BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
CHUYÊN MỤC 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1988-2018)

Tỉnh Hải Dương có bề dầy truyền thống trong đấu tranh cách mạng, mảnh đất giàu di sản văn hóa. Trong mọi thời kỳ lịch sử, người Hải Dương luôn có những đóng góp quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước về việc bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam. Ở Hải Dương, năm 1946, Ty Văn hóa được thành lập, sự nghiệp bảo tàng manh nha bắt đầu hình thành và đi vào hoạt động từ đó cho đến nay.
Bảo tàng Hải Dương là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được thành lập theo Quyết định số 13/TC ngày 15/6/1988 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Hưng về việc đổi tên Phòng Bảo tồn Bảo tàng thành Bảo tàng Hải Hưng, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin, có con dấu, tài khoản riêng.
Từ năm 1988 đến nay, Bảo tàng Hải Dương tròn 30 năm xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn bảo tàng của tỉnh bắt đầu từ năm 1946 và luôn gắn liền với lịch sử ngành Văn hóa - Thông tin của tỉnh (nay là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Để làm nổi bật về chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, có thể phân kỳ thành 2 giai đoạn cụ thể như sau:
I. CÔNG TÁC BẢO TỒN BẢO TÀNG GIAI ĐOẠN 1945 - 1988
1.1. Từ năm 1945 - 1967:
Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL về việc bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Với những nội dung được ghi trong Sắc lệnh 65 đã phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với việc bảo tồn cổ tích và nó vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
Ngày 01/01/1946, sau khi Bộ Thông tin Tuyên truyền đổi thành Bộ Thông tin Truyền thông và Cổ động, ở Hải Dương Ty Thông tin Tuyên truyền và Kiểm duyệt được thành lập. Ty có 8 ban chuyên trách gồm: Thông tin, Tuyên truyền, Văn nghệ, Sưu tầm, Tiếp liệu, Biên tập - ấn loát, Văn phòng và Kiểm duyệt.
Tháng 5/1951, Ty Tuyên truyền văn nghệ hợp nhất với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thành Ban Tuyên văn Giáo huấn.
Ngày 20/5/1955, Quốc hội khóa V nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua việc đổi tên Bộ Thông tin Truyền thông thành Bộ Văn hóa. Ở cấp tỉnh, Ty Tuyên truyền Văn nghệ được đổi thành Ty Văn hóa. Năm 1956, Bộ Văn hóa thành lập Vụ Văn hóa Đại chúng và chỉ đạo các Ty Văn hóa thành lập Phòng Văn hóa quần chúng gồm các bộ phận: Văn hóa quần chúng, Triển lãm, Bảo tàng, Thư viện. Như vậy, lúc này Bảo tàng là một tổ (bộ phận) thuộc phòng Văn hóa quần chúng.
Ngày 03/7/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 954-TTg về việc bảo vệ di tích lịch sử gửi tới Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố… Thực hiện Thông tư trên, Bộ Văn hóa hướng dẫn các tỉnh, thành phố và quy định mỗi Ty Văn hóa phải có ít nhất một cán bộ chuyên trách phụ trách về công tác bảo tồn bảo tàng. Ty Văn hóa Hải Dương thời kỳ này có đồng chí Bùi Văn Thìn (còn có tên là Thức, thôn Bói, xã Tân Hưng, Ninh Giang, cư trú tại xã Thanh Lang, Thanh Hà) cán bộ thuộc Phòng Văn hóa quần chúng đảm nhận công tác bảo tồn bảo tàng, có nhiệm vụ sưu tầm tài liệu, hiện vật lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và Cải cách ruộng đất để phục vụ triển lãm. Cũng trong năm 1956, bộ phận Bảo tồn bảo tàng đã tổ chức được 5 cuộc triển lãm ở thị xã Hải Dương và lưu động tại một số huyện Bình Giang, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng và Gia Lộc, thu hút 1.015.000 lượt người xem. Năm 1957, bộ phận Bảo tồn bảo tàng đã sưu tầm được 59 hiện vật và tham mưu cho Phòng Văn hóa Quần chúng xuống trực tiếp các di tích hướng dẫn tổ chức lễ hội, tuyên truyền bài trừ mê tín, dị đoan theo đường lối của Đảng và Nhà nước.
Tháng 5/1958, các bộ phận của Ty Văn hóa được kiện toàn, bộ phận Bảo tồn Bảo tàng được thêm 01 biên chế là đồng chí Phan Công Tạn (Sơn), nâng tổng số lên 2 người. Tháng 7/1959, Vụ Bảo tồn Bảo tàng được thành lập, hầu hết các tỉnh đều thành lập phòng Bảo tồn Bảo tàng, nhưng Phòng Bảo tồn bảo tàng ở Hải Dương mãi đến năm 1968 mới thành lập, do đó bộ phận này vẫn thuộc Phòng Văn hóa Quần chúng. Sau 2 năm công tác, năm 1960 đồng chí Phan Công Tạn chuyển lên Tổng cục Địa chất, đồng chí Dương Đình Xòe được điều động về thay đồng chí Tạn.
Dù gặp khó khăn về con người, về kinh phí nhưng bộ phận làm công tác bảo tồn bảo tàng vẫn tích cực nghiên cứu sưu tầm tài liệu, hiện vật chủ động tham mưu cho Phòng và Lãnh đạo Ty Văn hóa tổ chức nhiều cuộc triển lãm nhân dịp kỷ niệm những sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh vào năm 1960 như: 30 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam; bầu cử quốc hội khóa II; Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ IV; kỷ niệm 15 năm thành lập nước và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Từ những ngày đầu năm 1960, Ty Văn hóa tổ chức khai mạc triển lãm “Thành tích đấu tranh của Đảng bộ Hải Dương” tại nhà Triển lãm ngày nay. Dự và chỉ đạo khai mạc có đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí Lê Liêm - Thứ trưởng Bộ Văn hóa…Tại triển lãm, có 500 tài liệu hiện vật và nhiều tranh ảnh, mô hình sa bàn được nghiên cứu và dàn dựng giúp người xem tăng thêm lòng tin yêu đối với Đảng và người đảng viên Đảng cộng sản.
