Văn hóa dòng họ là một yếu tố rất quan trọng và có ý nghĩa rất to lớn đối với sự hình thành và phát triển làng xã, tạo nên sắc thái văn hóa riêng của mỗi làng quê. Những sinh hoạt trong dòng họ đã trở thành cây cầu kết nối giữa truyền thống và hiện đại, gắn kết giữa các gia đình trong các dòng họ. Trải qua bao thế hệ, đặc biệt là trong thời đại đổi mới, hội nhập ngày nay, những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dòng họ vẫn được người dân Nghĩa Phú bảo tồn và phát huy, góp phần tạo dựng và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
(Nhà thờ dòng họ Phạm tại thôn Nghĩa Phú)
Theo bia ký, thần tích, sắc phong và truyền ngôn trong nhân dân thì thôn Nghĩa Phú còn có tên nôm là làng Xưa, được lập nên muộn nhất là vào thời Lý (thế kỷ XI-XIII), cách ngày nay khoảng 800 năm và có thể sớm hơn vào những năm đầu sau công nguyên (thế kỷ I). Đến thời Trần Nghĩa Phú thuộc Nghĩa Lư trang, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nghĩa Phú là một xã thuộc tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Ngày nay, Nghĩa Phú là một trong 3 thôn (Nghĩa Phú, Phú Lộc, Hoàng Gia) thuộc xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Từ thuở sơ khai, làng Nghĩa Phú đã có một số dòng họ đến khai hoang lập ấp, cùng hợp sức lại đấu tranh với tự nhiên để tạo dựng xóm làng. Theo tương truyền, các dòng họ đến lập trang ấp sớm nhất ở Nghĩa Phú có họ Nguyễn Bá, Nguyễn Văn, họ Đặng Viết, họ Lê, họ Đào. Song căn cứ vào gia phả của các dòng họ còn lưu giữ được thì họ Phạm Mậu có cụ tổ là cụ Phạm Tử Hư đến vùng đất này khai hoang lập ấp hình thành nên Nghĩa Lư trang từ thời Lý cách ngày nay khoảng 800 năm. Theo như gia phả dòng họ đến nay dòng họ Phạm Mậu đã truyền được 30 đời*. Các dòng họ khác như họ Nguyễn Bành, Nguyễn Thành, họ Đặng Khắc.... đến Nghĩa Lư an cư lạc nghiệp và đến nay đã truyền được khoảng 15-20 đời cách ngày nay khoảng 600-700 năm. Trải qua thời gian các dòng họ ngày một phát triển và văn hóa dòng họ luôn giữ vai trò quan trọng trọng việc cố kết cộng cồng, gắn kết giữa các cá nhân với nhau, giữa các gia đình trong một dòng tộc, giữa các thế hệ trong cùng gia đình.
Hiện nay, làng Nghĩa Phú có khoảng 27 dòng họ cùng sinh sống. Mỗi dòng họ tuy có khác nhau nhưng phần lớn sống dựa vào ruộng đất, một số ít tham gia nghề thủ công, nghề bốc thuốc, một số ít thì tham gia thương nghiệp kèm với nghề nông chăn nuôi, nhưng tất cả họ đều gắn bó với nhau, noi gương các gia đình, cá nhân tiêu biểu trong dòng họ và đều chung một truyền thống tốt đẹp là luôn ý niệm về gốc gác tổ tiên để thành tâm thờ kính. Những gia đình, cá nhân tiêu biểu được các dòng họ noi theo đều có ảnh hưởng to lớn đối với làng xã và là niềm từ hào của cả dòng tộc. Tiêu biểu như dòng họ Phạm Mậu mà cụ tổ là Phạm Tử Tư -người đã khai phá và lập ra vùng đất Nghĩa Lư trang. Hàng năm vào ngày 9/9 âm lịch, con cháu nội ngoại từ khắp nơi hội tụ về nhà thờ họ để tưởng nhớ và tri ân công đức ông bà tổ tiên, truyền cho nhau nghe về lịch sử dòng tộc, nhắc nhở con cháu về mối quan hệ thiêng liêng gắn bó với họ hàng, chọn nêu những gia đình tiêu biểu nhất làm tấm gương về đạo đức, nhân cách cho dòng họ noi theo.
Với mỗi dòng họ ở làng Nghĩa Phú, nhà thờ họ luôn có vị trí đặc biệt trong tâm thức của mỗi thành viên trong họ. Nhà thờ của mỗi dòng họ thường là nơi thờ các cụ tổ tiên, những người có công với đất nước và làm rạng danh dòng họ. Đồng thời nhà thờ cũng là nơi để con cháu được bày tỏ lòng thành kính trước tổ tiên và cũng là nơi bàn bạc những công việc chung của dòng họ. Thông thường trong mỗi dòng họ, người trưởng họ thường được coi là người thừa hưởng hương hỏa của tổ tiên, có vinh dự và trách nhiệm thờ cúng Tổ tiên và dòng tộc, gìn giữ nề nếp gia phong và đứng đầu trong các sự kiện và nghi thức của dòng họ. Đây cũng là truyền thống văn hóa vốn có bao đời của các dòng họ. Mặc dù cách thức tổ chức cúng giỗ tổ trong mỗi dòng họ tuy có đôi chút khác nhau, song đều mang giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ sau này. Trong ngày giỗ họ, con cháu trong dòng họ dù ở đâu cũng tìm về thắp hương, dâng lễ tạ ơn tiên tổ, trời đất. Đây cũng là dịp để các chi xa, chi gần tìm về nhận họ hàng, phân định trên dưới, anh em, đồng thời cũng là dịp gặp gỡ ấm tình huyết thống. Dòng họ Nguyễn Thành có cụ tổ Nguyễn Thành Lãi đến lập nghiệp ở thôn Nghĩa Phú cách ngày nay khoảng 300 năm (cuối đời vua Lê Dụ Tông) là một trong những dòng họ rất coi trong giá trị truyền thống văn hóa dòng họ, họ đã lập ra bản quy ước dòng họ để giáo dục con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn, ứng xử trong quan hệ gia đình, dòng tộc…
Hiện nay, nhiều dòng họ tại Nghĩa Phú hiện vẫn còn lưu giữ được những cuốn gia phả, bia đá và các đạo sắc phong có niên đại hàng trăm năm. Đây chính là tài liệu, là báu vật quý giá ghi lại lịch sử hình thành và phát triển của dòng họ và những điều dăn dạy của tổ tiên với con cháu đời sau. Việc ghi rõ ngày sinh, ngày mất trong cuốn gia phả chính là những tài liệu quý giá cho con cháu đời sau biết được gốc tích, nề nếp gia phong cũng như biết được ngày mất của ông cha mình mà kính cẩn hành lễ. Dòng họ Phạm Mậu vẫn còn giữ được tấm bia gia phả do cụ do cụ Phạm Tử Cự dựng năm Tự Đức thứ 26 (1873) nghi lại cụ tổ dòng họ và các các đời tổ tiên có công với dân làng, dòng họ, một số dòng họ khác còn giữ được gia phả bằng chữ Hán như họ Nguyễn Bành, họ Nguyễn Danh, họ Nguyễn Hữu...
Phong trào khuyến học, khuyến tài trong dòng họ đang phát triển mạnh ở nơi đây. Các dòng họ rất coi trọng sự học, họ lập quỹ khuyến học để khích lệ động viện con cháu học hành. Dòng họ Nguyễn Bành là một trong những dòng họ lớn nhất tại làng. Theo tương truyền từ các bậc cao niên trong làng thì cụ thủy tổ của dòng họ chính là đại danh y Tuệ Tĩnh- ông tổ nghề thuốc nam của nước nhà. Họ Nguyễn Bành lập quỹ khuyến học từ năm 2000 để trao thưởng cho con cháu có thành tích cao trong học tập tại nhà thờ họ. Tính đến nay, dòng họ có nhiều con em đỗ đạt cao: 01 tiến sỹ, 04 thạc sỹ, 25 cử nhân và nhiều học sinh giỏi các cấp huyện, tỉnh, quốc gia.
Hiện nay, ở Nghĩa Phú nhiều việc làm thiết thực như chắp nối gia phả, họp mặt nhận họ, tổ chức các hoạt động giỗ tổ, tọa đàm, hội thảo nhằm đánh giá công lao của tổ tiên và những cống hiến của các danh nhân dòng họ với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển văn hóa dân tộc vẫn đang được các Ban liên lạc hội đồng gia tộc nỗ lực thực hiện, những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dòng họ vẫn tiếp tục được các dòng họ bảo tồn và phát huy. Các dòng họ cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ các tệ nạn xã hội, bảo tồn và phát huy các công trình thờ các danh nhân của các gia tộc, dòng họ.
Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập hiện nay, những giá trị của văn hóa dòng họ ở khắp các làng quê nói chung và Nghĩa Phú nói riêng đang đứng trước thách thức ngày càng lớn. Thiết nghĩ, để gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của cha ông thì cách tốt nhất là mỗi một cá nhân rất cần ý thức được một cách sâu sắc về những giá trị tốt đẹp đó để từ đó trân trọng và bảo vệ. Không chỉ vậy, các cơ quan quản lý ngành văn hóa cũng cần có thêm những giải pháp nhằm xây dựng và đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa, hỗ trợ phục hồi văn hóa dòng họ, tôn vinh những dòng họ có đóng góp lớn cho xã hội…. Chỉ có sự ý thức của mỗi cá nhân đồng thời là sự chung tay của toàn xã hội thì những giá trị của dòng họ mới luôn được gìn giữ và phát huy, góp phần xây dựng quê hương Nghĩa Phú ngày càng giàu đẹp, văn minh.
---------------------------------------
(*) Theo bia gia phả do cụ Phạm Tử Cự dựng năm Tự Đức thứ 26 (1873) dòng họ Phạm Mậu đến nay đã truyền được 30 đời nhưng gia phả chỉ ghi được 20 đời, mất 10 đời không biết thất lạc đi đâu.
Hương Thủy-Phòng Nghiên cứu Lịch sử địa phương
(Nguồn: Tạp chí Văn hóa thể thao du lịch số 5 (122) 9-2017)