BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
TIN TỨC

      Trong những hiện vật gốc được trưng bày tại bảo tàng Hải Dương, thì ngôi nhà cổ của quan nghè Nguyễn Quý Tân là hiện vật lớn nhất. Ngôi nhà được phục nguyên vào năm 1995 trong khuôn viên của bảo tàng, nhà quay hướng Nam, trước mặt là khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng.
 
      Về kiến trúc, đây là ngôi nhà được thiết kế làm nhà ở, kiểu chữ nhất (-) gồm 5 gian (3 gian ngoài và 2 gian buồng ở hai bên), diện tích không lớn lắm, khoảng 60 m2, được kết cấu bằng vật liệu gỗ tứ thiết, gạch Bát Tràng, gạch chỉ, ngói mũi... Nhà làm kiểu trốn cột và ở phía trước, các vì kiểu giá chiêng, có các đấu nhỏ được chạm khắc hoa văn lá lật. Hai vì tiếp giáp với buồng là hai bức thuận, khắc hoa văn lá lật, kẻ vạch, gờ nổi... Tường ngăn cách giữa ba gian ngoài và buồng được bưng gỗ kiểu bức bàn, có hệ thống ngưỡng chồng, tạo nên sự hợp lý của không gian ngăn cách giữa nhà ngoài và buồng, nơi cần kín đáo. Có hai cửa vào hai buồng, ngưỡng cửa cao, kiểu hình vòm, bên trên là lá gió kiểu kẻ vạch ô. Hệ thống cột cái và cột quân được đặt trên chân tảng bằng đá thấp, nền nhà lát gạch Bát Tràng. Hiên nhà lát gạch vuông, Các đầu bẩy chạm kênh bong mai, cúc hóa long, và hoa văn hình lá lật đơn giản, ở mặt đầu bảy khắc chữ triện. Hai bên cột hiên ngoài có đôi câu đối nôm của Nguyễn Trãi, đắp bằng chữ Hán - Nôm, có nội dung như sau:
                        “Nên thợ nên thày vì có học
                          No ăn no mặc bởi hay làm”
      Đây là câu đối mà Bảo tàng đưa vào khi dựng lại ngôi nhà. Mái nhà lợp ngói ta, kiểu ngói mũi, bờ mái thẳng, ở hai đầu bờ mái đắp trụ. Ở mái trước có một hàng riềm bằng gỗ kiểu những cánh sen cách điệu, đây cũng là một cách trang trí, tạo nên cho ngôi nhà có điêu khắc cầu kỳ, tinh xảo. Sân khá rộng và được lát gạch vuông, từ sân lên hiên nhà là bậc tam cấp xây bằng gạch chỉ, xung quanh sân xây bờ be bằng gạch kiểu bổ cau.
      Nhìn toàn thể ngôi nhà về kết cấu khung, vì, gỗ, mái còn rất chắc chắn, lại được dựng ở vị trí có không gian thoáng, đẹp. Bảo tàng Hải Dương phục nguyên ngôi nhà cổ này với mục đích: lưu giữ một loại hình nhà ở của một vị quan thời Nguyễn (thế kỷ 19) (trưng bày Dân tộc học), mặt khác giới thiệu ngôi nhà như một tác phẩm điêu khắc gỗ đương thời, đặc biệt ngôi nhà đã gắn bó với một danh nhân thời Nguyễn, đó là Nguyễn Quý Tân mà dân gian quen gọi là Nghè Tân.
      Như chúng ta đã biết, Nguyễn Quý Tân là người làng Thượng Cốc, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc. Tương truyền khi ông thi đỗ được vua ban cho ngôi nhà này, và lúc đó được dựng tại khu đất của gia đình ông ở làng Thượng Cốc, vậy tại sao khi Bảo tàng Hải Hưng mua ngôi nhà này vào năm 1994, để đem về bảo tàng thì nó lại ở thôn Phúc Mại, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc? Để lý giải vấn đề lịch sử trên, chúng tôi đã thu thập nhiều nguồn tư liệu của những người cao tuổi ở làng Thượng Cốc (quê hương Nghè Tân), và làng Phúc Mại xã Gia Tân, kết hợp với lịch sử của xã Gia Khánh và huyện Gia Lộc, cùng với tư liệu của những nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian của tỉnh Hải Dương là Nguyễn Quốc Văn và Tăng Bá Hoành thì nguồn gốc và sự thăng trầm của ngôi nhà có thể tóm tắt như sau:
      Nguyễn Quý Tân, hiệu là Đỉnh Trai, biệt hiệu là Tản tiên đình cư sĩ, người làng Thượng Cốc, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc. Năm 29 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị 2 (1842), làm quan tới chức Tri phủ, sau xin từ chức ngao du đây đó. Cũng có thời làm Thanh tra liêm sát quan lại ở Bắc Kỳ (Theo Tiến sĩ Nho học Hải Dương).
