BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
CÔNG TÁC KHẢO CỔ

         Năm 2013, ông Trương Văn Nỏ (sinh năm 1962), làm nghề khai thác nhũ đá đã phát hiện một số mảnh di cốt người tại vách cửa Hang Dê, khu Bích Nhôi 3, phường Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay là thị xã Kinh Môn). Ít lâu sau, ông đã xây ngôi mộ nhỏ tại địa điểm phát hiện và đặt một tấm bia để thỉnh thoảng ra thắp hương.
         Sau khi nhận được báo cáo của chính quyền địa phương và được phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (theo giấy phép số 4589 - QĐ/BVHTTDL ngày 23/11/2017). Ngày 03/12/2017, Hội Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hải Dương và phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn) đã tiến hành khai quật ngôi mộ cổ tại Hang Dê.
         Địa điểm Hang Dê cách chùa Nhẫm Dương (nơi đã phát hiện hóa thạch năm 2001) khoảng 4km về phía Đông. Hang Dê nằm ở tọa độ 106o32’14’’ kinh độ đông và 21o 02’19’’ vĩ độ bắc. Hang không lớn, sâu 8,8m, cửa rộng 7m, cao 5,4m, quay ra hướng bắc lệch đông 100, sát đường vành đai của mỏ đá Hoàng Thạch.
         Từ ngoài nhìn vào, cửa hang bên phải có thềm đá hơi hõm chếch ra. Chính tại hõm này phát hiện di cốt của người và 2 chiếc nồi gốm nhỏ là đồ tùy táng chôn theo. Điều kỳ lạ là nhũ phủ trùm lên di cốt người chớm hóa thạch và nồi gốm làm thành một khối rắn chắc.
         Sau khi khảo sát đo đạc, vẽ và chụp ảnh cửa hang cùng vị trí ngôi mộ, đoàn khai quật đã phá dỡ phần xây trùm lên mộ. Đến phần nhũ phủ dày gần 20cm, độ cứng cao nên phải dùng khoan điện cỡ lớn mới tách được khối nhũ. Khi khối nhũ tách ra để lộ một lớp ốc kết chặt vào nhũ, dưới nó là các mảnh xương dưới sọ, vài mảnh sọ, răng, xương bàn chân, ... các xương này đã chớm hóa thạch. Các xương đùi, chày và mác có xu hướng chụm lại và nằm hơi chếch theo chiều nghiêng của hõm đá. Mảnh sọ lại nằm sát với xương bàn chân, điều đó cho thấy có nhiều khả năng bộ xương được chôn theo tư thế nằm co dựa vào hõm đá. Đặc biệt, đã phát hiện được mảnh 2 chiếc nồi tùy táng cỡ nhỏ sát cạnh xương cốt, mặt ngoài nồi lớp nhũ đã phủ kín và dính chặt nên không thể thấy được hoa văn ở vai gốm. Ngoài những mảnh gốm của 2 chiếc nồi không tìm thấy các hiện vật khác chôn theo.
         Di cốt ở Hang Dê không còn nguyên vẹn, chỉ còn một số mảnh sọ, 2 đoạn hàm dưới và một số đoạn xương dưới sọ như: đùi, chày, mác, cánh tay, đốt bàn và đốt ngón chân. Khi chỉnh lý di cốt, đoàn thu được 2 nửa hàm dưới. Điều đặc biệt là độ mòn răng của 2 nửa hàm dưới không giống nhau, bước đầu đoàn nhận định đây là 2 cá thể khác nhau. Và, nhận định được củng cố có căn cứ hơn sau khi chỉnh lý tẩy nhũ bám vào xương phát hiện thêm 1 xương hộp và 1 xương ghe không nguyên vẹn (xương ở bàn chân). Cả 2 xương hộp đều ở bên trái và 2 xương ghe ở bên phải, có kích thước to nhỏ hơi khác nhau. Ở mỗi xương bàn chân chỉ có 1 xương hộp và 1 xương ghe. Vì vậy, khẳng định 2 xương hộp và 2 xương ghe này là của 2 người khác nhau hay nói cách khác ở mộ khai quật trên có 2 cá thể .
         Các hiện vật được xử lý sau khai quật đã được đưa về lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương và một phần trưng bày tại chùa Nhẫm Dương (Kinh Môn).
         Để có thêm tư liệu nghiên cứu, sau khi khai quật mộ, đoàn khảo cổ đã tiến hành đào 1 hố thám sát rộng 1m2 ngay phía cửa hang. Khi đào đến độ sâu 30cm thì phát hiện ra ¾ xương chẩm người, phía đỉnh sọ nằm sát vách hố. Đào xuống 70cm thì phát hiện 1 bát gốm men trắng của lò Hợp Lễ có niên đại vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII).
         Sau khi nghiên cứu bằng nhiều phương pháp, đặc biệt là dụng máy DELTA để tiến hành phân tích nhũ bám trên xương và nồi. Kết quả bước đầu xác định:
Về niên đại: ngôi mộ thuộc giai đoạn sơ kỳ kim khí, cách ngày nay khoảng 3000 đến 3500 năm.
Về giới tính, tuổi: dựa vào chiều cao của thân hàm dưới, cột xương đùi, độ mòn của răng, có khả năng đây là di cốt của 2 người: người đàn ông, khoảng 30-40 tuổi; người phụ nữ (?) trẻ hơn, khoảng 25-30 tuổi.
        Di cốt người ở Hang Dê vẫn được tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về mặt loại hình chủng tộc. Việc phát hiện và khai quật Hang Dê đúng vào dịp Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, càng có thêm những bằng chứng về khoa học để bổ sung cho sưu tập hiện vật rất phong phú của vùng đất Kinh Môn.
 
Một số ảnh minh họa:  
 
 
 
 
 Cán bộ chuyên môn đo đạc để vẽ hang
 
 
 
 
 
Nửa nồi gốm và xương dưới sọ
 
 
                                             HOÀNG THỊ HƯƠNG
                                           Phòng Nghiên cứu Sưu tầm 
Các tin mới hơn
PHÁT HIỆN MẢNH THÁP THỜI TRẦN TẠI CHÙA QUẢNG SƠN, KHU DÂN CƯ SỐ 3, PHƯỜNG BẾN TẮM, TP. CHÍ LINH, TỈNH HẢI DƯƠNG(04/05/2023)
THÁM SÁT TẠI DI CHỈ LÒ GỐM THANH KHƠI XÃ YẾT KIÊU (HUYỆN GIA LỘC)(23/11/2022)
TẤM BIA CỔ GHI SỰ TÍCH BẢNG NHÃN NGÔ HOÁN(06/06/2022)
Các tin cũ hơn
ĐẠO SẮC PHONG CỔ THỜI LÊ Ở MIẾU CỰ LỘC(20/04/2022)
BỘ SƯU TẬP CHÂN TẢNG ĐÁ THỜI TRẦN PHÁT HIỆN TẠI CHÙA QUẢNG SƠN, TỈNH HẢI DƯƠNG (30/03/2022)
ĐỘC ĐÁO NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC TRANG TRÍ BIA ĐÁ Ở ĐÌNH AN NHÂN(15/03/2022)
PHÁT HIỆN CỌC GỖ THỜI TRẦN Ở XÃ HOÀNH SƠN(15/03/2022)
TẤM BIA CỔ GHI CÔNG LAO CỤ NGHÈ TÂN TẠI MIẾU THƯỢNG CỐC (22/01/2022)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín