BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN 
LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG
Lễ hội chùa Quang Khánh xưa và nay
21/02/2025 10:06:00

Chùa Quang Khánh có tên nôm là chùa Muống thuộc xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia được Nhà nước xếp hạng theo Quyết định số 97/QĐ ngày 21 tháng 01 năm 1992. Chùa được xây dựng lâu đời, đến thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) có quy mô lớn. Hiện nay, không chỉ là trung tâm Phật giáo lớn của huyện, của tỉnh Hải Dương, mà còn là danh lam cổ tích nổi tiếng trong vùng.
Vài nét về lịch sử di tích và nhân vật thờ
Theo nhiều nguồn tài liệu hiện còn lưu giữ, về thời gian xây dựng chùa Quang Khánh đến nay vẫn chưa xác định được chính xác vào năm nào, nhưng đến thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) chùa có quy mô lớn tới 120 gian, xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc". Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Quang Khánh là trung tâm hoạt động cách mạng của 2 huyện Kim Thành và Thanh Hà, là cơ sở nuôi giấu bảo vệ cán bộ cách mạng, nơi tập luyện của bộ đội du kích địa phương. Năm 1947, ngôi chùa bị thực dân Pháp tàn phá. Từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay, chùa từng bước khôi phục các hạng mục, công trình như: Nhà tổ, Tăng phòng, Chùa chính,… với quy mô lớn, từng bước trả lại dáng vẻ thời kỳ đầu.
Chùa Quang Khánh là nơi gắn bó tu hành của Thánh tổ Non Đông Tuệ Nhẫn - Ngài không những là bậc thánh tăng tài cao, đức trọng mà còn có công lớn trong việc phò vua giúp nước, cứu độ chúng sinh được Vua ban tặng Bảo hiệu “Từ Giác Quốc sư" và được Nhân dân kính trọng tôn thờ. Nhà sư Tuệ Nhẫn còn có công truyền giáo lý và xây dựng, tôn tạo 72 ngôi chùa lớn nhỏ. Đối với dân làng Muống, nhà sư không chỉ là người có công xây dựng chùa mà còn là người đầu tiên khai khẩn đất đai, lập nên làng Muống ngày nay, vì vậy ông còn được phụng thờ như một vị Thành hoàng của làng.
Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Chùa Quang Khánh ở xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành. Sư ông Mộng đời Trần trụ trì ở đây, tu luyện đắc đạo, pháp thuật tinh thông. Vua Trần Minh Tông đau mắt, thầy thuốc điều trị không khỏi, đêm mộng thấy một thầy thuốc tự xưng là ông Mộng, khi tỉnh dậy, không cần thuốc thang mà mắt tự khỏi, bèn lấy tên người trong mộng hỏi khắp các châu huyện, khi đến chùa này mới thấy, nhà vua sắc phong là Từ Giác Quốc sư, lại phát tiền kho, tu bổ chùa quán đặt tên là chùa Quang Khánh. Đời Lê Hồng Đức Thánh Tông đề thơ khắc vào đá, nay vẫn còn”.
Theo nội dung tấm bia “Quang Khánh tự bi minh tự” cho biết: Tuệ Nhẫn Quốc sư là người từng trụ trì chùa Dưỡng Mông thời Trần, sư họ Vương, hiệu là Quán Viên, quê ở xã Dưỡng Mông, thủa nhỏ bố mất sớm, mẹ ở vậy nuôi con. Năm 10 tuổi, sư khắc khổ chuyên cần học, 19 tuổi đọc rộng các sách, rồi chán cảnh trần tục, yết kiến Kiêm Tuệ đại sư chùa Báo Ân đi tu. Sau thụ trụ, túc giới hai sư Nghĩa Trụ và Chân Giám, giới hạnh, tài biện hơn người... Năm Ất Sửu (1325) sư viên tịch. Như vậy, có thể thấy Tuệ Nhẫn là một nhà sư nổi tiếng nhà Trần, cùng thế hệ Pháp Loa, Huyền Quang thuộc thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập.
Theo tài liệu điền dã tại làng Muống cho biết, Tuệ Nhẫn Quốc sư được nhân dân kính trọng gọi là Thánh tổ Non Đông (Thánh tổ Đông Sơn), tên thật là Vương Thiên Huệ là thuỷ tổ họ Vương, đồng thời là người có công khai khẩn vùng đất Dưỡng Mông vào thế kỷ XIII. Cha của Vương Thiên Huệ là cụ Vương Lý Lan và mẹ người họ Hoàng. Cha mất sớm, do hoàn cảnh nghèo khó mà ông chuyên cần tự học, 19 tuổi vào chùa Nghĩa Trụ, yết kiến Hoàng Kiên đại sư và được thu nhận ở lại chùa. Từ đó ông trau dồi Phật pháp, đến năm 30 tuổi ông đắc đạo. Sau đó ông xin rời khỏi chùa để tuyên truyền Phật pháp, giáo lý của thiền phái Trúc Lâm. Nơi đến đầu tiên là mảnh đất Mạo Khê (Quảng Ninh) - trung tâm của thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Ông quyết định trụ trì tại đây và gia công tu tạo 72 ngôi chùa lớn nhỏ trong vùng. Tại quê hương Kim Thành, ông xây dựng 4 ngôi chùa lớn là chùa Phí Gia (xã Đồng Gia); chùa Lành, chùa Gạo (xã Kim Tân); chùa Linh Quang (xã Kim Lương). Cho đến nay, trong dân gian vẫn lưu truyền một số câu ca phản ánh thời kỳ hưng thịnh của các ngôi chùa này như: “Lên chùa Muống, xuống chùa Bùi, lui chùa Gạo, dạo Hải Ninh (nơi có chùa Lành)” hay “Nhịp chùa Lành, canh chùa Muống” (nghĩa là nhịp chuông mõ chùa Lành và đọc canh ở chùa Muống khó có nơi nào sánh kịp) . Đặc biệt trong 72 ngôi chùa ông gia công xây dựng, tu tạo thì chùa Quang Khánh vẫn là nơi gắn bó nhất với cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Lễ hội trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
Lễ hội chùa Quang Khánh được bắt nguồn từ việc kỷ niệm ngày mất của nhà sư Tuệ Nhẫn. Khác với những ngôi chùa khác trong vùng, lễ hội ở đây không chỉ đơn thuần là kỷ niệm ngày mất của "Quốc Tổ", mà lễ hội được gắn kết giữa hai yếu tố "Thần và Phật". Đây là lễ hội lớn không chỉ của mảnh đất Kim Thành mà của cả vùng đất xứ Đông xưa. Lễ hội chùa Quang Khánh được kéo dài trong 4 ngày, từ ngày 24 đến ngày 27 tháng Giêng hàng năm. Cụ thể như sau:
 
Ngày 24 tháng Giêng: Diễn ra Lễ Nhập tịch nhằm yết kiến Thánh tổ xin phép để dân làng mở hội. Lễ vật chính là lễ chay gồm hương hoa, nải quả, bánh giầy, bánh nếp, chè kho... và, ngay từ ngày này không khí lễ hội diễn ra khá sôi nổi.
Ngày 25 tháng Giêng: Diễn ra nghi thức rước bánh giầy. Theo tập tục, người dân nơi đây đã dùng những sản vật do họ làm ra trên mảnh đất này để dâng lên Thánh tổ, đó là những hạt gạo nếp thơm ngon được lựa chọn kỹ càng, đồ thành xôi, giã mịn tạo thành những chiếc bánh đủ kích cỡ bày trên mâm gỗ và đặt lên kiệu rước quanh chùa trong tiếng nhạc âm vang và dòng người trang nghiêm kính cẩn đi theo sau. Kết thúc nghi thức rước quanh chùa, những chiếc bánh giầy được dâng lên Tam bảo và Nhà Tổ để làm lễ. Trong ngày 25 còn diễn ra lễ “Tập ngơi”, đây là lễ tập dượt để chuẩn bị cho ngày đại lễ. Trong ngày này, các dụng cụ rước như: kiệu bát cống, bát bửu, long đình, tán, lọng... được chuẩn bị và bao sái sạch sẽ.
Ngày 26 tháng Giêng: ngày chính hội, nhân dân tổ chức nghi thức rước long vị Thánh Tổ quanh làng. Ngay từ sáng sớm nhân dân và các phật tử xa gần đã tập trung đông đủ tại chùa để chuẩn bị thực hiện. Đi đầu đoàn rước là phường bát âm, tiếp đến là các đội: bát bửu, cầm tàn lọng, kiệu hoa lễ, 3 kiệu bát cống rước tượng Thánh tổ Từ Giác Quốc Sư, Thánh Phụ và Thánh Mẫu, theo sau là phật tử, nhân dân và du khách thập phương. Buổi tối ngày 26 diễn ra lễ “mộc dục” (tắm tượng) do nhà chùa cùng các phật tử thực hiện. Tất cả các pho tượng trong chùa đều được bao sái bằng nước thơm ngũ vị hương. Lễ mộc dục diễn ra một lần trong năm.
Ngày 27 tháng Giêng: Các khóa lễ tụng kinh niệm Phật tiếp tục được thực hiện. Cuối ngày diễn ra lễ tạ và kết thúc lễ hội.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, bên cạnh phần lễ, thì phần hội cũng được tổ chức sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian như: đấu vật, chọi gà, đánh cờ người, bịt mắt bắt dê...vô cùng sôi động, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương tham gia. Lễ hội chùa Quang Khánh là lễ hội lớn của vùng, nên Phật tử ở các vùng lân cận về dự rất đông, được bà con nhân dân địa phương đón tiếp chu đáo, thân mật với tục mời trầu. Trước hai bên cổng chùa, ngay từ sáng sớm các cụ bà mặc áo dài thâm, nét mặt vui tươi, phúc hậu với hai tay bưng cơi trầu mời khách thể hiện sự thân thiện, hiếu khách của người dân nơi đây.
Lễ hội từ sau Cách mạng tháng 8/1945 đến nay
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Năm 1947, chùa Quang Khánh bị thực dân Pháp phá đổ hoàn toàn, chỉ còn lại 32 tháp sư. Thời gian này lễ hội chùa Quang Khánh được tổ chức chung với hội chùa Phù Am cùng thôn với quy mô nhỏ hẹp và đơn giản.
Năm 1981, Hoà Thượng Thích Vô Vi trụ trì chùa Phù Am kêu gọi công đức phục dựng lại chùa Quang Khánh với quy mô nhỏ, qua đó lễ hội cũng dần được khôi phục trở lại.
Năm 1994, thầy Thích Thanh Thứ về trụ trì tại chùa, các công trình từng bước được trùng tu, tôn tạo. Theo đó, các nghi thức, nghi lễ của lễ hội truyền thống xưa cũng được quan tâm phục hồi, mở rộng và phát triển mạnh mẽ.
Về thời gian tổ chức lễ hội, cơ bản vẫn giữ nguyên như xưa, từ ngày 24 đến 27 tháng Giêng. Trong những ngày diễn ra lễ hội, sư trụ trì và các Phật tử thực hiện các khoá lễ tụng kinh niệm Phật cầu mong cho năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, chúng sinh an lạc.
Ngoài lễ hội chính diễn ra vào tháng Giêng hàng năm, tại chùa Quang Khánh còn có các ngày lễ tiết: Ngày mồng 6 tháng 5, ngày 27 tháng 9, ngày 27 tháng 11 là ngày giỗ các Tổ Sư. Trong những ngày này lễ dâng đức Phật và các Tổ Sư không thể thiếu sản vật của địa phương như: bánh chưng, bánh giầy và chè kho; Ngày Rằm tháng 4 (âm lịch): Lễ Phật đản, kỷ niệm Phật Thích Ca Mầu ni giáng sinh; Ngày 15 tháng 7 (âm lịch) lễ Vu lan; các ngày tuần tiết, sóc vọng tại chùa tổ chức các khóa lễ, tụng kinh niệm Phật cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.
Có thể thấy, Lễ hội chùa Quang Khánh là một trong những lễ hội lớn và đặc sắc của tỉnh Hải Dương, thu hút hàng vạn người tham gia. Trải qua năm tháng, chiến tranh đến nay, lễ hội chùa Quang Khánh vẫn được bảo tồn, duy trì những nét văn hóa truyền thống cả trong phần Lễ và Hội.
Trong phần lễ: Lễ hội truyền thống chùa Quang Khánh vẫn duy trì, tổ chức thực hành nhiều nghi thức, nghi lễ đặc sắc, trong đó có là lễ rước Thánh Tổ Non Đông quanh làng, thể hiện sự tri ân với Thánh Tổ Non Đông có công khai hoang, lập làng; đồng thời phát triển và mở rộng Phật giáo, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm.
Trong phần hội: Tục giã bánh giầy cũng là nét văn hóa đặc sắc và trở thành hoạt động không thể thiếu mỗi khi tổ chức lễ hội của chùa Quang Khánh từ xưa đến nay. Hình ảnh những người dân chân chất, mộc mạc làng Muống cẩn trọng lựa từng hạt gạo nếp, thổi lửa đồ xôi, giã bánh,.. với tấm lòng thành kính để dâng Thánh đã trở thành nét đẹp văn hóa, ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân nơi đây. Hiện nay tục giã bành giầy của địa phương đã trở thành cuộc thi của các dòng họ trong làng với mong muốn có được những chiếc bánh giày ngon nhất, đẹp nhất, hoàn mỹ nhất để dâng lên đức Phật, Thánh tổ Non Đông. Đồng thời, cũng tạo không khí vui tươi, hào hứng, đoàn kết cộng đồng của nhân dân địa phương.
Cùng với các trò chơi dân gian như đấu vật, đánh cờ người, bịt mắt bắt dê...vẫn được duy trì, trong những năm gần đây địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần cho người dân như: bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi, biểu diễn văn nghệ, dân vũ thể thao do các câu lạc bộ của địa phương và các xã bạn về giao lưu biểu diễn....
Điều đặc biệt nhất của lễ hội truyền thống chùa Khánh Quang đó chính là sự dung hòa của hai yếu tố "Thần và Phật". Một nhân vật vừa là bậc chân tu – vị Phật đạt nhiều thành tựu trong Phật pháp; vừa là một vị Thánh - Thành hoàng của làng có công khai hoang lập ấp, bảo vệ, chở che cho họ có cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Lễ hội chùa Quang Khánh là hoạt động văn hóa tôn giáo được phục dựng, duy trì tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng và hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Thông qua hoạt động lễ hội sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương. Đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới./.
Về Trang Chủ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ : 11 Hồng Quang - P.Nguyễn Trãi -TP Hải Dương - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại :(0220)3852493
Chịu trách nhiệm xuất bản: Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Huê- Giám đốc
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 2
Hôm nay: 144
Tháng này: 8,166
Tất cả: 88,926