      Theo truyền thuyết, Nguyễn Quý Tân là người hào hoa phong nhã, tính lãng mạn, thấy gái đẹp là mê, sau khi thi đỗ, ông cùng với 17 tân khoa được vua đãi yến và cho thăm vườn thượng uyển, mỗi tân khoa đều được một người đẹp nội cung hướng dẫn đi cùng. Khi xong việc mọi người đều ra về, riêng ông Tân mê người đẹp nên kiếm cớ la cà, bạn bè thấy thế sợ ông mắc lỗi, bèn khuyên ông ra về. Sau khi vua biết chuyện, liền cho người triệu ông lên tra hỏi, ông biện bạch thưa rằng: “Vườn nhiều hoa và hoa nào cũng đẹp, nhưng với hạ thần thích nhất là hoa chuối. Vì nhà nghèo, nên cả đời sỹ tử gia đình nuôi sống, được đi thi đều nhờ những bữa cơm hoa chuối. Nay ơn vua được đỗ, lẽ nào dám qua mặt dong chơi như mọi người”. Câu nói trên có ý biện bạch là ông chỉ muốn ngắm hoa trong vườn thêm một chút nữa mà thôi.
      Theo lệ lúc bấy giờ, mỗi tân khoa khi được hỏi thích hoa nào thì sẽ được vua ban cho hoa ấy bằng vàng, vì thế ông Nguyễn Quý Tân chẳng những không mắc lỗi mà còn được thưởng hoa chuối bằng vàng, to gấp nhiều lần những loài hoa khác. Đồng thời vua sắc cho quan tỉnh Hải Dương phái người về làng Thượng Cốc để xem gia cảnh của ông Tân thực hư thế nào tâu lên vua y cho. Quả nhiên khi xem xong lời tâu, vua và triều đình sức cho quan tỉnh Hải Dương lo ngay gạch, gỗ, ngói mũi làm cho ông một ngôi nhà 5 gian, tọa hướng Nam, ngay trên ngõ Lã đất nhà.
Đến thời vua Tự Đức, ăn chơi xa xỉ, dân tình đói khổ, quan tham ngoài trấn hống hách. Quan Nghè Nguyễn Quý Tân rất bất bình, vốn là một ông quan nhân từ, thanh liêm, nhân đấy ông quyết định treo ấn từ quan về quê sống ẩn dật, không màng lương bổng, lợi lộc, đi ngao du nhàn tản... Khi cuộc sống trở nên quẫn bách, ông cho con mang hết mũ áo vua ban kèm theo một bài thơ, ngụ ý chê bai chốn quan trường cho quan Tổng đốc Hải Dương lúc bấy giờ là Nguyễn Công Trứ để cầm cố ít tiền tiêu vặt.
      Trong làng Thượng Cốc vốn có một ngôi miếu, gọi là miếu Chợ Cốc, miếu có từ thời Lý - Trần, thờ một vị danh tướng triều Lý là Nguyễn Công Nguyên, người có công đánh giặc Tống ở thế kỷ 12, chiến công của ông được gắn liền với lịch sử của miếu Chợ Cốc. Trải qua những năm tháng, ngôi miếu có nguy cơ đổ nát, trước đó dân làng đã có tâm ý tu sửa, nhưng lực bất tòng tâm. Để cứu vãn ngôi miếu cổ, ông Nguyễn Quý Tân đã quyết định bán ngôi nhà vua ban để lấy tiền xây miếu. Nhưng bán cho ai? Ai dám mua, nếu biết đó là ngôi nhà vua ban? sẽ mang tội bất kính.
      Nguyễn Quý Tân thường đi ngao du khắp nơi trong huyện, nên biết được gần đây có viên Tri huyện Gia Lộc về nhậm chức có mang theo nàng hầu, ông bèn tìm cách vào chơi, qua vài câu chuyện xã giao, ông nói luôn là cần bán nhà. Tuy nhiên ông không để lộ về tung tích của ngôi nhà, nhưng viên Tri huyện vẫn ngỡ ngàng và ngơ ngác vì không hiểu sao ông Nghè Tân phải bán nhà? bán nhà rồi ở đâu, đi đâu?... Viên Tri huyện cứ mông lung suy nghĩ sao đây?... Ông Nghè Cốc tiếng tăm khắp trấn lại đến lỡm mình chăng?. Như đọc được ý nghĩ của quan Tri huyện, Nghè Tân nói thẳng: “ Miếu làng tôi sắp đổ, tôi cần việc cho làng hơn cá nhân tôi, ông đừng ngaị từ nan, đây là việc nghĩa cả tôi và ông nên làm”. Nghe ông Tân dứt khoát như vậy, viên Tri huyện không dám chối từ, bèn nói: “ Xin quan Nghè xá lỗi, quan cho đệ suy nghĩ vài ngày, rồi đệ trả lời quan sau”. Nghè Tân ra về, ngôi nhà còn đó gợi cho ông bao điều suy nghĩ, giá nào ông cũng bán nó đi, bởi quyền cao chức trọng với ông không có ý nghĩa gì, ấn triện, mũ áo ông đã từ, thì nhà cửa vua ban là món nợ mà ông cần phải thanh toán, ông nghĩ là: Chi bằng của dân ta đem trả lại cho dân.
      Trong thời gian chờ đợi, viên tri huyện cho người giả làm khách qua đường, về làng Thượng Cốc thám sát ngôi miếu xem thực hư ra sao, và tìm cách ngó qua nhà ông Nghè thế nào, sự tình sẽ về tâu ngay cho tri huyện. Khi được biết nhà ông Nghè Tân có quy mô không lớn lắm, nhưng ngôi miếu thì quá to và đang có nguy cơ đổ nát là sự thật.
Mấy hôm sau, ông Nghè Tân lên phố huyện uống rượu, và vào huyện đường xem sao, lúc ấy trời vừa nắng, bóng râm cây bàng đã tỏa kín trước huyện đường. Từ nhà chính đường, viên Tri huyện thấy ông Nghè tay che ô với bộ đồ dân dã, thì đã ngừng ngay công việc chạy ra nghênh đón, Tri huyện nhanh tay nâng ô dẫn ông vào chính đường. Trầu nước kẻ hầu chưa kịp mang lên, ông Nghè đã vào luôn chuyện bán nhà, Tri huyện cũng rào đón ngay: Quả tình nếu quan Nghè “chiếu cố” đệ xin thành thực cùng quan Nghè “gánh vác” việc chung. Hôm sau Tri huyện cho hai người đầy tớ mang tiền về tận nhà ông Nghè Tân để mua ngôi nhà với giá rất cao, đủ tiền cho ông Nghè xây lại ngôi miếu làng với quy mô lớn và kiểu cách cũng khác trước. Ngôi miếu được khánh thành vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1845) tháng ba ngày tốt, thỏa tâm ước của ông Nghè và dân làng Thượng Cốc.
      Còn ngôi nhà của ông Nghè trở thành dinh cơ riêng của viên quan Tri ngoài phố huyện. Một thời gian sau viên Tri huyện phải đổi đi nơi khác, ngôi nhà được bán lại cho một điền chủ giầu có ở xã Gia Tân, sát huyện đường. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, rồi qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, ngôi nhà ông Nghè qua tay chủ khác vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
      Hòa bình lập lại, cuối năm 1955 và đầu năm 1956, thực hiện cuộc cải cách ruộng đất, ngôi nhà do điền chủ sở hữu đã bị tịch thu và được chia cho hai hộ gia đình ở, đó là một gia đình cố nông và một gia đình là quân nhân chống Pháp ở thôn Phúc Mại, xã Gia Tân. Sau gần chục năm chung sống trong một ngôi nhà không ổn, hai nhà bàn nhau bán ngôi nhà đi và mỗi người ra một nơi khác ở. Nhưng may thay, hộ gia đình quân nhân thấy tiếc ngôi nhà đã hơn 100 năm tuổi mà khung vì và các kết cấu gỗ lim vẫn còn rất tốt, liền dồn tiền để lấy ngôi nhà, khi qua đời thì người con trai nối dõi.
      Vào năm 1994, phong trào làm nhà ống, nhà mái bằng nở rộ, nhà ông Nghè lại một lần nữa được rao bán. Cơ duyên, khi ấy có ông Tăng Bá Hoành là Giám đốc bảo tàng tỉnh Hải Hưng được một cán bộ cơ quan cho biết có một ngôi nhà cổ ở Gia Tân rao bán. Ông bèn hỏi và lập tức đến tận nơi để xem xét, thì được gia chủ trình bày: Em muốn bán nhà để lấy tiền xây nhà mái bằng, thế là trúng ý cả hai, ông Hoành về bàn với cơ quan và quyết định mua ngôi nhà về bảo tàng để lưu giữ cho hậu thế, ngặt nỗi tiền cơ quan không đủ, ông Hoành phải tìm cách vay mượn cho đủ. Giá mua nhà lúc đó là 40 triệu đồng tiền ngân hàng Việt Nam, tương đương với 8 lạng vàng.
      Năm 1995, tìm đất, chọn hướng Tây Nam trong khuôn viên Bảo tàng, ngôi nhà được phục dựng nguyên như cũ cả về kích thước và nguyên vật liệu cơ bản như gỗ, ngói, gạch chỉ xây và gạch lát nền nhà, lát sân... chỉ có một vài chi tiết gỗ bị hỏng được thay thế bằng gỗ lim mới và vôi, cát, xi măng xây tường, lát nền là mới, còn hầu hết là nguyên bản.
      Thật đáng quý, ngôi nhà đã trải qua 5 đời chủ, và được dỡ ra chuyến từ nơi này sang nơi khác đến đến 3 lần, vậy mà khi được phục dựng tại Bảo tàng thì ngôi nhà được trở lại nguyên vẹn là ngôi nhà vua ban cho một ông quan Nghè thời Nguyễn, kể cả cái thước tầm, dụng cụ dùng để tính và ghi số đo kích thước của công trình khi xây dựng tương tự như một bản thiết kế. Đó là một thành công đáng khích lệ của Bảo tàng Hải Dương trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa quý báu của ông cha để lại. Về nội thất của ngôi nhà được các cán bộ Bảo tàng Hải Dương trưng bày như: Hương án, ngai thờ, bát hương, sập gụ, tủ chè, giá gương, độc bình gốm sứ... đều là những cổ vật có cùng niên đại với ngôi nhà, tạo nên một không gian tham quan đầy ý nghĩa. Trộm nghĩ đây cũng là tâm ước của quan Nghè Nguyễn Quý Tân: “ Của dân trả lại cho dân”.
Lê Thị Dự (sưu tầm, biên soạn)
Các tin mới hơn
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG THÔNG BÁO!(30/08/2024)
NGÀY HỘI HIẾN MÁU “HẢI DƯƠNG NGÀN TRÁI TIM HỒNG” NĂM 2024(19/07/2024)
NGÀY THƠ LẦN THỨ 22 – HẢI DƯƠNG HOÀ ÂM CÙNG ĐẤT NƯỚC(23/02/2024)
THÔNG BÁO LỊCH THAM QUAN TRƯNG BÀY GỐM NGHỆ THUẬT VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TẠI BẢO TÀNG(08/01/2024)
THƯ NGỎ THAM QUAN, TRẢI NGHIỆM TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "NHỚ VỀ THỜI BAO CẤP"(17/11/2023)
Các tin cũ hơn
TÀU ĐẮM CÙ LAO CHÀM VÀ GỐM SỨ HẢI DƯƠNG XUẤT KHẨU(10/07/2019)
PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI CHÚC TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC(08/07/2019)
VỀ PHONG CÁCH DIỄN ĐẠT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG BẢN DI CHÚC(08/07/2019)
CÒN MÃI NIỀM TỰ HÀO VĂN HÓA XỨ ĐÔNG(05/07/2019)
TỪNG BƯỚC ỨNG DỤNG HỆ THỐNG “BẢO TÀNG THÔNG MINH”(04/07/2019)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín