Những ngày này ai tới di tích Kiếp Bạc đều rất ấn tượng với sự thay đổi về cảnh quan môi trường văn hóa của nơi này. Trong khuôn viên di tích rực rỡ bởi màu sắc của nhiều loại hoa và cây cảnh. Đặc biệt trong đó có hồ sen ngào ngạt hương thơm, điểm chụp ảnh lý tưởng cho nhiều du khách khi tới tham quan, chiêm bái tại Kiếp Bạc.
Để không gian văn hóa của di tích ngày càng khang trang, thu hút du khách mọi miền, nhiều tháng qua, ngành VHTTDL đã chỉ đạo Ban quản lý di tích (QLDT) cùng với việc đón tiếp khách về thăm quan, tiếp tục huy động lực lượng của Ban để tập trung cải tạo cảnh quan, môi trường.
Kiếp Bạc vốn là phủ đệ của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, nay được Ban QLDT nghiên cứu, xây dựng tạo thành khuôn viên đẹp đẽ, theo các chủ đề rất có ý nghĩa. Cụ thể, đoạn đường phía sau đền dài khoảng 100m (là một nét trong chữ Vương), hiện nay ấp trúc để chống sạt lở mỗi bên 2,5m. Sẽ được quy hoạch trồng 28 cây hoa giấy, tượng trưng cho Nhị thập bát tú và được trồng hoa trang trí hai bên.
Phía sau Hậu cung Đền Kiếp Bạc được trồng 14 cây vạn tuế, thể hiện cho 14 đời vua của Triều Trần. Kế đó là vườn vạn tuế được trồng thành chữ TRẦN. Phía dưới, hoa được trồng thành hình tượng hoa sen nâng chữ Trần phía trên. Toàn bộ phía bên trái của Hậu cung được thiết kế thành một vườn hoa, mô phỏng Di tích Kiếp Bạc thu nhỏ, tiếp tục được củng cố trồng bổ sung các giống hoa, để vườn luôn có hoa nở 4 mùa. Hệ thống các đường dạo xung quanh di tích cũng được cải tạo để tạo thuận lợi cho khách tới đền và nghỉ ngơi sau khi đã hành lễ.
Hệ thống các hồ tiếp tục được quy hoạch và từng bước cải tạo. Đặc biệt là hồ lớn phía bên phải nhìn từ sông Thương vào Đền, được cải tạo, trồng sen. Hiện sen đã lên tươi tốt, ra nhiều hoa, tạo nên môi trường cảnh quan sinh động, thanh bình và không còn bị ô nhiễm. Ban quản lý di tích đã xây dựng 2 cây cầu gỗ, mỗi cây dài 20m. Đây là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều người.
Theo Ban quản lý di tích, thời gian qua, mỗi ngày bình quân có 500 đến 700 du khách tới di tích, ngày nghỉ cuối tuần có tới hàng nghìn người. Đặc biệt, dịp nghỉ Giỗ tổ, dịp nghỉ 30/4 và 1/5 có rất đông du khách đã chọn Kiếp Bạc làm nơi tham quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi và chụp ảnh lưu niệm. Nhiều trường học trong tỉnh chọn Kiếp Bạc làm nơi giáo dục giáo dục di sản văn hóa và giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh,...
Phạm Chức
Nguồn: haiduongtv.com.vn