Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình Tự Đông ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) đang lưu giữ đôi linh vật nghê làm bằng gỗ cổ và quý hiếm có niên đại từ thế kỷ XVIII.
Đôi linh vật nghê quý hiếm ở đình Tự Đông
Đây là 2 tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hóa tâm linh.
Một số người cao tuổi ở khu dân cư Tự Đông được nghe cha ông kể lại đôi linh vật nghê này có từ những năm đầu tiên khởi lập đình. Cụ Vũ Văn Tuần (94 tuổi) ở đây cho biết ngày còn bé thường ra đình chơi đã thấy đôi linh vật nghê này đặt ở gian tiền tế. Đây là đôi linh vật nghê cổ, quý hiếm mà dân làng đã tôn thờ, gìn giữ qua nhiều thế kỷ.
Đôi linh vật nghê được đặt trên hương án trong hậu cung. Hình dáng đôi linh vật nghê chống hai chân trước, dáng thu mình vươn cao, tư thế ngẩng đầu, cổ vươn, mặt hướng lên phía trên. Mắt nghê lồi, mũi nở, miệng rộng, tai có hình như tai voi nhỏ, có 6 vòng râu xoăn nổi, bờm tóc kết thành những sóng to, ức nở.
Đầu, thân và đùi nghê có chạm nổi vảy rồng, lưng khum hình mây lửa, nhìn nghiêng chân và đùi là những tua hình mác uốn cong như sóng lượn, bàn chân có móng vuốt, đuôi vuốt thẳng sau lưng. Đôi nghê được tạo dáng thuần Việt, thanh thoát, đậm nét kiến trúc điêu khắc thời Lê, thể hiện được tài hoa của nghệ nhân thời bấy giờ.
Đôi nghê được đặt trong hậu cung, trên hương án, trước ngai vị của Thành hoàng làng nên càng tôn thêm sự uy nghi. “Đã có nhiều đoàn như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, nhà báo… đến đình tìm hiểu, khảo sát, quay phim chụp ảnh đều rất thích thú về sự cổ kính của ngôi đình nói chung và kiến trúc thuần Việt, đường nét nghệ thuật của đôi linh vật nghê nói riêng. Người dân, con em xa quê khi vào thắp hương và được tôi giới thiệu về đôi nghê thì đều trầm trồ về đôi nghê quý này”, ông Đỗ Văn Đãn (72 tuổi), thủ nhang đình Tự Đông chia sẻ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bảo tàng tỉnh, toàn tỉnh còn 42 đôi linh vật nghê được lưu giữ trong các di tích, đa phần làm bằng đá, nhưng linh vật nghê chạm khắc bằng gỗ từ thế kỷ XVIII, kích thước lớn, hình dáng kiến trúc thuần Việt như vậy thì hiện chỉ còn ở đình Tự Đông. Đây là đôi linh vật nghê có giá trị, là tài liệu hiện vật quan trọng để nghiên cứu.
Đình Tự Đông ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương)
Đôi linh vật nghê quý hiếm này tồn tại được đến ngày nay do công tác bảo tồn di tích được nhân dân địa phương quan tâm hàng trăm năm qua.
Theo ông Đãn, đôi linh vật này được dân làng gìn giữ bao đời nay, là cổ vật linh thiêng của làng nên ông đặc biệt quan tâm. Chỉ khi nào có việc ông mới mở cửa đình, sau đó lại khóa chặt. Có khách đến thì ông mở cửa đình và giới thiệu về di tích nhưng cẩn trọng quan sát hoạt động của khách. Ngày 10.3 âm lịch hằng năm là lễ hội đình Tự Đông, đôi linh vật nghê được lau rửa bằng nước thánh.
Ông Đinh Văn Thế, công chức văn hóa - xã hội phường Cẩm Thượng cho biết trước đây đôi linh vật nghê được đặt ở ngoài gian tiền tế nhưng vì sợ bị đánh cắp nên đã được di chuyển vào trong hậu cung. Sau đó đôi nghê được khoan vít dưới đáy bệ để tránh bị dịch chuyển, nhưng sau một thời gian các cụ cao tuổi trong làng lại đề nghị tháo đinh vít ra. Ngoài ra, Ban Quản lý di tích đình Tự Đông cũng thường xuyên họp, tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân cùng tham gia bảo tồn và gìn giữ đôi nghê cổ.
Theo sách “Hải Dương di tích và danh thắng” tập I, đình Tự Đông được khởi dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ XVIII), thờ Thành hoàng làng là Cửa Ngõ Đại Vương, có tài chữa bệnh cứu dân. Ngôi đình đã được tu sửa nhiều, lần tu sửa lớn nhất vào năm 1869. Hiện di tích vẫn còn giữ được kiến trúc căn bản của thời hậu Lê. Đình có kiến trúc hình chữ Đinh, gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung, hệ thống cột thấp, nhiều mảng chạm khắc gỗ thời Lê như bức cốn tứ linh, long quần và lưỡng long chầu nguyệt ở gian tiền tế, các đầu dư, đầu bẩy. Ngoài đôi nghê, những cổ vật còn lại chủ yếu là cổ vật có niên đại thời Nguyễn như 11 bức đại tự sơn son thếp vàng, 1 đôi câu đối, 1 sập thờ, 4 sắc phong...
THẾ ANH
Nguồn: baohaiduong.vn