Đình Đại Tỉnh ở thôn Đại Tỉnh, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) thờ vị thành hoàng của làng là Viên Trí, người có công giáo hóa về thuần phong mỹ tục, mở trường dạy chữ cho nhân dân.
Đình Đại Tỉnh mới được khôi phục, tôn tạo, mang dấu ấn kiến trúc truyền thống
Đình Đại Tỉnh còn có tên gọi là đình Đò, tọa lạc trên mảnh đất cao ráo, thoáng rộng ngay trung tâm thôn. Trước đình là ao rộng, phía sau là xóm làng đông vui quần tụ.
Thôn Đại Tỉnh thời xa xưa là trang Phan Xá, sang thời Lê là xã Phan Xá thuộc tổng Phan Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Phan Xá là một xã thuộc tổng Phan Xá, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Đầu tháng 8.1945, xã Phan Xá cùng với xã Lai Cầu, Tam Lâm chuyển về địa giới huyện Gia Lộc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các xã chuyển thành thôn, thôn Phan Xá và Lai Cầu sáp nhập, lấy tên là xã Lai Xá. Tháng 4.1948, hai xã Lai Xá và Tam Lâm hợp nhất, lấy tên người anh hùng Hoàng Diệu đặt cho xã mới và tồn tại đến ngày nay.
Xã Hoàng Diệu là một trong số ít địa phương của huyện Gia Lộc có tới 4 di tích được Nhà nước xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh. Miếu Lai Cầu, đình Phong Lâm, nhà thờ họ Vũ, đình Đại Tỉnh đều là những di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật có giá trị.
Đình Đại Tỉnh thờ vị thành hoàng của làng là Viên Trí, người có công giáo hóa về thuần phong mỹ tục, mở trường dạy chữ cho nhân dân. Căn cứ vào cuốn thần tích viết vào đầu xuân năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), bản sao vào mùa thu năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1737) hiện lưu giữ tại di tích, vào thời Tây Hán, ở đất Long Biên thuộc nước ta có ông họ Quách, tên húy là Vận, kết hôn với người con gái đẹp ở bản quận họ Tạ, húy Cẩn. Cẩn nương sinh ra trong nếp nhà truyền thống thơ văn, lễ nghĩa, vận công học hành chăm chỉ từ nhỏ, có biệt tài về y thuật được nhân dân địa phương yêu mến và kính trọng.
Tháng giêng năm Giáp Ngọ, Cẩn nương sinh hạ một cậu con trai có diện mạo kỳ dị, khác thường, đặt tên là Viên Trí và năm 7 tuổi cho đi học. Khi Viên Trí 13 tuổi học đã thành tài, văn võ song toàn, không sự vật gì là không biết. Năm Viên Trí 18 tuổi, Vận công và Cẩn nương đột ngột qua đời. Từ đó, Viên Trí chăm chỉ hương hỏa phụng thờ cha mẹ và dạy bảo dân sĩ Giao Châu về lễ nghi, phong tục và những điều tốt đẹp. Ông được vua Hán phong chức Liệt Hầu.
Sau khi thụ mệnh, ông đến các huyện, ấp giáo hóa thuần phong mỹ tục. Khi đến đạo Hải Dương, phủ Hạ Hồng, huyện Tứ Kỳ, trang Phan Xá thấy dân phong thuần phác, học thuật còn thấp kém, liền ban truyền xây dựng học đường để dạy chữ, giảng nghĩa. Mới được một năm, nhân dân địa phương đều hiểu và hâm mộ, nhân đó xin lấy học đường làm nơi thờ tự về sau. Ông thuận ý và tặng cho dân trang hoàng kim mua thêm ruộng, ao dùng cho việc cúng tế, thờ phụng. Ngày 25.10 năm Bính Ngọ, Viên Trí tự nhiên hóa (mất). Vua vô cùng thương tiếc bậc công thần, sai đình thần đến hành lễ và truyền cho nhân dân bản trang lập miếu phụng thờ, sắc phong “Thượng đẳng phúc thần”.
Ngoài thờ Thành hoàng Viên Trí, di tích còn phối thờ hai vị tiến sĩ thời Lê người trang Phan Xá xưa (nay thuộc xã Hoàng Diệu) là: Nguyễn Trí Khoan (không rõ năm sinh, năm mất), đỗ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), làm quan tới chức Thị Lang và tiến sĩ Phạm Doãn Giản (không rõ năm sinh, năm mất), đỗ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Thống Nguyên thứ 2 (1523), làm quan tới chức Thừa chính sứ.
Theo ý kiến của các cụ cao niên trong làng, xa xưa đình Đại Tỉnh chỉ có 3 gian nhà gỗ tạp, bào trơn đóng bén, mái lợp cỏ tranh, sau này mới nâng cấp bằng chất liệu gỗ lim. Đến thời Nguyễn, qua hệ thống bia ký được biết, năm Tự Đức thứ 3 (1850), Hội Tư văn xã Phan Xá, huyện Tứ Kỳ đóng góp công đức tu tạo đình. Tiếp đến, năm Thành Thái thứ 5 (1893), kỳ lão, chức dịch, dân làng cùng công đức tiền của tu tạo đình vũ. Kiến trúc đình cũ theo kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái xây đao dĩ và 3 gian hậu cung xây bít đốc, phía trước có hai nhà giải vũ, mỗi nhà ba gian, có tắc môn, nghi môn… Năm 1947, khu di tích bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn.
Năm 1992, trải bao thăng trầm, bằng sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, đình Đại Tỉnh được khôi phục lại trên nền xưa, hướng cũ với quy mô nhỏ. Năm 2018, ngôi đình được trùng tu lại khang trang như hiện nay, kiến trúc chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Tòa đại bái dựng trên nền cao cách mặt sân 5 bậc cấp, hệ mái dựng kiểu đao dĩ, lợp ngói mũi, các đầu đao uốn cong đắp nổi rồng chầu, phượng mớm, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nhật, gối đỡ mặt nhật là mặt hổ phù, hai đầu bờ nóc có hai con kìm, đuôi cuộn tròn vắt lên trụ. Hệ thống cửa tạo kiểu bức bàn, sơn màu nâu đỏ, trang trí họa tiết hoa văn theo đề tài tứ quý. Khung chịu lực gồm bốn bộ vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng đặt trên các cột cái, cột quân theo chiều dọc, phía trên là các con rường chồng lên nhau ăn mộng vào trụ trốn qua các đấu vuông thót đáy. Hệ thống cột cái, cột quân, xà, thượng lương, hoành đều bằng bê tông sơn màu giả gỗ, rui bằng gỗ. Trên các câu đầu, xà nách, trụ đấu, con rường, bảy hiên đắp vẽ lá lật, lá hóa long... phỏng theo kiến trúc truyền thống.
Tiếp sau tòa đại bái là hậu cung 3 gian xây tường hồi bít đốc, mái hợp ngói mũi. Kết cấu khung vì gồm hai vì kèo kiến tạo giống tòa đại bái, hệ thống cột quân được gài vào tường nên lòng nhà khá rộng và thoáng. Tại đình còn bảo lưu khá nhiều cổ vật quý, trong đó có 1 pho tượng thờ Thành hoàng Viên Trí, chất liệu bằng gỗ tạo dựng vào thế kỷ XIX, 2 tấm bia “Từ chỉ bi ký” dựng năm Tự Đức 3 (1850) và “Phối vị bi ký” dựng năm Thành Thái thứ 5 (1893). Đặc biệt là 3 đạo sắc phong do các vua triều Nguyễn phong tặng vào các năm: Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887) và Duy Tân 3 (1909).
Trong khuôn viên di tích, ngoài công trình chính và các công trình phụ trợ như nghi môn, giếng... về phía đông đình còn có nhà “ngự dội” gồm 1 gian kiểu chồng diêm cổ các, mái có 8 góc đao, lợp ngói mũi khá đẹp. Đây là nơi diễn ra lễ mộc dục (lễ tắm tượng) trước khi làng vào hội. Liền kề với nhà “ngự dội” là một lầu nhỏ thờ thân mẫu của Thành hoàng.
Bên cạnh giá trị vật chất, đình Đại Tỉnh còn mang những giá trị tinh thần vô cùng to lớn, thể hiện trong lễ hội đình làng. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại di tích có một kỳ lễ hội chính, diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 7-13.11 âm lịch, trọng hội là ngày mùng 10, gọi là “lễ đóng đám”. Phần lễ có lễ mộc dục, rước văn, rước tượng Thành hoàng từ đình sang chùa lễ Phật, có năm được mùa, phong đăng hòa cốc, làng còn tổ chức rước chạ với làng Long Tràng. Phần hội có các trò chơi cầu thùm, bắt vịt, hát chèo, hát nhà tơ… Hiện nay, lễ hội vẫn duy trì như xưa, nhưng thời gian rút ngắn lại còn hai ngày 10 và 11.11 âm lịch. Trong lễ hội chỉ tổ chức tế lễ tại đình và một số trò chơi bịt mắt bắt dê, kéo co, bóng chuyền, bóng bàn...
Đình Đại Tỉnh được khôi phục, tôn tạo trong những năm gần đây, các hạng mục bền vững, chắc chắn mang dấu ấn kiến trúc truyền thống, cảnh quan đẹp, có nhiều cổ vật. Di tích đã và đang phát huy giá trị trong đời sống văn hóa của địa phương.
ĐẶNG THU THƠM
Nguồn: baohaiduong.vn