Nghề thủ công vốn có truyền thống từ lâu đời, không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn chứa đựng nhiều phong tục tập quán, những nét đẹp văn hóa của làng quê Việt Nam. Giữa nhịp sống đô thị hiện đại, thành phố Hải Dương vẫn bảo tồn được 4 làng nghề truyền thống là mộc Đức Minh, mộc Nguyễn Xá, bánh đa Lộ Cương, đặc biệt là nghề làm cốm tại làng Thạc đã được gìn giữ và duy trì suốt 300 năm qua.
Từ những hạt lúa nếp non còn ngậm sữa, để có được những hạt cốm vừa dẻo, vừa thơm phải qua 5 công đoạn: Lựa chọn nguyên liệu, rang thóc, giã cốm; giần, sàng và đóng gói. Mỗi công đoạn đều rất công phu, tỉ mỉ, chứa đựng biết bao sự tâm huyết, vất vả của người làm ra chúng. Không chỉ là món ăn giản dị, cốm còn là món quà tinh tế để gửi tặng người thân trong những dịp lễ Tết, hội họp. Đặc biệt, món bánh cốm đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong đám hỏi tại nhiều địa phương hiện nay.
(Hình ảnh cánh đồng lúa non - nguyên liệu sản xuất cốm (PV)
Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát thực tế quy trình sản xuất cốm tại làng Thạc, xã An Châu, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã lựa chọn và đưa 2 công đoạn (giã và giần, sàng) vào chương trình trải nghiệm. Thông qua hoạt động này, giúp cho khách tham quan đặc biệt là các em học sinh có cơ hội được tìm hiểu sâu hơn về các công đoạn, quy trình để làm ra những hạt cốm xanh rờn, thơm ngon mà thấm đượm hồn quê. Đồng thời, là dịp để các em làm quen với các vật dụng quen thuộc của nhà nông như: cối đá, giần, sàng, nia là những nông cụ do đôi bàn tay khéo léo của ông cha ta tạo ra trong quá trình sản xuất và sinh hoạt.
(Học sinh trải nghiệm làm cốm truyền thống tại Bảo tàng tỉnh)
Đến với chương trình trải nghiệm, các em sẽ được trực tiếp thực hành công đoạn giã cốm trong những chiếc cối đá truyền thống với nhiệm vụ tách được lớp vỏ trấu ra khỏi hạt gạo, giã cho hạt gạo mỏng, dẹt xuống. Công việc này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi phải có sự khéo léo trong quá trình giã. Khi giã, nhịp chày phải nhịp nhàng và đều đặn, chày giã xuống phải ở giữa lòng cối, không được lệch qua một bên, nếu không hạt thóc sẽ bị vỡ nát hay văng ra bên ngoài. Đó cũng là khoảng thời gian giúp các em rèn luyện tính tập trung cũng như sự bền bỉ và dẻo dai của đôi tay.
Sau khi giã tách được vỏ trấu ra khỏi hạt gạo là đến công đoạn giần, sàng để loại bỏ vỏ trấu, hạt tấm giúp làm sạch mẻ cốm vừa giã xong. Đây là công đoạn đòi hỏi ở các em sự tỉ mỉ, khéo léo, hai tay phải cử động thật nhịp nhàng, uyển chuyển, giúp xoay tròn giần, sàng. Từ đó, làm các hạt cốm bên trong cũng xoay tròn theo, còn hạt tấm, mày trấu lọt qua mắt giần, sàng xuống nia và những hạt thóc còn lại dần dần nổi lên trên, tụ lại giữa. Đây cũng là lúc các em trở thành những "cô tấm" chăm chỉ ngồi cặm cụi nhặt những hạt sạn, hạt thóc còn sót lại giúp mẻ cốm của chúng ta đảm bảo sách sẽ, thơm ngon hơn. Sau đó, hãy cùng nhâm nhi để cảm nhận vị dẻo dai, ngọt, thơm, béo, bùi trong từng hạt cốm, một thứ đặc sản thanh tao mang đậm hương vị đồng quê mà chúng mình vừa làm ra nhé!
Với mục đích tuyên truyền, giới thiệu, góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị nghề, làng nghề cổ truyền trong giai đoạn hiện nay. Bảo tàng Hải Dương đã nghiên cứu và lựa chọn một số trò chơi dân gian, nghề truyền thống vào hoạt động trải nghiệm. Chúng tôi hy vọng đó sẽ là những khoảng thời gian, trải nghiệm thú vị, bổ ích và khó quên đối với mỗi du khách khi đến với Bảo tàng tỉnh Hải Dương./.
Hà Thị Hằng
Phòng Trưng bày