Tết Nguyên Đán là tết bắt đầu một năm mới. Đối với người Việt, Tết Nguyên đán hết sức quan trọng và linh thiêng, là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, đánh dấu thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đây cũng là thời gian được nhiều người mong đợi, tận hưởng niềm vui đoàn tụ; thực hiện các tập tục văn hóa (phong tục, tập quán) tốt đẹp với gia đình, dòng họ, cộng đồng với mong muốn những gì đẹp nhất, ngon nhất, tốt nhất đều được dành cho ngày Tết. Việc làm này đã tác động sâu sắc vào tâm thức của bao thế hệ người Việt, trở thành nét văn hóa riêng, đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc.
Gói bánh chưng ngày Tết
Tết Nguyên đán ở mỗi vùng miền, địa phương có những nét khác nhau. Đối với người Việt, Tết Nguyên đán không chỉ tính từ thời điểm giao thừa, mà là cả một thời gian dài từ 23 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng với nhiều nghi thức, nghi lễ như: Lễ tiễn ông Táo; dựng cây nêu; bày mâm ngũ quả; thăm viếng mộ và mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu; cúng Tất niên; đốt pháo đêm giao thừa; lễ Trừ tịch; cúng gia tiên, thổ công; xông đất; chúc tết và mừng tuổi; xuất hành, đi lễ đầu năm; hái lộc đầu xuân; lễ hóa vàng... với sự cầu mong khởi đầu cho một năm mới tốt lành, may mắn, thành công và sức khỏe.
Theo thời gian và sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, những phong tục của người Việt nói chung và phong tục ngày Tết nói riêng đã không ngừng biến đổi phù hợp với cuộc sống hiện đại và đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền từ đời này sang đời khác bởi đó là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam./.
Hà Thị Hằng