Hải Dương là quê hương của nhiều nghề cổ truyền, trong đó nổi bật là các trung tâm sản xuất gốm cổ với những sản phẩm và nghệ nhân nổi tiếng. Năm 2010, nhà trưng bày gốm sứ đầu tiên đã khánh thành phục vụ khách tham quan, nghiên cứu trong và ngoài nước. Tại đây Bảo tàng Hải Dương trưng bày gần một nghìn hiện vật gồm các sưu tập gốm ở nhiều trung tâm, thời kỳ khác nhau. Trong đó ấn tượng nhất là sưu tập gốm Chu Đậu - Mỹ Xá (Hải Dương) khai quật tại nơi sản xuất, được trưng bày đối chiếu với sưu tập gốm Cù Lao Chàm trục vớt tại vùng biển Hội An (Quảng Nam).
Sưu tập gốm Cù Lao Chàm (TK15) có nguồn gốc Chu Đậu khai quật từ tàu đắm tại đường biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam năm 2000
Gốm Cù Lao Chàm được phát hiện vào đầu năm 1990, trong khi đánh bắt cá ở vùng biển Hội An ngư dân đã phát hiện ra một con tàu cổ chở đầy đồ gốm Việt Nam bị đắm ở ngoài khơi, cách đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam khoảng 20 km về phía đông. Đồ gốm hàng hóa trong tàu đắm có giá trị kinh tế cao nên đã thu hút rất đông giới buôn đồ cổ và ngư dân dùng lưới quét “đặc chủng” dài hàng nghìn mét để vét đồ gốm, hàng vạn đồ gốm bị vỡ nát và rơi vào tay bọn buôn bán đồ cổ. Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa Thông tin đã báo cáo Chính phủ và kịp thời chỉ đạo việc bảo vệ con tàu đắm.
Được sự quan tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành liên quan; Ban khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm được thành lập gồm đại diện các cơ quan: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, Bảo tàng Quảng Nam, Ban quản lý di tích Hội An, Trung tâm khảo cổ dưới nước của Đại học Oxford (Anh Quốc), Liên hiệp xí nghiệp Trục vớt cứu hộ Việt Nam, Công ty Saga(Malayxia), bộ đội biên phòng và Công an tỉnh Quảng Nam. Sau một thời gian chuẩn bị thủ tục, ngày 14 tháng 2 năm 1997, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đồng ý để Bộ Văn hóa Thông tin cho phép Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Công ty Saga và Visal tiến hành khảo sát, khai quật. Quá trình khảo sát và khai quật được tiến hành từ năm 1997 đến 1999.
Tàu nằm ở độ sâu 70m, trong một vùng nước bị chi phối bởi những cơn bão nhiệt đới, tên địa phương là “Biển rồng”. Vùng biển này nguy hiểm nhất trong thời kỳ gió mùa đông bắc, mùa bão hay đổ vào miền Trung, những cơn bão có khả năng đẩy tàu về phía Nam. Với vị trí đắm của nó, con tàu chở nặng hàng này rất có khả năng bị chìm trong cơn bão như vậy.
Trước khi khai quật, tàu bị bùn cát vùi dưới đáy biển. Do bị ngâm lâu dưới biển, bị hà phá hủy cộng thêm lưới vét của ngư dân nên bề mặt tàu đã bị phá hủy nghiêm trọng. Sau khi hút hết bùn cát và lấy bớt hiện vật, xác con tàu lộ ra. Các nhà nghiên cứu đã xác định: Tàu nằm theo hướng Đông - Tây và nghiêng từ Bắc xuống Nam, thân làm bằng gỗ; theo phân tích của Viện Lâm nghiệp Việt Nam đó là gỗ tếch chuyên được dùng để đóng tàu. Kích thước tàu dài 29,40m, nơi rộng nhất là 7,2m, lòng tàu chia làm 19 khoang, là một trong những chiếc tàu đắm lớn trong lịch sử châu Á. Phía Tây con tàu đã phát hiện được nhiều đồ dùng của thủy thủ đoàn như: Chảo, ấm, nồi bằng đồng, bởi vậy có thể dự đoán đây là phần đuôi của con tàu, còn mũi quay về phía Đông.
Xét về cấu trúc cũng như các kết quả giám định niên đại C14 đồ gỗ của con tàu; dựa vào phương pháp tổng hợp, đối chiếu có thể xác định niên đại con tàu và đồ gốm hàng hóa trên tàu thuộc thế kỷ XV.
Qua 2 năm tiến hành khai quật đã thu về trên 240.000 hiện vật (không kể số mảnh vỡ) bao gồm đồ gốm men, đồ sành, đồ kim loại, đồ gỗ, đồ đá và di cốt người. Đồ gốm chiếm số lượng nhiều nhất, loại hình phong phú, đa dạng, trang trí đẹp mắt. Những đồ này chủ yếu là gốm Việt Nam, ngoài ra còn số ít đồ gốm Trung Quốc, Thái Lan và gốm Chăm.
