Thực hiện Đề tài nghiên cứu về đồ gốm thời Trần và Lê Trung Hưng phát hiện được tại di tích của Viện Nghiên cứu Kinh thành - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ngày 01/7/2023, đoàn công tác gồm các cán bộ thuộc phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, Viện Nghiên cứu Kinh thành do TS.Nguyễn Doãn Minh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương để tiến hành điều tra, nghiên cứu về sưu tập đồ gốm sứ tại Bảo tàng.
Sau khi tiếp cận các sưu tập đồ gốm sứ hiện đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng, đoàn công tác tập trung nghiên cứu về các hiện vật gốm sứ có niên đại thời Trần (TK XIII -XIV) đến thời Lê Trung Hưng (TK XVII - XVIII) được thám sát, khai quật tại các di tích, di chỉ như: Trạm Điền, Vạn Yên, di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc (TP.Chí Linh); di chỉ Hợp Lễ, làng Ngói (huyện Bình Giang)...để thu thập tư liệu về các loại hình đồ gốm, nghiên cứu so sánh về hình dáng, chất liệu, kỹ thuật và hoa văn trang trí với những đồ gốm phát hiện được tại di tích Hoàng thành Thăng Long, từ đó tìm ra đặc trưng về nguồn gốc, niên đại làm cơ sở dữ liệu cho việc phân tích đặc trưng đồ gốm của các lò gốm khác nhau trong mỗi một giai đoạn lịch sử nhất định.
Trong quá trình làm việc, đoàn công tác đã lựa chọn được 65 hiện vật gốm (40 hiện vật thời Trần, 25 hiện vật thời Lê Trung Hưng) là những hiện vật tiêu biểu về loại hình, kiểu dáng, hoa văn trang trí để tiến hành chụp ảnh, ghi chép các thông tin về hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu.
Theo kế hoạch, sau buổi làm việc tại Bảo tàng tỉnh, đoàn công tác sẽ tiến hành khảo sát thực địa tại một số di chỉ gốm tại huyện Chí Linh như: Trạm Điền, Vạn Yên, di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc và trung tâm gốm Bình Giang như: lò gốm Hợp Lễ và Ngói.
Dưới đây là hình ảnh của đoàn công tác tại buổi làm việc.
Chụp ảnh khuôn in bát phát hiện tại di tích gốm Hợp Lễ
Khảo tả, ghi chép các thông tin về hiện vật
Hà Thị Hằng