BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG

1. Thân thế, sự nghiệp
      Thượng thư Đoàn Đình Duyệt (1862-1929)1 khi còn nhỏ có tên là Đoàn Đình Nhàn2, tên hiệu là Đức Khê, tên thụy là Văn Ý, Đoàn Tướng Công, người xã Đào Lãng, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương).       Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát, chăm chỉ. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, cha lại mất sớm, phải ở với bác ruột, chăn trâu, cắt cỏ, tham gia công việc đồng ruộng. Một lần, để trâu ăn lúa nên bị đánh đòn, năm 11 tuổi Đoàn Đình Duyệt bỏ nhà, vào Bến Trại, xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, rồi lên thuyền đi theo sông Luộc, sau này ông gặp được người tốt đón về nuôi, cho ăn học đến khi trưởng thành.
 
      Hiện nay, chúng tôi cũng chưa tìm thấy nguồn tư liệu nào ghi chép khoảng thời gian ông bỏ đi và được cá nhân hoặc một gia đình người tốt nào đó nhận nuôi, cho ăn học đến khi trưởng thành và con đường học vấn, thi cử, đỗ đạt của ông. Qua khảo sát, điền dã và thu thập các nguồn tài liệu tư liệu dân gian và chính sử, chúng tôi xin nêu ra để khái quát về con đường quan lộ của ông như sau:
      Đoàn Đình Duyệt bắt đầu sự nghiệp hành chính của mình vào năm Đồng Khánh thứ nhất (1885), khi ông 23 tuổi, điều đó rất phù hợp với lời nói trong bức thư cảm tạ trình lên hoàng Thượng “ Hạ thần…Nguyên quán Bắc Kỳ, con nhà tầm thường, nghèo nàn từ bé, hạ thần đã không học tập tốt. Thế nên vào ngạch nhà nước rất muộn”3. Lúc này với vai trò là công vụ tại tỉnh Nghệ An, sau ba năm được lên chức Kinh Lịch và hết thời gian tập sự được giao chức Tri huyện và Tri phủ rồi tiếp tục được cất nhắc lên đến hàng quan lại tỉnh như chính ông nhắc đến trong bức thư cảm tạ trình lên hoàng thượng Khải Định được đăng trên các trang 107-108 trong cuốn sách “NHỮNG NGƯỜI BẠN CỐ ĐÔ HUẾ” tập V, do NXB Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế phát hành năm 1998, đang lưu trữ tại Thư viện Quốc gia.
Năm Thành Thái thứ 7 (tháng 5 nhuận 1895), ông có công tiễu phỉ các hạt từ Quảng Bình tới Thanh Hóa. Tháng 10 năm Qúy Mão (1903), ông làm Thương biện tỉnh Nghệ An sung Đốc biện đường bộ. Tháng 12 năm Đinh Mùi (1907) làm Bố chánh tỉnh Nghệ An. Tháng 10 năm Canh Tuất (1910) từ Thự Tổng đốc Lãnh Tuần phủ Quảng Ngãi ông được thăng Quyền lãnh Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay). Tháng 6 năm Ất Mão (1915) ông được thăng Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên ngày nay). Tháng 2 năm Duy Tân thứ 10 - Bính Thìn (1916) ông được về Huế thăng chức Thự Hiệp tá Đại học sĩ, Lãnh Thượng thư bộ Hộ (Bộ Tài chính), sung Phụ chánh Đại thần. Đến tháng 4 năm Bính Thìn (1916), ông giữ chức Thượng thư bộ Hộ, đến tháng 8 thì sung Cơ mật viện Đại thần, tấn phong tước Ninh Lãng Nam. Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1917), ông được thăng Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Công, kiêm Bộ Binh, kiêm quản Đô sát viện, vẫn sung Cơ mật viện Đại thần. Tháng 7 năm Đinh Tỵ (1917), Đoàn Đình Duyệt được nhà vua phái đi Cao nguyên Lâm Viêm (Lâm Đồng ngày nay) để khảo sát, trù liệu xây cất hành cung. Ông ghi chép rất tỉ mỷ chuyến đi này qua tác phẩm “Lâm Viêm hành trình nhật ký”. Đây là tác phẩm đầu tiên của người Việt Nam viết về Đà Lạt. Với những đánh giá bước đầu của ông về Đà Lạt năm 1917, cho đến nay đã gần một thế kỷ trôi qua, nhưng những ghi chép của ông vẫn còn nguyên giá trị để tìm hiểu về một Đà Lạt xưa, một Đà Lạt thơ mộng, hiền hòa, lãng mạn mến khách và không ngừng phát triển. Tháng 7 năm Tân Dậu (tức tháng 8 năm 1921) ông bị giáng hai cấp bậc (xuống Tuần phủ), thu hồi tước Nam và cho về hưu sớm vì phạm tội4(?). Đến năm Khải Định thứ 9, tháng 6 năm Giáp Tý (7/1924), nhân dịp Tứ tuần Đại khánh của vua Khải Định, ông được khai phục chức tước cũ (Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công, Ninh Lãng Nam), đồng nghĩa với việc ông được tăng mức hưu bổng căn cứ theo lời phê của vua Khai Định ba năm trước đó khi ông bị về hưu vì phạm lỗi5.
