Ngày 18/01/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 243/QĐ-UBND về việc công nhận Bảo tàng tỉnh Hải Dương là Điểm du lịch. Bảo tàng Hải Dương đang thực hiện có hiệu quả chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và trưng bày, ghi chép các sự kiện lịch sử của tỉnh.
Đến nay Bảo tàng tỉnh đã lưu giữ 50.477 nghìn tài liệu hiện vật, phim ảnh, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý không chỉ có giá trị đối với tỉnh Hải Dương mà có ý nghĩa đối với lịch sử văn hóa dân tộc;
Từ năm 2013 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã có những hoạt động mang tính đột phá, nhằm tạo sự mới lạ, hấp dẫn mang đến với công chúng và trở thành một điểm đến đa dạng về tư liệu, hình ảnh và các hoạt động trải nghiệm làm sống lại các sự kiện lịch sử, văn hóa của người xứ Đông xưa, Hải Dương nay để đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa của du khách, nhân dân và các em học sinh thông qua các trưng bày chuyên đề mang tính thời sự, phục vụ nhiệm vụ chính trị, bảo tàng còn tổ chức nhiều chuyên đề, kỉ niệm các sự kiện lịch sử….
Để tổ chức tốt các hoạt động tại Bảo tàng tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa di sản văn hóa đến gần với công chúng, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên. Bảo tàng thường xuyên mở cửa Nhà trưng bày chính, Nhà trưng bày gốm và khu trưng bày ngoài trời để phục vụ đón tiếp khách tham quan, Bảo tàng tỉnh còn tổ chức và phối hợp với các đơn vị, địa phương, trường học,...tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề và lưu động. Với ưu điểm là thời gian ngắn, nội dung và hình thức trưng bày được thay đổi, bổ sung một cách phù hợp, có tính linh hoạt và phong phú nên các cuộc trưng bày chuyên đề phần nào giúp người xem, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên, các bạn trẻ hiểu sâu hơn về lịch sử tự nhiên, xã hội, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, danh nhân,... trên địa bàn tỉnh thông qua các tài liệu hiện vật, hình ảnh trưng bày.
Từ năm 2013 đến 2022, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức được 32 cuộc trưng bày chuyên đề tại bảo tàng và lưu động ở các địa phương, nhân các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh và ngành. Đặc biệt từ năm 2013, các trưng bày chuyên đề được thực hiện ngày càng nhiều về số lượng, chất lượng cũng từng bước được nâng cao. Cụ thể năm 2013 (02 cuộc); năm 2014 (04 cuộc); năm 2015 (03 cuộc); năm 2016 (04 cuộc); năm 2017 (03 cuộc); năm 2018 (05 cuộc); năm 2019 (04 cuộc); năm 2020 (03 cuộc); năm 2021(02 cuộc); năm 2022 (02 cuộc). Trong số đó, có gần 20 cuộc trưng bày chuyên đề phối hợp với một số bảo tàng, di tích trong và ngoài tỉnh như: Bảo tàng Hải Quân, Bảo tàng Quân khu III, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pắc Bó (Cao Bằng), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Bắc Giang, Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu,...
Để thu hút nhân dân và du khách, nhất là đối với các em học sinh khi tới tham quan Bảo tàng, từ năm 2017 Bảo tàng tỉnh đã nghiên cứu sưu tầm, phục dựng và đưa vào hoạt động trải nghiệm một số công đoạn nghề thủ công truyền thống như: Làm gốm, làm cốm cổ truyền và tổ chức các trò chơi dân gian tại bảo tàng như: Kéo co, bắt chạch trong chum, bịt mắt đánh trống, chơi ô ăn quan, chơi chuyền, nhảy bao bố... đã thu hút và nhận được sự ủng hộ cao của thầy cô giáo, phụ huynh, đặc biệt là sự hứng khởi, yêu thích của các em học sinh khi tới tham quan, nghiên cứu, học tập tại bảo tàng.
Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các cấp, sở, ngành có liên quan, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo của tập thể lãnh đạo viên chức Bảo tàng tỉnh trong quá trình thực hiện công việc. Trong những năm gần đây Bảo tàng tỉnh đã có nhiều khởi sắc trở thành điểm đến du lịch di sản văn hóa hấp dẫn được thể hiện bằng việc Bảo tàng tỉnh đã thu hút ngày càng đông lượng khách tới tham quan, nghiên cứu, học tập và trải nghiệm, năm sau đều cao hơn năm trước từ 10 - 20% (riêng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 lượng khách đến tham quan Bảo tàng có giảm do dịch Covid-19). Cụ thể là trước năm 2010, số lượng khách tham quan mỗi năm chỉ từ 2.000 - 3.000 lượt; năm 2013 có 5.000 lượt thì năm 2014 là 10.000 lượt; năm 2015 có hơn 12.000 lượt, năm 2016 đón 14.500 lượt khách, năm 2017 đón 16.500 lượt, năm 2018 đón 16.700 lượt; năm 2019 đón 15.500 lượt khách; năm 2020 là 9.250 lượt khách, năm 2021 đón 3500 lượt khách (lượng khách giảm do dịch Covid-19), và năm 2022 đón 11.750 lượt khách tới tham quan.
Trong đó, có những đoàn khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc,..nhưng chủ yếu vẫn là học sinh, tiểu học và trung học cơ sở, tỷ lệ chiếm từ 70 - 80% tổng số lượng khách. Đặc biệt, năm 2022, Bảo tàng tổ chức thành công nhiều trưng bày được sự đánh giá cao của giới nghiên cứu, các nhà khoa học, nhân dân trong nước và nước ngoài, như chuyền đề: “Hải Dương in dấu chân Người”, “Không gian Tết Việt xưa”. "Với sự kiện môn Bóng bàn SEA Games 31 diễn ra tại Hải Dương, Bảo tàng tỉnh vinh dự là địa điểm đón tiếp các Huấn luyện viên, Vận động viên Campuchia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan,...đến tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm.
Khách nước ngoài trải nghiệm làm đèn ông sao
Bên cạnh những hoạt động mà Bảo tàng tỉnh tích cực trưng bày các chuyên đề, phong phú về số lượng và chất liệu hiện vật, nhưng thực tế trong nhiều năm qua việc đưa hiện vật đến gần với công chúng vẫn gặp nhiều khó khăn như: Cơ sở vật chất của Bảo tàng hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa quy hoạch hệ thống nhà làm việc cho cán bộ, các kho bảo quản tài liệu, hiện vật lịch sử bị thấm dột, sưu tập quan tài, mộ cuốn, vũ khí cổ còn thiếu đầu tư kỹ thuật bảo quản thích hợp. Biên chế các chuyên ngành khảo cổ học, hóa chất bảo quản, công nghệ thông tin, thuyết minh viên còn thiếu, khu trưng bày dân tộc học ngoài trời chật hẹp. Thực trạng trên đã ảnh hưởng đến công tác bảo quản, trưng bày và hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa để đón khách và thu hút công chúng đến với Bảo tàng.
Các cháu thiếu nhi trải nghiệm làm gốm trên bàn xoay
Để Bảo tàng trở thành điểm đến trong du lịch văn hóa di sản của tỉnh Hải Dương, đơn vị cần chủ động phối hợp với các bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng địa phương khác để đưa những nội dung mới vào các chuyên đề trưng bày, tăng cường liên kết với các làng nghề, các nghệ nhân, các chuyên gia để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các trưng bày chuyên đề và lưu động. Tăng cường phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh để tổ chức các giờ học ngoại khóa về giáo dục di sản tại Bảo tàng cho các em học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ về những giá trị lịch sử, văn hóa xứ Đông. Cần chủ động lên kế hoạch, xây dựng các video clip ngắn và viết tin bài để đăng tải trên Website, trang fanpage nhằm tuyên truyền giới thiệu tới công chúng về các tài liệu, hiện vật, sự kiện, nhân vật lịch sử, di sản văn hóa tiêu biểu có liên quan đến mảnh đất và con người Hải Dương. Thêm nữa, các cấp, các ngành liên quan sớm quan tâm đầu tư cải tạo hệ thống phòng làm việc, nhà bán đồ lưu niệm, hệ thống trưng bày dân tộc học ngoài trời,.. cho Bảo tàng tỉnh./.
Hoàng Hương - Lê Thoa