Sắc phong thần敕封 là văn bản truyền mệnh lệnh của vua phong cho các vị thần được thờ tại đình, đền, chùa, miếu mạo... trong tín ngưỡng làng xã của người Việt. Đây là một loại cổ vật rất giá trị. Các vị thần được phong tặng có thể là Thiên thần hoặc nhân vật lịch sử có công với nước, thường gọi là nhân thần và các thần linh trong tín ngưỡng dân gian như nhân vật huyền thoại, vật linh, các hiện tượng thiên nhiên... Nhân vật trên sắc phong thần cũng có thể là những người dân bình thường nhưng có công khai hoang lập ấp, truyền dạy nghề thủ công hoặc có công với cộng đồng gắn liền với lịch sử làng xã xưa.
Mỗi hệ thần và qua các đời vua triều Nguyễn đều có những quy định cụ thể nhằm thể hiện uy đức của Hoàng đế và dấu ấn triều đại đang ngự trị .
1. Về chất liệu giấy
Trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ viết: “Năm Minh Mạng thứ 10 (1829) tấu chẩn: Phụng chiểu cáo sắc viết vào thứ giấy cáo trục hạng nào, xét điển lệ nhà Thanh, về lệ chức tạo ty đô thủy ở bộ Công nói rằng: Về cáo mệnh: Tứ phẩm trở lên dùng thứ bằng tơ chín 5 sắc, ngũ phẩm là 3 sắc, sắc mệnh dùng thứ lụa trắng…lại nói rằng: Các quan văn võ có công đời đời được phong tước, cấp cho sắc dài một trượng, giấy vàng, có vẽ rồng chung quanh… Vả lại nước ta nguyên không có phường dệt gấm, nếu dùng những bức bằng tơ mà giao cho cục thêu thì không khỏi phí tổn, nhân công lại khá nhiều, mà từ trước đến nay các loại cáo sắc về điển lệ phong tặng đã dùng thứ vải lụa ấy rồi, nên nếu dùng loại ấy cho các bản sắc phong thì khó mà phân biệt. Nghĩ nên chiếu theo lệ của nhà Thanh, những cáo sắc dùng bằng giấy, châm chước quy định làm cáo sắc, để biết sự vẻ vang về xuất thân dương danh, mà tờ giấy đẹp lại bền, cũng có thể để lâu được. Nay đem kiểu mẫu về cáo sắc, giao cho quan ở Vũ khố phải chuẩn bị làm trước, để đến kỳ sẽ lĩnh ra mà viết…”
(Sắc phong thời vua Khải Định thứ 9)
Từ những quy định đó và qua khảo sát thực địa cho ta thấy tất cả những bản sắc phong thần Thành hoàng đều được viết trên loại giấy “long đằng”. Đây là loại giấy tốt có thể tồn tại đến vài trăm năm nếu biết cách bảo quản.
2. Chữ viết
Các sắc phong thần ban cấp vào thời Nguyễn có những quy định được thể hiện rất rõ. Trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép: Vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) có chỉ: “Từ nay về sau các sắc, biểu và văn thư dùng ở các nha, chỗ dòng niên hiệu những chữ năm…tháng…ngày đều dùng chữ viết đơn, chuẩn từ sau đều dùng chữ viết kép, như những loại chữ nhất (一) viết là nhất (壹), nhị (二) viết là nhị (貳) để phòng sự thay đổi…”. Đến năm Minh Mạng thứ 15 (1834) có chỉ: “Lại nghị chuẩn lần này việc ban cấp các sắc là buổi ban đầu, cung chiểu nghị định, có khi dùng giấy sắc vàng, có khi dùng giấy sắc bạc, nếu cứ viết theo như trước, thì người viết có khi nhầm lẫn, sợ không khỏi hư phí. Xét nên in ra mà dùng, để cho được giản tiện. Hiện đã thuê thợ khắc bản in, kiểm chữ, in mà dùng, cũng được ngay ngắn. Còn chuyến này một loạt ban cấp khá nhiều và rắc rối, xin chiếu xuống cho bộ Công, huy động thợ do bộ Lại lĩnh vật liệu ra chỉ thị cho quy thức, làm ngay xong việc, sau này có khắc thêm chữ gì và tu bổ bản in, đến kỳ do bộ ấy huy động thợ cho làm”.
Bên cạnh một số bản sắc phong được in thì cũng có một số bản viết tay như bản sắc phong năm Duy Tân thứ 3 “Sắc phong Duy Tân năm thứ ba tại đình Thọ Xuyên xã Lam Sơn). Hầu hết những bản sắc phong Thành hoàng viết bằng tay đều tập trung vào những bản hợp phong (phong cùng lúc cho nhiều vị thần) và chủ yếu ở thời Khải Định.
Các chữ viết “đài” trong một số bản Sắc phong thần Thành hoàng được khảo sát cho chúng ta thấy một số thông tin sau: Những chữ viết về “niên hiệu” hay chữ “Quan thánh” (關聖) thì đài ở khoảng thứ ba, gặp những chữ chỉ “thánh tổ” (聖祖) thì đài ở khoảng thứ nhất trên cùng, còn những chữ “sắc” (敕), “sắc chỉ” (敕旨) hay “sắc phong” (敕封) ở dòng đầu tiên thì viết đài ở khoảng thứ hai, bên cạnh đó cũng có một số điểm khác nhau như:
- Thời Minh Mạng ở các dòng tiếp theo nếu gặp các chữ “tặng sắc” (贈敕) hay “cảnh mệnh” (耿命) thì đài lên khoảng thứ nhất ở trên cùng.
- Thời Thiệu Trị thì các chữ “tặng sắc” (贈敕), “bảo chiếu” (寶詔) hay “cảnh mệnh” (耿命) ở các dòng tiếp theo thì đài lên khoảng thứ nhất “ Sắc phong Thiệu Trị năm thứ Sáu tại xã Nghĩa Phú huyện Cẩm Giàng.
- Thời Tự Đức thì gặp các chữ “sắc phong” (敕封), “sắc chỉ” (敕旨), “tiền du” (前猷) ở các dòng tiếp theo thì phải đài lên khoảng thứ nhất ở trên cùng “Sắc phong Tự Đức năm thứ 33 đình Từ Ô xã Tân Trào huyện Thanh Miện”.
- Thời Đồng Khánh gặp các chữ “tặng sắc” (贈敕), “cảnh mệnh” (耿命) ở dòng tiếp theo sẽ đài lên khoảng thứ nhất trên cùng “sắc phong Đồng Khánh năm thứ hai đình Phí Xã xã Lê Hồng huyện Thanh Miện”.
- Thời Thành Thái nếu gặp chữ “cảnh mệnh” (耿命) ( ) ở dòng tiếp theo được đài lên khoảng thứ nhất “Sắc phong Thành Thái Nguyên niên đình Sộp xã Tân Trào huyện Thanh Miện”.
- Thời Duy Tân gặp các chữ “sắc phong” (敕封), “cảnh mệnh” (耿命), “ban cấp” (頒給) thì đài lên trên cùng “Sắc phong Duy Tân năm thứ ba tại đình Thọ Xuyên xã Lam Sơn huyện Thanh Miện.
- Thời Khải Định gặp chữ “ban cấp” (頒給) viết đài lên trên cùng “sắc phong Khải Định năm thứ 9 (1924) đình Hội Yên xã Chi Lăng Nam huyện Thanh Miện”.
Như vậy về chữ viết ở các bản sắc phong có sự linh hoạt. Tùy thuộc vào mỗi ông vua mà ban ra lệ viết chữ trong các bản sắc phong.
3. Hoa văn trang trí
Chúa Nguyễn từ khi vào phương Nam mở cõi dần dần có ý định độc lập với triều đình chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, năm 1744, chúa tự ý xưng Vương, quyết thay đổi nghi lễ muốn tạo nên “một cõi y quan văn hiến”. Có lẽ cũng ảnh hưởng từ các chúa Nguyễn, các bản sắc phong của triều Nguyễn đều được trang trí lộng lẫy theo kiểu “long vân ẩn hiện” chính là đặc trưng của văn hiến cung đình triều Nguyễn. Tuy nhiên, mỗi vị vua đều có những dấu ấn riêng về cách trang trí, hoa văn. Nhưng tất cả đều nhằm mục đích thể hiện sự uy nghi của mình, đồng thời để phân biệt với các sắc phong của những vị vua khác.
Mặt trước của sắc phong thần có hình rồng uốn lượn cùng mây trời, hình ảnh con rồng có lúc màu bạc, có lúc màu xám, có khi là một con rồng lớn ẩn hiện trong những đám mây, có lúc vẽ rồng to và mây thưa; chung quanh viền có khi vẽ liên vân, khi vẽ hoa văn hoa dây, có khi lại vẽ hoa liên đằng. Mặt sau thì vẽ lân phượng, tứ linh, vẽ đồ cổ hoặc vẽ hình lá cùng dây leo.
4. Hệ thống phẩm trật và các mỹ tự qua các bản sắc phong
Đến thời Tự Đức năm thứ 3 (1850) đã có quy định về hệ thống phẩm trật như sau:
Phân cấp
Phân cấp Tính chất | Thượng đẳng thần | Trung đẳng thần | Hạ đẳng thần |
Thiên thần | Túy mục | Linh thủy | Thuần chính |
Thổ thần | Hàm quang | Tĩnh hậu | Đôn ngưng |
Sơn thần | Tuấn tĩnh | Củng bạt | Tứ ngực |
Thủy thần | Hoành hợp | Nông nhuận | Trừng trạm |
Dương thần | Trác vĩ | Quang ý | Đoan túc |
Âm thần | Trang huy | Trai thục | Nhan uyên |
Như vậy, ta thấy các từ chỉ phẩm trật thường đi kèm với các mỹ tự. Nếu sắc phong nào không chỉ rõ là thượng, trung hay hạ đẳng thần thì chúng ta căn cứ vào những từ chỉ phẩm trật để biết vị thần đó được xếp vào hạng nào. Cũng nhìn vào hệ thống phẩm trật, chúng ta cũng có thể biết được vị thần đó thuộc loại thần nào.
Thần mỗi lần được phong là thêm một mỹ tự (từ ghép Hán Việt) nêu bật phẩm chất, tính cách quy định theo chủng loại Thiên thần, Thổ thần, Âm thần, Dương thần, Sơn thần hay Thủy thần. “Như vậy càng nhiều lần được phong, thần càng có nhiều mỹ tự; cấp bậc ngạch trật từ thấp đến cao gồm: chi thần, tôn thần (hạ đẳng thần), trung đẳng thần, thượng đẳng thần, thượng thượng đẳng thần, thượng thượng thượng đẳng thần. Nhân thần hiếm khi được phong đến thượng đẳng.
Việc ban cấp sắc phong cho các vị thần Thành hoàng thực sự là một nét đẹp tinh thần trong văn hóa ứng xử giữa thần và người ở các nước ảnh hưởng nền văn hóa Trung Quốc nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Là những người hậu thế, chúng ta nên biết tôn trọng và giữ gìn nét đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nội Các Triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam Hội điển sử lệ, các tập III, VI, VII, VIII, Nxb Thuận Hóa, Huế.
2. Minh Mạng (1998), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập II, NXB Văn Hóa, Hà Nội.
3. Nguyễn Sử (2015) Lịch sử thư pháp Việt Nam Thế Giới, Hà Nội.
4. Cao Xuân Dục (2003), Đại Nam chính biên liệt truyện, Quốc sử quán triều Nguyễn dịch, Nxb Văn học, Hà Nội.
5. Lê Thanh Đức (2001), Đình làng miền Bắc, NXB Mỹ Thuật, Hà Nội
Bùi Cao Cường
Phòng Bảo tồn di tích