BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM

      Mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi từng rất được yêu thích, nhất là vào mỗi dịp Trung thu. Đến nay, món đồ chơi truyền thống này đã dần mai một bởi nhiều loại đồ chơi hiện đại xuất hiện. Chính vì thế, những chiếc mặt nạ giấy bồi mang giá trị nguyên bản, đơn sơ và mộc mạc nhất của món đồ chơi cho trẻ em ngày Tết Trung thu đang dần vắng bóng.

Với mục đích góp phần giữ gìn những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc, nhất là một số nghề thủ công truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, để những giá trị và ý nghĩa của chúng không bị lãng quên; sáng ngày 21/6/2023, Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức cho cán bộ tiến hành nghiên cứu, khảo sát, học tập các công đoạn của nghề làm mặt nạ giấy bồi.
Đoàn đã được gia đình nghệ nhân Vũ Huy Đông, thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, là một trong số ít hộ gia đình còn gắn bó với nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống qua nhiều thế hệ, nhiệt tình đón tiếp và tạo điều kiện về cơ sở, vật chất để các cán bộ trong đoàn trực tiếp trải nghiệm, học hỏi và tiếp thu những kinh nghiệm trong từng công đoạn của nghề làm mặt nạ giấy bồi.
Nghệ nhân Vũ Huy Đông đã có hơn 40 năm miệt mài làm nên những chiếc mặt nạ giấy bồi đầy màu sắc, từ những nguyên liệu hết sức đơn giản như các loại giấy trắng, giấy báo và bìa carton tái chế, cùng với hồ dán nấu từ bột sắn… Đằng sau những chiếc mặt nạ trông đơn sơ, giản dị là bao công sức và tâm huyết của những người nghệ nhân từ xưa đến nay. Những chiếc mặt nạ giấy bồi được làm và vẽ hoàn toàn thủ công nên rất có hồn và được giới trẻ yêu thích. Mặt nạ giấy bồi tuy dễ làm nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và công phu trong từng công đoạn. Đoàn đã được nghệ nhân Vũ Huy Đông trực tiếp hướng dẫn từ bước tạo khuôn, bồi thô, phơi khô đến tô, vẽ màu… trang trí và hoàn thiện sản phẩm. Sở dĩ, được gọi là “mặt nạ giấy bồi” là từ cách tạo ra chiếc mặt nạ này. Những chiếc mặt nạ được làm từ giấy xé vụn và dán bồi lên nhau để tạo độ dày và kết dính. Khi hình phôi cứng, sắc nét mới đem phơi khô rồi mới vẽ, sơn trang trí cho từng mẫu.
Để làm ra một chiếc mặt nạ bằng giấy bồi phải trải qua nhiều công đoạn hết sức công phu và tỉ mỉ, đòi hỏi mỗi người thợ phải có sự kiên trì và lòng say mê yêu nghề. Các bước để tạo ra một chiếc mặt nạ giấy bồi:
- Tạo khuôn: Khuôn mặt nạ được đúc bằng xi măng cát theo các hình dáng, kích thước khác nhau. Mỗi dáng mặt nạ sẽ có một khuôn riêng. Có hai loại khuôn âm và khuôn dương. Với khuôn âm, các lớp giấy được dán bồi từ bên trong lòng khuôn. Với khuôn dương, các lớp giấy được bồi bên trên bề mặt khuôn, khuôn dương dễ làm hơn vì có thể hình dung ngay được hình dáng mặt nạ và điều chỉnh các lớp giấy bồi sao cho thật nhẵn, tạo độ phẳng để dễ dàng khi tô, vẽ các lớp sơn. Khuôn âm thì khi nhấc mặt nạ ra khỏi khuôn mới hình dung được hình dáng mặt nạ.
- Bồi thô: Trước tiên phải xé giấy thật nhỏ, sau đó lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn, rồi tiếp tục đến các lớp còn lại. Lớp trước được dán chồng lên lớp sau, kết dính bằng một loại hồ nấu chín từ bột sắn dây. Khoảng 5 - 6 lớp giấy vụn dán bồi lên nhau, sau khi dỡ khuôn sẽ tạo ra chiếc mặt nạ cốt trắng (mặt nạ mộc), nên mới gọi là “mặt nạ giấy bồi” (mặt nạ bằng giấy, bồi bằng tay).
- Trang trí mặt nạ giấy bồi: Đây là công đoạn quan trọng, hoàn thiện chiếc mặt nạ. Để mỗi chiếc mặt nạ thêm sinh động và hấp dẫn, các họa tiết trang trí được tô, vẽ bằng nhiều màu sơn khác nhau. Vẽ nền trước, sau đó mới vẽ các chi tiết nhỏ sau. Mặt nạ nhiều màu phải tô thành nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được bền và không bị nhòe. Khi tô, vẽ màu người thợ cũng cần hết sức cẩn trọng trong từng nét vẽ. Quá trình tô,vẽ màu phải chia ra từng công đoạn nhỏ, tô từng màu riêng, mỗi màu lại phải tô đi tô lại nhiều lần với sự tỉ mỉ, cẩn trọng mới thể hiện được thần thái của mặt nạ nhân vật, có như vậy mới tạo được chiếc mặt nạ mềm mại, sinh động và có hồn.
Giữa guồng quay nhanh chóng và hối hả của xã hội, mong rằng các bạn nhỏ có thể tìm về những giá trị nguyên bản, đơn sơ và mộc mạc nhất của ngày Tết Trung thu trọn vẹn và ý nghĩa với những chiếc mặt nạ giấy bồi đầy màu sắc bên cạnh những chiếc bánh trung thu chuẩn vị truyền thống, để ngày Tết Trung thu trở nên ý nghĩa và đầm ấm nhất.
Bảo tàng tỉnh Hải Dương hy vọng sẽ mang đến cho các bạn nhỏ một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ và hấp dẫn./.
Một số hình ảnh buổi khảo sát:
 
 
 

                                                                       Đặng Thị Thoan - Phòng Trưng bày

Các tin mới hơn
TRẢI NGHIỆM LÀM BÁNH TRÔI, BÁNH CHAY TRUYỀN THỐNG(04/04/2024)
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC XEM CHIẾU BÓNG THỜI BAO CẤP MIỄN PHÍ(23/11/2023)
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TÁI HIỆN KÝ ỨC VỀ “THỜI BAO CẤP” TẠI BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG (16/11/2023)
THƯ MỜI TRẢI NGHIỆM "SẮC MÀU TRUNG THU"(08/09/2023)
Các tin cũ hơn
CÁN BỘ BẢO TÀNG TỈNH TIẾP CẬN NGHỆ THUẬT NẶN TÒ HE(23/05/2023)
BẢO TÀNG TỈNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM VÀ TRÒ CHƠI DÂN GIAN PHỤC VỤ “PHỐ ĐI BỘ - CHỢ ĐÊM HẢI DƯƠNG”(27/04/2023)
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG THAM DỰ CUỘC THI ẢNH “NÉT ĐẸP PHỤ NỮ NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH”(19/10/2022)
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM: "LẤP LÁNH ÁNH SAO ĐÊM RẰM"(30/08/2022)
HỘI NỮ DOANH NHÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ THĂM VÀ TRAO TẶNG CÂY XANH CHO BẢO TÀNG TỈNH (19/08/2022)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín