Theo nhiều tài liệu văn hóa dân gian, dựng cây nêu ngày Tết là một phong tục lâu đời của người Việt Nam. Cây nêu ngày Tết mang triết lý âm dương, qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh… cây nêu còn gắn với truyền thuyết dân gian ngăn ngừa không cho ma quỷ ở biển Đông vào đất liền, tới nơi con người làm ăn, sinh sống.
Cây nêu được dựng tại Bảo tàng Hải Dương
Trong sách “Hội hè lễ nghi”, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên viết về cây nêu: “Đấy là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh có treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm. Cây nêu được làm như vậy chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn Tết trong gia đình những người đang sống…”
Trong sự tích cây nêu của tác giả Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, cây nêu là vật của con người dùng để đuổi quỷ trong dịp Tết Nguyên đán, với khánh đất nung, lá đa, lá dứa cho quỷ sợ, đồng thời dưới mặt đất có rắc vôi bột và vẽ cung tên hướng về phía đông với ý nghĩa xua đuổi loài quỷ ra khỏi nơi ở của con người.
Theo GS. Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam: Người Việt coi cây nêu là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Cây nêu làm bằng tre vì tre có đốt, là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng tốt tươi.
Như vậy, cây nêu trở thành biểu tượng của sự đấu tranh giữa thiện và ác, giữa thiên thần và quỷ dữ nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người. Ngày tết thần linh về trời, do vậy con người cần có những “bảo bối” của thần nhằm đề phòng cảnh giác, chống lại sự xâm nhập của ác quỷ lúc con người vui chơi. Đây cũng là dịp để con người thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, tảo trừ những điều xấu xa của năm cũ. Những ngọn nêu vương cao trong nắng gió là cầu mong cho một năm mới bội thu, nhiều may mắn. Do vậy, mỗi dịp Tết đến Xuân về, thường từ ngày 23 tháng Chạp thì người dân dựng cây nêu cho đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng thì cây nêu được hạ xuống. Cây nêu được coi là biểu tượng thiêng liêng tránh xui xẻo và mang lại may mắn cho gia đình trong cả năm.
Trải qua thời gian, ngày nay, phong tục dựng cây nêu trong ngày tết của người Việt ngày càng mai một, thậm chí nhiều làng quê Việt Nam không còn giữ tục dựng cây nêu trong ngày Tết. Nhằm tái hiện lại nếp sinh hoạt cộng đồng của người Việt xưa, làm giàu thêm bản sắc văn hóa đặc trưng của miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ trong xã hội hiện nay, Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức trưng bày chuyên đề “Tết Việt xưa” trong đó có tái hiện lại phong tục dựng cây nêu ngày Tết với ý nghĩa tượng trưng, cầu chúc những điều tốt đẹp trong năm mới, cũng là sự hoài niệm về một phong tục của tết cổ truyền của người Việt xưa.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.
2. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005.
3. Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ tết của người Việt, NXB Thế giới, Hà Nội, 2018.
4. Nhất Thanh, Vũ Văn Khiếu, Phong tục làng xóm Việt Nam, NXB Phương Đông, 2005
5. Bùi Xuân Mỹ, Lễ tục trong gia đình người Việt, NXB Văn hóa Thông tin, 2007
Nguyễn Hạnh