ góc độ văn hóa, bảo tàng được coi là gốc rễ vì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Vì thế, Bảo tàng tỉnh luôn khẳng định được vị thế và vai trò của mình để thúc đẩy và góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Bảo tàng Hải Dương không chỉ lưu giữ vốn di sản văn hóa đồ sộ của tỉnh Hải Dương ngày nay - xứ Đông xưa mà còn thường xuyên sưu tầm, nghiên cứu, trưng bày, làm cầu nối để tái hiện những giá trị văn hóa truyền thống trong lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước; quảng bá những địa điểm, địa danh nổi tiếng, trọng yếu về quân sự, danh thắng qua mọi thời kỳ. Đây còn là không gian văn hóa đa sắc thái, được tái hiện lại một cách chân thực và sinh động như: những phố nghề, làng nghề truyền thống, tiếng vọng thời gian của đạo học với "Làng Mộ Trạch - Lò tiến sĩ xứ Đông"… Từ đó, mỗi chúng ta có cái nhìn toàn diện để ứng xử một cách phù hợp, đúng mực, tạo đà cho việc hoạch định chiến lược xây dựng kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, sự nghiệp Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều phương diện, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh của địa phương. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bảo tàng Hải Dương đã mang đến cho khách tham quan cái nhìn, sự tiếp cận đa diện đối với các thể chế chính trị qua các thời kỳ lịch sử một cách khách quan nhất, cân bằng nhất. Và, không chỉ có vai trò mang những giá trị thông tin, tri thức đến cho công chúng, thông qua đó còn giúp các nhà chính trị đương thời có sự hiểu biết sâu sắc cơ bản về lịch sử chính trị quốc gia, lịch sử tỉnh và ngành, giúp cho việc tăng cường các mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh, thành, ngành trong cả nước. Thông qua trưng bày và các công trình nghiên cứu khác (như khai quật khảo cổ, điều tra khảo sát, nghiên cứu cơ bản)… công chúng nhận diện được sự hình thành, phát triển của các thời kỳ lịch sử từ sơ khai đến đương đại.
Trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước, việc hội nhập và phát triển là quy luật tự nhiên theo dòng chảy lịch sử. Do đó, Bảo tàng Hải Dương cũng cần có sự hợp tác, đổi mới trên nhiều phương diện về nội dung, hình thức, cách làm sáng tạo trong trưng bày, linh hoạt, nhạy bén với thời cuộc và môi trường xung quanh. Biết phát huy thế mạnh, tạo sự liên kết giữa bảo tàng và các ngành, các doanh nghiệp lữ hành để xác định thế mạnh tài nguyên của Bảo tàng là điểm đến hấp dẫn cho du khách tham quan, được xem như một sản phẩm du lịch không thể thiếu trong các tuyến du lịch của Hải Dương, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước./. TS. Lương Văn Cầu Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương
Các tin mới hơn
|
|
Các tin cũ hơn
|
|
|
|
|
Video
|
|
|
|
|
|
Liên kết website
|
|
|
|
|
|
|
|