Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, một số thành viên của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, như các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Hới, Trần Cung... đã về Hải Dương truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin, tuyên truyền vận động cách mạng, xây dựng tổ chức và lãnh đạo công nhân, nông dân đấu tranh chống áp bức, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Nhiều nơi, cơ sở cách mạng đã được hình thành như: Mỏ than Mạo Khê (Đông Triều), Thượng Cốc (Gia Lộc), Đọ Xá (Chí Linh), phố Cựu Thành (thành phố Hải Dương)… và những nơi này đã thành lập được các tổ chức chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Từ đây phong trào tiếp tục phát triển sang các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Vĩnh Bảo...
Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh
Cuối năm 1932, đồng chí Nguyễn Lương Bằng (quê Thanh Tùng, Thanh Miện), một cán bộ cách mạng của Đảng, đã vượt ngục Hoả Lò (Hà Nội) về ấp Dọn (Bình Giang) hoạt động. Tại đây, đồng chí đã viết và phát hành báo “Công nông” để tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển cơ sở cách mạng. Mặc dù kẻ thù đàn áp và tiêu diệt nhưng ngọn lửa cách mạng đã được Đảng ta thắp sáng vẫn đang âm ỉ trong lòng quần chúng, chỉ chờ thời cơ sẽ lại bùng lên mãnh liệt.
Mùa hè năm 1936, trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và để phối hợp với cuộc đấu tranh của Mặt trận bình dân Pháp, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới, thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương, nhằm tập trung mọi lực lượng trong cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hoà bình. Từ đây, phong trào cách mạng ở tỉnh ta lại được phục hồi phát triển. Nhiều tổ chức dân chủ đã được thành lập ở thị xã Hải Dương và các huyện Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Nam Sách, Chí Linh, Kim Thành, Cẩm Giàng, Vĩnh Bảo... Năm 1937, đồng chí Lê Thanh Nghị (quê ở Thượng Cốc, Gia Lộc) được Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ cử về Hải Dương xây dựng cơ sở cách mạng, đã chủ trì cuộc họp thống nhất phong trào thanh niên dân chủ trên phạm vi toàn tỉnh.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, Liên Tỉnh ủy B (gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai) được thành lập và chọn Tạ Xá (Hợp Tiến, Nam Sách) làm trung tâm hoạt động. Tháng 5/1940, chi bộ Tạ Xá (Nam Sách), chi bộ Trại Chua - Hàm Ếch (Chí Linh) được thành lập. Nhiều nơi trong tỉnh đã hình thành tổ chức phản đế và hoạt động tích cực như ở Nam Sách, Thanh Hà, Kim Thành, Chí Linh, thị xã Hải Dương... Đây là những sự kiện hết sức quan trọng không chỉ trong đời sống chính trị của tỉnh Hải Dương mà còn là sự kiện có ý nghĩa to lớn về sự phát triển của Đảng ta trong tiến trình vận động, lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Ngày 10/6/1940, Ban Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Hải Dương (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Hải Dương) được thành lập (tại nhà cụ Lê Thị Thạnh, thôn Tạ Xá, xã Hợp Tiến, Nam Sách), gồm 3 đồng chí: Nguyễn Mạnh Hoan, Chu Thị Kim Sơn, Nguyễn Tấn Phúc, do đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan làm Bí thư. Trải qua 80 năm kể từ ngày thành lập, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Từ chỗ Ban Tỉnh ủy lâm thời chỉ có 3 đồng chí với 14 đảng viên, đến tháng 4/2020, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã có 106.989 đảng viên, sinh hoạt ở 677 tổ chức cơ sở đảng. Đảng bộ đã trải qua 16 kỳ đại hội và đang tiến hành đại hội các cấp, chuẩn bị các điều kiện tổ chức đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương luôn tuyệt đối trung thành, một lòng, một dạ đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn; bám sát, vận dụng có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, vươn lên giành được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng khá và ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP giai đoạn 2015 - 2020 tăng bình quân 8,8%/năm (mục tiêu từ 8 - 8,5%), trong đó giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 1,8%/năm, Công nghiệp – Xây dựng tăng 11,5%/năm, Dịch vụ tăng 6,9%/năm, cao hơn giai đoạn 2010 - 2015 (7,7%), cao hơn mức bình quân chung của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 74,4 triệu đồng (khoảng 3.110 USD). Quy mô kinh tế gấp 1,6 lần so với năm 2015; tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tăng từ 30,8% (giai đoạn 2011-2015) lên 39,1% (giai đoạn 2016 - 2020). Từ năm 2017, Hải Dương trở thành là một trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi và có một phần điều tiết về Ngân sách Trung ương. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 79.261 tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán), trong đó thu nội địa 62.178 tỷ đồng (tăng bình quân 12%/năm).
Phát huy truyền thống vẻ vang của tỉnh Đông anh hùng và những thành tựu đạt được trong 80 năm qua, trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương quyết tâm nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng tỉnh Hải Dương phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vị trí là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, góp phần xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước./.
Nguồn: http://bantuyengiao.haiduong.org.vn