Hải Dương là tỉnh có nhiều làng nghề thủ công truyền thống độc đáo và đặc sắc, trong đó không thể không nhắc tới nghề sản xuất gốm.
Để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, với mong muốn tạo ra một sân chơi bổ ích, lành mạnh, thiết thực và hấp dẫn đối với khách tham quan, đặc biệt là các em học sinh; Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã xây dựng và đưa vào hoạt động chương trình trải nghiệm sản xuất gốm với chủ đề “Em học làm nghệ nhân”. Đến với chương trình trải nghiệm, du khách sẽ có cơ hội hòa mình với những không gian xưa, được khoác lên mình những bộ quần áo nâu truyền thống và trực tiếp tham gia hoạt động trải nghiệm sản xuất gốm. Với điều kiện và cơ sở vật chất hiện có của Bảo tàng, các bạn sẽ được tham gia trải nghiệm sản xuất gốm theo phương pháp thủ công truyền thống, với từng công đoạn như: Tạo hình sản phẩm theo phương pháp đổ khuôn, tạo hình trên bàn xoay và trang trí hoa văn trên sản phẩm gốm.
Mỗi công đoạn của nghề sản xuất gốm truyền thống đều rất công phu, tỉ mỉ. Vì vậy, để tạo ra một sản phẩm gốm đòi hỏi phải hết sức khéo léo. Đây là một trong những hoạt động trải nghiệm mang tính tập thể, đặc biệt thu hút sự yêu thích của đông đảo các em học sinh. Qua đó, giúp cho các em thể hiện tinh thần đoàn kết, phát huy khả năng tư duy và sáng tạo của mình trong việc thể hiện sự khéo léo, tài hoa qua các tác phẩm gốm.
- Tạo hình sản phẩm gốm bằng phương pháp đổ khuôn: Trải nghiệm phương pháp này, các bạn sẽ trực tiếp được tham gia từ khâu ghép các mảnh khuôn gốm. Sau đó, dùng dây để cố định khuôn, tiếp đến rót từ từ hồ đất vào trong khuôn, đợi khoảng 30 phút sau thì đổ phần hồ thừa trong khuôn ra, tiếp tục để khoảng 90 phút cho tinh bột hồ kết dính lại và ngấm vào thành khuôn. Cuối cùng, các bạn sẽ tiến hành dỡ khuôn và cùng chiêm ngưỡng một tác phẩm hoàn chỉnh. Đây là phương pháp khá đơn giản và dễ thực hiện.
(Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm làm gốm theo phương pháp truyền thống tại Bảo tàng tỉnh)
Tuy nhiên, để có một sản phẩm mang tính nghệ thuật cao người ta thường sử dụng phương pháp chuốt bằng tay. Đây là phương pháp tạo hình sản phẩm gốm trên bàn xoay (hay còn gọi là chuốt gốm trên bàn xoay).
- Tạo hình sản phẩm trên bàn xoay: Trải nghiệm phương pháp này, các bạn sẽ được trực tiếp ngồi vào bàn xoay và sử dụng đôi tay khéo léo cùng với trí tưởng tượng phong phú của mình để thỏa sức sáng tạo ra những chiếc bát, chén, đĩa, bình gốm, lọ hoa... hay bất kì một sản phẩm nào mà các bạn yêu thích. Và, để làm được điều đó, các bạn sẽ lần lượt được cán bộ của Bảo tàng Hải Dương trực tiếp hướng dẫn từng công đoạn, từ khâu “vò đất”, làm “đất chết” (cố định đất trên mặt bàn xoay) rồi đến khâu “tạo hình sản phẩm” như thế nào? Tùy theo ý tưởng sáng tạo của mỗi bạn để tạo ra các sản phẩm cụ thể như: Bát, đĩa, chén, bình, lọ hoa… với kích thước to hay nhỏ đều do mực mắt và đôi bàn tay của các bạn tự do sáng tạo. Chuốt bất kì sản phẩm gốm nào, cũng đều phải tạo khối trụ tròn rỗng trước. Sau đó, mới định hình sản phẩm theo ý muốn và tiếp tục chuốt từ miệng sản phẩm xuống thân. Cứ lặp lại thao tác “chuốt” nhiều lần cho đến khi tạo ra sản phẩm theo đúng với mong muốn và sở thích của mình. Sau khi tạo dáng, sản phẩm sẽ được phơi khô cho se lại và tiếp tục chỉnh sửa phần đáy. Như vậy, chúng ta đã có một sản phẩm hoàn chỉnh.
Đặc biệt, khi tham gia hoạt động trải nghiệm làm gốm các bạn sẽ cảm nhận thấy niềm yêu thích và sự đam mê của mình qua từng thao tác kỹ thuật và sự chuyển động “thiên biến vạn hóa” của khối đất trước khi tạo ra “hình hài” một sản phẩm gốm hoàn chỉnh trong quá trình tạo tác. Đây cũng là cơ hội để các bạn có điều kiện thử sức mình trên một lĩnh vực mới. Đồng thời góp phần khơi gợi niềm đam mê và tình yêu với gốm sứ - một nghề cổ truyền tiêu biểu và đặc sắc mà cha ông đã dày công tạo dựng, vun đắp để truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau.
Cùng với hai phương pháp tạo hình sản phẩm bằng cách "đổ khuôn" và "chuốt gốm trên bàn xoay", các bạn còn được tham gia trải nghiệm công đoạn "trang trí hoa văn" trên sản phẩm gốm. Đây là một trong những công đoạn khá hấp dẫn, được nhiều bạn yêu thích, lựa chọn. Sản phẩm gốm thô sau khi tạo dáng sẽ được trang trí các loại hoa văn góp phần làm tăng tính nghệ thuật và hấp dẫn cho từng sản phẩm. Các bạn sẽ được lựa chọn cho mình một sản phẩm yêu thích. Sau đó, sử dụng bút lông và màu, vẽ các loại hoa văn theo mẫu có sẵn hoặc có thể vẽ tự do theo trí tưởng tượng về các loại đề tài như: Chủ đề thực vật (hoa cúc, hoa sen, hoa hướng dương…); chủ đề động vật, vẽ hình các con vật mà các bạn yêu thích (tôm, cua, cá, các loài chim, ong, bướm, thỏ…). Đặc biệt, các bạn có thể ký tên lên tác phẩm của mình để lưu lại làm kỷ niệm nhé!
Chúc các bạn có một buổi trải nghiệm thật thú vị và bổ ích tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương./.
Đặng Thoan