BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN 
LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG
CÁC DI TÍCH LIÊN QUAN ĐẾN TRẦN KHẮC CHUNG VÀ ĐỖ THIÊN THƯ TRÊN VÙNG ĐẤT KINH MÔN, HẢI DƯƠNG
16/07/2024 05:22:54

      Trần Khắc Chung và Đỗ Thiên Thư là hai vị tướng của vương triều Trần thế kỷ XIII-XIV, là những người con ưu tú của vùng đất Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Đỗ Thiên Thư là em ruột Trần Khắc Chung. Hai ông đều là người có công giúp nhà Trần dẹp giặc. Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1285), Trần Khắc Chung phụng mệnh vua đi do thám tình hình giặc, một mình vào trại Ô Mã Nhi đối đáp biện luận khiến giặc phải nể phục mà thốt lên rằng: "Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xướng là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói "Chó nhà cắn người"; giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được" , vì đó mà đã góp phần vạch ra được con đường đúng đắn cho quân ta đánh thắng giặc Nguyên Mông. Năm 1307, ông sang Chiêm Thành cứu công chúa Huyền Trân về nước. Trải qua ba đời vua Trần (Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông), ông được giữ các chức Ngự sử Đại phu, Đại an phủ kinh sư, Nhập nội hành khiển, Thương thư tả bộc xạ... Ông mất năm 1330 và an táng tại quê hương.
      Đỗ Thiên Thư được Trần Khắc Chung tiến cử lên vua cho đi sứ nhà Nguyên, khi về được thăng làm An Phủ sứ. Sang đời Trần Anh Tông, Đỗ Thiên Thư cùng Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi chung lo việc nước, tính khảng khái, mẫn cán trong công việc. Năm 1313, ông nhận lệnh đi kinh lý vùng Nghệ An, sang giúp vua Chiêm đánh đuổi quân Xiêm. Năm 1330, khi Thượng hoàng Trần Anh Tông thân chinh đánh Ai Lao, ông đang bị bệnh nhưng vẫn cố xin theo hộ giá và đã tử trận ngoài chiến trường.
      Hành trang, sự nghiệp của hai ông đã được nhiều tài liệu chính sử ghi chép, nên trong bài tham luận này, tác giả không đi sâu vào nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của hai ông. Trong khuôn khổ các nguồn tài liệu hiện có và điền dã thực tế tại địa phương, bài viết này sẽ tìm hiểu về các di tích liên quan đến hai ông trên vùng đất Hải Dương, đặc biệt là tại thị xã Kinh Môn nhằm góp thêm phần nhỏ để làm sáng tỏ hơn về quê hương bản quán cũng như sự nghiệp của hai danh nhân này.
      Qua nghiên cứu và khảo sát về hai ông Trần Khắc Chung và Đỗ Thiên Thư trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 3 di tích liên quan gồm đền Ngò, thôn Ngô Đồng, xã Lạc Long; Lăng mộ (miếu Thánh) thôn Trần Xá, xã Lạc Long; Đình Lưu Thượng, phường Hiệp An đều thuộc thị xã Kinh Môn:
      - Đền Ngò: Tương truyền trong nhân dân, khu vực đền Ngò hiện nay vào thời Trần là một doi đất cao, ba mặt bao bọc bởi sông Kênh Than , tách biệt với khu dân cư sinh sống, nhìn từ xa khu vực này như một hòn đảo nhỏ. Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông, do nắm vững địa bàn của quê hương, Trần Khắc Chung được lệnh chỉ huỷ quân vận chuyển lương thảo qua sông Kênh Than để nuôi quân đánh giặc và lập nhiều công trạng nên sau khi ông mất, nhân dân quanh vùng lập đền thờ để nhớ ơn ông.
      Đền Ngò được xây dựng tại trung tâm thôn Ngô Đồng , mặt tiền quay hướng đông. Tương truyền đền được xây dựng vào thời hậu Lê, đến thời Nguyễn được trùng tu, tôn tạo. Trải qua thời gian, chiến tranh, các hạng mục công trình của di tích bị xuống cấp và hư hại, đồ thờ tự cũng mất mát và hư hỏng nhiều.
      Năm 1996, chính quyền và nhân dân địa phương dựng 1 gian hậu cung, 3 gian tiền tế để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Năm 2011, toà tiền tế được trùng tu, tôn tạo lại khang trang như hiện nay, đền thờ được xây dựng theo kiểu chữ Nhị gồm 3 gian tiền tế, 1 gian hậu cung. Kết cấu khung vì kiểu “kẻ chuyền giá chiêng”, hệ thống cột, xà, hoành, rui, thượng lương, vì kèo bằng bê tông cốt thép sơn màu giả gỗ.
      Toà hậu cung kiến tạo khác với toà tiền tế, hệ mái dựng kiểu chồng diêm cổ các, hai tầng tám mái, mái đổ bê tông, mặt ngoài tạo giả hình ống ngói, các đầu đao uốn cong đắp nổi hình rồng. Nối giữa hai tầng mái phía trước có bốn chữ Hán “Văn võ toàn tài”. Trung tâm thờ tự xây bệ gạch, phía trên đặt bát hương thờ Trần Khắc Chung cùng các đồ thờ tự khác như mâm bồng, lộc bình, đèn nến, đài trầu-đài nước... Cổ vật tại di tích hiện còn lưu giữ được 01 sập thờ, bát hương, mâm đồng đá, đặc biệt tấm bia “Trùng xuân thạch bi” -Bia ghi việc trùng tu đền vào mùa xuân niên hiệu Kiến Phúc nguyên niên (1883). Đây là những tư liệu có giá trị để minh chứng thêm cho lịch sử xây dựng và phát triển của ngôi đền.
      Trước Cách mạng tháng 8, lễ hội đền Ngò gắn bó mật thiết với ngôi đình và miếu làng, trên cơ sở cùng tôn thờ những người có công với dân, với nước, tạo thành một lễ hội quy mô lớn mang tính chất hội làng. Hằng năm, lễ hội được diễn ra trong vòng 5 ngày từ ngày 10-14 tháng 3 âm lịch, trong đó ngày 11 là trọng hội. Đây là kỳ lễ hội duy nhất của làng nên được nhân dân chuẩn bị rất chu đáo từ lễ vật tế thánh đến các khâu khánh tiết. Trong ngày chính hội, đoàn rước lễ vật xuất phát từ đình Ngò đến đền Ngò, ông chủ tế vào hậu cung khấn mời ngài Trần Khắc Chung cùng ra miếu Ngò dự hội. Sau khi đến miếu, sẽ tiến hành thực hiện các nghi thức tế. Trong nội dung văn tế nêu rõ công trạng và ca ngợi công đức của vị thành hoàng làng và ngài Trần Khắc Chung, mong các Ngài ban phát tài lộc, sức khoẻ bình an tới tới muôn dân. Trong những ngày lễ hội có các trò chơi dân gian được diễn ra tại sân đình và đền Ngò như đấu vật, chọi gà, kéo co...
      Hiện nay, lễ hội được rút gọn lại trong 2 ngày từ 10 đến 11 tháng 3 âm lịch cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên, lễ hội truyền thống làng Ngò là một hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng không chỉ mang tính tâm linh mà còn có ý nghĩa đoàn kết, gắn bó cộng đồng dân cư lại với nhau cũng là hình thức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
      - Lăng mộ: Người dân nơi đây còn gọi là miếu Thánh, toạ lạc tại cánh đồng Đống Miễu thuộc thôn Trần Xá, xã Lạc Long, cách đền Ngò khoảng 1km về hướng nam. Tương truyền, đây là nơi an táng của Trần Khắc Chung. Di tích xưa kia có quy mô khá lớn. Tuy nhiên, trải qua thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thời gian và chiến tranh nên khu vực miếu Thánh ngày càng thu hẹp. Khoảng năm 2010, người dân nơi đây đã san đất khu vực này để làm đồng. Tuy nhiên, từ đó người trong làng luôn gặp phải những chuyện không may, hay ốm đau bệnh tật, nhân dân trong làng nhờ thầy về xem và cho rằng trong quá trình san lấp khu vực này đã động phải mộ Thành hoàng. Do vậy đến năm 2014, chính quyền và nhân dân địa phương tiến hành xây dựng lại công trình có kiến trúc hình chữ Nhất (-), kiểu chồng diêm cổ các, chất liệu bằng bê tông cốt thép, kỹ thuật đơn giản theo kiểu lăng mộ. Bên trong chính giữa có ngai, bát hương, hai bên là hai ngôi mộ, phía trên có bia khắc chữ quốc ngữ ghi tóm tắt tiểu sử và sự nghiệp của ngài Khắc Chung và Thiên Thư được vua Trần phong sắc.
      “Ngài Trần Khắc Chung gốc họ Đỗ, là người trí dũng song toàn có công với nước đã làm quan ba đời cua Trần: Nhân Tông-Anh Tông-Minh Tông. Là thầy dạy Thái tử Vượng làm vua Trần Hiến Tông. Tháng Giêng 1285 nhận lệnh vua Trần Nhân Tông giả cầu hoà vào trại giặc điều tra giúp vua Trần có kế sách tiến công giặc ba lần đại thắng Nguyên Mông, sau chiến công này vua phong mang họ hoàng tộc. Năm 1030 Trần Khắc Chung được phong chức Thiếu bảo nhập nội Đại hành khiển năm 1307, Vua giao đi cứu công chúa Huyền Trân thoát khỏi giàn hoả thiêu. Tháng 8 năm 1308, Trần Khắc Chung dâng ấn từ quan về quê lập ấp, xây đình Thánh Trịnh thờ thày Khổng Tử cùng dân làng phụng sự tôn thờ. Ngày 25 tháng 5 năm 1330 ngài hoá thân nhập địa tại đống Miễu sứ, đồng Trần Xá. Nơi đây hàng năm dân bản làng tôn thờ phụng sự”.
      “Ngài Trần Thiên Thư: Gốc họ Đỗ, phò vua Trần giúp nước, giệt giặc ngoại bang xâm lược Đại Việt, ba lần đánh thắng Nguyên Mông được vua Trần phong danh mang họ hoàng tộc. Trí dũng kiên cường vung gươm diệt giặc ngoại xâm, ra khỏi biên cương Đại Việt. Giữ vững thành Thăng Long, mang lại bình yên cho ngàn họ muôn dân, được vua Trần phong thần linh, ký túc cùng anh ruột là Trần Khắc Chung hoá vị tại nơi đây để dân bản sứ đèn nhang phụng sự”.
      Hiện nay tại miếu Thánh còn lưu giữ được đôi phỗng đá có niên đại thời hậu Lê mang phong cách của người Chăm, điều này thể hiện cho việc ngài Thiên Thư được cử đi kinh lược vùng Nghệ An, Lâm Bình dẹp giặc Xiêm giúp Chiêm Thành.
      Người dân nơi đây cho biết miếu Thánh rất linh thiêng do vậy mỗi khi đi xa về gần, con cháu học hành thi cử hay gia đình có việc đều mua lễ đến miếu thắp hương cầu xin các Ngài phù hộ mọi việc được hanh thông thuận lợi.
- Đình Lưu Thượng: Thuộc phường Hiệp An, thị xã Kinh Môn (theo sách Hải Dương di tích và danh thắng tập 1, trang 378 cho biết, đình thờ danh tướng Đỗ Khắc Chung và công chúa Huyền Trân.
      Tương truyền trong nhân cho biết sau khi Đỗ Khắc Chung được cử đi sứ nhà Nguyên, ông đã do thám tình hình và thu được những thông tin quan trọng trong trại giặc nên đã góp phần vào những kế sách đúng đắn để quân ta đánh thắng quân Nguyên Mông. Vào tháng 10 năm Mậu Tý (1288), vua Trần Nhân Tông tiếp tục cử người đi sứ sang nhà Nguyên, Khắc Chung đã tiến cử em trai là Đỗ Thiên Thư và được vua chấp nhận. Tháng 4 năm Kỷ Sửu (1289), triều đình xét công trạng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, do có công đặc biệt nên Khắc Chung được ban quốc tính đổi từ họ Đỗ sang họ Trần và được phong chức Ngự sử đại phu rồi Đại an phủ sứ Kinh sư.
      Năm 1307, niên hiệu Hưng Long thứ 15, vua Chiêm là Chế Mân chết, theo phong tục Chiêm Thành, hoàng hậu chính thất và cả vương hậu khác phải được hỏa thiêu để xuống âm phủ hầu hạ vua. Tin cấp báo truyền về Thăng Long, vua Trần Anh Tông vừa xót thương vừa lo cho số phận em gái vội truyền quan nhập nội hành khiểu, thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung dẫn đầu phái bộ sứ giả vào viếng để tìm cách cứu Huyền Trân. Khắc Chung dùng mưu lừa được triều đình nhà Chiêm Thành, mang thuyền nhẹ đón công chúa lên rồi hô tướng sĩ chèo nhanh ra khơi, giải thoát công chúa thành công về nước.
      Đình Lưu Thượng được xây dựng vào thời Lê có kiến trúc đơn giản. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình đã bị giặc phá vào năm 1948, rất tiếc do nhiều nguyên nhân mà di tích hiện nay không còn tồn tại.
      Như vậy, Các di tích và tư liệu còn liên quan đến Trần Khắc Chung và Đỗ Thiên Thư tại địa phương hiện còn ít ỏi. Nhiều tài liệu ghi chép cho rằng hai anh em người làng Hiệp Thạch, huyện Giáp Sơn (nay là phường Hiệp Sơn, thị xã Kinh Môn). Tuy nhiên, sách “Kinh Môn xưa và nay (nhiều tác giả) – Nxb Dân Trí Hà Nội, năm 2017, trang 146 có ghi quê quán ông tại thôn Trần Xá (nay thuộc xã Lạc Long, thị xã Kinh Môn). Theo khảo sát thực tế tại địa phương, hiện nay lăng mộ thờ hai ông ở làng Trần Xá.
       Hai ông là những công thần của nhà Trần, có nhiều công lao trong kháng chiến chống ngoại xâm nên được triều đình ban phong chức tước, sử sách ghi nhận và nhân dân nhiều nơi phụng thờ.
      Những di tích tại Hải Dương hiện còn liên quan đến hai ông như đền, miếu (lăng mộ), đồ thờ tự,... là những chứng cứ, nguồn tài liệu quan trọng để nghiên cứu về quê hương và cuộc đời sự nghiệp của hai ông. Trải qua thời gian, chiến tranh và sự biến động của lịch sử, các di tích, tư liệu (thần tích, bia ký) và đồ thờ tự liên quan đến hai ông đều bị mất mát, hư hỏng. Các tư liệu ghi chép về hai ông được thờ tại di tích thì cũng chỉ là tương truyền.
      Mặc dù, lăng mộ của hai ông đã được trùng tu xây dựng lại, nhưng do điều kiện kinh tế của địa phương hạn hẹp nên quy mô nhỏ. Đồ thờ tự đơn giản do nhân dân mới công đức. Hai ông cũng đã được UBND tỉnh Hải Dương - Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng nghiên cứu vào Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương và hiện đã được đặt tên phố trên địa bàn thành phố Hải Dương. Tuy nhiên nếu chỉ đặt tên mà không có những lời giới thiệu ngắn về thân thế, sự nghiệp thì nhân dân cũng khó có thể biết được. Do vậy, trong thời gian tới, UBND thị xã Kinh Môn cần tuyên truyền về thân thế và sự nghiệp của hai ông cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là các thế hệ học sinh hiểu hơn về nhân vật lịch sử của quê hương mình. Cần nghiên cứu, làm rõ hành trạng, đưa vào giảng dạy trong các chương trình dạy học lịch sử của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật để bổ sung thêm tư liệu lịch sử cho nhân vật. Cần tăng cường công tác xã hội hoá để tạo nguồn kinh phí cho việc xây dựng công trình văn hoá tín ngưỡng tương xứng với công lao của hai ông tại quê hương cũng như để trùng tu, tôn tạo và phục dựng các di tích có liên quan. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử đó là điều cần thiết để thể hiện sự ghi nhận, tưởng nhớ công lao đóng góp của các ông đối với quê hương, đất nước./.
Về Trang Chủ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ : 11 Hồng Quang - P.Nguyễn Trãi -TP Hải Dương - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại :(0220)3852493
Chịu trách nhiệm xuất bản: Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Huê- Giám đốc
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 7
Hôm nay: 150
Tháng này: 8,172
Tất cả: 88,932