BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
CÔNG TÁC KHẢO CỔ

      Ngày 04/10/2017, Bảo tàng tỉnh nhận được thông báo của Công ty Dịch vụ - Thương mại Kim Chính, trong quá trình giải phóng mặt bằng xây dựng, công ty đã phát hiện ngôi mộ tại cánh đồng Đống Phướn, thôn Hảo Thôn, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách. Ngay sau khi nhận được thông báo, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Phòng VH-TT huyện Nam Sách và UBND xã Đồng Lạc tiến hành khảo sát và lập biên bản hiện trường về việc phát hiện ngôi mộ, bước đầu xác định đây là loại mộ hợp chất từng gặp trên địa bàn tỉnh. 
 
 (Cán bộ Bảo tàng tỉnh đang tiến hành khảo sát thực địa)
      Căn cứ Luật Di sản văn hóa năm 2001 và được sửa đổi bổ sung năm 2009. Căn cứ Quyết định số 3309/QĐ - UBND ngày 27/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành khai quật khẩn cấp ngôi mộ tại thôn Hảo Thôn, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách.
      * KẾT QUẢ KHAI QUẬT:
         Ngôi mộ được ký hiệu: 2017.HT.M (2017: năm 2017, HT: Hảo Thôn, M: Mộ)
         - Thành phần tham gia khai quật
         Hội Sử học tỉnh Hải Dương
         1. Mời ông Tăng Bá Hoành Chủ tịch Hội sử học tỉnh Cố vấn khoa học 
         Bảo tàng tỉnh Hải Dương
         2. Ông Vũ Đình Tiến Giám đốc Bảo tàng tỉnh Chủ trì khai quật
        3. Ông An Văn Mậu Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phụ trách trực tiếp và điều hành các công việc diễn ra trong quá trình khảo sát, khai quật
         4. Bà Hoàng Thị Hương Trưởng phòng NCST Thành viên
         5. Ông Bùi Cao Cường Viên chức phòng NCST Thành viên
      Hiện trạng ngôi mộ trước khi khai quật
      Ngôi mộ Hảo Thôn (2017.HT.M) nằm theo hướng Đông - Tây theo quan niệm phong thủy “đầu gối sơn, chân đạp thủy”. Mộ nằm tại cánh đồng Đống Phướn, diện tích rộng 6,1ha, thuộc thôn Hảo Thôn, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách (khu đất do Công ty Dịch vụ Thương mại Kim Chính quản lý). Ngôi mộ nằm cách thị trấn Nam Sách khoảng 1,7 km về phía Nam, cách ngã ba Tiền Trung - Quốc lộ 5 khoảng 700m và cách Quốc lộ 37 khoảng 50m về phía Tây Bắc. Ngôi mộ nằm cách vị trí cầu đá Hảo Thôn (cũ) về hướng Đông khoảng 100m. 
      Quá trình/kết quả khai quật
      Căn cứ giấy phép mở hố khai quật là 5 m2, song do mặt bằng canh tác bị xáo trộn nên sau khi đóng cọc căng dây, hố khai quật mở rộng thành 6,4 m2 (D 320 x R 200 cm). Mặt bằng vị trí ngôi mộ thấp hơn mặt quốc lộ 37 khoảng 1,5 m. 
      Ngôi mộ được chôn sâu 80cm, chia làm hai lớp đất rõ rệt. Lớp trên là đất canh tác màu xám đen dày 20 - 25cm, lớp dưới (tầng văn hóa) là đất thịt lẫn đất sét dày 55 - 60 cm có màu vàng đều nhau, chứng tỏ nơi đặt mộ ít có biến động về địa chất.
      Ngôi mộ được chôn theo hình thức “địa táng” (đào sâu, chôn chặt). Kỹ thuật xây mộ dùng chất kết dính từ hợp chất: vôi (vỏ sò), cát, mật mía. Từ ngoài vào trong gồm 3 lớp: lớp cát vàng pha tro đen, lớp chạt hợp chất và quan tài chôn người chết. Quan tài chất liệu gỗ dổi, kết cấu gồm 6 tấm ván (4 tấm dọc, 2 tấm ngang) ghép lại bằng 2 mộng “mang cá” và 6 đinh sắt (2 đinh mũ, 4 đinh thuyền), cả trong lẫn ngoài được sơn đỏ sẫm, không có hoa văn trang trí. 
Phương pháp xây mộ: sau khi chọn được đất đặt mộ phù hợp (thường là loại đất sét vì đất này giữ được nhiệt, nước và ổn định về cơ học, tránh động đất), người ta đào một hố rộng vừa đủ, rải một lớp cát vàng pha tro đen tạo nền. Tiếp đến, đổ lớp chạt hợp chất lên trên rồi đặt quan tài. Sau khi xem xét mặt bằng ổn định, người ta đóng cọc, bưng ván tạo khuôn bốn mặt rồi đổ lớp chạt hợp chất để mặt ngoài ngôi mộ được vuông vắn, đẹp đẽ. Riêng lớp chạt mặt trên người ta dùng kỹ thuật vuốt tay nên có chỗ dày, chỗ mỏng. Sau cùng, người ta rải lớp cát vàng pha tro đen xung quanh ngôi mộ rồi lấp đất lên. Phần đầu quan tài cao hơn so với phần chân khoảng 10 cm. 
      Toàn bộ quan tài được bao kín một lớp chạt hợp chất. Mặt trên đắp nổi hình “mui luyện”, hai tai chờm ra ngoài, mỗi bên rộng 10 cm. Các mặt còn lại đắp phẳng liền với quan tài. Do chôn cất lâu năm, kỹ thuật chạt kém và bị ngấm nước nên quan tài bị mục nát. Khi bóc lớp chạt bên ngoài, tấm thiên đã bị sập xuống huyệt mộ. Vải liệm và đồ tùy táng bị phân hủy hoàn toàn. Di cốt lẫn 1 lớp bùn đất mỏng màu vàng. Sau khi thu hồi xương và di vật, dưới đáy quan tài có lớp bùn màu đen, do đồ tùy táng lâu ngày phân hủy tạo thành. Hiện tượng đổ lớp cát vàng trộn lẫn tro đen bên ngoài lớp chạt ngôi mộ có tác dụng gì và ý nghĩa ra sao, hiện chưa lý giải được.
      Kích thước lớp chạt như sau: 
      - Phần mui luyện dài 210 cm, rộng 90 cm, dầy 20 cm, hàm/ tai (phần đua) 10 cm.
   - Phần thành (lớp chạt hợp chất): dài 206 cm, rộng 70 cm, cao 45cm, dày trung bình 5,75 cm
      Lớp chạt bao kín bên ngoài được coi là “phần quách” bảo vệ quan tài, chống thấm nước. 
      Sau khi bóc lớp chạt hợp chất, quan tài có kích thước: dài 183 cm, rộng 43 cm, cao 37 cm, dày 05 cm.
      Cuối cùng, đoàn khai quật đào thám sát mở lớp sinh thổ sâu 40 cm tại đáy mộ không phát hiện thêm được di vật gì.
      Di cốt chỉ còn một phần xương sọ, xương hàm, xương chân, xương tay và xương sườn,… màu đen.
      Khối xương sọ gồm 2 phần: xương sọ và xương mặt đã bị vỡ. Xương hàm trên còn đủ răng (16 cái) xương hàm dưới đã gãy 01 răng cửa (15 cái); hiện trạng bộ răng đã bị mòn, đen.
      - Xương sườn : 3 đôi (dài 16 - 18 cm)
      - Xương chậu : 01 chiếc (ĐK: 16,5 cm)
      - Xương đùi : 02 chiếc (dài 45 cm)
      - Xương ống chân: 02 chiếc (dài 36 cm)
      - Xương cánh tay : 01 chiếc (dài 31 cm)
      - Xương khuỷu tay : 01 chiếc (dài 28 cm)
      Di vật thu được: 02 cái đinh sắt (01 đinh mũ, 01 đinh thuyền), 03 đồng tiền phạm hàm đã han gỉ, trong đó có 02 đồng vỡ vụn.
      * KẾT LUẬN BƯỚC ĐẦU:
      Từ năm 1962 đến nay, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã phát hiện và nghiên cứu nhiều loại mộ cổ. Mộ cổ Hải Dương được chia làm 3 thời kỳ (Mộ thời kỳ Kim khí, Mộ thời kỳ Bắc thuộc, Mộ thời đại phong kiến)
      - Loại hình mộ: Nam Sách nói chung và Đồng Lạc nói riêng là mảnh đất có bề dày lịch sử và văn hóa. Tại đây từng phát hiện nhiều mộ cổ: mộ thuyền, mộ cuốn gạch .. song nhiều nhất là mộ hợp chất. Mộ hợp chất là loại mộ được chôn cất theo hình thức “địa táng”, (đào sâu, chôn chặt) của người xưa. Loại mộ này có niên đại kéo dài từ thời Lê Sơ (TK XV) tới đầu thời Nguyễn (TK XIX). Ngôi mộ được chôn theo hướng Đông - Tây (phía Tây cao hơn phía Đông) trên mảnh đất cao ráo, theo thuyết phong thủy “Đầu gối sơn, chân đạp thủy” của người xưa. 
      Địa tầng ngôi mộ sâu 80 cm chia làm 02 lớp. Lớp trên là đất canh tác có màu xám đen dày từ 20 - 25 cm, lớp dưới là đất thịt màu vàng lẫn với đất sét trắng dày 55 - 60 cm liền tới sinh thổ chứng tỏ nơi đặt mộ không bị xáo trộn địa chất. 
      Kết cấu ngôi mộ từ ngoài vào trong gồm 3 lớp: lớp cát vàng lẫn tro đen, lớp chạt hợp chất và quan tài gỗ. Đây là kỹ thuật “tạo lớp chân không” để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào bên trong. Nếu kỹ thuật chạt tốt, dù trải qua hàng trăm năm thi hài vẫn được bảo toàn. Thực tế đã chứng minh qua các cuộc khai quật mộ Bạch Đa (An Lâm, Nam Sách) năm 1998, mộ Nghĩa Dương (An Lâm- Nam Sách) năm 2014,…thi hài và đồ tùy táng còn khá nguyên vẹn.
      Quan tài nhỏ, lớp chạt mỏng, tấm thiên bị sập, tấm liệm và đồ tùy táng bị phân hủy do ngấm nước, chứng tỏ kỹ thuật mộ táng không cao. Mộ cổ Hảo Thôn thuộc loại hình mộ hợp chất thời phong kiến.
      - Chủ nhân: Kết quả nghiên cứu di cốt cho thấy: bộ xương dài 170 cm, xương sọ to, xương chậu nhỏ cho phép xác định giới tính nam. Hàm trên còn đủ răng, hàm dưới mất 01 răng cửa, răng to mòn vẹt rõ nét xác định khoảng 65 - 70 tuổi. Tuy nhiên quan tài có lớp chạt mỏng (trung bình 5,75 cm), kích thước nhỏ (dài 185 cm), ghép mộng mang cá (02 cái) kết hợp với đinh sắt (06 cái), trong và ngoài quan tài sơn đỏ sẫm một màu, không có hoa văn chứng tỏ chủ nhân thuộc hạng Trung lưu, không phải Đại quan. Tuy nhiên do mặt bằng khu vực xáo trộn, chưa tìm thấy bia mộ nên không rõ danh phận của chủ nhân.
      - Niên đại: Căn cứ vào di vật “tiền phạm hàm” thu được gồm 3 đồng bằng kim loại. Do chôn cất lâu ngày, 01 đồng đã rỉ sét, 02 đồng bị vỡ vụn nên không rõ niên hiệu. Song căn cứ vào đặc điểm, kích thước tiền nhỏ, lỗ tròn và mỏng cho phép xác định niên đại ngôi mộ vào khoảng cuối thời Lê Trung Hưng (TK XVIII).
      Công tác khai quật mộ Hảo Thôn tại xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương được tiến hành theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ và Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ (2008) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Quá trình khảo sát và khai quật đảm bảo an toàn về con người và tài sản, không để xảy ra thất thoát di vật.
Trên đây là báo cáo bước đầu, quá trình nghiên cứu có phát hiện mới sẽ có báo cáo bổ sung.
Vũ Đình Tiến, Tăng Bá Hoành, An Văn Mậu, Hoàng Thị Hương
Bảo tàng tỉnh Hải Dương
Ảnh: Bùi Cao Cường và An Văn Mậu
Các tin mới hơn
PHÁT HIỆN MẢNH THÁP THỜI TRẦN TẠI CHÙA QUẢNG SƠN, KHU DÂN CƯ SỐ 3, PHƯỜNG BẾN TẮM, TP. CHÍ LINH, TỈNH HẢI DƯƠNG(04/05/2023)
THÁM SÁT TẠI DI CHỈ LÒ GỐM THANH KHƠI XÃ YẾT KIÊU (HUYỆN GIA LỘC)(23/11/2022)
TẤM BIA CỔ GHI SỰ TÍCH BẢNG NHÃN NGÔ HOÁN(06/06/2022)
PHÁT HIỆN DI CỐT NGƯỜI CÁCH NGÀY NAY 3000 - 3500 NĂM TẠI HANG DÊ (25/04/2022)
ĐẠO SẮC PHONG CỔ THỜI LÊ Ở MIẾU CỰ LỘC(20/04/2022)
Các tin cũ hơn
Thành tựu nghiên cứu khảo cổ của Bảo tàng tỉnh Hải Dương(22/01/2019)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín