Cho tôi về lại tuổi thơ
Cho tôi trốn ngủ những trưa nắng hè
Cho tôi tìm dế bắt ve
Cho tôi trèo sấu trèo me phải đòn
Những câu thơ trong tập thơ “Nắng từ Quê mẹ” đã đưa tôi trở về với những ký ức ngọt ngào của tuổi thơ. Một bầu trời thương nhớ với bao kỷ niệm gắn liền với những trò chơi dân gian: thả đỉa ba ba, bịt mắt bắt dê, chơi ô ăn quan, nu na nu nống, đánh khăng, trốn tìm, nhảy dây... Và, đâu đó vẫn còn văng vẳng những câu đồng dao quen thuộc “Que mốt, que mai/ Cái trai, cái hến... của trò chơi chuyền đã đi vào tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt Nam.
Trải nghiệm trò chơi "chơi chuyền" tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương
Chơi chuyền là một trò chơi dân gian vô cùng quen thuộc, đặc biệt là ở những vùng quê, vùng nông thôn Việt Nam. Đây là trò chơi chủ yếu dành cho các bạn nữ. Trò chơi chuyền gắn liền với bài đồng dao cùng lời thơ khá dài. Vì vậy trước khi chơi, người chơi nên học thuộc trước lời đồng dao. Trò chơi này cần dụng cụ là một quả bóng hình tròn (có thể được thay bằng quả găng, quả cam, quả bưởi nhỏ hoặc quả ổi xanh) có thể cầm vừa tay và 10 que tre được vót tròn giống như que đũa, dài 20 - 25 cm. Tay phải cầm quả rồi tung lên không trung và nhặt từng que rồi bắt quả ngay khi rơi xuống. Lặp đi, lặp lại nếu quả rơi xuống đất thì mất lượt và chuyển sang bạn tiếp theo. Trò chơi gồm có 10 bàn với 10 bài đồng dao tương ứng. Mỗi bàn tính theo số lượng để nhặt que chuyền lên: bàn thứ nhất nhặt 1 que, bàn thứ 2 thì nhặt 2 que ... cho đến bàn thứ 10.
Sau khi hết 10 bàn, người chơi sẽ chuyển sang chuyền bằng hai tay cũng bằng cách tung quả chuyền lên cao, đồng thời dùng 2 tay nắm 10 que chuyền ở giữa và xoay một đến hai vòng tại chỗ. Bàn chuyền hai tay cũng cần thực hiện 10 lần. Đoạn này tương ứng với đoạn hát đồng dao “ Chuyền chuyền một, một đôi…”
Bài đồng dao khi chơi chuyền có nhiều lời (tùy từng vùng) và mỗi bàn chơi lại có các lời khác nhau: Bàn một, bàn hai…cho đến bàn mười. Dưới đây là lời đồng dao chơi chuyền phổ biết nhất.
Bàn một: Que mốt, que mai, cái trai, cái hến, con nhện, chăng tơ, quả mơ, quả mận, thắng trận, lên bàn đôi
Bàn hai: Đôi chúng tôi, đôi chúng nó, đôi con chó, đôi con mèo, hai chèo ba
Bàn ba: Ba đi xa, ba về gần, ba luống cần, một lên tư
Bàn bốn: Tư củ từ, tư củ tỏi, hai hỏi năm
Bàn năm: Năm em nằm, năm lên sáu
Bàn sáu: Sáu lẻ tư, tư lên bảy
Bàn bảy: Bảy lẻ ba, ba lên tám
Bàn tám: Tám lẻ đôi, đôi lên chín
Bàn chín: Chín lẻ một, mốt lên mười.
Các bàn chuyền hai tay: Ngả năm mươi, mười vơ cả, ngả xuống đất, cất lên tay, xoay ống nhổ, đổ tay chuyền, chuyền chuyền một, một đôi tay...
Không đơn thuần chỉ là trò chơi, chơi chuyền còn giúp các bạn nhỏ rèn luyện trí nhớ, sự nhanh nhẹn khéo léo của đôi tay, khả năng quan sát nhanh nhạy, kỹ năng đếm và đón bắt vật nhanh, chính xác, khả năng kết hợp giữa nhịp điệu bài đồng dao và tay chuyền trong khi chơi trò chơi.
Có lẽ, trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại ngày nay, hình ảnh những cô bé vui cười cùng những que chuyền, quả chuyền năm nào giờ đây dường như đã vắng bóng. Gác lại những bộn bề lo toan của cuộc sống, chúng ta chỉ ước ao được cùng nhau quay ngược dòng thời gian, tìm về ký ức của một thời tuổi thơ đáng nhớ. Và, sao phải ước nhỉ? Bảo tàng tỉnh Hải Dương sẽ là nơi để các bạn tìm về tuổi thơ của mình - Hãy đến và trải nghiệm các bạn nhé!
LÊ THỊ THỦY NGỌC
Phòng Trưng bày