Từ năm 1961 - 1967, mặc dù kinh phí eo hẹp lúc đầu chỉ có 02 cán bộ là đồng chí Bùi Văn Thìn và đồng chí Dương Đình Xòe, sau đó bổ sung thêm các đồng chí Vũ Văn Sinh, Nguyễn Văn Mục và Vũ Hữu Công. Mặc dù cán bộ ít, nhưng đầu năm 1962, bộ phần Bảo tồn bảo tàng đã được Ty Văn hóa giao nhiệm vụ phối hợp với các phòng chuyên môn của Ủy ban Hành chính huyện Nam Sách xây dựng và hoàn thành nội dung trưng bày nhà truyền thống xã Hợp Tiến nhân kỷ niệm 22 năm thành lập Tỉnh ủy Hải Dương vào tháng 6/1962 (nhà truyền thống cấp xã đầu tiên của tỉnh).
Trong lúc khó khăn về biên chế, năm 1965, đồng chí Bùi Văn Thìn gác lại sự nghiệp bảo tồn bảo tàng để lên đường nhập ngũ, công việc được giao cho đồng chí Dương Đình Xòe phụ trách. Từ năm 1965-1967, giặc Mỹ vẫn tiếp tục bắn phá miền Bắc, tuy nhiên bộ phận Bảo tồn bảo tàng vẫn miệt mài nghiên cứu, sưu tầm và phối hợp với các địa phương xây dựng được 60 bia chiến thắng và bia căm thù giặc Pháp xâm lược, 14 nhà truyền thống, góp phần tuyên truyền đường lối của Đảng và Nhà nước đến với cán bộ, nhân dân nhiều hơn. Cùng với đó, công tác nghiên cứu sưu tầm tài liệu hiện vật cũng được quan tâm, nhiều hiện vật quý đã được phát hiện và đưa về lưu giữ bảo quản như: Trống đồng Hữu Chung, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ), mộ Hán Quang Hưng (Ninh Giang), mộ thuyền La Đôi (Nam Sách),…
Công tác lập hồ sơ đề nghị công nhận và trùng tu di tích cũng bắt đầu được triển khai, ngay từ đầu năm 1962, tỉnh ta có 3 di tích được Bộ Văn hóa công nhận cấp Quốc gia đợt I là chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc (Chí Linh), động Kính Chủ (Kinh Môn). Từ năm năm 1962-1965, một số di tích lớn như đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn (Chí Linh), chùa Giám (Cẩm Giàng) được tu bổ một số hạng mục và Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại di tích Côn Sơn (Chí Linh) cũng được xây dựng trong thời gian này. Tháng 10/1964, bộ phận Bảo tồn Bảo tàng tổ chức sơ tán con người và tài liệu hiện vật về đình Quý Dương (Tân Trường - Cẩm Giàng) để tránh sự bắn phá của giặc Mỹ.
1.2. Từ năm 1968-1988:
Thực hiện Nghị quyết số 504/NQ-TVQH ngày 16/1/1968 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hợp nhất tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, tỉnh Hải Dương, Hưng Yên hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng và đặt trụ sở tại thị xã Hải Dương. Theo đó, phòng Bảo tồn Bảo tàng chính thức thành lập ngày 23/3/1968, trực thuộc Ty Văn hóa Hải Hưng. Đồng chí Dương Đình Xòe được cử làm Trưởng phòng đầu tiên. Biên chế có 5 người, gồm đồng chí Dương Đình Xòe, Vũ Văn Sinh, Nguyễn Văn Mục, Trần Quang Thẩm và Vũ Hữu Công. Sau đó phòng được bổ sung thêm đồng chí Bùi Hải Ưng từ lực lượng vũ trang chuyển sang.
Cuối năm 1977, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ty Văn hóa Thông tin cử Đoàn cán bộ nghiệp vụ tăng cường vào miền Nam công tác. Năm 1978, đồng chí Dương Đình Xòe nhận nhiệm vụ ở Đồng Tháp. Năm 1979, đồng chí Vũ Văn Sinh và Bùi Hải Ưng nhận nhiệm vụ tại tỉnh Long An. Ngày 9/7/1980, UBND tỉnh Hải Hưng ban hành Quyết định số 202/TC giao cho đồng chí Vũ Văn Sinh làm Trưởng phòng Bảo tồn Bảo tàng. Đến ngày 4/11/1988, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao Bảo tàng tỉnh trực tiếp quản lý Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc từ UBND huyện Chí Linh, đồng thời cử cán bộ về quản lý, đón tiếp khách tham quan. Các cán bộ trực tiếp quản lý di tích gồm: Vũ Văn Xu (phụ trách), Phạm Khắc Hồng, Cao Xuân Khánh, Đinh Thị Hợi.
Mặc dù còn gặp muôn vàn khó khăn cả về con người lẫn kinh phí hoạt động, nhưng với lòng nhiệt tình, yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao, các cán bộ của Bảo tàng đã biết khắc phục khó khăn, bám sát và hướng về cơ sở để tiến hành sưu tầm tài liệu hiện vật, được quần chúng nhân dân địa phương ủng hộ cao, kết quả thể hiện trên các mặt công tác:
+ Hoạt động nghiên cứu sưu tầm:
Đến năm 1970, Phòng đã nghiên cứu sưu tầm và lập hồ sơ đăng ký cho 5.302 đơn vị tài liệu, hiện vật. Năm 1972, phối hợp với Ban xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức nghiên cứu, sưu tầm tư liệu các địa điểm Bác Hồ về thăm Hải Dương. Bên cạnh đó còn sưu tầm được 2.428 đơn vị tài liệu hiện vật, trong đó có 2.000 phim ảnh về lực lượng vũ trang, trống đồng làng Gọp (Thanh Hà), 236 tài liệu hiện vật về tội ác của giặc Mỹ và thành tích của nhân dân ta, 192 hiện vật, tư liệu về thân thế, sự nghiệp anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (TK XIII).
Hoạt động thăm dò khai quật khảo cổ cũng được chú trọng. Từ năm 1970-1987, Phòng đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành nghiên cứu khảo cổ tại các hang động thuộc vùng núi Kinh Môn, phát hiện nhiều đồ đồng có giá trị về lịch sử. Năm 1972, tổ chức khai quật chùa Hương Lãng (Văn Lâm - Hưng Yên) và đặc biệt là cuộc khai quật tại di tích Kiếp Bạc (Chí Linh), đã phát hiện nhiều gạch, ngói, gốm cổ, đường ống dẫn nước… thuộc phủ đệ của Trần Hưng Đạo lúc sinh thời và cuộc khai quật tại di tích Côn Sơn năm 1979 đã thu được nhiều di vật phù điêu đất nung, gạch ngói trang trí, trong đó có mộ tháp và bia đá liên quan đến Huyền Quang Tôn giả - Đệ Tam tổ Phật giáo Trúc Lâm thời Trần (TK XIV), từng trụ trì và viên tịch tại Côn Sơn năm 1334. Năm 1986, tổ chức khai quật thành công hai lò gốm ở Long Xuyên (Cẩm Bình) và Thái Tân (Nam Thanh) thu về hàng nghìn hiện vật có giá trị nhiều mặt.
+ Hoạt động trưng bày, tuyên truyền:
Tổ chức phối hợp với với phòng chuyên môn của Ty Thông tin, Tỉnh đội, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ nhiều cuộc trưng bày chuyên đề như: “Thành tích 40 năm xây dựng Đảng bộ và Hồ Chủ Tịch đối với nhân dân Hải Hưng, nhân dân Hải Hưng làm theo lời dạy của Người”,“Hùng Vương dựng nước”, “chống Nguyên Mông”, “Thành tích 18 năm thắng lợi vẻ vang của quân và dân Hải Hưng” , “Thành tựu 25 năm công tác khảo cổ học”,… Khánh thành mở cửa nhà trưng bày giới thiệu thân thế sự nghiệp danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại di tích Côn Sơn. Tổ chức 02 cuộc nói chuyện về thời kỳ Hùng Vương dựng nước, 180 cuộc về công tác Bảo tồn Bảo tàng và lịch sử địa phương cho hơn 3 vạn cán bộ và nhân dân trong tỉnh; thường xuyên viết bài giới thiệu về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cũng như các danh nhân trong tỉnh trên đài phát thanh, báo địa phương.
Cùng với hoạt động tuyên truyền, công tác xây dựng, chỉnh lý, bổ sung nhà truyền thống tiếp tục được duy trì và phát triển. Trong 10 năm (1971-1981) Phòng đã nghiên cứu và thi công nội dung trưng bày cho 53 nhà truyền thống, tưởng niệm, trong đó điển hình như: nhà truyền thống Cơ khí 1/5 (thị xã Hưng Yên); nhà truyền thống các xã: Chiến Thắng (Tiên Lữ), Mễ Sở, Long Hưng, Nghĩa Trụ (Văn Giang), Lạc Đạo (Văn Lâm), Ái Quốc (Nam Sách),…; 02 nhà truyền thống cấp huyện Văn Giang và Kinh Môn; nhà trưng bày “Trần Hưng Đạo với ba lần chiến thắng Nguyên - Mông” tại đền Kiếp Bạc năm 1985. Đây được coi là thời kỳ phát triển mạnh trong việc xây dựng các nhà truyền thống cấp xã và các ngành trong tỉnh.
Các cuộc trưng bày lưu động cùng hệ thống các nhà lưu niệm, truyền thống đã thu hút hàng vạn người tới tham quan, góp phần giáo dục lòng tự hào dân tộc, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, động viên mọi người hăng hái thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước.
Công tác bảo quản hiện vật đặc biệt được quan tâm, mặc dù di chuyển qua 8 địa điểm nhưng những tài liệu hiện vật vẫn được sắp xếp cẩn thận, khoa học, đảm bảo an toàn. Năm 1964, hiệt vật được chuyển từ Nhà triển lãm về đình Quý Dương lưu giữ, năm 1965 do chiến tranh ngày càng ác liệt, kho hiện vật tiếp tục được chia nhỏ, phân tán gửi ở nhiều nơi để cất giữ tránh hư hại. Năm 1968, một số hiện vật chuyển đến chùa Côn Sơn (Chí Linh), chùa Lâm (Minh Đức-Tứ Kỳ). Năm 1972, đưa trở lại đình Quý Dương. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra, để đảm bảo an toàn, một phần cho hiện vật đưa về cất giữ tại nhà ông Dương Khắc Kháng - Nguyên Chánh Thanh tra Sở VH-TT tại xã Ngô Quyền và đình Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện), một phần đưa về Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật- chợ Gạo (thị xã Hưng Yên). Năm 1982, lần thứ 3, tài liệu hiện vật được đưa về đình Quý Dương lưu giữ. Kết thúc chiến tranh biên giới, kho hiện vật Bảo tàng đưa về Khu triển lãm (nay là Nhà triển lãm, phố Phạm Ngũ Lão). Đến năm 1990 chuyển về địa điểm Bảo tàng như hiện nay.
+ Hoạt động bảo tồn di tích:
Từ năm 1968 - 1972, Phòng Bảo tồn Bảo tàng phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức kiểm kê di tích phổ thông. Kết quả có 1.545 di tích các loại được đăng ký, bảo vệ. Trong 10 năm (1971-1981), bộ phận Bảo tồn Bảo tàng tham mưu cho ngành VH-TT cùng cán bộ và nhân dân địa phương tiến hành tu sửa, trùng tu hàng chục di tích lớn, nhỏ như: Chùa Pháp Vân (Hồng Lạc - Mỹ Văn), chùa Cập Nhất (Tiền Tiến - Nam Thanh), Nhà lưu niệm Bác Hồ (thị xã Hưng Yên), đền Yết Kiêu (Tứ Lộc), đền thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão (Phù Ủng - Kim Thi). Đặc biệt, tại di tích Kiếp Bạc hoàn thành xây dựng và tu sửa nhà khách, nhà trưng bày lưu niệm Trần Hưng Đạo, tam quan, dựng lại 5 gian trung từ, khu sân chơi, đường vào di tích và các công trình phụ trợ khác… Khu di tích Côn Sơn xây dựng phục hồi và tu sửa tuyến đường từ chùa Hun lên đỉnh núi Kỳ Lân dài 1.080m, mặt đường rộng 3m, gần 700 bậc; xây dựng tuyến đường từ chùa Hun đến Thạch Bàn dài 799m với 320 bậc, xây dựng nhà trưng bày danh nhân Nguyễn Trãi, trồng vườn cây ăn quả mang tên “Vườn cây nhớ ơn Bác Hồ”, xây hồ Côn Sơn rộng 43 ha.
Cũng thời kỳ này, nhằm giải phóng dòng chảy sông Thái Bình, Phòng Bảo tồn Bảo tàng phối hợp với UBND xã Cẩm Sơn (Cẩm Bình) di chuyển và phục dựng thành công chùa Giám vào vị trí như hiện nay để tránh bị sạt lở, ngập lụt vào năm 1971. Việc nghiên cứu lập hồ sơ di tích (đến năm 1983) cơ bản hoàn thành 13 di tích đề nghị và được Bộ Văn hóa công nhận 11 di tích của các huyện Châu Giang, Ninh Thanh, Nam Thanh, Tứ Lộc, Phù Tiên, Cẩm Bình, Mỹ Văn, Kim Môn.
+ Hoạt động thông sử:
Năm 1982, UBND tỉnh Hải Hưng ra Quyết định thành lập Ban Thông sử trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin, có nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử tỉnh và hướng dẫn cho các huyện, thị xã biên soạn lịch sử địa phương. Ngày 24/9/1988, Trung ương Hội Sử học có Quyết định thành lập Chi hội Sử học Hải Dương, 04 cán bộ của Ban Thông sử trở thành hội viên, Chi hội trực thuộc Bảo tàng tỉnh.
Từ năm 1984 - 1990, Ban Thông sử đã tích cực thu thập tư liệu, nghiên cứu các chuyên đề như: Gốm sứ cổ Hải Hưng, Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác, Thành và thị Hải Hưng, Nghề cổ truyền Hải Hưng, Lịch sử Thiên chúa giáo Hải Hưng, Những di tích thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung, Di sản Hán Nôm Hải Hưng,...
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống trong Bảo tàng, ngày 02/4/1985, Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng ra Quyết định số 30/QĐ-TU xây dựng nhà Bảo tàng tỉnh tại khu vực phía Tây của Trường Trung học phổ thông Hồng Quang (nay là Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh Hải Dương); nhà Bảo tàng rộng 3.800 m2 trên tổng diện tích 20.000 m2. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách của tỉnh hạn hẹp nên việc xây dựng tạm dừng. Sau khi nghiên cứu mọi mặt, ngày 25/7/1987, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 314/QĐ-UB giao cho Sở Văn hóa - Thông tin được sử dụng khu KII, cơ sở 3, Trường Nguyễn Ái Quốc với diện tích 4.800 m2 để cải tạo làm nhà Bảo tàng tỉnh.
II. BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG VỚI SỰ NGHIỆP BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 1988 - 2018
2.1. Từ năm 1988 - 1997:
Ngày 15/6/1988, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Hưng ra Quyết định số 13/TC đổi tên phòng Bảo tồn Bảo tàng thành Bảo tàng Hải Hưng trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin, đơn vị có con dấu, tài khoản riêng. Tổ chức bộ máy có 15 người chia làm 3 tổ công tác gồm: Tổ nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản gồm 4 cán bộ (2 người làm công tác nghiên cứu sưu tầm, 2 người làm công tác kiểm kê, bảo quản tại kho); tổ công tác trưng bày, thuyết minh và hướng dẫn phong trào gồm 8 cán bộ (trong đó 4 cán bộ làm nhiệm vụ trưng bày, thuyết minh, hướng dẫn phong trào tại cơ sở, 4 cán bộ quản lý danh lam thắng cảnh); tổ hành chính, bảo vệ có 3 cán bộ (01 nhân viên bảo vệ, 01 nhân viên tạp vụ, đánh máy và 01 kế toán), đồng chí Tăng Bá Hoành - Ủy viên Thường trực Ban Thông sử được cử làm Giám đốc, đồng chí Nguyễn Văn Mục làm Phó Giám đốc. Trụ sở làm việc tại đường Hồng Quang, thị xã Hải Dương, tỉnh Hải Hưng (nay là số 11 đường Hồng Quang, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương).
Sau hơn 2 năm tích cực cải tạo và nâng cấp, ngày 02/9/1990, Bảo tàng tỉnh tổ chức khánh thành đón khách tham quan. Để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phù hợp trong điều kiện mới, ngày 22/4/1994, UBND tỉnh ra Quyết định số 153/QĐ-UB thành lập Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Đơn vị được tách từ Bảo tàng tỉnh, có con dấu và tài khoản riêng, trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin. Đồng chí Nguyễn Văn Mục - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh được điều động làm Trưởng ban.
Sau khi Bảo tàng được thành lập, các phòng, ban chuyên môn được kiện toàn, hoạt động trên các mặt một cách hiệu quả:
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tổ chức và phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề như: “Đặc trưng Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, “gốm Chu Đậu”. Trong gần 3 tháng đã có trên 10 vạn lượt khách thăm quan, trong đó có hơn 2 vạn lượt khách nước ngoài. Chỉ tính trong 2 năm 1995- 1996, Bảo tàng đã đón 27.400 lượt khách, trong đó có 100 lượt khách nước ngoài tham quan, nghiên cứu.
- Bên cạnh đó, nhà truyền thống, nhà lưu niệm danh nhân tại các địa phương tiếp tục được củng cố chỉnh lý, bổ sung như: nhà trưng bày tại Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), Hợp Tiến (Nam Sách), nhà tưởng niệm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (Thanh Miện),...
- Đặc biệt, từ năm 1991-1994, Bảo tàng đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, hợp tác trưng bày với nhiều Bảo tàng Quốc gia và chuyên gia Bảo tàng học, Dân tộc học, Khảo cổ học các nước Anh, Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc, Phi-líp-Pin, Lào và Trường Đại học Tổng hợp Adelai (Cộng hòa Úc) đến nghiên cứu, tìm hiểu về khu di tích gốm Chu Đậu; tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế Phố Hiến (TX.Hưng Yên). Đây là một bước tiến quan trọng của Bảo tàng trong việc khẳng định vị thế, vai trò của mình.
- Thời kỳ này, Bảo tàng đã hoàn thành nghiên cứu, sưu tầm và lập thư mục 4.500 văn bản Hán Nôm, 1.200 hương ước và gần 1 vạn phim ảnh. Tổ chức nhiều cuộc khai quật khảo cổ học để làm cơ sở phục dựng Tam quan nội chùa Côn Sơn. Tại thôn Chu Đậu, từ 1986-2002, tiến hành 06 cuộc khai quật. Kết quả thu về hàng vạn đơn vị hiện vật gốm có giá trị, được các nhà khoa học khẳng định Chu Đậu chính là nơi sản xuất gốm sứ mỹ nghệ thời Lê - Mạc (TK XVI); là cơ sở khoa học cho việc cộng nhận di tích cấp Quốc gia năm 1992.
- Ngày 15/2/1992, Sở Văn hóa - Thông tin Hải Hưng ban hành Quyết định số 12/TC về việc hợp nhất Ban Thông sử vào Bảo tàng tỉnh. Sau khi hợp nhất, tập trung nghiên cứu các chuyên đề và xuất bản: Truyền thống Y- Dược Hải Hưng, Nhân vật chí Hải Hưng, Tiến sĩ Nho học Hải Hưng, Làng kháng chiến Hải Hưng, Hải Dương - Di tích và danh thắng tập 1, Lịch sử nghề thuốc tại làng Nghĩa Phú, Phong tục tập quán tiêu biểu tỉnh Hải Dương, Nghề cổ truyền Hải Hưng (03 tập), Gốm Chu Đậu, Tiến sĩ Nho học Hải Dương, Tranh khắc gỗ đầu thế kỷ XX, Mộ Trạch - Làng Tiến sĩ, Một làng Việt Nam,... Đến năm 1996, Bảo tàng đã quản lý 30.641 đơn vị tài liệu, hiện vật.
- Về hoạt động bảo tồn di tích: Bên cạnh các hoạt động bảo vệ, trùng tu tôn tạo, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích. Năm 1994, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức kiểm kê di tích. Kết quả có 1.098 di tích được đăng ký, bảo vệ.
Nhận thấy vai trò quan trọng của bảo tàng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh nhà, ngày 08/02/1991, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 190/QĐ-UB cho phép Bảo tàng tỉnh được sử dụng thêm 3.400 m2 đất đai liền kề của Trường Hành chính (nay là Trường Chính trị tỉnh), nâng tổng diện tích sử dụng lên hơn 8.000 m2.
Năm 1992, tại Hội nghị Tổng kết công tác Bảo tàng 10 năm lần thứ hai (1981-1991), Bảo tàng tỉnh tiếp tục được đánh giá là đơn vị có nhiều thành tích trong công tác Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trước những kết quả phát triển vượt bậc của Bảo tàng tỉnh trên tất cả các mặt, ngày 09/01/1996. UBND tỉnh Hải Hưng ra Quyết định số 37/QĐ-UB về việc xếp hạng Bảo tàng tỉnh thuộc loại II theo Quy chế của Bộ Văn hóa - Thông tin. Đây là một vinh dự lớn đối với toàn thể cán bộ viên chức, người lao động Bảo tàng sau nhiều năm nỗ lực, tích cực phấn đấu. Biên chế của Bảo tàng tỉnh gồm 22 người; chia thành 04 phòng: Hành chính tổng hợp, Nghiên cứu sưu tầm, Trưng bày và Bảo tồn di tích. Giai đoạn này, Bảo tàng luôn được đánh giá, ghi nhận một trong những đơn vị dẫn đầu của cả nước về hoạt động bảo tồn, bảo tàng.
2.2. Từ năm 1998 - 2017
* Về cơ cấu tổ chức, bộ máy:
Ngày 01/01/1997, thực hiện chỉ đạo của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Hải Hưng được tách ra thành 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Theo đó, Bảo tàng Hải Dương đề xuất cử 04 cán bộ về làm việc tại Bảo tàng Hưng Yên gồm đồng chí: Đào Phạm Tuyến, Phạm Trung Hiếu, Hoàng Oánh và Vũ Xuân Tỉnh. Song song với công tác cán bộ, việc bàn giao tài liệu hiện vật, cải tạo hệ thống trưng bày và tiếp tục mở cửa đón khách tham quan của Bảo tàng cũng được chú trọng.
Sau khi chia tách, Bảo tàng tỉnh Hải Dương có 3 phòng: Hành chính - Tổng hợp, Bảo tồn di tích và phòng Bảo tàng. Đồng chí Tăng Bá Hoành tiếp tục làm Giám đốc kiêm quản lý phòng Bảo tồn di tích, đồng chí Nguyễn Văn Thanh làm phó Giám đốc kiêm quản lý phòng Hành chính, đồng chí Lê Thị Dự làm Trưởng phòng Bảo tàng.
Nhằm nâng cao công tác phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng). Được sự đồng ý của UBND tỉnh, ngày 16/8/2004, Sở Văn hóa - Thông tin ban hành Quyết định số 369/QĐ-SVHTT thành lập Ban Quản lí di tích Văn miếu Mao Điền trực thuộc Bảo tàng tỉnh, gồm 04 cán bộ. Đồng chí An Văn Mậu, Phó Trưởng phòng Bảo tồn di tích - Bảo tàng tỉnh được điều động, bổ nhiệm Trưởng ban quản lý. Nhiệm vụ của Ban thực hiện việc tham mưu: quản lý, nghiên cứu sưu tầm tư liệu, thuyết minh, tổ chức nghi lễ và phục vụ đón khách tham quan, chiêm bái. Trong thời gian được giao quản lý, Ban quản lý di tích đã chủ động tham mưu tích cực cho Bảo tàng và Sở VHTT tiến hành khôi phục các nghi lễ, sự lệ, tổ chức lễ hội truyền thống và các cuộc hội thảo khoa học về tu bổ, tôn tạo, dựng bia tiến sĩ, bài trí nội thất thờ tự, phòng trưng bày tại di tích,… Mỗi năm đón hàng vạn lượt khách về tham quan, tưởng niệm.
