BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG

Ở thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Tuy cũ (nay là thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hưng) có một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Với tinh thần hy sinh cao cả, họ đã sử dụng chính ngôi nhà của mình để nuôi giấu và bảo vệ cho cán bộ về đây hoạt động, hết lòng vì cách mạng địa phương, vì công cuộc giải phóng dân tộc khỏi chế độ thực dân và đế quốc. Đó là gia đình của cụ Vũ Duy Trinh và Phạm Thị Liên.
Dưới ách áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến, đời sống của nhân dân tỉnh Hải Dương nói chung và huyện Bình Giang, xã Vĩnh Tuy nói riêng vô cùng cực khổ. Vào những năm đầu thế kỷ XX phong trào yêu nước của nhân dân ta phát triển sôi nổi trong toàn quốc, vốn giàu lòng yêu nước lại được hun đúc truyền thống đấu tranh anh dũng quật cường, những người con ưu tú của Vĩnh Tuy đã sớm nhận ra rằng, chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam mới là tổ chức duy nhất có khả năng lãnh đạo nhân dân cả nước giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Bởi vậy, ngay từ năm 1930, đã có một người con ưu tú của quê hương Vĩnh Tuy tích cực tham gia phong trào cách mạng, đó là đồng chí Vũ Duy Hiệu và tinh thần cách mạng đã từng bước được truyền tới địa phương, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho phong trào cách mạng bùng nổ. Và, bắt đầu từ thời điểm này ngôi nhà của gia đình cụ Vũ Duy Trinh và Phạm Thị Liên - thân phụ, thân mẫu của đồng chí Vũ Duy Hiệu ở thôn Vĩnh Lại (tên nôm là làng Sãi) đã trở thành cơ sở liên lạc, nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí tham gia hoạt động cách mạng của Đảng; đồng thời là nơi tập huấn, bồi dưỡng lý luận chính trị, kinh nghiệm hoạt động cách mạng cho cán bộ, đảng viên của Hải Dương và Hà Nội cho đến ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Cụ Vũ Duy Trinh sinh năm 1884 ở làng Vĩnh Lại, chuyên dạy học và làm thuốc chữa bệnh cho dân. Vợ là Phạm Thị Liên, sinh năm 1882, người bản thôn. Gia đình cụ Vũ Duy Trinh và Phạm Thị Liên sinh được 7 người con: 6 người con trai (Vũ Duy Cương, Vũ Duy Hiệu, Vũ Duy Hạnh, Vũ Duy Lựu (tức Vũ Thanh Giang), Vũ Oanh (tức Vũ Duy Trương), Vũ Duy Quất) và 1 người con gái (Vũ Thị Diệu). Sau khi cụ Vũ Duy Trinh mất (năm 1930), cụ bà Phạm Thị Liên, một lòng thủ tiết thờ chồng, làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, nuôi dưỡng các con ăn học và sử dụng chính ngôi nhà ở và nhà nuôi tằm của gia đình mình để tham gia phục vụ kháng chiến. Trừ người con cả (Vũ Duy Cương) mất sớm, 6 người con còn lại đều có lòng yêu nước, giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Đồng chí Vũ Duy Hiệu, người con trai thứ hai của gia đình, ngay từ khi còn là học sinh năm thứ 4 trường Thành Chung (Nam Định) đã tham gia hoạt động cách mạng, bị thực dân Pháp bắt, giam, tù đày tại các nhà tù Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Côn Đảo (1930-1936). Năm 1937 được ra tù và bị quản thúc tại quê, đồng chí đã bắt liên lạc với các đồng chí Tô Hiệu, Tô Quang Đầu, Đặng Châu Tuệ; tự học tập, nghiên cứu tài liệu công khai của Đảng và tuyên truyền, giáo dục thanh niên địa phương và trong huyện, cùng họ đấu tranh bài trừ các hủ tục. Thời gian sau, đồng chí liên lạc với ông Nhuận Chi (tức giáo Linh) một cơ sở của đồng chí Lương Khánh Thiện và được đồng chí Thiện giao cho nhiệm vụ vẽ bản đồ Hải Dương. Khi vẽ xong, một chị phụ nữ về tận nhà (tức nhà cụ Vũ Duy Trinh) lấy đem đi. Những hoạt động của đồng chí Vũ Duy Hiệu đã có ảnh hưởng tích cực trong tầng lớp thanh niên địa phương và gia đình đồng chí trở thành cơ sở liên lạc của các đồng chí Lê Thanh Nghị, Lê Quang Đạo. Các em của đồng chí là Vũ Thanh Giang, Vũ Thị Diệu tuổi mới 14, 15 trở thành liên lạc giao thông trong những năm 1937-1941.
Đầu năm 1942, một số cán bộ của Liên tỉnh B đã được cử về Hải Dương hoạt động để gây dựng lại phong trào cách mạng, từ đó phong trào lại bùng lên mạnh mẽ. Sang năm 1943, 1944, phong trào hoạt động của tổ chức Thanh niên cứu quốc phát triển ở địa phương đã góp phần truyền bá chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng và của tổ chức Việt Minh vào những thanh niên tích cực trong xã Vĩnh Tuy. Để tập hợp thanh niên và phát triển phong trào cách mạng, đồng chí Vũ Duy Hiệu đã về thôn Vĩnh Lại để tuyên truyền và tổ chức kếp nạp hội viên tham gia Việt Minh. Qua một thời gian giác ngộ, đồng chí Hiệu đã kết nạp được bốn hội viên là Vũ Duy Thu, Phạm Văn Tiến, Đặng Đình Trụ và Nguyễn Văn Đặng và được cấp trên chuẩn y.
Vào năm 1943, được sự đồng ý của Ban lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, đồng chí Vũ Oanh (người con trai thứ ba của cụ Vũ Duy Trinh) đã tổ chức lớp tập huấn cho một số cán bộ của Hà Nội tại nhà cụ Phạm Thị Liên. Lớp học do đồng chí Lê Quang Đạo trực tiếp giảng dạy về các vấn đề cơ bản như: Duy vật biện chứng; Duy vật lịch sử; Tình hình trong nước và thế giới; Tổ chức và hoạt động của Mặt trận Việt Minh; Vấn đề chuẩn bị tổng khởi nghĩa và thời cơ tổng khởi nghĩa...
Tháng 11 năm 1944, giữa một đêm tối trời, trong ba gian nhà nuôi tằm của gia đình cụ Phạm Thị Liên đã diễn ra sự kiện thành lập Tổ chức Việt Minh đầu tiên của xã Vĩnh Tuy. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, các hội viên Thu, Tiến, Trụ, Đặng đã tiến hành buổi lễ trang nghiêm và cùng nhau tuyên thệ đem hết sức mình để góp phần giành độc lập tự do cho tổ quốc. Tại buổi lễ này, các hội viên đã bí mật đặt bí danh là Xuân, Hạ, Thu, Đông và bầu đồng chí Tiến làm tổ trưởng. Sau ngày thành lập, tổ Việt Minh của Vĩnh Tuy mượn ngôi nhà tằm của gia đình cụ Liên làm trụ sở, bàn bạc phong trào và liên lạc với cấp trên về chỉ đạo.
Nhờ có chủ trương cụ thể, các hoạt động của tổ Việt Minh Vinh Tuy ngày càng phong phú và sôi nổi. Chỉ trong một thời gian ngắn, số hội viên Việt Minh của xã Vĩnh Tuy tăng lên 20 đồng chí.
Tháng 3 năm 1945, đồng chí Nguyễn Văn Kha được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về hoạt động ở Hải Dương, được đồng chí Vũ Oanh đưa về thôn Vĩnh Lại gặp đồng chí Vũ Duy Hiệu và được đồng chí giới thiệu với tổ chức Đảng của tỉnh. Đầu tháng 4 năm 1945, đồng chí Nguyễn Văn Kha (lúc này là Bí thư tỉnh ủy lâm thời của tỉnh Hải Dương) đã trực tiếp về Vĩnh Tuy tổ chức tập huấn cho cán bộ Việt Minh của xã tại nhà cụ Phạm Thị Liên với các nội dung: (i) Giới thiệu tình hình thế giới, sự lớn mạnh của phe đồng minh và sự suy yếu của phe phát xít (ii) Học chương trình hành động của Việt Minh...
Có thể nói, tuy chưa thành lập được tổ chức Đảng ở xã Vĩnh Tuy vào thời điểm này, song tổ chức Việt Minh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Vũ Duy Hiệu - Tỉnh ủy viên đã thực sự trở thành hạt nhân tuyên truyền, lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối của Đảng như: không đóng thuế cho Nhật, phá kho thóc của Nhật chia cho người nghèo, trấn áp bọn cường hào, diệt trừ bọn Việt gian,.. Phong trào cách mạng ở xã Vĩnh Tuy, đặc biệt là hoạt động của tổ chức Mặt trận Việt Minh với sự đóng góp của các người con của cụ Trinh, cụ Liên đã góp phần quyết định vào thắng lợi nhanh chóng của cuộc tuần hành giành chính quyền về tay nhân dân ngày 20/8/1945 ở huyện Bình Giang và thành công của cuộc nổi dậy giành chính quyền của các tầng lớp nhân dân ở tỉnh lỵ Hải Dương. Sau khi giành chính quyền về tay nhân dân tháng 8 năm 1945, các người con của gia đình cụ Trinh, cụ Liên còn tham gia xây dựng chính quyền non trẻ ở huyện Bình Giang; cụ Liên đóng góp tiền, vàng cho chính quyền chuẩn bị lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tháng 12 năm 1946.
Nhiều đồng chí cán bộ cách mạng được cụ Phạm Thị Liên nuôi giấu bảo vệ trong những ngày tháng khó khăn, sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đã trở thành những cán bộ lãnh đạo Đảng, nhà nước như đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Tô Hiệu...
Do có công lao nuôi dưỡng, che giấu cán bộ, cụ Phạm Thị Liên đã được Chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng “Bằng có công với nước”.
Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, các con của cụ Trinh và cụ Liên (Vũ Duy Hiệu, Vũ Oanh, Vũ Thu,...) giữ nhiều trọng trách quan trọng của tỉnh và đất nước, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến và nhiều phần thưởng cao quý khác... Những đóng góp của các đồng chí được ghi chép trong lịch sử đảng bộ xã, huyện, tỉnh và trung ương. Có lẽ ở huyện Bình Giang nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung duy nhất chỉ một gia đình có 6 người được tặng Huân chương Độc lập, danh hiệu lão thành cách mạng và Tiền khởi nghĩa.
Trải qua thời gian, chiến tranh, ngôi nhà ở và nhà nuôi tằm của gia đình cụ Vũ Duy Trinh xưa bị xuống cấp, đổ nát, hư hại không còn dấu tích. Sau khi cụ Phạm Thị Liên mất (năm 1973), con cháu trong gia tộc họ Vũ Duy đã dựng 3 gian nhà nhỏ với ý nghĩa làm nhà lưu niệm các sự kiện cách mạng đã diễn ra tại đây, đồng thời cũng là nơi thờ tự cụ Vũ Duy Trinh và Phạm Thị Liên. Đến năm 2021, với sự đồng lòng, góp công, góp của của con cháu trong dòng tộc, nhà lưu niệm đã xây dựng đẹp và trang nghiêm như một nhà thờ. Nội tự bài trí chia làm hai không gian, gian trung tâm và hai gian bên là không gian thờ tự, hai gian hồi trưng bày gia phả dòng tộc Vũ Duy; ảnh chân dung cụ Vũ Duy Trinh, Phạm Thị Liên; các con, cháu cùng những bằng khen, huân huy chương của Đảng, Nhà nước cho các con, cháu của cụ Vũ Duy Trinh và Phạm Thị Liên. Ngoài nhà lưu niệm, khu di tích còn có nhà bia, tắc môn, nhà khách, cây cảnh và tường bao bảo vệ...
Hàng năm, vào ngày giỗ cụ Phạm Thị Liên (18 tháng 3 âm lịch) và cụ Vũ Duy Trinh (16 tháng 4 âm lịch), con cháu trong gia tộc Vũ Duy cùng tổ chức lễ dâng hương tại nhà thờ.
 
 
Nhà lưu niệm gia đình cụ Vũ Duy Trinh
 
Ngày nay, phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học của cha ông, các thế hệ con, cháu, chắt trong gia tộc họ Vũ Duy đã không ngừng học tập, công tác, phấn đấu, trưởng thành. Nhiều người là đảng viên, ba người là tiến sĩ, nhiều người có bằng thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, cử nhân, kiến trúc sư. Trên các cương vị lãnh đạo, chuyên môn khác nhau, họ đều làm việc hăng say, sáng tạo và đầy nỗ lực trong các lĩnh vực: hoạch định chính sách, khoa học và công nghệ, sản xuất kinh doanh, tài chính ngân hàng, xây dựng, y tế, văn hóa giáo dục, bảo vệ môi trường; hoạt động tích cực trong các tổ chức đảng, đoàn thể, tổ chức xã hội - nghề nghiệp...
Theo ông Vũ Hiền Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng, địa điểm nhà lưu niệm gia đình cụ Vũ Duy Trinh là địa chỉ đỏ về giáo dục lịch sử, cách mạng rất tốt đối với mọi người, đặc biệt là các thế hệ học sinh, con em sau này.
Đặng Thu Thơm
Các tin mới hơn
HẢI DƯƠNG VỚI CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ(25/04/2024)
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN LƯƠNG BẰNG, LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (02/4/1904-02/4/2024)(22/03/2024)
LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 20/3; NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC Ở VIỆT NAM (17/03/2024)
LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 VÀ CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG (05/03/2024)
NHỮNG NHÀ GIÁO TIÊU BIỂU Ở NAM SÁCH THỜI QUÂN CHỦ ĐƯỢC SỬ SÁCH LƯU DANH(20/11/2023)
Các tin cũ hơn
LÊ NGHĨA-VỊ SỬ QUAN KHÔNG CÂU NỆ NGUYÊN TẮC, CHO VUA XEM QUỐC SỬ(31/08/2023)
BỐN DANH NHÂN DÒNG HỌ TRẦN Ở LÀNG QUAN SƠN(31/08/2023)
HỘI THẢO KHOA HỌC "TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA, KHOA BẢNG DÒNG HỌ TRẦN ĐIỀN TRÌ XÃ QUỐC TUẤN, HUYỆN NAM SÁCH, TỈNH HẢI DƯƠNG"(31/08/2023)
TIẾN SĨ PHẠM SƯ MẠNH, DANH NHÂN VĂN HOÁ XỨ ĐÔNG, NHÀ VĂN HOÁ LỚN THẾ KỶ XIV(27/07/2023)
HUYỆN NÀO CÓ SỐ NGƯỜI ĐỖ TIẾN SĨ NHO HỌC NHIỀU NHẤT CẢ NƯỚC THỜI PHONG KIẾN?(27/07/2023)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín