BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
TIN TỨC

      Người vinh dự nhất từ trước tới nay mà tôi biết, đã 6 lần được gặp Bác Hồ, đó là ông Nguyễn Hữu Ninh, sinh năm 1930 tại thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (chỗ ở hiện tại: khu 18, phường Ngọc Châu, TP. Hải Dương). 
      Những lần gặp ông, tôi có cảm nhận: ông là con người nhân hậu, ân tình và đầy trách nhiệm với gia đình và xã hội. Tuy vậy, ông rất khiêm tốn khi kể về những vinh dự hay thành tích của mình, điều đó khiến tôi càng trân quý và muốn gặp gỡ ông nhiều hơn, thu thập thông tin để viết về những kỉ niệm đáng tự hào của người dân Hải Dương nói chung và ông Ninh nói riêng.
 
 (Chân dung ông bà Ninh chụp sau ngày cưới, năm 1960)
      Năm 1946, khi Bác Hồ từ Pháp trở về Hà Nội, Bác đến thăm trường Trung học (cấp 2) Phan Chu Trinh tại phố Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học) do Giáo sư Đặng Thai Mai làm Hiệu trưởng. ông Ninh lúc đó là học sinh đang theo học tại trường. Trước khi vào gặp Hiệu trưởng, Bác Hồ vào thăm các lớp học.
      - Lúc Bác bước vào lớp học đầu tiên, cả lớp hát vang “Đuốc gươm thiêng...” (bài hát ca ngợi Bác). 
      - Bác bước sang lớp học thứ hai, cả lớp ca vang “Dân Nam ơi! Biết ơn cụ Hồ là Người...”. Bác nghiêm nghị: “Các cậu đừng bày chuyện”. 
      Ông Ninh nhớ lại: Bác đến bàn tôi, kéo quyển vở, Bác hỏi “Cháu học giờ môn gì đấy?”
      - “Dạ cháu học giờ Tiếng Anh ạ”
      Bác cầm quyển vở trên tay có đề tên, Bác hỏi bằng Tiếng Anh “Tên cháu là gì?” - “what is your name?” .
      Tôi trả lời “Dạ thưa Bác, cháu là uyên ưu nin” - “Dear Uncle, I am uyen ưu nin”, tức là tôi chỉ đọc phần vần của họ và tên mình. 
      - Lúc đó, Bác và cả lớp phì cười, Bác ân cần chỉ bảo: “người Việt Nam đọc đúng tên Việt Nam Nguyễn Hữu Ninh, chứ không phải uyên ưu nin”. Sau đó, Bác sang các lớp khác. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ. Cảm nhận về lần đầu tiên ấy, tôi thấy thật bất ngờ và bất ngờ như niềm hạnh phúc mãi trong tôi, Bác thật gần gũi và giản dị.
      Lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm tiếp theo ông Ninh được gặp Bác Hồ khi ông đã tốt nghiệp khóa 7, trường Cao đẳng Giao thông Công chính Hà Nội và về công tác tại công trường Đại Thủy nông Bắc Hưng Hải. Năm 1958, Đại tá Hà Kế Tấn - đang giữ chức Tư lệnh trưởng Sư đoàn 350, Bảo vệ Thủ đô, được Trung ương và Bác Hồ giao nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ huy Công trường Bắc Hưng Hải. Ông Ninh được kỹ sư Nguyễn Hạp-Vụ phó vụ Kỹ thuật Bộ Thủy lợi, đồng thời là giảng viên kỹ thuật của trường, cũng vừa được chỉ định tham gia Ban Chỉ huy công trường, phụ trách kỹ thuật giới thiệu với Đại tá Hà Kế Tấn đại ý: cậu Ninh học hành nghiêm túc, có thể coi là “cái máy nhớ” vì cậu ta có trí nhớ tốt và chính là người lập thiết kế, tổ chức thi công của công trường. Từ lần đó, ông Ninh được tín nhiệm và luôn theo sát Chỉ huy Trưởng Hà Kế Tấn trong mọi lúc mọi nơi để kịp báo cáo, cung cấp thông số kỹ thuật theo yêu cầu.
      Công trường đại Thủy nông Bắc Hưng Hải là sự kết tinh thành quả lao động trong nhiều năm của nhiều người nhưng trăn trở và lo lắng nhất với công trình này chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác yêu dân, thương dân, thấu hiểu hoàn cảnh của những người cùng khổ là vô hạn. Nên sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1955) mối quan tâm đầu tiên của chính quyền cách mạng đối với nhân dân 3 tỉnh (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương) là: xây dựng ngay hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải (tên gọi đầu của 3 tỉnh trên). Ngày 27/8/1958, dưới sự Chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường vụ Hội đồng chính phủ đã nghe Bộ trưởng Thủy lợi Trần Đăng Khoa, báo cáo kế hoạch khởi công và tổ chức công trường và đã duyệt y.
      Sinh thời, Bác Hồ đến thăm công trường Bắc Hưng Hải bốn lần và trong bốn lần đó, ông Nguyễn Hữu Ninh đều vinh dự được gặp Bác:
      * Ngày 20/9/1958 là lần thứ nhất Bác Hồ đến thăm cán bộ, công nhân và dân công đang chuẩn bị công trường tại xã Giang Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay là tỉnh Hưng Yên). Lúc này, ông Ninh là cán bộ kỹ thuật của phòng Chuẩn bị, Tổ chức Công trường (gọi tắt là phòng Giang Cao). Ông nhớ lại:
Dưới ánh nắng chiều mùa thu còn gắt, trên bờ đê Xuân Quan, Bác trong bộ quần áo nâu nói với cán bộ và nhân dân ngồi quây quần: “Ngày trước dưới chế độ thực dân và phong kiến, 3 tỉnh Bắc- Hưng- Hải, mười năm chín hạn. Năm nào cũng có đói kém, nhân dân cực khổ nghèo nàn. Từ ngày cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cuộc cải cách ruộng đất thành công, đời sống đồng bào 3 tỉnh được cải thiện ít nhiều. Nhưng mỗi năm mỗi tỉnh vẫn phải tốn từ 1,5 triệu đến 3 triệu ngày công vào việc khơi mương đào giếng, tát nước chống hạn. Tốn nhiều công sức, nhưng vẫn còn nhiều ruộng thiếu nước cấy và thu hoạch vẫn bấp bênh. Nay Đảng và Chính phủ quyết định cùng nhân dân xây dựng công trình Thủy lợi Bắc Hưng Hải để đưa nước vào ruộng cho đồng bào”. 
      Bác khuyên cán bộ, đồng bào “Phải có quyết tâm vượt qua khó khăn, làm cho nhanh, cho tốt. Công trình Bắc-Hưng-Hải thành công thì mỗi năm đồng bào đỡ tốn mấy triệu công chống hạn, thu hoạch lại tăng thêm. Bây giờ, phấn đấu trong mấy tháng, sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm”. 
      Tiếp đó, Bác quay sang căn dặn những cán bộ công trường như ông Ninh: có mấy điểm Bác yêu cầu các chú thực hiện cho tốt, trước mắt công trường phải lo tổ chức chu đáo đề đảm bảo đời sống cho dân công 3 tỉnh để thi công thắng lợi như: chuẩn bị nhà ở, lán trại, của cán bộ công trường, khu vệ sinh, nơi ở của công nhân trong các thôn xóm, lương thực, thực phẩm đầy đủ,… 
      Mấy điều căn dặn của Bác trước ngày công trường thi công được Bác viết ngắn gọn vào tờ giấy nhỏ trong lòng bàn tay. Khi kết thúc cuộc trò chuyện Bác Hồ có vo và búng tờ giấy nhỏ vào đám cỏ gần đó, ông Ninh tò mò lại gần muốn nhặt tờ giấy đó thì bị cận vệ của Bác ngăn lại. Đây là lần thứ hai trong đời ông Ninh được gặp Bác với kỷ niệm khó quên muốn lưu lại bút tích của Bác trong những lời căn dặn ngắn gọn.
Ngày 01/10/1958, Công trường tổ chức Lễ khởi công Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng Trưởng ban Chỉ huy Công trường bổ nhát cuốc đầu tiên đào móng cống Xuân Quan. 
      * Ngày 16/10/1958 mặc dù bận trăm công nghìn việc Bác vẫn đích thân đến thăm công trường. Do sự cố kỹ thuật vị trí cống Giang Cao phải chuyển về vị trí mới là cống Xuân Quan hiện nay (cách vị trí cũ 1km, thuộc xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh) lùi về hạ lưu sông Hồng. Bác thăm vị trí đổ bê tông móng cống Xuân Quan và làm việc với Ban Chỉ huy Công trường để nghe báo cáo chi tiết về tiến độ thi công. Vì là người chuẩn bị tiến độ thi công và mọi chi tiết liên quan đến công trình nên ông Ninh luôn theo sát công trường và nắm được các chi tiết nên Trưởng, Phó Ban Chỉ huy giao cho ông chức danh mà từ trước đến nay chưa có - chức danh “máy nhớ” bên cạnh BCH để nhắc nhỏ, báo cáo chi tiết các thông số kỹ thuật khi cần. Lần thứ ba được gặp Bác, ông Ninh nhớ lại câu chuyện vui: 
      Đột nhiên Bác quay sang hỏi Trưởng ban Hà Kế Tấn: “Công trường có cán bộ miền Nam không để Bác gặp hỏi chuyện”.
      Đồng chí Hà Kế Tấn - Trưởng Ban Chỉ huy Công trường “Thưa Bác có một số đồng chí là công nhân Mộc ở công trường xây dựng Nhà máy chè Phú Thọ mới chuyển về ạ”.
      - “Đồng chí cho gọi các công nhân đó lên, Bác muốn gặp để nói chuyện và động viên”.
      Khi các công nhân tiến đến gần Bác, vừa đi, vừa chắp tay lạy Bác, miệng nói: “Chúng con lạy Bác, chúng con xin đi làm”. 
      Bác không nói gì, mời nước các công nhân và nói lời động viên. Sau khi công nhân về xưởng làm việc, Bác mới hỏi đồng chí Hà Kế Tấn “ở đây hình như có chuyện gì phải không? Sao lại có câu: chúng con xin đi làm”. Chính bản thân đồng chí Hà Kế Tấn cũng chưa nắm được sự việc trên. Ông Ninh đã xuống xưởng mộc nắm tình hình, được biết: các đồng chí không đi làm vì trời rét quá, vì chưa được cấp chăn và áo bông theo chế độ. Mặt khác Tài vụ công trường Bắc Hưng Hải cho biết: “việc cấp phát chăn và áo bông thuộc trách nhiệm của công trường Phú Thọ chứ không phải công trường mới”.
      Từ đó Bác nhắc: phải mua chăn và áo bông ngay để cấp phát cho các đồng chí công nhân miền Nam, rồi điện hỏi công trường Phú Thọ sau. 
      Bác trách nhẹ: “Tại sao một vấn đề đơn giản như thế mà các đồng chí không giải quyết được? có đáng bao nhiêu tiền đâu? Kẻ xấu lợi dụng tình hình, kích động nhân dân xuyên tạc rằng: ở công trường Bắc Hưng Hải có sự bãi công của công nhân miền Nam thì sao đây?. Vấn đề nhỏ sao không tìm cách giải quyết gọn gàng. Các đồng chí cần nhớ: việc to cho nhỏ lại, việc nhỏ coi như không có”. Những lời dạy của Bác sâu sắc khắc trong tim nên ông Ninh nhớ mãi không quên từng câu, từng từ. 
      * Ngày 25/12/1958, giữa ngày đông mưa rét Bác Hồ lại về thăm công trường, đồng chí Hà Kế Tấn mời Bác đi xem mô hình cống Xuân Quan ở Hội trường. Bác hỏi: 
      - “Mô hình là cái gì?”
      - Đồng chí Hà Kế Tấn đáp: “là hình cái cống thu nhỏ bằng gỗ ạ”
      - Bác ôn tồn: “Bác đến thăm dân công và xem cống thật chứ xem gì cống giả?”.
Ban Lãnh đạo Công trường đưa Bác đi, trong đó ông Ninh luôn đi sát bên Ban Lãnh đạo để làm nhiệm vụ “cái máy nhớ” nhắc nhỏ hoặc trả lời những vấn đề cụ thể liên quan đến kỹ thuật. Bác đi từ Xuân Quan ra đến Bát Tràng (kênh Ngoài) để hỏi bộ đội, dân công đang đào kênh, Bác đi đến đâu công nhân reo hò, hô vang đến đó “Bác Hồ muôn năm”. Nhiều đoạn đường Bác phải tụt dép cầm tay vì đường trơn, mưa làm ướt hết quần áo. Ban Lãnh đạo Công trường lo cho Bác, mời Bác vào phòng phát thanh công trường, một đồng chí đưa cho Bác bộ quần áo khô để Bác thay (quần áo trên công trường lúc đó chủ yếu là quần áo bộ đội cũ để lao động cho tiện). Bác đến thăm hỏi cán bộ, dân công, bộ đội như một lời động viên. Ông Ninh cũng như toàn công trường như được tiếp thêm sức mạnh, lao động ngày càng hăng say hơn.
      * Ngày 20/2/1959 Bác Hồ về thăm công trường lần thứ tư. Sau khi đồng chí Hà Kế Tấn về Hà Nội báo cáo với Bác tình hình thực hiện ở công trường. Bác hẹn đầu giờ chiều Bác sang thăm. Đồng chí Tấn đã điện thoại báo về công trường chuẩn bị chiều có khách.
      Tầm 12 giờ trưa hôm đó Bác đã sang và chờ ở phòng khách. Vì trời lạnh, lại đúng giờ nghỉ nên ông Ninh cởi trần phơi nắng và chuẩn bị đi tắm, tay cầm chậu đi ngang qua phòng khách, thấy có anh cận vệ quen quen bên ngoài cửa đứng gác, ông Ninh nhòm vào cửa thấy Bác đang ngồi hút thuốc, Bác nói với anh cận vệ gác “cứ cho chú đó vào đây”. Khi ông Ninh bước vào, Bác hỏi: Bác sang đây hỏi các chú điều quan trọng, Bác không hiểu làm sao một người yếu tố gì mà gánh được 60 khối đất/1 ngày?, 1 khối đất nặng bao nhiêu?”.
Ông Ninh: “dạ thưa Bác, Bác hỏi 1 mét khối ga-ma khô hay ga-ma ướt ạ?”
      - “Bác không hiểu ga-ma khô hay ga-ma ướt nhưng là đất tự nhiên”.
      - “1 khối đất tự nhiên nặng trung bình từ: 1,5- 1,6 tấn”.
      - Sở dĩ Bác hỏi vì trong báo cáo của công trường có nói đến một số đơn vị năng suất đạt trung bình tới 60 mét khối /1 ngày. Sau đó, Bác đưa tờ giấy báo cáo của công trường cho ông Ninh xem.
      Là người theo sát công trường, nên ông Ninh hiểu ngay và giải thích cho Bác: “Thưa Bác đơn vị này đào mảnh gốm, mảnh sành tại làng Bát Tràng; họ xẻ từng tảng đất, khối đất hất xuống bè chuối, Ban thi đua tính thành tích 1 khối mảnh gốm, sành tương đương với nhiều khối đất. Đó không phải là năng suất thật mà là của bên thi đua chuyển đổi từ việc đào mảnh gốm, sành sang đất”.
      Sau giờ nghỉ trưa, đồng chí Hà Kế Tấn đến công trường thì được biết “khách” đã đến từ lâu rồi, đồng chí bước đến phòng khách, Bác giơ tờ giấy có chữ ký của đồng chí Hà Kế Tấn và hỏi “đây có phải chữ ký của đồng chí?”
      - Thưa Bác: dạ đúng?.
      - Đồng chí giải thích giúp Bác chỗ Bác khoanh đánh dấu đây?.
      Trong lúc đồng chí Hà Kế Tấn còn băn khoăn, chưa nắm được và phải giải thích ra sao? Bác nói: Bác đã được nghe các đồng chí ở đây giải thích rồi!. Trước khi Bác sang đây, Bác đã điện cho ông Đinh Gia Trinh- giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc để nghiên cứu yếu tố tinh thần và ông Vũ Văn Cẩn - Cục Trưởng Cục Quân y để nghiên cứu yếu tố sức khỏe, Bác chưa hiểu yếu tố tinh thần hay yếu tố cơ bắp sức khỏe tạo nên sức mạnh như vậy? Sang đến đây gặp chú Ninh, Bác mới vỡ lẽ không phải thế? Tại các anh công trường chuyển mảnh sành, mảnh gốm thành đất. Thi đua làm chuyện rắc rối, phức tạp khó hiểu?. 
      Bác kết luận:“việc đơn giản mà làm phức tạp, dù có thi đua cũng không vượt qua được sức khỏe, đồng chí liệu mà giải thích với ông Đinh Gia Trinh, ông Vũ Văn Cẩn”.
      Câu chuyện trên gần giống như câu chuyện mà lần thứ hai Bác về thăm công trường với cán bộ xưởng mộc miền Nam, qua đó nhắc nhở ông Ninh và toàn công trường: việc rất đơn giản lại làm phức tạp và rắc rối thêm.
      * Ngày 15/2/1965, Bác về thăm Hải Dương. Buổi sáng, Bác đến thăm xã Hồng Thái (huyện Ninh Giang), lá cờ đầu của phong trào làm thủy lợi toàn miền Bắc, đã được nhận Cờ luân lưu của Bác. Xong việc Bác không về Tỉnh ủy - nơi tổ chức ăn trưa, xe đi đến ngã tư Đông Thị (nay là phố Trần Hưng Đạo) Bác ra hiệu cho lái xe đi về Ủy ban nhân nhân tỉnh Hải Dương (phố Quang Trung). Lúc đó, cán bộ Ủy ban nghỉ trưa, các phòng đã đóng cửa. Bác vòng ra phía sau nhà con Rồng (nhà chính) của Ủy ban, nhân viên phục vụ trải khăn ra gốc bàng để Bác ngồi nghỉ và đưa chiếc cặp lồng cơm, xách theo chuẩn bị cho Bác từ trước. Ông Ninh lúc đó là Cán bộ phòng Kiến thiết cơ bản Ty Thủy lợi Hải Dương, đang rửa bát vừa mới ăn trưa xong. Giữa Ty Thủy lợi và Ủy ban nhân dân tỉnh cách nhau một cái ao phía sau, có cầu vượt qua ao để sang Ủy ban bằng một cửa ngách. Trông thấy Bác, ông Ninh và một vài đồng nghiệp khác đi đến chào Bác. Đây là lần thứ sáu ông được gặp Bác. Khi đến gần, Bác hỏi:
      - Các cháu ở cơ quan nào?,
      - Dạ thưa Bác, chúng cháu ở Ty Thủy lợi, ở bên kia ao ạ!,
      - Hôm nay, Bác cũng đi công tác thủy lợi tỉnh ta, các cháu ở đây nói chuyện với Bác.
Bác hỏi tình hình công tác thủy lợi của tỉnh như thế nào. Vốn là người cán bộ gắn bó và theo dõi công tác xây dựng các công trình thủy lợi của tỉnh nên ông Ninh trả lời Bác rất trôi chảy và chắc chắn về các vùng úng, vùng lụt trong tỉnh. Bác cháu đang nói chuyện, mấy đồng chí gác cổng, tiến đến gần ra hiệu hẩy tay có ý nói với ông Ninh là lui về. Bác lên tiếng:
      - Bác đi công tác thủy lợi, các chú ấy cũng theo dõi về thủy lợi, cứ để Bác nói chuyện. Mà người ta đứng với Bác 15 phút rồi còn đuổi làm gì?.
      Mọi người cười vui vẻ về câu nói của Bác, ý nhắc các đồng chí gác cổng là đã nói chuyện lâu rồi các chú mới biết, trong công tác lơ là, chưa chú ý là đã hỏng việc. 
      Ông Ninh tâm sự: “vinh dự của đời tôi 6 lần được gặp Bác với 6 cung bậc cảm xúc hạnh phúc và lần nào cũng để lại những kỷ niệm ấn tượng sâu sắc khó quên”. Điều đặc biệt hơn cả, ông Nguyễn Hữu Ninh lập gia đình riêng cùng bà Nguyễn Thị Thu Hồ - cán bộ đánh máy chữ của phòng Hành chính- Công trường Bắc Hưng Hải vào tháng 7 năm 1960. Cùng công tác tại công trường nên bà Hồ cũng có vinh dự bốn lần được gặp Bác. Ông bà ở tuổi xế chiều mà trong lòng ngập tràn kỷ niệm, hạnh phúc, ông chỉ vào vợ nói vui: “đây là mối tình Bắc Hưng Hải bền vững cùng công trình 60 năm qua”. 
      Trong suốt 35 năm công tác tại ngành Thủy lợi và cuộc sống hàng ngày, ông Nguyễn Hữu Ninh đã vận dụng những điều học hỏi trong 6 lần được gặp Bác vào giải quyết công việc quản lý xây dựng, thực hành chống lãng phí, tiết kiệm, đơn giản mọi việc,…. Thấm nhuần lời dạy bảo của Bác, ông Ninh luôn có trách nhiệm với gia đình, xã hội và dạy dỗ con cháu học tập, công tác tốt để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi có ích cho đất nước. 
Lần đâu tiên tôi gặp ông Ninh vào năm 2012, khi trao đổi thông tin hiện vật tiền xu cổ thu nhặt vào năm 1973 tại đền Kiếp Bạc. Sau 7 năm, (năm 2019), tôi lại được vinh dự gặp lại ông với nhiều câu chuyện vui. Sự khiêm tốn và cách kể chuyện chân thật kiến tôi càng trân quý và kính trọng ông nhiều hơn.
Hoàng Thị Hương
Phòng Nghiên cứu sưu tầm
Các tin mới hơn
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG THÔNG BÁO!(30/08/2024)
NGÀY HỘI HIẾN MÁU “HẢI DƯƠNG NGÀN TRÁI TIM HỒNG” NĂM 2024(19/07/2024)
NGÀY THƠ LẦN THỨ 22 – HẢI DƯƠNG HOÀ ÂM CÙNG ĐẤT NƯỚC(23/02/2024)
THÔNG BÁO LỊCH THAM QUAN TRƯNG BÀY GỐM NGHỆ THUẬT VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TẠI BẢO TÀNG(08/01/2024)
THƯ NGỎ THAM QUAN, TRẢI NGHIỆM TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "NHỚ VỀ THỜI BAO CẤP"(17/11/2023)
Các tin cũ hơn
CHƯƠNG TRÌNH LỄ HỘI ĐƯỜNG PHỐ NĂM 2019 - ÁNH SÁNG THÀNH ĐÔNG(22/10/2019)
TP HẢI DƯƠNG BẮN 2 LOẠT PHÁO HOA TẠI LỄ CÔNG BỐ LÊN ĐÔ THỊ LOẠI I(22/10/2019)
HIỆN VẬT QUÝ THỜI BAO CẤP(03/10/2019)
GẦN 12 VẠN LƯỢT DU KHÁCH VỀ VỚI KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT CÔN SƠN - KIẾP BẠC(30/09/2019)
TỔ CHỨC LỄ GIỖ ĐỨC THÁNH TRẦN TRÊN NÚI MÂM XÔI(18/09/2019)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín