BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

“Cầu Đông, quán Bạc, chợ Mát, đình Bơi”. Không biết từ bao giờ câu ca trên đã đi vào đời sống văn hoá, tâm linh của người dân Hàn Thượng xưa, tức phường Cẩm Thượng (thành phố Hải Dương) ngày nay
Lịch sử và truyền thuyết
Theo Địa dư huyện Cẩm Giàng của Ngô Vi Liễn, đầu thế kỷ XX, (làng) xã Hàn Thượng gồm 6 thôn: Phương Độ, Tự Đoài, Tự Đông, Phụng Cáo, Cô Đoài và Cô Đông. Mỗi thôn đều có một ngôi đình riêng, ngoài ra còn có một ngôi đình chung hàng xã, gần bờ sông Thái Bình, gọi là đình Hàn Bơi, thờ vị hiệu Khai Thiên Thể Đạo. Sự tích của Ngài truyền là tướng thủy quân nên khi kỳ phúc có tục lệ thi bơi trải.
Truyền thuyết còn lưu lại, vào thời Hùng Vương thứ 18, có một người đàn bà nghèo khổ, họ Đỗ đến làng Chi Các (nay thuộc phường Việt Hoà) lấy nghề mò cua bắt ốc kiếm sống qua ngày. Vào một ngày tháng tám, trời nổi giông to, gió lớn, bà chui vào gầm cầu đá để tránh mưa. Tạnh mưa, bà lên cầu chợt thấy có vết chân lạ to khác thường, liền ướm thử, không ngờ từ đó bà có mang. Thấy vậy, hương lão, chức dịch trong làng bắt phạt vạ ăn khoán, nhưng do không có tiền, bà bị đuổi đi khỏi làng. Bà đến bến đò Phương Độ bán hàng nước kiếm sống qua ngày và được người dân nơi bến thuyền chở che, đùm bọc. Vào ngày rằm tháng tám năm sau, trời bỗng trong xanh vời vợi, không khí mát mẻ khác thường, bà sinh hạ một bé trai, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, sau lưng có bốn chữ “Khai Thiên Thể Đạo” màu son đỏ, bèn đặt tên là Hán Công Đạt. Lớn lên, Hán Công Đạt rất thông minh, nhanh nhẹn, tài trí, mưu lược hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa. Tiếng lành đồn xa, triều đình cử sứ giả về bến Phương Độ thăm dò. Quả nhiên đúng như lời đồn, vua hạ chỉ, đón hai mẹ con bà về kinh và nuôi dạy cậu bé ăn học trở thành một tráng sĩ văn võ song toàn, tài năng đức độ.
Cuối thời Hùng Vương thứ 18, nước ta có giặc Xích Quỷ, quân giặc có tài đánh dưới nước, tàn phá, cướp bóc rất dã man gây cho người dân biết bao cực khổ. Triều đình đã nhiều lần cất quân đánh giặc nhưng không dẹp nổi, lấy làm lo lắng. Trước tình hình nguy cấp đó, Hán Công Đạt liền xin cầm quân dẹp giặc và được vua phong là Đại tướng quân, tổng chỉ huy thủy bộ. Ông luôn lấy đoàn kết làm trọng, coi tướng sĩ như anh em, thương dân như con nên được quân lính và nhân dân hết lòng ủng hộ. Ông tổ chức binh sĩ luyện tập dưới nước ngày đêm, lợi dụng lúc thuỷ triều xuống mới cho quân xung trận. Khi giao chiến với giặc, ông dùng thuyền nhỏ, đầu thuyền có một vị tiểu tướng đầu chít khăn đỏ, cầm đao chỉ huy. Các thuyền quân đồng loạt phối hợp phía sau, tiến đánh ào ạt. Chẳng mấy chốc, quân giặc đã bị đánh tan tành, tháo chạy tán loạn.
Tin thắng trận tới kinh đô, nhà vua rất vui mừng, khen ngợi công lao của ông. Đất nước trở lại thanh bình, ông xin vua cho về thăm làng Phương Độ, mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng ông trưởng thành, mở tiệc khao mừng. Ngày 25 tháng 11 (âm lịch) ông không bệnh mà mất, được triều đình phong hiệu là: Khai Thiên Thể Đạo, Thủy tiên tôn thần và truyền cho dân làng dựng miếu thờ làm Thành hoàng. Nhân dân Hàn Thượng lập đình Hàn Bơi thờ phụng. Dân ở làng Chi Các cũng xây đình thờ Ngài làm bản cảnh Thành hoàng.
 
 
 
Cùng với sự phát triển của làng xã, đình Hàn Bơi được xây dựng từ khá sớm. Tương truyền, thủa sơ khai đình nằm ở phía ngoài đê, cạnh bờ sông Thái Bình, cách biệt với xóm, thôn gồm 3 gian nhỏ nép mình dưới bóng một cây cổ thụ. Cây cổ thụ ấy cũng không do người trồng mà từ đâu trôi dạt đến, dùng tán lá xanh tươi che chở cho ngôi đình bớt nắng gió, quạnh hiu. Đến thời Hậu Lê, ngôi đình được xây dựng lại khang trang. Trải qua thời gian, do quá trình bồi đắp của dòng sông và tiện cho việc sinh hoạt tín ngưỡng, lễ bái, hội hè, đến thời Nguyễn, dân làng đã di chuyển ngôi đình về vị trí hiện nay (cách ngôi đình cũ khoảng 100m về phía đông bắc). Trên nóc đình, trái với những ngôi đình khác không phải là long, ly, phượng mà là phù điêu hai con cá chép ở tư thế vẫy vùng trên sóng nước. Tại tòa hậu cung đặt cỗ ngai thờ đức Khai Thiên Thể Đạo, trên ngai có một chiếc âu sứ. Bên ngoài là bệ thờ, trên có hai pho tượng đá tượng trưng cho ngư dân, mình trần đóng khố, khỏe mạnh lực lưỡng ở tư thế đang hoạt động trên bãi sông, mặt ngoảnh về phía trước. Phía trên là bức đại tự với ba chữ Hán lớn: “Bất dương ba” với ý nghĩa nơi đây là vùng sông nước yên bình “không nổi sóng”.
Năm 1959, 5 gian đại bái bị hạ giải lấy nguyên vật liệu xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân xã Cẩm Thượng. Công trình chỉ còn 3 gian trung đình và 2 gian hậu cung. Năm 1993, nhân dân địa phương phục dựng 3 gian đại bái với chất liệu gạch, kết cấu khung vì kiểu kèo cầu gác tường đơn giản. Đến năm 2019, được sự cho phép của các cấp có thẩm quyền, đình Hàn Bơi xây dựng lại khang trang như hiện nay bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Lễ hội độc đáo, trang trọng
Với đặc điểm là ngôi đình hàng xã nên việc tổ chức lễ hội tại đình Hàn Bơi diễn ra rất trọng thể với ý thức cao của người dân cùng tôn vinh người có công với nước, với dân và được xem là công việc chung của cả xã Hàn Thượng xưa.
Ông Đinh Trọng Hơi, thủ từ khâm trực, duy trì hương đăng tại đình cho biết: Lễ hội đình Hàn Bơi dưới thời phong kiến được xem là một lễ hội độc đáo trong vùng, không chỉ về phần lễ mà còn cả về phần hội. Theo lệ, việc tổ chức lễ hội đình mỗi năm do một thôn trong xã đăng cai đảm nhiệm, các thôn còn lại phối hợp thực hiện. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 14-16 tháng 8 (âm lịch).
Ngày 14, tổ chức rước nước. Đoàn rước ngoài cờ, trống, bát bửu, phường bát âm còn có kiệu long đình do 4 thanh niên mặc áo nậu tham gia khiêng, trên kiệu đặt một âu sứ, cùng các cụ cao niên, chức sắc, đội tế đại diện của 6 thôn trong xã. Đoàn rước khởi hành từ đình ra đến khu vực ngã ba sông lấy nước về làm lễ ngự dội và thờ cúng trong một năm. Ngày 15 một đám rước rất nghiêm trang rước sắc phong từ đình của thôn đăng cai tổ chức lễ hội năm trước ra đình Hàn Bơi. Ra đến đình, ông Chủ tế của thôn Phương Độ phải ra đón nhận hòm sắc và rước vào đặt ở trước ngai thờ đức Khai Thiên Thể Đạo. Ngoài sân đình, cờ hội phấp phới bay theo làn gió thu. Sát hai bên cửa đình là đôi ngựa hồng, ngựa bạch bằng gỗ, to như ngựa thật, có yên cương hình chim phượng, đai thêu kim tuyến sặc sỡ. Dọc hai bên dũng đạo là hai hàng binh khí (lỗ bộ) và bát bửu xếp cân xứng. Lúc này, kiệu của 6 thôn cũng đã được rước đến đình Hàn Bơi và bày xung quanh sân. Tế lễ bắt đầu. Lễ vật dâng gồm mâm xôi, thủ lợn, hoa quả, trầu rượu. Lệ làng quy định, mỗi thôn sẽ tổ chức tế riêng để biểu đạt lòng thành kính của con dân thôn mình đối với đức Thành hoàng của đình bản xã, trong đó đội thôn Phương Độ sẽ thực hiện nghi thức tế đầu tiên.
Kết thúc lễ tế, các thôn sẽ chuẩn bị thuyền rước kiệu và sắp xếp đội hình sẵn sàng cho cuộc thi bơi trải diễn ra vào buổi chiều.
Tham dự cuộc thi không chỉ có các thôn của xã Hàn Thượng mà còn có đội bơi trải của các làng Chi Các, Gòi, Thượng Đạt, Mỹ Xá...
Vào cuộc thi, các đoàn thuyền nô nức tái hiện khí thế hào hùng thủa đức Thánh Khai Thiên Thể Đạo chỉ huy quân sĩ đánh giặc bằng thủy chiến. Thuyền đi giữa, trên có bố trí ngai thờ (tượng trưng cho đức Thánh ngự), thuyền đi trước tượng trưng cho các tướng lĩnh, dưới quyền chỉ huy của Ngài. Thuyền rước kiệu của 6 thôn trong xã theo sau. Hai bên tả, hữu là hai hàng trải do nhiều trai đinh mạnh khỏe, mình trần, thắt khăn đầu rìu, ngồi chia đều 2 bên, ra sức chèo theo sự điều khiển của một bô lão cường tráng, quắc thước. Khi các tay chèo đồng loạt đẩy nước, trải lao vun vút về phía trước. Bên bờ sông, người cổ vũ, hò reo đứng chật như nêm cối. Khí thế rầm rộ cả khúc sông dài. Các trải ganh nhau từng sải nước, xuôi dòng tới địa phận làng Đồng Niên giật cờ rồi bơi ngược trở lại đình Hàn Bơi. Khi trải về tới cửa đình, hàng trăm người ào ào lội sông ra đón, dìu đưa các đấu thủ lên bờ. Đội nào thắng cuộc sẽ được thưởng bằng tiền.
Ngoài thi bơi trải, hội đình còn có những trò vui khác như chọi gà, đánh đu, cờ người, đấu vật… thu hút đông đảo người dân trong thôn, ngoài xã tham gia làm cho lễ hội đông vui, nhộn nhịp, nổi tiếng đã đi vào câu ca mà người dân Hàn Thượng còn lưu luyến ghi nhớ: “Cầu Đồng, quán Bạc, chợ Mát, đình Bơi”.
Sáng ngày 16, các thôn tổ chức đại tế (hợp tế) tưởng nhớ công ơn của đức Thánh đã giúp cho nhân dân được hưởng thái bình, hạnh phúc. Sau lễ tế là lễ khao yến, tái hiện tích cổ Khai Thiên Thể Đạo lúc sinh thời tổ chức khao tiệc yến đãi các vị bô lão trong vùng. Các cụ cao niên được mời dự. Người dự yến tiệc mặc áo đỏ. Dân làng làm lễ dâng yến (cỗ) lên đức Thánh Khai Thiên Thể Đạo theo phong tục, trên mâm bày xôi, gà và tấm áo điều (áo đỏ). Lễ xong, các cụ cao tuổi ngồi thụ lộc. Dân làng và các kỳ hào, chức sắc đứng xung quanh chúc tụng. Sau đó, một cụ già nhất đem chiếc áo điều ra giữa sân đình để cho mọi người xin một mảnh nhỏ, mang về nhà, khâu vào ngực áo cho các cháu để làm “khước” lấy may. Tục lệ này có hàm ý mong cho các cháu được trường thọ và tỏ lòng tôn kính người già.
Chiều cùng ngày, tổ chức tế giã đám do đội tế thôn Phương Độ thực hiện. Sau đó, Chủ tế thắp hương, khấn Thành hoàng cho thu dọn toàn bộ đồ nghi trượng, kiệu rước... Kết thúc lễ hội, hội đồng chức sắc của làng họp bàn giao sắc phong của đức Thành hoàng bản xã cho thôn đăng cai tổ chức lễ hội vào năm kế tiếp. Sau đó, làng cử người khiêng kiệu rước sắc phong đến đình của thôn đăng cai. Theo quy định của làng, đến kỳ đăng cai lễ hội của thôn nào, thì đình thôn ấy được thờ tự sắc phong trong một năm.
Trải qua năm tháng, lễ hội truyền thống đình Hàn Bơi bị mai một và thất truyền. Đến năm 2010, UBND tỉnh Hải Dương chọn đình Hàn Bơi là nơi tổ chức các hoạt động hướng về Giỗ tổ vua Hùng, tổ chức lễ dâng hương, hội thi bơi trải.
Từ đó đến nay, lễ hội vẫn duy trì cơ bản những nét truyền thống nhưng quy mô và và hình thức tổ chức đơn giản hơn phù hợp với điều kiện hiện tại của địa phương. Hàng năm, UBND phường Cẩm Thượng phối hợp với 6 khu dân cư tổ chức, thời gian diễn ra trong 3 ngày từ 14 - 16 tháng 8 (âm lịch). Đây không chỉ là kỳ lễ hội truyền thống của địa phương mà còn có một ý nghĩa đặc biệt tưởng nhớ đến vị tướng thủy quân thời Hùng Vương.
Với nội dung lịch sử sâu sắc, trong thời gian tới, được sự quan tâm của các cấp ngành, sự đồng thuận của của nhân dân địa phương, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại đây được khôi phục và duy trì, đặc biệt là tục thi bơi trải, di tích sẽ là một điểm tham quan, chiêm bái, du lịch hấp dẫn của thành phố Hải Dương.
Đặng Thu Thơm
Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn
LỄ HỘI ĐÌNH- CHÙA CÕI(20/03/2023)
LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH LÀNG LA ĐÔI(06/03/2023)
NGÔI ĐÌNH THỜ ĐỨC ĐẠI VƯƠNG CÙNG 2 PHU NHÂN CÓ CÔNG GIÚP VUA LÊ THÁI TỔ ĐÁNH GIẶC MINH(06/10/2021)
ĐÌNH QUAN ĐÌNH VÀ SỰ TÍCH 3 VỊ THÀNH HOÀNG(09/09/2021)
NGÔI ĐÌNH THỜ BA VỊ THÀNH HOÀNG CÓ CÔNG GIÚP HAI BÀ TRƯNG ĐÁNH GIẶC(29/07/2021)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín