Thực hiện Kế hoạch số 712/KH-UBND ngày 13/3/2023 của UBND tỉnh Hải Dương về việc ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 9/12/2022 về việc phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hải Dương;
Căn cứ vào Chương trình số 217/CTr-BGDĐT-BVHTTDL ngày 4/3/2022 của Bộ Giáo dục và Đào Tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phối hợp giữa Bộ GDĐT với Bộ VHTTDL giai đoạn 2022 - 2026; Chương trình số 618/CTPH-SVHTTDL-SGDĐT ngày 18/4/2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức các hoạt động tham quan, học tập, trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh và các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2022 - 2025;
Thực hiện kế hoạch số 02 -KH/CĐBT về hoạt động của Công đoàn CSTV Bảo tàng tỉnh năm 2024. Với mong muốn tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động trải nghiệm của bảo tàng nhằm thu hút khách tham, đặc biệt là các em học sinh tới tham quan học tập, trải nghiệm; Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã nghiên cứu thêm một số hoạt động trải nghiệm mới nhằm tích hợp, liên môn giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng sống, kĩ năng sống, giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế.
Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã lưu giữ 50.477 nghìn tài liệu hiện vật, phim ảnh, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý không chỉ có giá trị đối với tỉnh Hải Dương mà có ý nghĩa đối với lịch sử văn hóa dân tộc. Từ năm 2013 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã có những hoạt động mang tính đột phá, nhằm tạo sự mới lạ, hấp dẫn mang đến với công chúng và trở thành một điểm đến đa dạng về tư liệu, hình ảnh và các hoạt động trải nghiệm làm sống lại các sự kiện lịch sử, văn hóa của người xứ Đông xưa, Hải Dương nay để đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa của du khách, nhân dân và các em học sinh thông qua các trưng bày chuyên đề mang tính thời sự, phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỉ niệm các sự kiện lịch sử….
Để thu hút nhân dân và du khách, nhất là đối với các em học sinh khi tới tham quan Bảo tàng, từ năm 2017 Bảo tàng tỉnh đã nghiên cứu sưu tầm, phục dựng và đưa vào hoạt động trải nghiệm một số công đoạn nghề thủ công truyền thống như: Làm gốm, làm cốm cổ truyền và Tổ chức các trò chơi dân gian tại bảo tàng như: Kéo co, bắt chạch trong chum, bịt mắt đánh trống, chơi ô ăn quan, chơi chuyền, nhảy bao bố... đã thu hút và nhận được sự ủng hộ cao của thầy cô giáo, phụ huynh, đặc biệt là sự hứng khởi, yêu thích của các em học sinh khi tới tham quan, nghiên cứu, học tập tại bảo tàng. Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các cấp, sở, ngành có liên quan, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo của tập thể lãnh đạo viên chức Bảo tàng tỉnh trong quá trình thực hiện công việc đã nghiên cứu, sáng tạo, tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm mới phục vụ công chúng trong dịp lễ, tết (Tết Trung thu và Tết Nguyên đán, Tết hàn thực,...) có thể kể đến:
Thứ nhất, là hoạt động trải nghiệm trang trí đèn ông sao theo phương pháp truyền thống. Sau khi cán bộ Bảo tàng giới thiệu khái quát về nguồn gốc, ý nghĩa của chiếc đèn, khách tham quan trải nghiệm thực tế các công đoạn trang trí đèn ông sao như: Tạo khung đèn bằng các nan tre chẻ sẵn; Dán giấy mầu lên các cánh sao; Trang trí đèn ông sao: Dán đường diềm, vòng kim tuyến, dựng cán cầm,...; Dán logo Bảo tàng và hoàn thiện chiếc đèn ông sao.
Thứ hai, trải nghiệm nghề nặn tò he truyền thống: cũng như trải nghiệm trên khi hiểu khái quát về nguồn gốc, ý nghĩa và các công đoạn của nghệ thuật nặn tò he truyền thống, khách trải nghiệm được làm trực tiếp, lấy bột với tỷ lệ và cách phối mầu làm sao tạo ra được các con vật giống với con vật ngoài thực tế về mầu sắc và hình thể.
Thứ ba, trải nghiệm trang trí mặt nạ giấy bồi theo phương pháp truyền thống, các công đoạn trang trí mặt nạ giấy bồi: Dán bồi các mảnh giấy lên khuôn đúc đã tạo sẵn thành nhiều lớp để tạo hình dáng chiếc mặt nạ; Tô, vẽ từng lớp sơn nhiều màu trang trí lên chiếc mặt nạ giấy, Buộc dây chun vào 2 lỗ bên phải và trái mặt nạ để có thể đeo được trên mặt.
Thứ tư, trải nghiệm in mộc bản (nghề khắc ván in), trước khi trải nghiệm khách tham quan được nghe giới thiệu khái quát về nguồn gốc, ý nghĩa, quy trình in mộc bản (nghề khắc ván in), sau đó được trải nghiệm thực tế một số công đoạn in tranh, các bước chuẩn bị mực, giấy bản, con lăn, sơ mướp đã sẵn sàng,...khách sẽ dùng con lăn, lăn đều mực lên ván in, sau đó căn chỉnh giấy bản sao cho cân đều giữa ván in, lấy sơ mướp vuốt đều giấy, làm đi làm lại nhiều lần, hoàn thiện bức tranh.
Thứ năm, trải nghiệm làm ông múa/ đánh gậy trông trăng (ông múa rối gậy): Ông đánh gậy còn được gọi là múa rối gậy, thường được buộc ở hai bên tay kiệu của ông tiến sĩ mô phỏng đám rước ông tiến sĩ về vinh quy bái tổ hoặc treo ở những nơi có gió, để các ông chuyển động trông rất sống động, vui mắt. Theo lời kể của những người lớn tuổi, trước đây trong chiến tranh người ta làm các ông múa kiếm, múa gươm biểu thị quyết tâm đánh giặc, giành độc lập. Khi đất nước thanh bình người ta làm các ông múa gậy, muốn truyền tải thông điệp với con trẻ phải cố gắng rèn luyện để có sức khỏe tốt, để học tập và bảo vệ tổ quốc. Đồ chơi ông đánh gậy và ông tiến sĩ là những món quà trân quý mà người lớn trong gia đình gửi tặng cho trẻ em với mong muốn các em học hành chăm chỉ, khỏe mạnh và giỏi giang. Đây là biểu hiện của tinh thần hiếu học và thượng võ của dân tộc ta thể hiện trong những món đồ Trung thu nhỏ xinh dành cho các bé.
Công đoạn làm ông đánh gậy gồm nhiều bước chuẩn bị, đất thó, tre, nứa, giấy mầu... từ những vật liệu đơn giản gần gũi với cuộc sống dân gian nhưng ẩn chứa những nét đẹp sâu kín, giàu hình tượng, kết tinh giá trị văn hóa hàng trăm năm lịch sử. Thân “ông đánh gậy”, gồm 3 đốt, được làm bằng thân cây rút (giống như cây liền thanh) trong mềm ngoài rắn, giấy mầu thiết kế áo, thân áo; dùng đất thó nặn mặt nhưng hiện nay để giảm tải công đoạn Bảo tàng tỉnh sử dụng giấy mầu và vẽ các bộ phận khuôn mặt, phần tay được làm bằng hạt cườm hoặc thân cây dâu cắt khúc tuốt sạch, dùng kim chỉ khâu lại thành bộ phận tay, ... tất cả được dán keo, khâu, buộc lại tạo thành ông múa gậy.
Ngoài 5 hoạt động trải nghiệm mới trên, Bảo tàng tỉnh thường xuyên duy trì tổ chức một số trò chơi dân gian: Bịt mắt đánh trống, bịt mắt đập niêu, kéo co, ô ăn quan, chơi chuyền, bịt mắt bắt vịt, bắt chạch trong chum, nhảy dây, pháo đất...
Các chương trình hoạt động trải nghiệm giáo dục sẽ giúp tạo nên mối liên hệ mật thiết, gần gũi giữa bảo tàng và công chúng. Hoạt động trải nghiệm giáo dục mang tính tương tác, tạo cơ hội cho người xem trực tiếp tham gia luôn, tạo sự hứng thú và mang lại hiệu quả cao hơn chương trình giáo dục một chiều. Đặc biệt là đưa bảo tàng trở thành nơi “giáo dục trải nghiệm” bổ ích, lý thú.
Có thể nói, các hoạt động trải nghiệm thường xuyên được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương và các hoạt động mới trong dịp Tết Trung thu (trải nghiệm làm đèn ông sao, nặn tò he, trang trí mặt nạ giấy bồi, làm con rối ông múa/đánh gậy, trải nghiệm in mộc bản (nghề khắc ván in)),...dành cho khách tham quan và đặc biệt là học sinh, sinh viên,... đã thực sự trở thành "thương hiệu" của Bảo tàng tỉnh Hải Dương và liên tục được đổi mới, sáng tạo, đa dạng về nội dung cũng như các hoạt động trải nghiệm, thu hút sự tham gia đông đảo và thường xuyên của công chúng (đặc biệt là học sinh). Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh liên tục đổi mới, không ngừng sáng tạo để nghiên cứu nhiều hoạt động trải nghiệm giáo dục hơn nữa phục vụ công chúng.
Hoàng Hương