BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN 
LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG
Hội thảo khoa học "Vị thế chùa Quang Khánh trong lịch sử Phật giáo xứ Đông" nhân kỷ niệm 700 năm ngày viên tịch Quốc sư Tuệ Nhẫn (1325 - 2025)
18/02/2025 09:23:03

Sáng ngày 17/2/2025, tại di tích quốc gia chùa Quang Khánh, Hội Khoa học lịch sử Hải Dương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND huyện Kim Thành, UBND xã Ngũ Phúc cùng chốn tổ đình chùa Quang Khánh tổ chức Hội thảo khoa học: “Vị thế chùa Quang Khánh trong lịch sử Phật giáo xứ Đông nhân kỷ niệm 700 năm ngày viên tịch Quốc sư Tuệ Nhẫn (1325 - 2025)”. Hội thảo có 17 bài tham luận của các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa từ Trung ương đến địa phương tập trung vào bốn chủ đề chính: Người tu hành, di tích, hoạt động tôn giáo và lễ hội, hướng tới tương lai.
 
Toàn cảnh buổi Hội thảo 
Chùa Quang Khánh, nôm gọi là chùa Muống, thuộc Trà Xuyên thời Trần, thời Lê và thời Nguyễn là xã Dưỡng Mông, nay Dưỡng Mông là một thôn của xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành. Chùa khởi dựng năm nào chưa rõ, nhưng theo văn bia cho biết chùa do Quốc sư Tuệ Nhẫn sáng tạo, đến cuối thời Trần đã là danh lam cổ tích, thuộc Thiền phái Trúc Lâm, được triều đình quan tâm tôn tạo. Đầu thế kỷ XVI, chùa có quy mô trên 200 gian. Đây là ngôi chùa có số gian lớn nhất đất nước thời phong kiến mà đến nay chúng ta đã biết. Thời Lê sơ, hai lần vua Lê Thánh Tông đến thăm chùa đều có đề thơ, những bài thơ ấy được khắc trên bia đá đương thời; nhiều lần chúa Trịnh từng đến và ra nhiều chỉ dụ quan trọng, như cho xã Dưỡng Mông được làm tạo lệ chùa lâu dài, miễn phu phen, tạp dịch. Chùa là một trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng tích cực đến tín đồ xưa cũng như nay.
Thời Nguyễn, với bao biến động của lịch sử, điều kiện kinh tế ngày một khó khăn hơn, nên việc đầu tư xây dựng, trùng tu lại ngôi chùa đã nhiều phần thuyên giảm. Tuy nhiên, vào các năm Tự Đức thứ 17 (1804), Minh Mệnh thứ 5 (1824), Thiệu Trị thứ 7 (1847)... và lần gần nhất vào năm Ất Dậu - Bảo Đại 20 (1945), ngôi chùa vẫn được quan tâm tu bổ, hàng năm dân thập phương tụ hội về vãng cảnh chùa rất đông. Trước khi bị tàn phá, chùa có quy mô trên 120 gian, xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” trên khuôn viên rộng 15.000m2, bao gồm tam quan, tiền đường, tam bảo, nhà tổ, hành lang, nhà mẫu, gác chuông, gác khánh... Việc đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo ngôi chùa chủ yếu do các nhà sư trụ trì và tăng ni, phật tử cùng du khách thập phương.
Chùa Quang Khánh còn là một trong những cơ sở cách mạng kháng chiến của địa phương; nơi đây cũng là cơ sở nuôi giấu và bảo vệ nhiều cán bộ, chiến sĩ.
Chùa thờ Phật theo Thiền phái Trúc Lâm - một phái Phật giáo mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời cũng là nơi thờ nhà sư Tuệ Nhẫn, môn đệ trung thành của Thiền phái do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Sư họ Vương, hiệu Quán Viên, quê xã Dưỡng Mông. Thủa nhỏ, bố mất sớm, mẹ ở vậy nuôi con. Từ năm 10 tuổi, sư khắc khổ chuyên cần học, 19 tuổi đọc rộng các sách, rồi chán cảnh trần tục, yết kiến Kiên Tuệ đại sư chùa Báo Ân đi tu. Sau thụ cụ, túc giới hai sư Nghĩa Trụ và Chân Giám, giới hạnh, tài biện hơn người. Sư được vua Trần và triều đình rất kính trọng. Vua Anh Tông ban cho pháp hiệu Tuệ Nhẫn Quốc sư. Năm Ất Sửu (1325), nhà sư viên tịch. Đối với làng Muống, nhà sư không chỉ là người có công xây dựng chùa, mà còn là người đầu tiên khai khẩn đất đai, lập nên làng Muống ngày nay. Vì vậy, ông còn được nhân dân kính trọng gọi là Thánh tổ Non Đông (Thánh tổ Đông Sơn), tôn là Thành hoàng làng, thờ tại chùa Quang Khánh.
Hội chùa Quang Khánh bắt nguồn từ việc kỷ niệm ngày mất của sư tổ Tuệ Nhẫn. Đây là hội lớn của tín đồ Phật giáo, nhân dân địa phương, cũng là dịp du khách thăm viếng di tích và thắng cảnh. Lễ hội bắt đầu từ ngày 24 đến ngày 27 tháng Giêng hằng năm.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa bị giặc tàn phá biến thành lô cốt. Từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay, được sự quan tâm từ các cấp chính quyền, nhân dân địa phương và du khách thập phương, di tích đã khôi phục nhiều hạng mục, công trình như chùa chính, nhà tổ, tăng phòng,… là trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh nhà. Tại chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như tượng thờ, chuông đồng. Đặc biệt và giá trị nhất tại chùa là hệ thống tháp với 32 tháp, 11 văn bia và 15 thác bản của những văn bia đã mất có niên đại vào thời Lê và thời Nguyễn. Bia chùa là những trang lịch sử và văn học ghi trên đá, giúp nhà nghiên cứu củng cố tư liệu về quá trình trùng tu, phát triển của di tích; hành trạng, sự nghiệp các nhà sư trụ trì tại chùa.
Với tham luận “Quy mô chùa Quang Khánh qua từng thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 và di sản văn hoá tại chùa hiện còn”; “Lễ hội chùa Quang Khánh xưa và nay”, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã làm rõ thêm giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; vai trò, tầm quan trọng của chùa Quang Khánh xưa trong hệ thống chùa tháp thuộc Thiền phái Trúc Lâm - di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia theo Quyết định số 97/QĐ ngày 21/01/1992.
Các tham luận tập trung đề xuất và kiến nghị các biện pháp tôn tạo, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa, tôn giáo di tích chùa Quang Khánh trong thời gian tới ngày càng được các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm hơn nữa để tương xứng với quy mô, giá trị di tích đã từng tồn tại trong lịch sử; việc tôn tạo phải tuân thủ các nguyên tắc của Luật di sản văn hóa cũng như những quy trình, bài bản về bảo quản, phục hồi di tích; tiến hành khai quật khảo cổ học ở những di tích cần thiết để khẳng định tính trung thực của tư liệu thành văn; đặt tên đường phố tại địa phương cho một số thiền sư nổi tiếng của Hải Dương, trong đó có Thánh tổ Non Đông; tổ chức lễ hội hằng năm tốt hơn nữa để trở thành lễ hội cấp tỉnh, điểm du lịch của cả nước...
Đặng Thu Thơm
Trưởng phòng Di tích - Lịch sử địa phương
Về Trang Chủ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ : 11 Hồng Quang - P.Nguyễn Trãi -TP Hải Dương - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại :(0220)3852493
Chịu trách nhiệm xuất bản: Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Huê- Giám đốc
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 2
Hôm nay: 144
Tháng này: 8,166
Tất cả: 88,926