BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG

      Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
    
 Quân đội Nhân dân Việt Nam phất cờ chiến thắng trên nóc trung tâm phòng ngự
của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954
 
       Điện Biên Phủ là trận đánh lớn trong chiến tranh Đông Dương diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Liên hiệp Pháp.
      Theo đánh giá của tướng H.Navarre và các nhà quân sự Pháp-Mỹ thì “Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc". "Điện Biên Phủ là một cánh đồng rộng lớn nhất, đông dân và giàu có nhất vùng Tây Bắc." Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong những năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của Việt Nam.
      Đánh giá Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên sau khi đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20/11/1953, quân Pháp không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương.
      Tỉnh Hải Dương là một trong những nơi thực dân Pháp tập trung quân đông nhất của khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Liên khu uỷ 3, Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương phối hợp với dân quân du kích tiến hành các trận đấu từ năm 1952-1954 trên địa bàn Hải Dương, đóng góp sức người, sức của, chiến đấu anh dũng, tiếp lửa cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Ngày 05/5/1952, Tỉnh uỷ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống càn do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh làm Trưởng ban và các thành viên là đại diện chỉ huy Trung đoàn 42 và đại diện chỉ huy Tỉnh đội. Các huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Thanh Hà cũng thành lập ban chỉ đạo chống càn. Trong thời gian này, thực dân Pháp tổ chức càn quét lớn mang tên “Con lạc đà” đánh vào các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Bình Giang. Sau hơn 1 tháng mở trận càn, thực dân Pháp không tiêu diệt được chủ lực của ta, không phá được các khu, căn cứ du kích, mà ngược lại quân và dân trong tỉnh đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt 505 lính, làm bị thương 157 lính, bắt sống 51 tên, thu được nhiều khí tài quân sự.
Ngày 15/9/1952, Bộ Tổng tư lệnh ra Chỉ thị hoạt động Thu Đông năm 1952, gửi Liên khu 3 và Khu Tả Ngạn nêu rõ nhiệm vụ: “Tăng cường hoạt động để phối hợp với chiến trường chính”. Thực hiện chỉ thị trên, lực lượng vũ trang và dân quân, du kích Hải Dương vừa tiến công quân sự, vừa vận động chính trị, gây cơ sở từ bên trong, tiêu diệt hàng loạt vị trí quân địch, mở rộng các khu và căn cứ du kích.
      Ngày 07/5/1953, với sự hậu thuẫn của Mỹ, chính phủ Pháp cử tướng Na-va làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh ở Đông Dương. Kế hoạch Nava ra đời mà trung tâm của nó là tổ chức khối chủ lực tác chiến, quyết chiến với chủ lực của ta. Thực hiện kế hoạch Nava, từ ngày 22/9/1953, thực dân Pháp mở trận càn "Cá măng" (Brochet) vào căn cứ du kích nam-bắc sông Luộc, khu du kích nam hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và huyện Quỳnh Côi (Thái Bình). Mục đích của địch là phá kế hoạch Thu - Đông của ta, tiêu diệt lực lượng vũ trang, phá hoại hậu phương của ta. Chúng huy động lực lượng lớn gồm các binh đoàn cơ động số 2, 3,5,7, một tiểu đoàn dù, cùng nhiều cụm pháo và máy bay yểm trợ.
Trong trận càn “Cá Măng” này, quân dân Hải Dương dưới sự chỉ đạo của Khu uỷ Tả Ngạn, Tỉnh uỷ và Tỉnh đội không chỉ bảo toàn được lực lượng vũ trang, bảo vệ nhân dân, mà ta còn làm cho địch thiệt hại nặng nề: tiêu diệt 680 lính Pháp và ngụ binh, làm bị thương 574 tên, 125 tên bị bắt, 42 xe các loại bị phá huỷ cùng nhiều phương tiện và khí tài khác...
Ngày 16/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân Uỷ. Lực lượng vũ trang và dân quân đồng bằng Bắc Bộ được lệnh tiến công quân sự nhằm kiềm giữ, giam chân, chia cắt, tiêu diệt sinh lực quân Pháp, phối hợp chiến trường trong cuộc tiến công chiến lược Đông -Xuân 1953-1954, đồng thời dốc sức cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Đầu năm 1954. Tình hình chiến sự diễn ra sôi động. Đường 5 và đường sắt là tuyến đường giao thông quan trọng của cả địch và ta. Ngày 31/01/1954 đoàn tàu chở lính Pháp xuất hiện vào ga Phạm Xá, rồi tiến vào nơi ta đặt mìn. Du kích Kim Thành, trong đó hai chiến sĩ Nguyễn Văn Thoà và Nguyễn Đình Viện phục kích giật mìn đánh đoàn tàu 22 toa, làm nổ tung 4 toa, 18 toa bị hất xuống bãi, diệt và làm bị thương 1.017 tên, địch bị tổn thất nặng nề, lâm vào tình trạng khó khăn lúng túng. Đây là một trong những chiến công vang dội của quân dân Hải Dương vang danh “Tiếng sấm đường 5” góp phần quan trọng vào lịch sử kháng chiến chống Pháp của tỉnh.
      Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn. Để phối hợp, tiếp lửa cho chiến trường Điện Biên Phủ, Tỉnh uỷ Hải Dương đưa ra nhiệm vụ mới, trong đó có nhiệm vụ mở đợt tổng công kích đường sắt, đường 5. Tháng 4/1954, tại huyện Cẩm Giàng đã tổ chức hai đợt phục kích phá hai chuyến tàu chi viện của thực dân Pháp từ Hải Phòng lên Hà Nội. Ngày 01/5/1954, du kích và bộ đội huyện Kim Thành phối hợp với công nhân bốc vác giấu 500kg bộc phá trên xe chở gạo nhằm phá đoàn tàu của địch. Trận này, bộc phá nổ đã giết 35 tên lính, làm hư hại mặt đường 5 và ngưng trệ vận chuyển của địch trong 1 ngày. Từ ngày 20 đến 29/5/1954, bộ đội chủ lực và du kích huyện Thanh Hà, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ chống càn trên 10 trận, diệt 43 lính; du kích xã Tiền Tiến, Tân An (Thanh Hà) tập kích vào khu vực đóng quân Pháp giết được 29 tên địch; du kích xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) tổ chức đánh giáp lá cà, dùng lựu đạn và dao găm đánh quân Pháp và nguỵ binh đi tuần ban đêm, diệt và làm bị thương 7 tên. Trong tháng 5/1954, lực lượng kháng chiến đã phá huỷ 14 đầu tàu, 58 toa và trên 100 xe cơ giới; phá hoại 3.941m đường, đắp 318 ụ, đào 803 hố trên các ngả đường chính để ngăn chặn việc di chuyển tiếp viện của quân Pháp cho chiến trường Điện Biên Phủ.
      Với phương châm "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc", Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thi đua đánh giặc, vừa thi đua sản xuất, trên mặt trận quân sự, nhân dân tỉnh Hải Dương đã làm tiêu hao sinh lực địch, ngăn chặn đường tiếp tế của chúng, trên mặt trận kinh tế, văn hoá, quân và dân Hải Dương đã đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ càng bừng lên sôi nổi ở hầu khắp các địa phương. Hàng nghìn nam nữ thanh niên xung phong lên đường vào bộ đội làm dân công hoả tuyến tải lương, tải đạn ra mặt trận. Hàng nghìn tấn lương thực được gửi ra tiền tuyến lớn. Với khẩu hiệu "Tất cả cho Điện Biên Phủ chiến thắng" nhân dân Hải Dương đã huy động nhân tài vật lực, ngoài gạo, thóc còn hàng trăm kilôgam đậu, lạc, vừng, hàng nghìn bánh thuốc lào, hàng chục tấn đường gửi lên góp phần làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ.
      Ngày 07/5/1954 chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Quân và dân Hải Dương vui mừng thắng lợi trên chiến trường chính, càng thi đua đẩy mạnh tiến công trên khắp địa bàn tỉnh. Thất bại của Pháp buộc chúng phải ký Hiệp địch Giơnevơ về Đông Dương. Theo tinh thần Hiệp định, Hội nghị Trung Giã đã quy định ngày ngừng bắn cho từng vùng, quy định nơi tập kết quân của mỗi bên và thời hạn cụ thể cho việc rút quân khỏi vùng tập kết. Tại Hải Dương, thời gian ngừng bắn có hiệu lực từ 0 giờ ngày 27/7/1954. Quân Pháp có khu vực tạm trú 100 ngày ở thị xã Ninh Giang, thị trấn Cẩm Giàng, Kẻ Sặt, thị trấn Phả lại, thị xã Hải Dương và 300 ngày ở một số nơi thuộc địa bàn 2 huyện Kim Thành và Kinh Môn.
      Đến ngày 08/8/1954, Tỉnh uỷ Hải Dương chỉ đạo tiếp quản thị trấn Ninh Giang. Ngày 29/10/1954, tiếp quản thị trấn Cẩm Giàng. Ngày 30/10/1954, tiếp quản thị trấn Kẻ Sặt và thị trấn Phả Lại. 14h 30 phút, ngày 30-10-1954, thị xã Hải Dương được hoàn toàn giải phóng, sau hơn 9 năm kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đưa Hải Dương cũng như miền Bắc bước sang thời kỳ cách mạng mới, thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội tạo cơ sở vững chắc để tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
      Chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5/1954 đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử Cách mạng dân tộc Việt Nam. Trong những ngày này, toàn quân và dân ta cùng hồi tưởng, tri ân và đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh hào hùng ấy./.
                                                   
Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN LƯƠNG BẰNG, LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (02/4/1904-02/4/2024)(22/03/2024)
LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 20/3; NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC Ở VIỆT NAM (17/03/2024)
LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 VÀ CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG (05/03/2024)
NHỮNG NHÀ GIÁO TIÊU BIỂU Ở NAM SÁCH THỜI QUÂN CHỦ ĐƯỢC SỬ SÁCH LƯU DANH(20/11/2023)
GIA ĐÌNH CỤ VŨ DUY TRINH – ĐỊA ĐIỂM HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG Ở ĐỊA PHƯƠNG PHƯƠNG TRƯỚC NĂM 1945(16/11/2023)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín