BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM

“Mình tròn trịa ghép sao vừa vắn
Chân vững vàng trục thẳng vươn cao
Ngọt ngào ôm chắc khít khao
Rì rầm dao động lúa ào chảy tuôn”
            Có lẽ đã lâu rồi, chiếc cối xay lúa không còn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt của người nông dân Việt Nam, mà thay vào đó là những chiếc máy xay, máy xát hiện đại. Nhưng đối với những thế hệ đã trải qua những năm tháng khó khăn thì những vật dụng này đã trở thành những kỷ niệm không thể nào quên. Dưới mái nhà tranh bình dị, đầm ấm khói lam chiều, chiếc cối xay vù vù quay, nghe dồn dập như mưa rào. Một nhà xay, hai nhà xay, rồi nhiều nhà khác xay, tạo nên một biển âm thanh như không bao giờ ngưng lặng. Để giúp quý khách hiểu hơn về chiếc cối xay lúa của người nông dân xưa, Bảo tàng Hải Dương trân trọng giới thiệu quy trình làm ra chiếc cối xay truyền thống.
Nguyên liệu làm cối
            Chiếc cối xay lúa được làm từ những nguyên liệu có sẵn ở các vùng quê Việt Nam như tre, gỗ, đất sét. Tre được trẻ thành nan dùng để đan thớt cối (thớt trên và thớt dưới), làm ngõng cối, tai cối, cổ áo cối, giàng xay; gỗ (thường là gỗ nhãn) dùng làm dăm cối; đất sét để đắp phần thớt cối và muối hạt. Để làm ra một chiếc cối, bên cạnh những nguyên liệu cần có nêu trên thì người thợ cối phải có các dụng cụ đi kèm như đục, chàng, bào, rìu, cưa cầm tay....
Cách làm
             Đầu tiên người thợ tiến hành làm chân cối. Chân cối được tạo bởi hai đoạn tre dài khoảng hơn 1m, đóng song song và được cố định bằng các đinh gỗ, 4 góc có 4 chân. Tiếp đến là công đoạn đan vỏ cối (vanh cối). Tre dùng để đan vỏ cối phải là loại tre già để tránh mối mọt. Tre sau khi được hạ xuống, làm sạch sẽ, pha và chẻ thành các nan mỏng (chủ yếu lấy phần cật tre), việc này đòi hỏi người thợ phải có chút khéo léo để các nan khi chẻ được đều, lúc đan vỏ cối mới tròn.
 
 
 
               Gỗ làm dăm cối thường dùng là gỗ nhãn, được cưa thành khúc ngắn chẻ theo thớ dọc sao cho dăm thật dóc, không bị tướp, cứng nhưng không dòn, được phơi khô đủ độ để khi sử dụng không bị co, không bị nứt.
               Đất được dùng để đóng cối là loại đất sét có độ dẻo cao, sau khi lấy về, phơi khô rồi dùng gậy đập cho đất rã mịn, dùng sàng để lựa chọn những hạt đất tơi mịn mang trộn với muối hạt và nước theo tỉ lệ 10 đất - 1 muối. Theo các bậc cao niên kể lại, việc trộn muối vào đất có tác dụng vừa giúp giữ độ ẩm để đất không bị rơi ra ngoài khi xay, vừa chống mối mọt.
               Cối xay lúa gồm hai phần chính đó là thớt trên và thớt dưới. Hai thớt này chính là vỏ cối (vanh cối) đã được nện chặt bằng đất sét và được đóng dăm. Trong các công đoạn làm cối xay, có lẽ đóng dăm (chêm) cối là phần việc khó nhất và quan trọng nhất. Bởi vì, chỉ một chút sơ suất, không chuẩn chiếc cối hoàn toàn có thể không sử dụng được. Cho nên trước khi đóng dăm cối người thợ thường chia mặt cối thành 8 phần bằng nhau, sau đó đóng dăm theo hình ½ cánh quạt và theo hàng, đặc biệt là khi đóng phải tạo theo chiều quay thuận của cối (theo chiều ngược kim đồng hồ), răng cối không được cao, cũng không được thấp quá, bởi nếu răng cối nhô cao và thưa thì cối sống, nghĩa là thóc không dập vỏ thành gạo. Còn răng cối thấp và mau thì cối bí, gạo chảy chậm, hạt gạo bị nghiền vỡ thành tấm.
Riêng đối với thớt trên, phần đóng dăm cối được thực hiện giống như thớt dưới của cối. Tuy nhiên, cấu tạo thớt trên có hơi khác một chút. Cụ thể là cách miệng cối tầm 10 cm người thợ đặt ngang thớt cối một thanh gỗ (hoặc tre) dài 80cm rộng 20cm để làm tai cối, trên tai thường có 3 lỗ (chính giữa để đặt ngõng cối, hai lỗ hai bên mắc giàng xay). Giữa lòng thớt có cổ áo cối, thường làm bằng gỗ chắc chắn gồm 4 miếng có chiều dài bằng nhau (khoảng15 - 20cm) chắp thành hình vuông. Để hoàn thiện phần thớt trên của cối, người thợ tiến hành khoét lòng cối theo hình phễu, (để đổ thóc khi xay) khi khoét phải đều tay và miết thật mịn.
              Khâu cuối của quy trình làm chiếc cối xay lúa là đan váy cối và làm giàng xay. Váy cối được đan bằng tre hoặc tận dụng từ những miếng cót có sẵn, váy cối thường có chiều cao cao hơn thớt cối trên khoảng 10 cm và khoảng cách giữa thớt và váy cối khoảng 5cm. Tuy nhiên, chiếc cối có quay được hay không thì phải có giàng xay để truyền lực tác động của sức người vào cối làm tách hạt thóc ra trấu và gạo. Giàng cối thường được làm bằng gỗ hoặc gốc tre già đẽo nhẵn.
Thành phẩm chiếc cối xay lúa
              Một chiếc cối xay được cho là hoàn thiện khi xay tiếng kêu phải êm tai, trơn tru, gạo và trấu ra vừa phải, đều xung quanh, ít giập gãy, tỉ lệ hạt bị sống (thóc còn nguyên vỏ) ở mức thấp, thậm chí là không đáng kể. Một chiếc cối tốt, có tuổi thọ cao là khi cối xay được một thời gian, mặt cối lì, không văng ra theo cả đất, thớt trên và thớt dưới khít đều, dăm cối chắc, phẳng, mòn chậm.
              Chiếc cối xay lúa cùng với cối giã gạo chính là những người bạn thân thiết, một trong những biểu tượng về sự no đủ của mỗi gia đình nông dân xưa. Năm tháng qua đi, giờ chẳng ai còn dùng cối xay lúa nữa nhưng có lẽ, chiếc cối xay với chiếc giàng xay quay tròn, với những tiếng kêu ù ù, rào rào... đã trở thành kỷ niệm không thể phai mờ trong ký ức của biết bao nhiêu thế hệ đã từng gắn bó.
             Với mong muốn khách tham quan, đặc biệt là các em học sinh có cơ hội được ngắm nhìn, trực tiếp trải nghiệm xay lúa, giã gạo, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã cho phục dựng lại một “Không gian bếp Việt xưa” và tổ chức trải nghiệm xay lúa, giã gạo tại đây. Chúng tôi hy vọng, hoạt động ý nghĩa này sẽ giúp cho quý khách và các em học sinh có những phút giây học tập, nghiên cứu, vui chơi bổ ích, lý thú và ý nghĩa tại Bảo tàng tỉnh./.
 
                                                                                NGUYỄN THỊ NGỌC BÍCH
                                                                                   Phòng Hành chính 
Các tin mới hơn
TRẢI NGHIỆM LÀM BÁNH TRÔI, BÁNH CHAY TRUYỀN THỐNG(04/04/2024)
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC XEM CHIẾU BÓNG THỜI BAO CẤP MIỄN PHÍ(23/11/2023)
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TÁI HIỆN KÝ ỨC VỀ “THỜI BAO CẤP” TẠI BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG (16/11/2023)
THƯ MỜI TRẢI NGHIỆM "SẮC MÀU TRUNG THU"(08/09/2023)
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU, KHẢO SÁT NGHỀ LÀM MẶT NẠ GIẤY BỒI(22/06/2023)
Các tin cũ hơn
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM GÓI BÁNH CHƯNG TRUYỀN THỐNG TẠI BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG(22/01/2022)
TRƯỜNG MẦM NON SAO BIỂN THAM QUAN - TRẢI NGHIỆM TẠI BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG(17/01/2022)
TRẢI NGHIỆM CUỐI TUẦN(23/12/2021)
CHƠI CHUYỀN - KÝ ỨC NGỌT NGÀO CỦA TUỔI THƠ(24/11/2021)
“BỊT MẮT ĐẬP NIÊU” - TRÒ CHƠI DÂN GIAN ĐẦY HỨNG KHỞI(22/11/2021)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín