Tối 20-11, tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TP Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 650 năm Ngày mất Danh nhân Chu Văn An (1370-2020), nhà giáo kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.
Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Ngoại giao; Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Dự sự kiện có ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.
Về phía tỉnh Hải Dương có đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Hoàng Quốc Thưởng, UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Chí Linh cùng đại diện lãnh đạo một số sở ngành của tỉnh.
Tham dự lễ kỷ niệm còn có đại diện nhân sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô; đại diện dòng họ Chu ở Thanh Trì và đại biểu một số trường học mang tên Chu Văn An.
(Các đại biểu dâng hương tại Văn miếu Quốc Tử Giám)
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã nghe chúc văn và dâng hương tưởng nhớ các vị tiên thánh, tiên hiền và thầy giáo, danh nhân văn hoá Chu Văn An tại Nhà Thái học (di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám).
Thầy giáo Chu Văn An là người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Ông nổi tiếng với kiến thức sâu rộng, lòng dạ ngay thẳng và đạo đức thanh cao, được người người nể trọng. Thầy giáo Chu Văn An đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo ở Thanh Trì, Thăng Long và Chí Linh (Hải Dương). Ông nổi tiếng với kiến thức sâu rộng và lòng dạ trong sạch, ngay thẳng không đổi, đạo đức thanh cao được mọi người kính phục, nể trọng. Ông là một trong những nhà giáo đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước Việt mở trường tư thục để giảng dạy cho mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ trường của thầy Chu Văn An, con em nhà bình dân đã có chỗ học, nhiều người trong số họ học giỏi, đỗ cao, trở thành nhân tài của đất nước, trong đó có Phạm Sư Mạnh và Lê Quát...
Quan điểm giáo dục của Chu Văn An là học phải đi đôi với thực hành, tự suy nghĩ, khơi dậy, phát hiện chân lý cũng như khả năng ẩn giấu trong từng con người; khuyến khích học để biết, để làm việc, cống hiến cho xã hội và học tập suốt đời. Cho đến ngày nay, quan điểm đó vẫn còn giá trị, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay mà UNESCO đã tổng kết, đề xuất: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để tự khẳng định mình, đặc biệt là giáo dục không phân biệt giàu nghèo. Chính vì vậy, thầy giáo Chu Văn An đã được Tổ chức UNESCO ghi nhận là nhà giáo dục tiêu biểu của Việt Nam.
(Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm)
Cùng với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy Chu Văn An là người Việt Nam thứ tư được UNESCO vinh danh. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhà giáo Chu Văn An đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn của người Việt Nam. Đức hạnh và uy tín của ông ảnh hưởng sâu rộng tới mức các thế hệ sau.