Đặc trưng tiêu biểu nhất giúp nhận diện giá trị của chum gốm là hoa văn trang trí. Từ trên xuống dưới, thân chum phân chia thành 4 băng hoa văn trang trí khác nhau, được ngăn cách bởi 6 đường chỉ, khắc chìm tô màu nâu, có hoa văn chính, hoa văn phụ. Băng hoa văn đầu tiên, giáp với miệng chum được đắp nổi băng cánh sen kép, cánh to xen kẽ cánh nhỏ, đầu cánh cong, nhọn. Băng hoa văn thứ hai khắc các văn mây hình khánh, có đuôi dài nằm ngang, bay theo chiều kim đồng hồ, được khắc chìm và tô màu nâu thẫm. Băng hoa văn chủ đạo nằm chính giữa thân chum, có kích thước lớn nhất, với 4 khóm sen lớn. Hoa sen với các cánh cách điệu, đăng đối nhau, lá sen cái nhìn nghiêng, cái nhìn chính diện. Vì không gò bó theo khuôn mẫu nên những bông sen được mô tả ở trạng thái mãn khai sinh động. Băng hoa văn dưới cùng là hoa văn sóng nước.
Chum gốm hoa nâu Hiệp An là biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm thời Trần, phản ánh một phần giá trị tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ thẩm mỹ của thời đại sâu sắc. Với giá trị về lịch sử văn hóa, kỹ - mỹ - thuật độc đáo, chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần được công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 12 (Theo Quyết định 73/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ)./.
Bảo tàng tỉnh Hải Dương