Đồ gốm Việt Nam bao gồm nhiều dòng gốm như: Gốm hoa lam, gốm vẽ nhiều màu, gốm men xanh ngọc, gốm men màu xanh dương sẫm, gốm men trắng, gốm men trắng mỏng văn in, gốm men nâu và đồ sành. Về loại hình có 18 loại hình chính và hơn 100 loại phụ như: Đĩa, bát, chén, âu, lọ, bình, hộp...Được tạo với nhiều loại kích thước to, nhỏ và kiểu dáng đa dạng như: Bát đế cao, đế thấp; chén hình quả đào có gắn chim vẹt, kendy cỡ lớn, cỡ nhỏ, bình hai bầu có quai, ấm hình uyên ương, bình hình rồng, ấm hình con gà, hộp hình con cua, con cá, con cóc... Hoa văn trang trí trên các hiện vật gốm phong phú, sinh động gồm nhiều đề tài:
Đề tài về con người và cảnh vật thiên nhiên được thể hiện như: Cảnh người chèo thuyền, người cưỡi ngựa, trẻ em nô đùa, trẻ chăn trâu thổi sáo...
Đề tài động vật có hình rồng, phượng, sư tử, voi, hổ, chim chích chòe, chim bói cá, uyên ương, các loại cá, tôm, ong, bướm, chuồn chuồn...
Đề tài hoa, lá có hoa sen, cúc, mẫu đơn, tùng, trúc, mai và các loài cây cổ thụ...Các loại hoa văn khác còn có nhà cửa, chùa tháp, cung điện, sông nước, núi non mây trời...
Mỗi loại đề tài được thể hiện nhiều kiểu, nhiều tư thế, đồ án biến ảo khác nhau tạo nên sự phong phú, đa dạng chưa từng thấy. Toàn bộ số đồ gốm hàng hóa trên tàu sau khi so sánh và nghiên cứu đối chiếu đều thấy tương tự như các sản phẩm gốm Chu Đậu - Mỹ Xá và các lò vệ tinh thuộc vùng Hải Dương. Sản phẩm gốm của các trung tâm này đã từng xuất khẩu và được tìm thấy ở một số nước Đông Nam Á và Nhật Bản.
Việc phát hiện đồ gốm trên tàu đắm Cù Lao Chàm có ý nghĩa lớn cho việc nghiên cứu lịch sử gốm sứ Việt Nam. Nó đại diện cho phát hiện quan trọng nhất trong lĩnh vực khảo cổ học về gốm Việt Nam từ khi bắt đầu những cuộc khai quật lò gốm Chu Đậu (Hải Dương). Phát hiện này khép lại chu trình giữa sản xuất và tiêu dùng, giúp chúng ta hiểu theo những nét mới về tầm quan trọng của công nghệ gốm Việt Nam, những đóng góp của nó cho việc buôn bán và giao lưu văn hóa khu vực châu Á.
Việc khai quật và nghiên cứu tàu đắm Cù Lao Chàm đã góp một bằng chứng vô cùng sinh động vào việc nghiên cứu giao thương quốc tế trên vùng biển Việt Nam trong lịch sử. Đặc biệt nó đã chứng minh trong thế vào thế kỷ 15, 16 Việt Nam tiếp tục tham gia một cách tích cực nhất vào con đường tơ lụa trên biển trong đó có mặt hàng quan trọng nhất là đồ gốm. Bởi vậy thời kỳ này gốm Việt Nam được làm đẹp nhất, chất lượng tốt nhất và cũng xuất khẩu nhiều nhất.
Với khối lượng đồ sộ, sưu tập gốm Việt Nam trên tàu cổ Cù Lao Chàm đã phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu với loại men, kiểu dáng và hoa văn phong phú, đặc sắc, đóng góp một nguồn tư liệu quan trọng, toàn diện và đầy đủ vào việc nhận thức lịch sử đồ gốm men thế kỷ XV.
Các tư liệu về đợt khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm đã góp phần phản ánh sinh động, chân thực lịch sử văn hóa Việt Nam thế kỷ XV; đó là hình ảnh một xã hội ổn định, kinh tế phát triển, một đất nước tươi đẹp, yên bình với những con người lạc quan trong cuộc sống, hăng say lao động, sáng tạo để xây dựng đất nước, sáng tạo lên một mảng mỹ thuật dân gian giàu chất liệu tươi mát, tràn đầy tính sáng tạo, một mảng mỹ thuật phong phú và hấp dẫn mà bấy lâu nay chưa mấy ai biết đến trong nền mỹ thuật thời Lê sơ. Nước Đại Việt thời Lê sơ trong thế kỷ XV thực sự là một quốc gia hùng mạnh của khu vực Đông Nam Á.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tóm tắt kết quả khai quật khảo cổ học dưới nước tàu đắm cổ Cù Lao Chàm- Hội An - Quảng Nam (1997- 2000)
2. Sách Gốm sứ trong năm con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 2008
3. Gốm Việt Nam và tầm quan trọng của đồ gốm ở tàu đắm Hội An
Tác giả JOHNGUY Bảo tàng Victoria và Albert- Luân Đôn (Anh)
Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam .T II. NXB khoa học xã hội. Năm 2005