Ngày 01/6/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2006/QĐ-UBND quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bảo tàng tỉnh Hải Dương gồm Ban Giám đốc (03 người, 01 Giám đốc và 02 phó giám đốc); 05 phòng, ban chức năng gồm: Hành chính - Tổng hợp, Bảo tồn di tích, Trưng bày, Nghiên cứu sưu tầm và Ban quản lý di tích Văn miếu Mao Điền. Tổng số cán bộ, viên chức, người lao động Bảo tàng lúc này là 17 người.
Đứng trước nhu cầu phát triển, việc huy động mọi nguồn lực, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Văn miếu Mao Điền gắn với các di tích tiêu biểu trên địa bàn huyện Cẩm Giàng một cách thuận lợi. Ngày 13/12/2010, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 3424/QĐ-UBND thành lập Ban Quản lý di tích Cẩm Giàng trực thuộc UBND huyện quản lý. Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh, Bảo tàng điều chuyển 02 biên chế về huyện Cẩm Giàng và tổ chức tuyển dụng thêm 03 biên chế. Tổng số cán bộ, viên chức, người lao động của Bảo tàng tỉnh năm 2010 là 18 người.
Để đảm bảo chức năng, nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 01/6/2009, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 227/QĐ-SVHTTDL ngày 18/7/2012 thành lập Phòng Nghiên cứu Lịch sử địa phương trên cơ sở sắp xếp nhân sự tại chỗ. Phòng có 03 cán bộ, đồng chí Nguyễn Thị Huê, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm được điều động bổ nhiệm Trưởng phòng Nghiên cứu Lịch sử Địa phương. Từ đây, Bảo tàng tỉnh có thêm nhiệm vụ mới là nghiên cứu, cập nhật, ghi chép những sự kiện lịch sử tiêu biểu của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực và hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong tỉnh biên soạn lịch sử địa phương.
Từ năm 2016 - 2017, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, Bảo tàng tiến hành dự án cải tạo xây dựng sân vườn, hệ thống thoát nước, trưng bày ngoài trời hạn chế ngập úng, tăng yếu tố thẩm mỹ để đón và phục vụ du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, học tập và nghiên cứu.
*Về hoạt động chuyên môn:
+ Công tác nghiên cứu sưu tầm:
Từ năm 2000-2017, Bảo tàng đã phối hợp với các Viện, trường Đại học, Bảo tàng Trung ương tiến hành gần 30 cuộc thám sát, thăm dò, khai quật khảo cổ, thu về hàng vạn hiện vật có giá trị. Trong đó phải kể đến 02 cuộc khai quật khảo cổ năm 2000 tại sườn núi Ngũ Nhạc (Chí Linh) để xây dựng đền thờ Nguyễn Trãi, thu gần 2.000 hiện vật và mảnh vỡ các loại; cuộc khai quật khảo cổ tại núi Nhẫm Dương, Duy Tân (Kinh Môn). Kết quả đã phát hiện di cốt đươi ươi (tên khoa học Pongo) và xương động vật hóa thạch tại hang Thánh Hóa, có niên đại cách ngày nay trên 5-3 vạn năm. Phát hiện đã gây chấn động giới nghiên cứu khảo cổ cuối thế kỷ XX; thu hồi 02 hiện vật (trống và thạp đồng) tại thôn Hoàng Lại (An Lương - Thanh Hà) do nhân dân địa phương phát hiện năm 2005; khai quật đền Quát, di chỉ gốm Quang Tiền (Gia Lộc, năm 2011); phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (Hà Nội - năm 2014) khai quật di tích gốm Chu Đậu (Nam Sách), phát hiện 01 đáy lò và hàng nghìn di vật gốm, cho phép xác định gốm Chu Đậu độc lập, không chịu ảnh hưởng gốm Thăng Long; khai quật mộ cổ Hảo Thôn, xã Đồng Lạc (Nam Sách) năm 2017; phối hợp với Trung tâm khảo cổ học dưới nước khai quật tại Hoành Sơn (Kinh Môn) và Hội khảo cổ khai quật tại Hang Dê (Kinh Môn) năm 2017.
Cùng với đó, nhiều chuyên đề về Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, nông cụ, tướng lĩnh LLVTND là người Hải Dương, di sản văn hóa Lý - Trần,…; một số hiện vật quý như bia, chân tảng đá, máy bay MIG 21 cũng được nghiên cứu sưu tầm đưa về bảo tàng trưng bày nhằm tiếp tục bổ sung vào kho tư liệu ngày một phong phú, đa dạng.
+ Công tác trưng bày tuyên truyền:
Từ năm 1998 - 2017, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã tổ chức và phối hợp với các Bảo tàng Trung ương, tỉnh bạn tổ chức hơn 60 cuộc trưng bày chuyên đề. Tiêu biểu như: Trưng bày gốm sứ cổ Hải Dương, biển đảo và người chiến sĩ Hải Quân, Hoàng Sa - Trường Sa những bằng chứng lịch sử, cổ vật Tỉnh đông và sưu tập cổ vật tư nhân tiêu biểu, tiếng sấm đường 5, nông cụ, nho học, di sản Lý - Trần...; các cuộc nói chuyện chuyên đề thông qua các nhân chứng lịch sử hoặc các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, địa danh, danh nhân địa phương… đặc biệt hoạt động trải nghiệm làm gốm và các trò chơi dân gian đã thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân, đặc biệt là các em học sinh tới tham quan trải nghiệm thực tế, trong đó có đoàn khách Hàn Quốc. Đây được xem là một trong những hoạt động có tính sáng tạo cao, phù hợp với lứa tuổi, tâm lý và nhu cầu của thời đại trong giáo dục truyền thống.
Tiếp tục hỗ trợ các đơn vị, địa phương xây dựng, chỉnh lý, bổ sung nội dung nhà truyền thống, lưu niệm như: Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo, Công ty Cổ phần xi măng Hoàng Thạch, nhà trưng bày xã Hợp Tiến, nhà lưu niệm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị, Nguyễn Lương Bằng…
Việc quản lý, bảo quản, phân loại, đăng ký tài liệu hiện vật ngày càng được hoàn thiện. Đến hết năm 2017, Bảo tàng tỉnh quản lý gần 50.000 đơn vị tài liệu hiện vật. Trong đó có tới 34 sưu tập tài liệu hiện vật có giá trị, tiêu biểu như: Sưu tập đồ đồng Đông Sơn, sách Hán Nôm, súng thần công, đặc biệt là sưu tập gốm Cù Lao Chàm với 5.561 hiện vật. Đến tháng 10/2017 đã kiểm kê đăng ký 39.988 tài liệu, hiện vật (bao gồm: phim, ảnh, tài liệu giấy, vải, kim loại...). Trong đó có 4.858 hiện vật và 7.914 phim ảnh được nhập vào phần mềm tra cứu dữ liệu hiện vật bảo tàng; tiến hành bảo quản trị liệu (bằng hóa chất) được 5.080 hiện vật.
+ Công tác bảo tồn di tích:
Từ 2001 - 2015: Nhiều dự án trùng tu, tôn tạo lớn được thực hiện như: đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, Nhà giáo Chu Văn An (Chí Linh), Văn Miếu Mao Điền, cụm di tích Tuệ Tĩnh (Cẩm Giàng), đền thờ Khúc Thừa Dụ (Ninh Giang), đền Quát (Gia Lộc), tượng đài Trần Hưng Đạo (Kinh Môn),… Năm 2001, Bảo tàng đã vận động một chuyên gia Nhật Bản tài trợ 2.000 USD để mua 360m2 đất tại thôn Chu Đậu (Nam Sách) và 323m2 đất tại thôn Cậy (Bình Giang) phục vụ nghiên cứu gốm sứ cổ,….
Trong 06 năm (2004-2010), được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quản lý Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng), Bảo tàng đã nghiên cứu phục, xây dựng kịch bản tổ chức thành công Lễ hội mùa xuân (18-2 âm lịch) và Lễ dâng hương mùa thu (20-8 âm lịch), góp phần đẩy mạnh phong trào “Khuyến học, khuyến tài” của tỉnh nhà; vận động được 2 gia đình công đức phục dựng Khải Thánh và miếu Thổ Cờ trị giá gần 3 tỷ đồng,... Cùng với đó vào các năm 2007, 2009, Bảo tàng phối với đơn vị liên quan tiến hành tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể 1.409 làng/khu dân cư của 263 xã/phường thuộc 12 huyện/thị của tỉnh Hải Dương (năm 2007) và tổ chức kiểm kê di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã có 2.207 di tích các loại được đăng ký, bảo vệ (năm 2009). Bên cạnh đó hoạt động kiểm kê khoa học, đăng ký cổ vật; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích được thực hiện thường xuyên. Tính đến 31/12/2017, đã có 12/12 huyện, thị xã, thành phố được kiểm kê cổ vật và 2/12 huyện được kiểm kê cổ vật đợt 2, lập và đăng ký 6.634 phiếu kiểm kê cổ vật. Tiến hành xếp hạng 366 di tích gồm (quốc gia đặc biệt 04, quốc gia 142 và 220 di tích cấp tỉnh). Công tác phối hợp trong giải quyết khiếu kiện, tranh chấp có liên quan đến di tích cũng được Bảo tàng quan tâm, thực hiện tốt như: phối hợp với Thanh tra Sở giải quyết đứt điểm việc khiếu kiện kéo dài tại 2 di tích đình Đỗ Xá (Ninh Giang), Phương Điếm (Gia Lộc) năm 2011; Đình Kim Trang Đông, Kim Trang Tây (Thanh Miện)…
+ Công tác nghiên cứu lịch sử địa phương:
Sau 20 năm sáp nhập Ban Thông sử với Bảo tàng (1992-2012), do nhiều nguyên nhân, hoạt động Thông sử bị phân tán, sao nhãng, có lúc hiệu quả chưa cao. Sau khi Phòng Nghiên cứu Lịch sử địa phương được thành lập năm 2012 đến nay, đã cập nhật ghi chép và biên soạn trên 2.000 sự kiện lịch sử tiêu biểu của tỉnh ở tất cả các lĩnh vực; tổ chức thành công 03 cuộc hội thảo khoa học về “Xác định tiêu chí biên soạn sự kiện lịch sử địa phương” và “Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa tiến sỹ Nguyễn Quý Tân. Đặc biệt là tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo và trình các cấp có thẩm quyền“Đề án nghiên cứu, biên soạn lịch sử tỉnh Hải Dương từ khởi thủy đến năm 2015”. Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt và đang tiến hành thực hiện. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu, biên soạn xuất bản 2 cuốn sách “Lịch sử - Văn hóa làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang” và “Lịch sử - Văn hóa làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng” từ nguồn kinh phí xã hội hóa với trên 1000 cuốn. Đây là một thành quả đáng được ghi nhận của Bảo tàng tỉnh về công tác nghiên cứu lịch sử địa phương (kể từ năm 2012 đến nay).
Chặng đường lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển, trong đó có 30 năm xây dựng và trưởng thành. Thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước (1986 -2016), Bảo tàng đã có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc trên quê hương Hải Dương văn hiến anh hùng.
Với những kết quả đã đạt được, trong nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã được đón nhận những phần thưởng cao quý như: Ba năm liền được Bộ Văn hóa tặng cờ đơn vị thi đua khá nhất, xuất sắc nhất về công tác bảo tồn bảo tàng vào các năm 1968, 1969, 1970; Bằng khen của Bộ VHTTDL năm 2014, Bằng khen của UBND tỉnh năm 2015 và danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc năm 2016, 2017 vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác. Từ 2010 đến nay, tập thể các phòng chức năng, cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Bảo tàng đạt nhiều danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen của Bộ VHTTDL, Bằng khen của UBND tỉnh và giấy khen của Sở VHTTDL.
Để đạt được những kết quả trên, trước hết đòi hỏi sự đoàn kết, dân chủ, thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo và quản lý; sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng chức năng trong đơn vị là điều kiện tiên quyết quan trọng mang lại sự thành công trong những năm qua. Bên cạnh đó, công tác đào tạo cán bộ được chú trọng đặc biệt, không ngừng nâng cao bồi dưỡng chính trị, trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, viên chức trong cơ quan, góp phần tiếp cận khoa học công nghệ trong thời đại Hội nhập quốc tế về Di sản văn hóa. Yếu tố quyết đoán, năng động, sáng tạo, liên kết, phối hợp tổ chức nhiều hơn các hoạt động nghiệp vụ và kêu gọi để đầu tư kinh phí thúc đẩy, từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở dựa trên chức năng, nhiệm vụ được giao.
2.3. Phương hướng hoạt động của Bảo tàng Hải Dương trong thời gian tới
Phát huy truyền thống và kết quả đã đạt được trong những năm qua, tiếp tục tranh thủ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Hải Dương định hướng hoạt động góp phần vào sự nghiệp như sau:
* Đầu tư hạ tầng, trang thiết bị:
- Tiếp tục đề nghị UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể và đầu tư hoàn thiện cải tạo hệ thống tường bao, kho bảo quản hiện vật, nhà làm việc cho cán bộ, viên chức trong cơ quan.
- Thiết bị camera giám sát, máy tính, máy chiếu, máy ảnh, máy quay phim… đảm bảo công tác an toàn và phục vụ khách tham quan đến nghiên cứu, học tập tại bảo tàng đạt hiệu quả tốt nhất.
* Công tác đào tạo cán bộ:
- Hàng năm xây dựng kế hoạch đạo tạo để bồi dưỡng chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đến năm 2020, cán bộ, viên chức, người lao động cơ quan hoàn thành học ngạch di sản viên và di sản viên chính; đến 2025, hoàn thành chương trình chuyên viên chính hoặc di sản viên hạng II.
- Từ 2019 - 2023, mỗi năm có ít nhất 01cán bộ đi học sau đại học.
* Công tác chuyên môn nghiệp vụ:
- Tập trung mọi nguồn lực để xây dựng đề án trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp Bảo tàng giai đoạn 2019 - 2023 và định hướng đến 2030.
- Đề nghị công nhận Bảo tàng là điểm đến, tuyến du lịch của Hải Dương.
- Đẩy mạnh tiến độ sưu tầm tài liệu hiện vật, hình ảnh bổ sung vào kho lưu trữ bảo tàng thêm phong phú, đa dạng (tập trung vào thời kỳ cách mạng từ (1930 - 1975) và thời kỳ đổi mới (1986 - nay); sưu tầm các chuyên đề về di sản văn hóa phi vật thể; làng nghề, nghệ nhân.
- Tích cực phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương tiến hành khai quật khảo cổ để phát huy giá trị hiệu quả.
- Duy trì và phối hợp nhiều hơn nữa với các bảo tàng trung ương, bảo tàng các tỉnh để tổ chức nhiều cuộc trưng bày phục vụ sự kiện chính trị; về lĩnh vực di sản văn hóa; về công tác bảo quản, đăng ký, nhập hiện vật vào phần mềm quản lý,…Huy động nhiều hơn nữa sự sáng tạo để tổ chức các hoạt động trải nghiệm về các lĩnh vực, các giá trị truyền thống; tổ chức các cuộc trưng bày lưu động tại các trường học trên địa bàn thành phố và các huyện, thị trong tỉnh.
- Tham mưu cho Lãnh đạo Sở VHTTDL việc ký kết với Sở Giáo dục - Đào tạo; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các ngành trong việc học ngoại khóa đối với học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức tại Bảo tàng, góp phần cùng nhà trường, gia đình, cơ quan giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng để hiểu hơn về mảnh đất, danh nhân, làng nghề cổ truyền, phong tục tập quán, trò chơi dân gian trên mảnh đất sinh thành và nuôi dưỡng mình.
- Làm tốt công tác truyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong việc hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng.
- Thường xuyên chỉnh lý, bổ sung tư liệu, hiện vật, hình ảnh trang thiết bị trong trưng bày cố định; các nhà truyền thống tại địa phương; công tác bảo quản hiện vật trong kho và ngoài trời; áp dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động bảo tàng.
- Xây dựng website để phục vụ việc tuyên truyền giới thiệu, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa, hiện vật bảo tàng đến đông đảo quần chúng nhân dân.
- Chỉnh sửa, bổ sung mới nội dung pogam giới thiệu về bảo tàng, các hiện vật, sưu tập hiện vật đặc sắc, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quốc gia.
- Đẩy mạnh hoạt động lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc giới di tích; kiểm kê di tích, cổ vật thường niên;
- Tiếp tục tham mưu, thực hiện hoàn thành Đề án“Biên soạn lịch sử tỉnh Hải Dương từ khởi thủy đến năm 2015”; mỗi năm tiến hành nghiên cứu lịch biên soạn lịch sử 01 làng xã và việc xã hội hóa in xuất bản sách./.
Ths. Vũ Đình Tiến
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương 
Các tin mới hơn
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP(15/06/2023)
Các tin cũ hơn
CHÚC MỪNG BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG NHÂN KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP (23/05/2020)
HOẠT ĐỘNG BẢO TỒN BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG - HẢI HƯNG TRONG NHỮNG NĂM THÁNG CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (23/05/2020)
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG - NHỮNG NĂM THÁNG ĐẦU TIÊN (23/05/2020)
NỬA THẾ KỶ NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ VÀ SỰ NGHIỆP BẢO TÀNG (23/05/2020)
VỊ THẾ CỦA BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG HỆ THỐNG BẢO TÀNG VIỆT NAM (23/05/2020)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín