BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

      Chùa Trung Sơn hay còn gọi là chùa Xuân Kim tọa lạc tại thôn Hoàng Gia, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng, Hải Dương). Theo triết tự chữ Hán, “Xuân” nghĩa là cây, “Kim” nghĩa là vàng. Tên gọi “Xuân Kim tự” gắn với mong ước của người xưa về một ngôi chùa thờ Phật giống loài cây quý như vàng mà sống lâu.
      Theo tương truyền, chùa được khởi dựng vào thời Hậu Lê, kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” gồm trăm gian, đặc biệt có tòa cửu phẩm liên hoa bằng đá cao hơn 2 mét được trạm trổ tinh xảo. Diện tích chùa rộng khoảng 3 mẫu Bắc Bộ (1 mẫu tương đương: 3.600 m2). Các hạng mục công trình gồm: chùa chính, nhà Mẫu, nhà khách, giếng Oản, nhà bia, Cửu phẩm liên hoa. Nội tự chùa có nhiều tượng Phật như: tượng Thích ca, tượng Adi Đà, 05 tượng Mẫu...được trạm trổ tinh xảo, đặc biệt có chuông đồng to - tiếng kêu âm vang, ngân nga nhất trong vùng, đến nay không còn lưu giữ.
 
(Cửu phẩm liên hoa bằng đá tại chùa) 
      Trải qua thăng trầm của lịch sử và chiến tranh, di tích bị phá hủy hoàn toàn và được trùng tu tôn tạo nhiều lần, rất tiếc không có bia ghi lại việc trùng tu. Năm 2010, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng lại ngôi chùa mới khang trang, đẹp đẽ như hiện nay. Chùa Trung Sơn nằm ở vị trí đầu thôn, mặt tiền quay hướng đông - nam nhìn ra ao sen, giáp đường giao thông liên xã. Công trình có kiến trúc kiểu chữ “Đinh” (J) gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín, chất liệu chủ yếu bằng bê tông cốt thép sơn màu giả gỗ, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống. Các bộ vì chia gian gồm có 4 vì kèo chính được làm kiểu “giá chiêng” và 2 vì ở gian hồi làm theo kiểu gác tường trốn cột. Rui bằng gỗ, các cấu kiện khác như cột cái, cột quân, câu đầu, trụ đấu, con rường, con thuận, xà nách....đều được làm bằng bê tông sơn màu giả gỗ. Trang trí tại các mảng đắp vẽ “lá hóa long” trên xà nách, hoa sen trên đấu vuông, lá lật trên câu đầu, con rường...tất cả mô phỏng theo phong cách truyền thống.
      Không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, di tích còn là nơi: họp bàn bí mật của nhóm Việt Minh thôn che mắt kẻ địch (tháng 4/1945); nơi học tập của các hội môn sinh trong thôn (trước năm 1945); nơi mở lớp bình dân học vụ của địa phương - thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ trong phong trào diệt giặc dốt; là địa điểm bí mật cho du kích hoạt động cách mạng (1945 - 1954). Chùa từ xa xưa đến năm 1950 khi cả nước kháng chiến chống Pháp đều có sư trụ trì với mục đích lấy địa điểm hoạt động bí mật của ta. Khi cải cách ruộng đất, đất chùa được chia cho người dân làm đất để ở, nay chùa chỉ còn lại một phần diện tích đất cũ.
Trước Cách mạng tháng Tám và hiện nay, chùa Trung Sơn hàng năm có các ngày lễ chính sau: Ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm là ngày lễ đầu năm; Ngày mồng 3 tháng 3 giỗ Mẫu; Ngày mồng 8 tháng 4 (âm lịch) lễ Phật Đản; Ngày 15 tháng 7 lễ Vu lan (lễ xá tội vong nhân và lễ báo hiếu cha mẹ); Ngày 25 tháng 12 (âm lịch) lễ Tất niên; 
Chùa hiện còn lưu giữ được 04 bia đá ghi nội dung công đức (03 bia) và 01 bia mộ tháp “Cung thỉnh Tôn Sư Ma Kha Sa Di, tự Tịch Huệ Thần vị” ghi quê quán và ngày viên tịch của nhà Sư trụ trì chùa: giờ tốt ngày 23 tháng giêng năm Tân Sửu (1781). Đó là nguồn tư liệu quí về lịch sử di tích.
      Đặc biệt chùa còn lưu giữ được tòa Cửu phẩm liên hoa lục giác bằng đá thời Hậu Lê với nét hoa văn độc đáo. Trên tòa cửu phẩm liên hoa ghi dòng chữ Hán: “九品蓮花 彌陀境界 諸佛菩薩 三府聖賢 寶座” 
- Phiên âm: “Cửu phẩm liên hoa, Di Đà cảnh giới, chư Phật Bồ Tát, tam phủ Thánh Hiền bảo tòa” - Dịch nghĩa: Tòa báu chín tầng hoa sen, cảnh giới Di Đà, chư Phật Bồ Tát, tam phủ Thánh Hiền.
“Cửu phẩm liên hoa” nghĩa là tòa sen 9 tầng, biểu hiện thế giới thanh tịnh của đức Phật, mang thông điệp từ bi, vị tha, bác ái của đạo Phật. 
      Tòa cửu phẩm cao 201cm, mỗi cạnh rộng 14cm (phía đỉnh), chân rộng 23cm. Tháp cửu phẩm liên hoa hình lăng trụ lục giác 9 tầng. Đỉnh chạm tòa sen hình trụ tròn gồm các lớp cánh sen nổi đan xen, chân tòa sen 6 mặt khắc các chữ Hán trên, mỗi chữ trong ô vuông cách nhau. Tiếp dưới các tầng hoa sen, mỗi tầng một tòa cánh sen tròn cách điệu, 6 mặt đua mái, mỗi mặt chạm phù điêu Phật, Thánh dáng ngồi thiền khoanh chân, hai tay khoanh trước bụng tụng kinh, các nếp y phục mềm mại, trong ô hình chữ nhật đứng đỉnh vòm, phía trên chạm hoa sen, hai góc chạm 1/4 hoa mai nở mãn, diềm hai bên chạm đao hỏa, diềm chân chạm cánh sen. Mỗi mặt cách nhau trụ tròn chạm long vân xoắn, quấn quanh tháp cửu phẩm từ chân lên đỉnh tháp. Tầng chân tháp mỗi mặt chạm phù điêu hình người ngồi dạng hai chân, gập gối, hai tay dang nâng đỡ tòa sen vẻ nặng nhọc. Trên đỉnh có tượng phật Thích ca ngồi trên bông sen.
      Việc bảo tồn và phát huy giá trị tòa Cửu phẩm liên hoa độc đáo bằng đá tại chùa không chỉ có ý nghĩa về mặt nghệ thuật thẩm mỹ mà còn minh chứng về di tích lịch sử với quy mô lớn tại Hải Dương xưa. Chùa Trung Sơn là một trong 2 ngôi chùa lưu giữ được tòa cửu phẩm liên hoa bằng đá (chùa Kim Tân - Kim Thành) và cùng với 2 tòa cửu phẩm bằng gỗ trong tỉnh Hải Dương (chùa Giám - Cẩm Giàng; chùa Động Ngọ - Thanh Hà) là những sản phẩm độc đáo thể hiện sự phát triển của dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cần được bảo tồn và phát huy trong thời gian tới. Chính quyền và nhân đân địa phương tích cực tôn tạo và bảo vệ. Phương án làm nổi bật các giá trị bằng cách tạo ra môi trường cảnh quan hài hòa với tòa cửu phẩm trên. Tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức về giá trị đặc biệt của di sản văn hóa đá trong các tầng lớp nhân dân địa phương, từ đó khơi dậy lòng tự hào, trân trọng di sản văn hóa của ông cha để lại… có thể thiết lập tua du lịch hành trình Di sản văn hóa chiêm ngưỡng Cửu phẩm liên hoa tại tỉnh Hải Dương góp phần hữu hiệu trong việc giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
      Ngày nay, khi nền kinh tế thị trường phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa và du lịch trải rộng, di tích là nơi lưu giữ và bảo tồn giá trị tốt đẹp trong nhân dân, thể hiện tình đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau, hướng thiện. Đến chùa Trung Sơn ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng nơi cửa Phật vào mỗi dịp Tết đến, xuân về chúng ta còn được ngắm tòa Cửu phẩm liên hoa đá tuyệt đẹp nơi đây.
Hoàng Thị Hương 
phòng Nghiên cứu sưu tầm
* Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Cẩm Vũ 1930 - 1975, Ban nghiên cứu lịch sử đảng bộ xã Cẩm Vũ, 1990.
- Thần tích - thần sắc, sắc phong, câu đối, đại tự, bia ký tại di tích.
- Tư liệu Hán Nôm do Cử nhân Nguyễn Thị Ngọc Lan cung cấp.
- Nguồn tư liệu điền dã và các cụ cao niên trong làng Hoàng Gia.
- Lý lịch di tích chùa Trung Sơn lưu giữ tại Bảo tàng.
Các tin mới hơn
CHÙA ĐỘNG NGỌ - NƠI LƯU GIỮ TẤM BIA CỔ GHI VIỆC XÂY DỰNG TÒA CỬU PHẨM LIÊN HOA(03/07/2023)
XÃ HÀ THANH ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH ĐÌNH CHÙA TRI LỄ(06/03/2023)
NGÔI ĐÌNH THỜ DANH TƯỚNG TỪNG GIÚP VUA LÝ NHÂN TÔNG ĐÁNH GIẶC TỐNG(27/10/2021)
CHIẾC BÚT MÁY KIM TINH - KỶ VẬT THỜI CHIẾN CỦA ANH HÙNG LLVTND TRẦN TRỌNG THƯỜNG(04/10/2021)
ĐÌNH MAI XÁ VỚI TẤM BÌA ĐÁ CỔ THẾ KỶ XVII(13/09/2021)
Các tin cũ hơn
ĐỘC ĐÁO ĐỀN BẾN CẢ (XÃ AN LẠC, THÀNH PHỐ CHÍ LINH)(27/03/2020)
ĐÌNH KIỆT ĐOÀI - NƠI LƯU GIỮ GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA(14/02/2020)
BỘ SƯU TẬP SÚNG THẦN CÔNG Ở BẢO TÀNG TỈNH(14/10/2019)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín