Với cương vị là Người đứng đầu Đảng, Nhà nước, tuy bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho Đảng bộ và nhân dân Hải Dương sự quan tâm đặc biệt. Sinh thời Bác đã 5 lần về thăm và làm việc với cán bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương vào các năm 1946, 1957, 1959, 1962 và 1965. Mỗi lần Bác về thăm đều để lại những kỷ niệm sâu đậm trong lòng mỗi người dân Hải Dương.
Lần đầu, Bác Hồ về thăm Hải Dương là ngày 21/10/1946. Sau chuyến thăm nước Pháp, từ Hải Phòng về Hà Nội bằng tàu hoả, Bác Hồ đã dừng chân ở ga Lai Khê (Kim Thành), ga Tiền Trung (Nam Sách), rồi về ga Hải Dương, nói chuyện với nhân dân về tình hình và kết quả đàm phán tại Pháp, về âm mưu của giặc và những khó khăn của đất nước, cũng như quyết tâm của Chính phủ và kêu gọi toàn thể đồng bào phải nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết, chuẩn bị tinh thần, lực lượng và vũ khí, sẵn sàng chiến đấu nếu kẻ thù bội ước, để giữ bằng được độc lập, tự do cho dân tộc…
Lần thứ 2, đó là ngày 31/5/1957. Bác về xã Ái Quốc, huyện Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương), thăm một số gia đình, trong đó có gia đình cụ Vũ Văn Trung ở xóm Vũ Thượng có 3 con đi bộ đội. Đồng thời nói chuyện với trên 400 đại biểu là cán bộ khu, cán bộ tỉnh, bộ đội và các tầng lớp nhân dân. Người căn dặn cán bộ, bộ đội và nhân dân phải nâng cao ý chí phấn đấu với tinh thần đồng cam cộng khổ, luôn đoàn kết chặt chẽ, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất và khôi phục kinh tế để củng cố miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Lần thứ 3, ngày 1/4/1959, tại trụ sở làm việc của Tỉnh uỷ (thị xã Hải Dương), nay là nhà khách Bạch Đằng, Bác nói chuyện với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban Hành chính tỉnh cùng cán bộ các ban, ngành của tỉnh. Bác khen ngợi những thành tích đã đạt được của nhân dân Hải Dương và cán bộ tỉnh Hải Dương, nhất là phong trào sản xuất nông nghiệp.
Lần thứ 4 Người về thăm Hải Dương là vào ngày 26/6/1962. Trong lần về thăm này Bác đã về thăm xã Hiệp Lực, Người tham gia guồng nước chống úng cùng với bà con nông dân, căn dặn mọi người phải tích cực chống úng thắng lợi qua 2 câu Kiều “Trăm năm trong cõi người ta. Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”. Sau đó, Người về hội trường Nhà máy Xay Ninh Giang, nói chuyện với cán bộ, công nhân và nhân dân huyện Ninh Giang và Nhà máy Sứ Hải Dương (nay là Công ty Sứ). Thăm các phân xưởng sản xuất, tới phân xưởng vẽ hoa trên sứ, Bác nói “Sứ Việt Nam cần vẽ hoa Việt Nam” rồi cầm bút viết lên bình hoa 5 chữ: “Phải cố gắng tiến bộ”.
Và lần cuối cùng Bác về thăm Hải Dương là vào ngày 15/2/1965. Tại đây, Người đã đến thăm xã Hồng Thái (Ninh Giang) - lá cờ đầu của phong trào làm thuỷ lợi toàn miền Bắc, nơi đã được nhận cờ luân lưu của Bác; xã Nam Chính (Nam Sách) - nơi có phong trào vệ sinh khá nhất tỉnh.
Cũng trong lần về thăm này, Bác đã tới thăm Côn Sơn (Chí Linh), đọc bia chùa Côn Sơn, viết vào sổ lưu niệm, căn dặn cán bộ, nhân dân Hải Dương và các sư trụ trì chùa phải tích cực trồng cây phủ xanh di tích, làm cho di tích lịch sử văn hoá trở thành thắng cảnh du lịch của địa phương, “phải biến nơi đây thành Tùng lâm đẹp đẽ”.
Ngoài những lần về thăm, Người còn thường xuyên viết thư động viên, khen ngợi, tặng cờ thi đua, huân huy chương, bằng khen, huy hiệu, ảnh, hiện vật v.v.. cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, chiến đấu để động viên, khích lệ kịp thời, thể hiện tấm lòng nhân ái và tình yêu thương vô bờ bến của Bác dành cho nhân dân Hải Dương.
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Hải Dương còn lưu giữ nhiều hình ảnh về những lần Bác về thăm. Đặc biệt, những hiện vật có liên quan đến Người đều được các thế hệ cán bộ Bảo tàng tỉnh sưu tầm, bảo quản chu đáo, thể hiện tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh như: chiếc máy cấy, máy đánh chữ, guồng nước, sổ vàng lưu niệm có bút tích của Người ...
Những hình ảnh, hiện vật về Bác đã trở thành những kỷ vật vô giá đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương. Mỗi hiện vật đều chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa để cho chúng ta hiểu hơn về cuộc đời của Bác và trân trọng hơn những giá trị nhân văn, cao đẹp mà Bác Hồ kính yêu đã để lại cho chúng ta hôm nay./.
Lê Thị Thủy Ngọc
Phòng trưng bày