      Quá trình làm việc, công tác, đã bộc lộ nhân cách, tài năng và đức độ bằng những công việc cụ thể, những đóng góp của ông đối với triều đình nhà Nguyễn nói riêng và đất nước nói chung được thể hiện rất cụ thể qua nội dung tờ sắc phong tước Nam Ninh Lãng của vua Khải Định cho Thượng thư Đoàn Đình Duyệt vào ngày 13 tháng 9 năm 1916. Trong đó có đoạn viết: “Thời nào cũng vậy…Từ thời thanh niên, vị Đại quan này đã tỏ ra một ý chí lạ thường. Ngoài ra vị này còn có một thiên tài đặc biệt: là sự lanh trí trong mọi tình huống... Chúng ta khâm phục các công lao mà vị này đã cống hiến trong việc cai trị các tỉnh và chúng ta vẫn còn nhớ những gì mà vị này đã làm để phát triển nông nghiệp với trí tuệ sáng suốt tuyệt vời đã khích lệ được người dân tham gia phát triển. Đúng là người truyền đạt kiến văn nổi tiếng”6.
Gần cuối tờ sắc, vua Khải Định nhấn mạnh : “…Trẫm xin tuyên bố, hỡi vị Thượng Thư thân mến, một người giá trị như khanh nghĩa là văn võ toàn tài thì phải được kính trọng trong các tỉnh và ở tại triều đình…Ta phong cho người tước Bá Ninh Lãng với tờ sắc phong, hãy nhận đi vì khanh có quyền ấy. Khanh hãy chung vai gánh vác công việc sơn hà với các bạn đồng liêu và hãy cùng chia sẻ niềm vinh dự với họ để mãi mãi được hưởng những ân huệ như chính ngày hôm nay khanh đang hưởng. Sự ban cấp danh dự này sẽ đem đến cho người nổi tiếng tăm mãi mãi. Hãy chiếu lệnh chấp hành”7.
Trong thời gian làm quan ở Huế (1916-1921), ông được chính quyền Pháp và Việt tặng thưởng các huân chương như: Cao Man bội tinh, Bắc Đẩu bội tinh, Kim khánh, Kim tiền8. Ông mất ngày ngày 31/01/1929 (tức ngày 21 tháng 12 năm Mậu Thìn). Từ năm 1939, phần mộ của ông được táng tại Đống Tháp, thôn Đào Lãng, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương9. 
2. Công lao, đóng góp của Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt với quê hương Hải Dương
      Nam tước, Đại thần, Hiệp tá Đại học sĩ Thượng thư Bộ Công, kiêm bộ Binh sung chức cơ mật Đại thần Đoàn Đình Duyệt là một trong tứ trụ triều đình, có vị trí vai trò, đặc biệt đối với nhà Nguyễn, ông sống và làm việc dưới 04 đời vua Nguyễn (Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định). 
Mặc dù phải xa quê từ nhỏ, khi lớn lên, trưởng thành và làm quan tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên…,nhưng tình cảm của ông luôn hướng về quê hương, bản quán, quê cha đất tổ, cội nguồn - nơi mình được sinh ra.
      Chính vì vậy, mặc dù hơn 30 năm công tác xa quê, nhưng Thượng thư Đoàn Đình Duyệt luôn dành một sự quan tâm đặc biệt với quê hương Hải Dương. Tại huyện Ninh Giang, vị Thượng thư đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng quê hương mà theo cộng đồng nhân dân địa phương cũng như các tư liệu đã trích dẫn cho biết: Cụ Đoàn Đình Duyệt khi làm quan trong triều đình Huế đã về quê cho tiền làm đường quanh làng (đường chân tre), xây dựng cống Cổ Ngựa, xã Văn Giang để chống úng lụt; cho đặt guồng nước để chống úng, chống hạn trên cánh đồng Ba Tổng. Nhờ sự quan tâm của ông mà tình hình sản xuất nông nghiệp của làng lúc này được đảm bảo, tình trạng lụt lội, ngập úng hoa mầu về mùa mưa, hạn hán về mùa hè đã được giảm đi đáng kể, nhân dân bớt đói khổ. Không chỉ quan tâm tới sản xuất nông nghiệp, Thượng thư Đoàn Đình Duyệt còn hảo tâm công đức, xuất tiền của xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Tại quê nhà (quê cha), ông đã góp công, của cải xây dựng các di tích tại làng. Theo lời kể của bà Đặng Thị Hệt (80 tuổi, thôn Đào Lạng, xã Văn Hội) cho biết: Bà được ông bà, bố mẹ trong gia đình kể lại, Cụ Đoàn Đình Duyệt đã cho tiền và nhân công mang nguyên vật liệu, tìm thợ từ xa về xây dựng đình Đào Lạng, chùa Ân Quang và chùa Cốc. Các công trình đều được làm bằng gỗ, to, đẹp được chạm trổ tinh vi. Tuy nhiên, do những thăng trầm của lịch sử, thời gian và chiến tranh, những công trình này đã bị tàn phá. Riêng chùa Ân Quang được nhân dân công đức xây mới lại vào năm 2000 với qui mô nhỏ, công trình chủ yếu được làm bằng gạch, mái lợp ngói. Hiện trong chùa còn lưu giữ được quả chuông đồng do Thượng thư Đoàn Đình Duyệt công đức khi đang làm Bố Chánh tỉnh Nghệ An vào tháng 12 năm Đinh Mùi (1907). Chuông cao 111 cm, đường kính miệng 48 cm, nặng khoảng 75 kg. Chuông có tên “Đào Lạng xã Ân Quang tự đồng chung” (Chuông đồng chùa Ân Quang xã Đào Lạng) được đúc năm Mậu Thân (1908), niên hiệu Duy Tân. Nội dung chuông có ghi “Ấp của ta có chùa Ân Quang. Lấy nước ở chùa này dùng, cho nên nơi đó mới được hưng thịnh. Chuông vang leo teo vậy. Năm trước, ta được hưởng bổng lộc bèn thuê thợ đúc một quả chuông mới, rồi kính cẩn làm bài minh rằng: “Chuông lớn, chùa rộng lớn, Phật Pháp chiếu sáng”. Rồi tìm thứ kim loại bền vững, có chất lượng tốt để đúc chuông.
      Tuần phủ lãnh Nghệ An, Bố chánh sứ Đoàn Đình Duyệt cung kính tiến dâng. Chuông được đúc tại tỉnh Nghệ An”10. 
      Bên cạnh đó, Thượng thư Đoàn Đình Duyệt còn xuất tiền của để trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử văn hóa trong huyện Ninh Giang mà đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy được giá trị như:
      + Chùa Trông: Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, tại xã Hưng Long (Ninh Giang-Hải Dương), được khởi dựng thời nhà Lý (1010-1225), thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa và thờ 3 vị cao tăng nổi tiếng thời Lý là: Dương Không Lộ, Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Qua nghiên cứu các tư liệu địa phương và lý lịch di tích đền, chùa Trông được lưu giữ tại kho Bảo tàng tỉnh: Chùa Trông được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào thời Hậu Lê (TK XVII-XVIII), đến thời Nguyễn (TK XIX) chùa được trùng tu, tôn tạo và mở rộng theo kiểu nội công ngoại quốc, công trình gồm: Tam quan, tắc môn, hai nhà giải vũ, hai nhà thờ Mẫu, chùa chính kiểu chữ Đinh (J) 7 gian, nhà đại bái và đền thờ Thánh ở phía sau chùa cũng kiểu chữ Đinh (J)11. Công trình do quan Thượng thư Đoàn Đình Duyệt (còn gọi là quan Thượng Đoàn) xây kỷ niệm quê mẹ của Ngài, chùa xưa đã bị thực dân Pháp phá hủy, công trình hiện nay được nhân dân địa phương xây dựng lại trên nền cũ, di tích cổ còn lại la tam quan được kiến tạo nguy nga theo lối kiến trúc của cung đình Huế12.
      + Đàn Thiện Phù Tải: Di di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tại thôn Phù Tải, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện. Vào cuối thế kỷ XIX cụ Bùi Hữu Ái cùng một số nhà nho và các vị có chức sắc trong xã, tổng thành lập “Hội Khuyến thiện” với mục đích là khuyên răn con người tu nhân, tích đức, làm nhiều việc thiện. Đặc biệt, Hội còn tổ chức trợ giúp người khó khăn, bốc thuốc trị bệnh cứu người, nhiều người thoát khỏi bệnh hiểm nghèo, trong đó có thân mẫu của cụ Thượng Đoàn (Đoàn Đình Duyệt). Chính vì vậy, khi Hội Khuyến thiện và người dân nơi đây quyết định xây dựng một ngôi đàn thì Thượng thư Đoàn Đình Duyệt đã xuất tiền công đức cùng với nhân dân xây dựng ngôi đàn, nhằm tri ân Hội Khuyến thiện đã có công chữa khỏi bệnh cho thân mẫu của mình. 
      Việc làm này không chỉ được nhân dân Đàn Thiện truyền nhau biết mà còn được ghi chép khá cụ thể trong cuốn lịch sử di tích Đàn Thiện do Đảng ủy, UBND xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương phát hành năm 2004, trong đó có đoạn viết: “ Việc xây dựng Đàn Thiện bắt đầu từ năm 1906, với sự nỗ lực của cụ Chủ Ái (tức cụ Bùi Hữu Ái) cùng các cụ trong Hội Khuyến thiện, lại được cụ Thượng Đoàn (cụ Đoàn Đình Duyệt) giúp đỡ, được nhân dân trong làng và thập phương tự nguyện góp công, góp của xây dựng theo kiểu dáng kiến trúc ở Kinh thành Huế. Tháng 3/1913 (tức tháng 2 năm Quý Sửu) thì hoàn thành Cung đệ nhất. Năm 1917 (năm Đinh Tỵ), Cung đệ nhị, đệ tam và toàn bộ Đàn Thiện xây dựng xong, cụ Thượng Đoàn từ kinh thành Huế cũng về dự lễ khánh thành và tế thánh ở Đàn Thiện. Lễ khánh thành đông vui như ngày hội lớn”.
      Trong quá trình hoạt động, Hội Khuyến thiện nhờ có sự giúp đỡ của Thượng thư Đoàn Đình Duyệt đã mượn một số nghệ nhân khắc bản in chữ Hán ở huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam (nay là tỉnh Nam Định) đề in hàng trăm quyển kinh thánh không chỉ sử dụng giáo dục cho hội viên trong Hội Khuyến thiện mà còn cung cấp cho các đàn ở nhiều nơi như: Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên…
      Đàn Thiện phụng thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Trạng nguyên Phạm Hiên và Tiến sĩ Ngự sử đại phu Trương Đỗ là những người có công lao lớn dưới hai triều đại Lý-Trần. Trải qua thời gian, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhưng Đàn Thiện vẫn còn lưu giữ được những nét kiến trúc của thế kỷ XIX . Hiện nay công trình có kiến trúc kiểu chữ “Tam” nối liền nhau, gồm 3 gian Tiền tế, 5 gian Trung từ và 5 gian Hậu cung. Di tích có kết cấu kiến trúc đồng bộ, chắc chắn, có nhiều mảng chạm khắc và phù điêu đạt trình độ nghệ thuật cao. Đàn Thiện còn lưu giữ được khối lượng khá phong phú với gần 50 cổ vật các loại. 
      + Đền Tranh: Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, xã Đồng Tâm (Ninh Giang), được khởi dựng thời nào đến nay chưa có tài liệu xác định. Chỉ biết lúc đầu là ngôi miếu nhỏ, nằm sát ngã ba sông Tranh, do sông Tranh đổi dòng nên phải chuyển vào phía trong. Căn cứ vào hệ thống bia ký tại đền cho biết: Vào năm Tự Đức thứ 5 (1852) đền có nhiều người công đức để tu tạo. Năm 1935, đền được xây dựng lại thành một ngôi đền lớn trên khuôn viên rộng gần 4 mẫu bắc bộ. Khu di tích có 4 tòa nhà lớn gồm: Cung cấm, cung đệ nhất, cung đệ nhị, cung đệ tam và hai dãy giải vũ… Theo các cụ cao niên ở xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương kể lại: vào khoảng những năm 1887-1888, ở xã Văn Hội có cụ Đoàn Đình Duyệt làm quan Thượng thư trong triều đình Huế đã đóng góp công của và tiến cử nhiều thợ giỏi về hỗ trợ nhân dân trùng tu, tôn tạo lại đền Tranh mới ở thị trấn Ninh Giang theo kiến trúc nhà Nguyễn. Chi tiết này cũng được Tạp chí Thế giới Di sản điện tử - Cơ quan của Hội Di sản Việt Nam viết: “Thời Nguyễn (thế kỷ XIX) Đền được xây dựng hoành tráng, chạm trổ cầu kỳ tinh xảo, có tượng Quan lớn Tuần Tranh. Năm 1887 Pháp chiếm Hải Dương và Ninh Giang, chúng đóng quân ở thành Đô Giang (thị trấn Ninh Giang), giặc Pháp đã sử dụng đền Tranh làm điểm đóng quân, tuy vậy không dám phá đền vì nghe danh đền rất thiêng, cũng vì vậy mà nhân dân cho xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, có tam quan do ông Đào Lạng ở xa Văn Hội cung tiến13.
      Với tầm lòng nhân hậu, yêu nước thương dân, luôn hướng về quê hương và có những đóng góp thiết thực đối với Ninh Giang nói riêng và Hải Dương nói chung, Thượng thư Đào Đình Duyệt đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo. Điều đó được Đảng bộ, chính quyền xã Văn hội nhắc nhở nêu gương như: “…Nhờ có sự quan tâm của dân làng, đã có không ít con em địa phương vượt khó học giỏi thành đạt bằng con đường khoa bảng, trở thàng những vị quan nổi tiếng tài năng, đức độ. Tiêu biểu là cụ Thượng Đoàn người làng Đào Lạng - là vị quan tứ trụ trong triều đình nhà Nguyễn14. Hay, trong lời bài hát “Tình người Văn Hội” của tác giả Mai Đoan, ngay lời đầu tiên đã nhắc tới quan Thượng Đoàn - một trong Tứ trụ triều đình, một con người tài giỏi.
      Qua nghiên cứu chúng tôi thiết nghĩ, chắc hẳn Thượng thư Đào Đình Duyệt còn có nhiều đóng góp hơn nữa đối với quốc gia dân tộc nói chung và quê hương Hải Dương riêng, điều đó phần nào nói lên sự tận tụy, năng lực của một vị quan mà được vua Khải Định sủng ái bằng ngôn từ trong tờ sắc phong tước Nam Ninh Lãng cho Thượng thư Đoàn Đình Duyệt như: “…Khi còn là Tuần phủ Quảng Ngãi, vị này đã thuyết phục được dân chúng bằng những lời khuyên răn tốt đẹp, khi đảm nhận chức vụ tổng đốc Nghệ An, vị này bảo đảm cho dân chúng sở tại một sự an ninh tuyệt đối. Khi ở Bình Định ngoài những công việc đã làm không cần phải khen nhiều, vị này còn đảm nhận việc tuyển binh không biết mệt, và cũng nhờ những sáng kiến khôn ngoan mà các trường học ở các tổng đều phát triển lớn mạnh”.
      Tuy nhiên, do thời gian và chiến tranh, các nguồn tư liệu cũng bị thất lạc nhiều, chúng ta lại chưa có điều kiện để khảo cứu sâu và có tính chuyên biệt một cách kỹ lưỡng, nhưng với những đóng góp nêu trên được triều đình ghi nhận, điều đó được cụ thể đánh giá trong tờ sắc phong của vua Khải Định và bằng tác phẩm chữ Hán Nôm “Lâm viên hành trình nhật ký” do ông ghi chép năm 1917 mà được hoàng thượng (vua Khải Định) châu phê: “Việc của cổ nhân, một viên chức há dám cẩu thả mà làm sao? Nhưng nay, Ninh Lãng có thể được coi là có lòng đối với nước nhà vậy. Hãy đem bản biên soạn này cùng lời châu phê chép lại phổ biến. Khâm thử!” 16.
Đối với quê hương Hải Dương nói chung, Ninh Giang nói riêng cũng thật tự hào về một vị Thượng thư xuất thân nghèo khó, vượt qua khó khăn, trở thành một trong tứ trụ triều đình, thanh liêm, trong sáng, hết lòng vì nước, vì dân, luôn hướng về quê cha, đất mẹ.
      Thượng thư Đoàn Đình Duyệt mất ngày 21 tháng 12 năm Mậu Thìn (tức ngày 31/01/2019) và phần mộ của cụ nằm tại cánh đồng Đống Tháp thoáng rộng bởi trước mặt là ruộng đồng bao la, phía sau là đường 36 - là một trong những trục đường chính của huyện Ninh Giang trong việc giao thương với các vùng phụ cận. 
      Toàn bộ phần mộ có diện tích khoảng trên 200m2, được xây dựng năm 1939 và được dòng họ tu sửa xây dựng tường bao vào năm 2013, khi bức tường hậu phía sau bi hư hại. Tại đây còn bảo lưu được yếu tố gốc như phần mộ táng, bia ký, đôi ngựa đá, cụ thể như: Phần mộ xây vôi vữa, kích thước dài 213 cm, rộng 120cm, cao 49cm; bia đá cao 68,5 cm, rộng 40cm, được bao che bởi một nhà bia nhỏ có kích thước (89x36x110) cm. Bia được lập vào năm Bảo Đại, ngày 20 tháng 10 năm Kỷ Mão (1939) có nội dung cụ thể như: “Phần mộ của Hoàng triều Vinh lộc Đại phu – trụ cột của đất nước, ông được thăng chức Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư (hai bộ) bộ Công, bộ Binh kiêm quản Đô sát viện, được sung chức Cơ mật viện đại thần, tấn phong tước Ninh Lãng Nam (tên hiệu là Đức Khê; tên thụy là Văn Ý) Đoàn Tướng Công. Sinh vào năm Nhâm Tuất (1862); mất ngày 21 tháng 12 năm Mậu Thìn (1928). Con là Đoàn Đình Chi phụng thờ. Trước mộ có 02 ngựa đá trong tư thế chầu vào nhau, có kích thước cao 57 cm và dài từ 66 – 70 cm, đường nét chạm khắc đẹp và tinh xảo.
3. Đề xuất, kiến nghị
      Nhân dịp tưởng niệm 90 năm ngày mất của Thượng thư Đoàn Đình Duyệt (31/01/1929-31/01/2019), Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hải Dương phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo: “Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt với Đất nước và quê hương Hải Dương” nhằm làm sáng rõ hơn nữa về thân thế, sự nghiệp của một vị quan “tứ trụ triều đình” nhà Nguyễn (đời vua Khải Định 1916-1925); đánh giá thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có liên quan đến vị đại thần này. Từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm tôn vinh những công lao của cụ đối với quê hương, đất nước và bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa gắn liền với Nam tước Đoàn Đình Duyệt. Chúng tôi đưa ra một số đề xuất mang tính kiến nghị cụ thể như sau:
      + Đối với UBND tỉnh và các sở ngành hữu quan tỉnh Hải Dương: 
      Thượng thư Đoàn Đình Duyệt là người có đức, có tài, có nhiều công lao đóng góp cho sự an dân khi ông làm quan. Mặc dù sống xa quê, nhưng tấm lòng, tình cảm của ông luôn hướng về quê hương - nơi đã sinh ra ông. Ông đã góp công, của để giúp nhân dân trồng tre chống lũ lụt, xuất tiền xây dựng đình, chùa, đền, miếu, in sách... Theo sách “Đồng Khánh Khải Định chính yếu”, Nxb Thời Đại, năm 2010, trang 397, 398 có viết “Năm Khải Định thứ 6 (1921), mùa Thu, tháng 7, Hiệp tá Đại học sĩ, Ninh Lãng Nam Đoàn Đình Duyệt mắc tội, bị dáng 2 cấp thu hồi tước Nam, mang hàm Tuần phủ về hưu. Bấy giờ có người dâng một cuốn sách xưng là của hiệp sĩ Trung Quốc Lương Khải Việt (có thể là Lương Khải Siêu), dòng chữ nhan đề ở ngoài bìa trông giống với nét chữ của quan Công bộ ti Bát phẩm Phan Như Diêu. Vua bí mật sắc cho Nha Hộ thành lục soát nhà ở của y. Đoàn Đình Duyệt ngầm sai Bộ thuộc là bọn Đào Hữu Vân đến mở án thư đặt ở Bộ của tên Diêu để thủ tiêu hết giấy tờ của y… Tiếp đó lại bắt được Tá quốc khanh Ưng Thiệu mang theo sách yêu thư trong người, Ưng Thiệu khai Đoàn Đình Duyệt ngần hứa trả ông một nghìn đồng...”. Về vấn đề phạm tội của Thượng thư Đoàn Đình Duyệt cụ thể là phạm tội gì, như thế nào, cũng là vấn đề rất cần sự tham gia vào cuộc của nhiều nhà nghiên cứu am hiểu về lịch sử triều Nguyễn nói riêng và lịch sử Việt Nam giai đoạn cận đại. Tuy nhiên theo như lời của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (hơn 80 tuổi) trong bức thư gửi gia đình Hậu duệ đại thần Đào Đình Duyệt ngày 29/12/2016 thì “cụ mắc tội không phải là tham nhũng hay phản quốc, mà liên quan đến duy tân, cách mạng… Tôi cho cụ “mắc tội” đây là một di sản tinh thần vô giá của vị đại thần triều Nguyễn để lại cho con cháu và qua đó cũng thấy được vua Khải Định đối với Đoàn Đình Duyệt như thế nào, nhân cách, tư cách cao quý của cụ Đoàn như thế nào”. Hay như nội dung nhận định của tác giả Nguyễn Văn Biểu - Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội trong bài viết: “Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt (1862-1929) trong lịch sử Việt Nam thời cận đại” trên tạp chí Giáo dục và Xã hội, tháng I/2019, mục nghiên cứu và trao đổi trang 13 đưa ra: “…Như vậy, đây là vụ án mà Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công kiêm bộ Binh, kiêm quản Đô sát Viện Đoàn Đình Duyệt bị khép vào tội “Tạo yêu thư yêu ngôn”, chứ không phải mắc phải tội tham nhũng, hay phản quốc. Đó là tội liên quan đến duy tân, cách mạng mà cả triều Nguyễn lẫn thực dân Pháp đều lo sợ. Bằng chứng là năm 1916, ông vua yêu nước Duy Tân đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội hòng chống lại sự “Bảo hộ” của Pháp để thiết lập chính thể Quân chủ lập hiến (nền cộng hòa, còn vua chỉ là tượng trưng)…Rõ ràng tội của ông Đoàn Đình Duyệt lúc bấy giờ là tội đọc và tàng trữ những Tân thư, Tân văn khi mà những luận thuyết duy tân, cách mạng, cải cách trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, những tư tưởng cách mạng tư sản, vô sản, với những nhà nước mô hình kiểu mới, thì làm sao mà ông không bị khép vào tội tạo yêu thư yêu ngôn được!
      Lúc ấy có người dâng thư khen hiệp sĩ Trung Quốc Lương Khải Siêu17 Điều mà nhà Nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và Nguyễn Văn Biểu nhận định theo chúng tôi là tương đối hợp lý. Bởi hai vấn đề:
      + Thứ nhất: đầu thế kỷ XX, cả nước dấy lên phong trào yêu nước chống Pháp rất mạnh mẽ từ Bắc chí Nam. Những lời kêu gọi thiết tha, nóng bỏng nhiệt tình yêu nước của các nhà nho duy tân như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Dương Bá Trạc, Nguyễn Tiểu La... có sức hút rất mạnh đến các tầng lớp trí thức đương thời. Bản thân ông cũng là một danh thần yêu nước, hết lòng phụng sự nhân dân. Phải chăng ông tìm đến tư tưởng Duy Tân hội cũng xuất phát từ tinh thần yêu nước, tìm đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi sự gông cùm của giặc pháp đô hộ, vì yêu nước, thương dân mà phạm tội. 
      + Thứ hai: Chỉ sau 3 năm (từ 17/9/1921-23/7/1924), vua Khải Định thấy được nhân cách cao quí và lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc nên đã khai phục chức tước và được hưởng mức lương theo đúng chức tước cũ. Nếu như vậy, Thượng thư Đoàn Đình Duyệt rất cần một sự tôn vinh xứng đáng với công lao, đóng góp và nhân cách của ông. Tuy nhiên, cuộc đời và sự nghiệp của Thượng thư Đoàn Đình Duyệt cũng còn một số khoảng trống cần được làm sáng tỏ. Do vậy, UBND tỉnh Hải Dương cần tiếp tục tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học có sự phối hợp của các cơ quan nghiên cứu Trung ương như Viện Sử học, Viện Hán Nôm, Hội khoa học lịch sử; có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, Hán Nôm, Văn học đầu ngành ở Trung ương và các địa phương ông đã từng công tác như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Lâm Đồng… trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài từng nghiên cứu về khoa cử triều Nguyễn để làm rõ hơn nữa về thân thế, sự nghiệp, đặc biệt là khoảng trống từ lúc ông rời quê hương đến khi tham gia vào hành chính nhà nước của Thượng thư - một trong tứ trụ triều Nguyễn Đoàn Đình Duyệt và vụ việc bị mắc tội để rồi bị giáng hai cấp và cho về hưu sớm.
      UBND tỉnh Hải Dương nghiên cứu, xem xét đưa tên Thượng thư Đoàn Đình Duyệt vào ngân hàng dữ liệu tên đường phố và công trình công cộng và xem xét để đặt tên đường phố, trường học, tại huyện Ninh Giang và TP Hải Dương khi có điều kiện phù hợp như tỉnh Lâm Đồng đã đưa tên ông vào Đề án Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng theo Quyết định số 2866/QĐ-UBND ngày 29/12/2016 .
      Cần nghiên cứu để có cơ sở cho việc lập hồ sơ xem xét xếp hạng di tích có liên quan và phần mộ của ông tại thôn Đào Lạng (Văn Hội - Ninh Giang) theo quy định Luật Di sản văn hóa.
      + Đối với UBND huyện Ninh Giang: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thân thế sự nghiệp đối với Thượng thư Đào Đình Duyệt để nhân dân hiểu rõ hơn về công lao đóng góp của cụ đối với quê hương đất nước nói chung và huyện Ninh Giang nói riêng; nghiên cứu, xem xét đặt tên đường, phố, công trình công cộng hoặc tên trường học trên địa bàn huyện mang tên Thượng thư Đoàn Đình Duyệt. Kết nối các di tích có liên quan đến Thượng thư Đoàn Đình Duyệt như chùa Trông (xã Hưng Long), đền Tranh (Thị trấn Ninh Giang) và chùa Ân Quang, chùa Cốc, khu lăng mộ ông (xã Văn Hội),...tạo thành một tuor du lịch liên quan đến danh nhân; có kế hoạch bảo vệ đất đại tại phần mộ để tránh xâm phạm.
      + Đối với UBND xã Văn Hội và chính quyền thôn Đào Lãng: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về thân thế sự nghiệp của Thượng thư Đào Đình Duyệt; có kế hoạch bảo tồn và tôn tạo các di tích có liên quan đến cụ, đặc biệt là khu lăng mộ cụ, cần sớm có kế hoạch bảo vệ về diện tích đất cho phù hợp, tránh bị xâm lấn. 
      + Đối với dòng họ (hậu duệ) Thượng thư Đào Đình Duyệt: Cần tiếp tục khảo sát, điều tra, tìm hiểu, kết nối, sưu tầm các nguồn tài liệu (thư tịch, hiện vật, truyền ngôn…) của dòng, tại địa phương, những nhà nghiên cứu như Nguyễn Đắc Xuân ở Huế và những nơi Thượng thư Đoàn Đình Duyệt đã sinh sống, làm việc để có cơ sở bổ sung làm rõ hơn nữa về cuộc đời và sự nghiệp của ông mà đặc biệt là giai đoạn từ khi ông bỏ nhà đi đến khi ông bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm Đồng Khánh thứ nhất (1885) cũng như người hoặc gia đình đã nhận nuôi dưỡng, giúp đỡ ông trên con đường quan lộ; hay việc ông phạm tội bị giáng 02 cấp và sau 3 năm lại được phục chức cụ thể là như thế nào. Đó cũng là những vẫn đề cần làm sáng tỏ để thấy được vai trò, công lao đóng góp của ông đối với quê hương đất nước.
      Sau cuộc hội thảo, Đơn vị chủ trì nên tập hợp các tư liệu để biên soạn, xuất bản sách “Nam Tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt với quê hương Hải Dương” nhằm tôn vinh những công lao của ông đối với quê hương Hải Dương và đất nước. Đồng thời, phục vụ công tác, tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương đối với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tại Hải Dương nói chung và xã Văn Hội, huyện Ninh Giang nói riêng./. 
Vũ Đình Tiến
Giám đốc Bảo tàng Hải Dương
Tài liệu tham khảo:
1. Tiểu sử làm quan của ông Đoàn Đình Duyệt (theo báo Lamdong.vn/xahoi/201301/Nguoi-Viet-Nam-dau-tien-viet-v…)
2. Cộng Hòa Pháp, Phủ toàn quyền Đông Dương, Phủ Khâm sứ Trung Kỳ. Số 77, Văn phòng Khâm sứ. Huế, ngày 08 tháng 7 năm 1916 về việc đổi tên của ông Đoàn Đình Nhàn.
3. Bức thư cảm tạ trình lên hoàng thượng (vua Khải Định) đăng trong cuốn “Những người bạn cố đô Huế” năm 1998. 
4. Bức thư của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân gửi gia đình hậu duệ Đại thần Đoàn Đình Duyệt qua nhà báo Đoàn Xuân Trường. Tại trang 2 có nói: “Tôi rất vui mừng đọc được đề mục năm Khải Định thứ 6 (1921) “Ninh Lãng Nam Đoàn Đình Duyệt mắc tội”. Tội của cụ không phải dính vào tham nhũng hay phản quốc mà vì tội liên quan đến duy tân, cách mạng, Trước đây tôi nghiên cứu về phong trào chống thuế ở miền Trung (1908) không tìm đâu được một quan Thượng thư hay Tham tri nào tham gia cả. Tôi cho cụ “mắc tội” đây là một di sản tinh thần vô giá của vị đại thần triều Nguyễn để lại cho con cháu…”
5. Tư liệu đã dẫn, trang 50 do Nhà báo Đoàn Xuân Trường, Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục và Xã hội cung câp. 
6, 7. Những người bạn cố đô Huế, tập V (1918), Sđd, tr.107-108.
8. Tiểu sử làm quan của ông Đoàn Đình Duyệt, tlđd, tr.30 do Nhà báo Đoàn Xuân Trường, Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục và Xã hội cung cấp.
9. Nội dung văn bia tại phần mộ Hoàng triều Vinh Lộc đại phu – trụ cột đất nước, thôn Đào Lạng (Văn Hội – Ninh Giang do cử nhân Hán Nôm Phương Thị Ngọc Lan – cán bộ Bảo tàng Hải Dương dập dịch) 
10. Cử nhân Hán Nôm Phương Thị Ngọc Lan, cán bộ Bảo tàng Hải Dương dập dịch. 
11. Hồ sơ xếp hạng di tích đền- chùa Trông, hiện lưu giữ tại kho Bảo tàng Hai Dương.
12. Lễ hội chùa Trông - Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc trên đất Ninh Giang, tác giả Bùi Văn Đạt, Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số 3 (220)*5 -2017, tr. 57. 
13. Có thể do chưa hiểu chính xác về nghĩa của chữ Hán Nôm nên người dịch đã bỏ sót họ tên, chức vụ của Thượng thư Đoàn Đình Duyệt khi đó làm quan trong triều đình Huế, cụ quê ở thôn Đào Lạng, xã Văn Hội chứ không có ông Đào Lạng ở xã Văn Hội như trong bài đã viết.
14. Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Văn Hội (1930-2010), tr. 23. Có sự xác nhận của Bí thư Bùi Đức Trắc, thay mặt BCH Đảng bộ xã Văn Hội ngày 19/4/2018.
15. Những người bạn cố đô Huế, tập V (1918), Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế năm 1998. Sđd, tr.98-99. 
16. Bản dịch toàn văn tư liệu chữ Hán do Thượng thư Đoàn Đình Duyệt ghi chép, được đăng trên Tạp chí Nam Phong, số 9 và 10 ra tháng 3 và 4 năm 1918. Hiện đang lưu giữ tại Thư viện Quốc Gia.  
17. Lương Khải Siêu (1873-1929), tự: Trác Như, hiệu: Nhiệm Công, bút hiệu: Ẩm Băng Tử, Ẩm Băng Thất chủ nhân. Ông là nhà tư tưởng và là nhà hoạt động chính trị thời cận đại của Trung Quốc. Là học giả, triết gia, nhà báo, nhà cải cách, sinh ra tại tỉnh Quảng Đông, trong một gia đình nông dân bậc trung. Ông cùng với thầy Khang Hữu Vi đề xướng Biến pháp duy tân, kiên quyết chống chế độ chuyên chế; chủ trưởng xóa bỏ chế độ thi cử phong kiến, lập hệ thống giáo dục theo các nước phương tây, phát triển kinh tế tư bản dân tộc… 
Các tin mới hơn
KỶ VẬT CỦA NGƯỜI CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN NĂM XƯA(08/05/2024)
NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ CHUYỂN PHƯƠNG CHÂM TÁC CHIẾN TỪ “ĐÁNH NHANH THẮNG NHANH” SANG “ĐÁNH CHẮC THẮNG CHẮC” TRONG CHIẾN DỊCH LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ(07/05/2024)
HẢI DƯƠNG VỚI CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ(25/04/2024)
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN LƯƠNG BẰNG, LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (02/4/1904-02/4/2024)(22/03/2024)
LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 20/3; NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC Ở VIỆT NAM (17/03/2024)
Các tin cũ hơn
Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Ninh Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt với Đất nước và quê hương Hải Dương”(19/01/2019)
Ban chỉ đạo Đề án Biên soạn lịch sử tỉnh Hải Dương nghe báo cáo kết quả triển khai và tiến độ thực hiện theo kế hoạch năm 2018.(10/01/2019)
Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội tổ chức Hội thảo “Thám hoa Vũ Thạnh - Cuộc đời và sự nghiệp”(24/12/2018)
Khảo sát, nghiên cứu, khai thác tư liệu phục vụ công tác biên soạn “Lịch sử tỉnh Hải Dương từ khởi thủy đến năm 2015” tại huyện Cẩm Giàng(24/12/2018)
Bảo tàng tỉnh Hải Dương cùng với Đoàn khảo sát của Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học-Xã hội Việt Nam tiến hành khảo sát, nghiên cứu, khai thác tư liệu. (24/12/2018)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín