VỊ THẾ CỦA BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG HỆ THỐNG BẢO TÀNG VIỆT NAM
Trong lịch sử phát triển văn hóa nhân loại, bảo tàng ra đời như một loại thiết chế văn hóa để lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần tiêu biểu thuộc về quá khứ của một lĩnh vực, một nền văn hóa cộng đồng, rộng hơn là của nhân loại. Vì thế, khi nhắc đến bảo tàng, công chúng thường nghĩ tới một địa điểm không chỉ có kiến trúc đẹp, mà còn là nơi trưng bày, đưa tới nhiều điều thú vị. Ở nước ta hiện nay, hệ thống bảo tàng khá phong phú với gần 200 bảo tàng trên khắp cả nước, trong đó có gần 10 bảo tàng có quy mô lớn như: Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam,... còn lại là các bảo tàng khảo cứu địa phương, bảo tàng chuyên ngành và tư nhân. Bảo tàng Hải Dương được thành lập theo quyết định số 13/QĐ-TC ngày 15/6/1988, là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh). Như các bảo tàng khảo cứu địa phương khác trong cả nước, Bảo tàng Hải Dương ra đời có nhiệm vụ sưu tầm, lưu giữ, kiểm kê, bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Mặc dù có quyết định thành lập năm 1988, nhưng thực chất hoạt động bảo tồn bảo tàng của tỉnh Hải Dương đã diễn ra ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, gắn liền với sự ra đời của ngành Văn hóa - Thông tin tỉnh (năm 1946). Bởi vậy, hoạt động bảo tồn bảo tàng của tỉnh đã có bề dày kinh nghiệm và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận và tự hào. Hiện nay, Bảo tàng Hải Dương đang lưu giữ gần 50.000 đơn vị tài liệu, hiện vật. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quí giá, không chỉ phản ánh và làm rõ lịch sử hình thành, phát triển về bức tranh di sản văn hóa của tỉnh nhà mà còn thể hiện sự tận tâm, tận lực, tình yêu đối với bảo tàng nói riêng, di sản văn hóa dân tộc nói chung của lớp lớp thế hệ cán bộ làm công tác bảo tồn bảo tàng qua các thời kỳ. Đó là nguồn tư liệu, tài liệu hiệu vật mà không phải bảo tàng khảo cứu địa phương nào cũng sưu tầm lưu giữ được. Bảo tàng Hải Dương ngoài nhà trưng bày chính để trưng bày giới thiệu về lịch sử, di sản văn hóa, mảnh đất và con người Hải Dương như các bảo tàng cấp tỉnh, thành phố khác trong cả nước, thì tại đây còn có Nhà trưng bày Gốm giới thiệu các lò gốm với nhiều sưu tập gốm sứ cổ khá đặc sắc và ấn tượng. Với gần 2.000 hiện vật được trưng bày, phần lớn được khai quật tại các lò gốm sản xuất trên đất Hải Dương, tiêu biểu là sưu tập gốm Chu Đậu, Mỹ Xá, gốm Cậy, Hợp Lễ… Hải Dương còn là địa phương duy nhất hiện nay trong cả nước có nhà trưng bày gốm sứ riêng, có quy mô lớn, thu hút nhiều khách trong và ngoài nước tới tham quan, nghiên cứu. Đây cũng là nét đặc sắc, độc đáo của Bảo tàng Hải Dương trong hệ thống các bảo tàng khảo cứu địa phương. Bảo tàng tỉnh Hải Dương còn đặc biệt chú trọng công tác trưng bày tuyên truyền nhằm phát huy tốt vai trò, chức năng của mình trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, giới thiệu quảng bá di sản văn hóa tỉnh nhà đến du khách trong và ngoài nước. Từ năm 1988 đến nay, Bảo tàng đã tổ chức trên 60 cuộc trưng bày phục vụ các sự kiện, nhiệm vụ chính trị nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Trong đó có gần 30 cuộc trưng bày chuyên đề phối hợp với bảo tàng, di tích, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh như: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam), Bảo tàng Mỹ Thuật, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Quân Khu III, Hải Quân, Văn miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội,… Đây là dịp để Bảo tàng Hải Dương tăng cường mối quan hệ giao lưu, hợp tác cũng như trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, viên chức trong cơ quan. Cùng với đó, công tác bảo quản hiện vật cũng được quan tâm chú trọng. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, để đảm bảo an toàn, hiện vật bảo tàng được di chuyển tới nhiều địa điểm trong tỉnh mà vẫn không để xảy ra mất mát, hư hại. Toàn bộ hiện vật được đảm bảo an toàn tuyệt đối, ghi chép rõ ràng, sắp xếp ngăn nắp, khoa học. Công tác kho và kho bảo quản hiện vật của Bảo tàng nhiều năm liền được Bộ Văn hóa - Thông tin nêu gương, làm mẫu; nhiều bảo tàng tỉnh bạn đã đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Hoạt động bảo tồn di tích của Bảo tàng cũng đạt được những kết quả đáng tự hào. Ngay trong cuộc kháng chiến ác liệt vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX, cán bộ bảo tàng đã không quản ngại khó khăn, buổi tối tổ chức trưng bày tuyên truyền về cách mạng, chiến thắng của quân và dân ta cũng như những tội ác mà kẻ thù gây ra; ban ngày tiến hành sưu tầm, kiểm kê di tích. Sau một thời gian kiên trì thực hiện từ năm 1968 -1972 phòng Bảo tồn Bảo tàng đã phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức kiểm kê xong di tích phổ thông. Kết quả có 1.545 di tích các loại được kiểm kê, đăng ký. Đây là đợt tổng kiểm kê di tích đầu tiên của tỉnh và cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện tổng kiểm kê di tích. Hoạt động này đã được Bộ Văn hóa, ba năm liền tặng cờ thi đua “đơn vị thi đua khá nhất” và “đơn vị có thành tích xuất sắc nhất về công tác bảo tồn bảo tàng” vào các năm 1968,1969,1970. Công tác lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, trùng tu tôn tạo di tích, khai quật khảo cổ học rất được chú trọng. Tính đến 31/12/2017, Bảo tàng đã lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng được 366 di tích (trong đó Quốc gia đặc biệt có 4 khu; cấp Quốc gia 142 và 220 di tích cấp tỉnh); tổ chức và phối hợp tổ chức trên 50 cuộc khai quật khảo cổ, đưa về Bảo tàng hàng vạn hiện vật, sưu tập hiện vật có giá trị phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học và trưng bày tuyên truyền. Năm 2017, Bảo tàng có sự sáng tạo, mạnh dạnh đưa nội dung trải nghiệm quy trình làm gốm cổ truyền trên bàn xoay và các trò chơi dân gian truyền thống giúp các em học sinh có những giờ ngoại khóa bổ ích, thiết thực khi đến tham quan, hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng. Qua đó, để các em học sinh hiểu và yêu thích môn lịch sử, rèn luyện kỹ năng khéo léo và tư duy sáng tạo trong học tập. Dù mới đi vào hoạt động từ ngày 01/10/2017 nhưng đã được nhà trường, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh quan tâm, ủng hộ; các em học sinh vui mừng, thích thú và hào hứng với hoạt động này. Lượng khách tham quan đến Bảo tàng ngày một tăng lên. Nếu năm 2010, lượng khách khoảng 2.000-3.000 lượt khách/năm, thì năm 2013 là 5.000 (tăng 50% so với 2010); năm 2014 là 10.000 (tăng 50% so với 2013 và 80% so với 2010). Tính đến 31/12/2017, lượng khách tới tham quan Bảo tàng đã lên đến 16.000 lượt khách, trong đó có một số đoàn khách quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Đặc biệt là lượng học sinh đến rất đông, đủ cho thấy việc xây dựng kế hoạch, định hướng hoạt động một cách đúng đắn, đúng hướng bắt nhập với thời cuộc mà các bảo tàng cấp tỉnh không dễ đạt được. Ngoài công tác nghiệp vụ bảo tồn, bảo tàng, Bảo tàng Hải Dương còn chú trọng công tác nghiên cứu lịch sử địa phương như: xuất bản các ấn phẩm về lịch sử, di sản văn hóa địa phương, cập nhật, ghi chép những sự kiện tiêu biểu của tỉnh; tổ chức Hội thảo khoa học,… Đây cũng là nét đặc trưng, khác biệt của Bảo tàng Hải Dương so với hệ thống các bảo tàng khảo cứu địa phương trong cả nước.
Sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Hải Dương đã từng bước đạt được những thành quả rất đáng tự hào trên tất cả các mặt công tác. Sự phát triển của Bảo tàng không chỉ khẳng định vai trò của mình trong hệ thống các thiết chế văn hóa của ngành, của tỉnh mà còn khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống bảo tàng Việt Nam với nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc trên quê hương Hải Dương./. TS. Nguyễn Thị Việt Nga Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Các tin mới hơn
|
|
Các tin cũ hơn
|
|
|
|
|
Video
|
|
|
|
|
|
Liên kết website
|
|
|
|
|
|
|
|