Sáng 5.5 (tức 1.4 âm lịch), tại khu di tích quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ đã diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm 768 năm ngày mất của An Sinh vương Trần Liễu (1251-2019) và đại lễ đúc chuông chùa Tường Vân.
Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tham dự lễ dâng hương.
Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tham dự lễ dâng hương
Thành kính và trang nghiêm
Tại lễ dâng hương, đồng chí Nguyễn Thị Liễu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn đã đọc diễn văn tưởng niệm, ôn lại thân thế và sự nghiệp của An Sinh vương Trần Liễu.
An Sinh vương Trần Liễu sinh năm 1211, là con trưởng của Thượng hoàng Trần Thừa. Ông được vua Lý Huệ Tông gả công chúa Thuận Thiên cho, phong là Phò mã đô úy. Năm 1237, triều đình cắt đất các xã An Phụ (nay thuộc Kinh Môn), An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh) ban cho ông làm thực ấp và phong tước An Sinh vương. Ông giúp vua trấn thủ vùng Đông Bắc, xây dựng, kiến thiết khu vực ven biển Hải Đông thành nơi giàu có, mạnh về kinh tế, quốc phòng.
An Sinh vương Trần Liễu là thân sinh Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông đã dành tâm huyết nuôi dạy con, tìm thầy giỏi rèn luyện con trai trở thành một người trung hiếu, văn võ toàn tài, thống lĩnh quân dân Đại Việt đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông trong cuộc kháng chiến lần thứ 2 (năm 1285) và lần thứ 3 (năm 1288). Tháng 4 âm lịch năm Tân Hợi 1251, An Sinh vương tạ thế tại phủ đệ An Phụ. Vua Trần Thái Tông truy phong tước Khâm Minh Đại vương, sắc chỉ cho nhân dân lập đền thờ trên núi An Phụ.
Đọc văn tế An Sinh vương Trần Liễu
Sau văn tế An Sinh vương Trần Liễu, đoàn rước đến từ một số xã, thị trấn mang theo cờ, trống, một số sản vật của quê hương Kinh Môn như nếp cái hoa vàng, bột sắn dây... từ cổng tam quan theo các bậc đá lên đền thờ An Sinh vương Trần Liễu. Khoảng 5 năm trở lại đây, lễ dâng hương tưởng niệm An Sinh vương Trần Liễu được tổ chức ngày càng bài bản, không chỉ có phần lễ nghi trang trọng mà còn có phần hội với các hoạt động diễn xướng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ người Việt, biểu diễn các làn điệu chèo, dân ca...
Sau lễ dâng hương, Ban Quản lý di tích Kinh Môn tổ chức đại lễ đúc chuông chùa Tường Vân. Ngôi chùa thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ, được khởi dựng từ thời Trần, thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm. Theo sử sách ghi lại, chùa từng lưu giữ quả chuông lớn, trải qua chiến tranh và biến cố lịch sử, nay quả chuông không còn. Việc đúc chuông nhằm hoàn thiện các hiện vật thờ tự tại di tích, bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử của chùa Tường Vân đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm bái của du khách. Đại lễ đúc chuông diễn ra trang nghiêm theo nghi thức Phật giáo, thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương và Phật tử tham dự.
Chuông chùa Tường Vân làm theo mẫu chuông chùa Vân Bản ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Mẫu chuông chùa Vân Bản có bố cục, trang trí đẹp, có niên từ đại thế kỷ XIII-XIV, thời Trần, gắn liền với thời kỳ phát triển của chùa Tường Vân. Thân chuông chia làm 8 ô ngăn cách bởi các đường gờ nổi. Miệng chuông đúc nổi băng cánh sen kép. Chuông có 6 núm gõ hình hoa sen nở mãn khai ở giao điểm các đường gờ nổi giữa thân và miệng chuông. Chuông làm bằng chất liệu đồng đỏ, cao 1,8 m, nặng khoảng 1,1 tấn. Kinh phí đúc chuông từ nguồn công đức chùa Tường Vân và nguồn xã hội hóa.
Rước lễ vật lên đền thờ An Sinh vương Trần Liễu
Làm tốt từ khâu chuẩn bị
Để chuẩn bị cho lễ dâng hương tưởng niệm An Sinh vương Trần Liễu, trước đó, Ban Tổ chức lễ hội Xuân Kỷ Hợi 2019 huyện Kinh Môn đã thành lập 3 tiểu ban: Nội dung, tuyên truyền; Lễ tân, khánh tiết, hậu cần và An ninh trật tự với các nhiệm vụ được phân công cụ thể. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và trung ương; các loại hình tuyên truyền trực quan phong phú, đa dạng, hiệu quả như treo băng rôn, cờ Tổ quốc, cờ hội, pa nô tại các trục đường trung tâm và quần thể di tích. Bố trí hướng dẫn viên thuyết minh, hướng dẫn du khách, tuyên truyền về việc hạn chế đốt vàng mã, chống mê tín dị đoan.
Kinh Môn chú trọng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông từ cầu An Thái, cầu Đá Vách về đến khu di tích quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ. Ngăn chặn các hiện tượng trộm cắp và hành vi lừa đảo trá hình qua các trò chơi cá cược, đánh bài, bạc. Ban tổ chức bố trí bãi gửi xe miễn phí, các điểm uống nước miễn phí dọc theo lối đi bộ, phát các suất cơm chay cho nhân dân và du khách thập phương tham dự lễ dâng hương. Ban Quản lý di tích Kinh Môn huy động lực lượng thường xuyên quét dọn đoạn đường từ chân núi và lối đi bộ lên khu di tích. Chuẩn bị rạp sự kiện, bàn ghế, loa đài, đồng thời hợp đồng với Công ty TNHH Đúc Tân Tiến để hoàn thiện việc đúc chuông chùa Tường Vân.
Rót đồng đúc chuông chùa Tường Vân
Ông Phạm Hữu Quân, Trưởng Ban Quản lý di tích Kinh Môn cho biết: Lễ dâng hương tưởng niệm An Sinh vương Trần Liễu và đại lễ đúc chuông chùa Tường Vân là sự kiện văn hóa quan trọng của huyện Kinh Môn, nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay với công lao của lớp cha ông đi trước, những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa. Đây cũng là dịp huyện tuyên truyền, quảng bá các giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương.
HUYẾN TRANG
Nguồn: baohaiduong.vn