BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG

Nam Sách là mảnh đất “địa linh, nhân kiệt", có truyền thống hiếu học và khoa bảng nổi tiếng, là nơi sinh ra, nuôi dưỡng nhiều nhân tài lỗi lạc, nhiều danh nhân văn hoá của quê hương, đất nước. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất hiện nay, tỉnh Hải Dương có số tiến sĩ Nho học đứng đầu cả nước tính theo đơn vị tỉnh, thành phố (486/2898 vị) (1). Xét theo đơn vị huyện, Nam Sách không chỉ có số lượng tiến sĩ Nho học nhiều nhất tỉnh Hải Dương mà còn là huyện có số tiến sĩ nhiều nhất trong cả nước với 106 người (tính theo đơn vị hành chính hiện nay) (tỉnh Hải Dương có 10 vị Trạng nguyên, thì Nam Sách chiếm đến 5 vị) (2). Có được những thành tựu về khoa bảng đó phải kể đến những người thầy tài cao, đức trọng, luôn hết lòng với sự học của con em địa phương, họ là những vị tiến sĩ, những ông đồ được cả nước biết danh. Đó là các nhà nho nổi tiếng như:
Mạc Đĩnh Chi (1272-136): Tự là Tiết Phu. Khởi thủy phát tích của dòng họ Mạc làng Lan Khuê, huyện Bàng Hà, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang. Sau cả họ lại kéo về định cư ở làng Lũng Động, huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nam Tân, Nam Sách). Ông thuộc dòng dõi Mạc Hiển Tích, đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long 12 (1304). Làm quan đến chức Sung Nội thư gia, sau thăng tới Tả bộc xạ Nhập nổi hành khiển dưới thời Trần Hiến Tông (1329-1341). Sau khi về trí sĩ, ông đã mở trường dạy học tại quê nhà Lũng Động, học trò theo học rất đông, có nhiều người đỗ đạt cao. Trong suốt cuộc đời, ông sống bình dị, ngay thẳng, liêm khiết, người thầy rất mực thương yêu học trò. Trong tấm bia Chí Linh bát cổ tại thôn Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách do các vị thượng lão và quan chức của huyện Chí Linh khắc năm Mậu Ngọ (1789) (3) để ghi lại những bài thơ ngợi ca bát cổ của Thanh Hiên (4) trong đó có Trạng nguyên cổ đường ca ngợi người thầy Mạc Đĩnh Chi:
“Nhớ năm nào quan Trạng ngồi chiếu phía Tây
Mấy độ gò hoang, mấy độ vắng vẻ như cảnh chùa.
Rừng quít ở Nam Ngạn, cảnh không đổi khác
Tiếng mõ gỗ thủa Đông A, con người vẫn còn truyền nhau
Thơ sách thêm rạng rỡ truyền thống nho học
Ngôi sao, mặt trời mãi mãi soi sáng cho hậu sinh”
Ngày nay, ông được nhân dân thờ phụng tại đền Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách cùng với các bậc tổ tiên họ Mạc là thủ khoa văn học Mạc Hiển Tích và Mạc Kiến Quan.
Trần Bảo (1512-?): Trần Bảo Quê ở Quan Sơn, huyện Thanh Lâm (nay thuộc thôn Quan Sơn, xã An Sơn, huyện Nam Sách). Ông mồ côi cha từ nhỏ, được một trạng nguyên là bạn của cha đem về nuôi. Sau này, Thường Quốc công Nguyễn Quyện, người xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai (nay thuộc Hà Nội nhận Trần Bảo làm con nuôi cho ông ăn học thành tài. Lớn lên, Trần Bảo nổi tiếng học hành giỏi giang, đặc là về văn học và địa lí. Ông đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa thứ nhất (1541), đời Mạc Phúc Hải. Sau ông lại đỗ khoa Đông Các, làm quan đến chức Tham chính, tước Văn Phạm bá. Trần Bảo giỏi về văn chương, là bậc thầy được người đương thời kính trọng. Ông mở trường dạy học, có nhiều học trò theo học. Trong số học trò của ông có những người đỗ đạt cao, làm quan to trong triều như: Trạng nguyên Phạm Duy Quyết, người ở Hùng Khê, Chí Linh (nay thuộc thôn Kim Khê, xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách), đỗ khoa thi Nhâm Tuất, niên hiệu Quang Bảo 9 (1562); Bảng nhãn Nguyễn Miễn, người Lại Thượng, huyện Thanh Lâm, trấn Hải Dương (nay là thôn Lại Nguyễn, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, đỗ khoa thi Tân Mùi (1571). Những học trò khác đỗ đạt cũng rất nhiều. Là nhà giáo danh tiếng, làm quan nhiều năm nhưng Trần Bảo vẫn giữ lối sống thanh bạch, liêm khiết.
Trần Thọ (1639-1700): Trần Thọ người xã Điền Trì, huyện Chí Linh (nay thuộc thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách). Ông sinh ra trong một gia đình Nho học, thân phụ Trần Thọ là Trần Phúc từng là Giám sinh (học sinh trường Quốc Tử Giám) (5). Ông đỗ Tiến sĩ năm Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1760), làm quan đến chức Tả Thị Lang bộ Hộ, sau thăng Phó đô ngự sử, Giám sát ngự sử đạo Sơn Tây. Trong khi đương chức, ông từng mở lớp dạy học, đào tạo nhiều nho sinh đỗ đạt, tham gia triều chính. Trong Niên phả lục, Trần Tiến đã từng ghi chép rằng “Năm Giáp Dần, niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734), Ngài (Trần Cảnh, thân phụ của Trần Tiến) 51 tuổi, Tháng 4 ngày 2: được giao làm Đốc đồng xứ Thái Nguyên. Bấy giờ Nguyễn Công Hãng mắc tội, quan Thượng thư là Lan Khê công nắm quyền nước. Ông ấy là môn nhân của quan Tả Hộ công. Khi thiếu thời, ngài (Lang Khê công) từng theo học Tả Hộ công. Theo TS. Nguyễn Hữu Tâm với bài viết “Tiến sĩ Trần Thọ với sự nghiệp xây dựng triều Lê Trung hưng và quê hương họ Trần Điền Trì” in trong Hội thảo khoa học Truyền thống văn hóa, khoa bảng dòng họ Trần Điền Trì, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương năm 2019 cho rằng “Lang Khê công được Trần Tiến nhắc đến chính là Nguyễn Hiệu (6). Người học trò hiếu thảo Nguyễn Hiệu đang là đại thần của triều Lê -Trịnh, nhưng vẫn thường nghĩ đến công lao dạy dỗ của thầy giáo Tiến sĩ Trần Thọ, cho nên “Quan Thượng thư vốn có nghĩa từ xưa, đã lâu chưa có dịp báo đáp. Ông nói với mọi người rằng: “Ơn cũ trong triều duy chỉ có người Điền Trì mà thôi”.
Trần Cảnh (1684-1758): Người xã Điền Trì, huyện Chí Linh (nay thuộc thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách), là con của Trần Thọ. Trần Cảnh đỗ tam trường khoa thi Hương năm 1705 khi ngài mới 22 tuổi, tiến sĩ khoa thi năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718). Ông cũng là người thầy tiêu biểu, luôn tâm huyết với sự học tập, thi cử của con em quê hương. Trong suốt cuộc đời ông giữ nhiều chức chức quan trong triều đình như Hàn lâm viện Đãi chế, Đông Các Đại học sĩ, Tả Thị lang Bộ lại...nhưng ông vẫn mở trường dạy học tại quê nhà năm Kỷ Sửu (1709) và từ năm Qúy Mão (1723) đến năm Ất Tỵ (1725) khi về cư tang mẹ để đào tạo các sĩ tử được học trò khắp nơi theo học và rất mực kính trọng.“Ông còn được bổ làm Tế tửu Quốc Tử Giám, trường Nho học cao cấp- nơi đào tạo nhân tài cho đất nước”. Học trò tiêu biểu của ông phải kể đến người con trai trưởng của ông là Trần Tiến, người kế tục xuất sắc truyền thống Nho học của gia đình, đỗ đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748). Trong Niên phả lục, chính Trần Tiến đã chép “Năm Qúy Mão (1723), niên hiệu Thái Bảo thứ 4 (lúc đó Trần Tiến 15 tuổi), thân phụ cư tang, dạy học. Tôi học tại nhà” .
Hai người thầy là cha con Trần Thọ, Trần Cảnh không chỉ được thờ tại nhà thờ họ Trần Điền Trì mà Trần Cảnh còn được nhân dân tạc tượng thờ tại Văn Chỉ Linh Khê (nay thuộc xã Thanh Quang, huyện Nam Sách) cùng với Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và Hưng nhượng vương Trần Quốc Tảng.
Trần Xuân Yến (1689-?): Người xã An Lạc, huyện Thanh Lâm (nay là xã An Thượng, thành phố Hải Dương), 33 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1721), làm quan tới chức Tế tửu Quốc Tử Giám, được phong tặng Hàn lâm viện thừa chỉ. Ông là một trong 8 vị đại khoa quê Hải Dương được nhà nước phong kiến giao giữ chức cao nhất của trường Quốc Tử Giám, dạy học cho con em quý tộc trong triều trong đó cũng có những học trò từ Nam Sách lên kinh đô theo được nhiều người kính nể. Sau khi ông qua đời năm (1751), triều đình nhà Lê đã cho phép đưa thi hài về quê chôn cất và dựng đền, lăng để tế lễ phụng thờ, nhân dân suy tôn là thành hoàng của làng xã. Hàng năm vào ngày 27 tháng 2 âm lịch, xã quan và nhân dân tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm và ghi nhớ công lao đóng góp của ông với quê hương, đất nước.
Chúng ta có thể thấy rằng thành tích đạt được của các sĩ tử huyện Nam Sách trong các khoa thi thời phong kiến phần lớn là nhờ sự dạy dỗ, dìu dắt của những người thầy - những nhà Nho, nhà khoa bảng có tài, có tâm, chính họ đã đào tạo ra một tầng lớp trí thức có đức có tài làm rạng danh dòng họ và quê hương. Chính sự đóng góp của họ đã sớm đưa Nam Sách trở thành vùng đất học “bồ sách của nước Nam”.
* CHÚ THÍCH
(1) Số lượng người đỗ đại khoa trong lịch sử giáo dục và khoa cử Nho học thời quân chủ của nước ta chưa có sự thống nhất. Ở đây, chúng tôi sử dụng số liệu trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919), Ngô Đức Thọ chủ biên.
(2) Là: Trần Quốc Lặc (1256), Mạc Đĩnh Chi (1304), Phạm Duy Quyết (1475), Trần Sùng Dĩnh (1487) và Vũ Dương (1493).
(3) Theo lí lịch di tích “Bia Chí Linh Bát cổ”, lưu tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, trang 4: tháng giêng năm Mậu Ngọ (1798), lấy đá ở động Dương Nham để tạo bia, tháng 11 năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800), bắt đầu dụng bia ở gò Hạc, xã Linh Khê, gần nhà học, nhưng việc khắc bia đến rằm tháng 6 năm Nhâm Tuất, niên hiệu Gia Long nguyên niên (1802) mới hoàn thành.
(4) Có ý kiến cho rằng Thanh Hiên chính là Đại thi hào Nguyễn Du
(5)Trong sách Niên phả lục của Tiến sĩ Trần Tiến , trang 31 có thấy Đạo sắc phong ngày 7 tháng 9 niên hiệu Chính Hòa thứ 14 (1693) của vua Lê Hy Tông (1676-1715) ban cho thân mẫu của Trần Thọ được ấm phong Tham chính Lệnh nhân đã ghi rõ: “Sắc phong cho Đàm Thị Cấn vợ của Giám sinh Trần Phúc ở xã Điên Trì, huyện Chí Linh
(6) Theo Ngô Đức Thọ (chủ biên), Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Nxb Văn học,Hà Nội, 2006, tr 550, Nguyễn Hiệu (1674-1735), người xã Lan Khê, huyện Nông Cống (nay là thôn Lan Khê, xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), 27 tuổi đỗ Hội Nguyên, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700) đời Lê Hy Tông, làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư, Thái phó, tước Nông quận Công.
TÀI LIỆU THAM THẢO
1. Đinh Khắc Thuân (cb) (2009), Địa phương chí tỉnh Hải Dương qua tư liệu Hán Nôm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Ngô Đức Thọ (cb) (1993), Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919), Nxb Văn học.
3. Hội đồng biên soạn địa chí Hải Dương (1999), Tiến sĩ Nho học Hải Dương, Hải Dương.
4. Trần Tiến (2003), Niên phả lục, Nxb Văn học
5. Vũ Phương Đề (1962), Công dư tiệp ký, quyển 2, Bộ quốc gia Giáo dục xuất bản
Hương Thủy
Các tin mới hơn
HẢI DƯƠNG VỚI CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ(25/04/2024)
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN LƯƠNG BẰNG, LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (02/4/1904-02/4/2024)(22/03/2024)
LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 20/3; NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC Ở VIỆT NAM (17/03/2024)
LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 VÀ CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG (05/03/2024)
Các tin cũ hơn
GIA ĐÌNH CỤ VŨ DUY TRINH – ĐỊA ĐIỂM HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG Ở ĐỊA PHƯƠNG PHƯƠNG TRƯỚC NĂM 1945(16/11/2023)
LÊ NGHĨA-VỊ SỬ QUAN KHÔNG CÂU NỆ NGUYÊN TẮC, CHO VUA XEM QUỐC SỬ(31/08/2023)
BỐN DANH NHÂN DÒNG HỌ TRẦN Ở LÀNG QUAN SƠN(31/08/2023)
HỘI THẢO KHOA HỌC "TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA, KHOA BẢNG DÒNG HỌ TRẦN ĐIỀN TRÌ XÃ QUỐC TUẤN, HUYỆN NAM SÁCH, TỈNH HẢI DƯƠNG"(31/08/2023)
TIẾN SĨ PHẠM SƯ MẠNH, DANH NHÂN VĂN HOÁ XỨ ĐÔNG, NHÀ VĂN HOÁ LỚN THẾ KỶ XIV(27/07/2023)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín