Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia; thời Trần, thuộc huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, thời Lê đổi thành huyện Phượng Nhỡn, thuộc thừa tuyên Bắc Giang, sau là trấn Kinh Bắc. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nay thuộc thị xã Chí Linh (Hải Dương). Từ xưa, vùng đất này vốn được coi là nơi tụ linh, tụ khí, tụ nghĩa...
Cổng đền Kiếp Bạc nổi tiếng với 2 câu đối: Kiếp Bạc hữu sơn giai kiếm khí Lục Đầu vô thuỷ bất thu thanh (Nghĩa là: Kiếp Bạc muôn ngọn núi đều có hùng khí của kiếm thiêng/Lục Đầu không con nước nào chẳng vọng tiếng thu).
Chẳng vậy mà theo sách "Cao Biền di cảo” và "Chí Linh phong vật chí” còn ghi rằng: Côn Sơn, Kiếp Bạc mạch tự Huyền Đinh, thế ngăn Đông Bắc, bốn phương quy phục, núi sông kỳ hình, kỳ dạng, long bàn, hổ cứ, như muôn quân, nghìn tướng chầu về... ở đất này sẽ được hưởng phúc muôn đời.
Trong chuyến thăm quan di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia Côn Sơn, Kiếp Bạc, chúng tôi được cô hướng dẫn viên Đinh Thị Liên, người địa phương có bằng cử nhân bộ môn Đông Phương học và cũng là một người rất am hiểu về khu di tích lịch sử đặc biệt Kiếp Bạc cho biết: Vùng đất Côn Sơn, Kiếp Bạc là vùng đất lịch sử mãi còn âm vang những chiến công lẫy lừng qua nhiều thời đại. Đặc biệt là trong 3 lần quân - dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV.
Côn Sơn là mảnh đất có lịch sử lâu đời. Hơn một ngàn năm trước, Định quốc công Nguyễn Bặc, thượng thuỷ tổ của dòng họ Nguyễn Trãi đã lập căn cứ ở đây để đánh sứ quân Phạm Phòng át, giúp Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước vào năm 968.
Cùng với Yên Tử, Quỳnh Lâm và Thanh Mai, Côn Sơn còn là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, một Thiền phái mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam. Sinh thời, Đệ nhất tổ - Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ - Pháp Loa tôn giả và đệ tam tổ - Huyền Quang tôn giả đều đã về đây hoằng dương thuyết pháp, phát triển giáo giới, xây dựng chốn tổ đình.
Trong quá trình lịch sử của mình, Côn Sơn là một trong những mảnh đất có bề dầy văn hoá hiếm có. ở đây, văn hoá Phật giáo, văn hoá Nho giáo và văn hoá Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ nhưng tất cả đều thấm đẫm bản sắc văn hoá Việt Nam, đều để lại dấu ấn qua mỗi công trình xây dựng, qua từng chi tiết kiến trúc, chạm khắc, qua các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối... Văn hoá Lý - Trần, văn hoá Lê - Nguyễn hiển hiện, đan xen trong các công trình kiến trúc văn hoá thờ tự và ở các tầng văn hoá dưới lòng đất khi khai quật khảo cổ học. Cũng hiếm có ở đâu lại có nhiều trí thức, văn nhân, những nhà văn hoá đến thăm, cảm hứng và sáng tạo đến như ở Côn Sơn. Đây thực sự đã là nơi vân du, ẩn dật và tu tâm dưỡng tính của các bậc danh nhân, tiêu biểu cho tâm hồn, khí phách, tinh hoa văn hoá Việt Nam ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Côn Sơn cũng là nơi anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi đã có nhiều năm sống gắn bó chan hòa cùng thiên nhiên, tạo vật. Chính nơi này, Nguyễn Trãi đã tìm thấy bạn tri âm, tri kỷ và nguồn thi hứng dạt dào. Mỗi sự vật, di tích ở Côn Sơn đều lấp lánh ánh sáng của Nguyễn Trãi - Sao Khuê; mỗi địa danh ở Côn Sơn đều in đậm dấu ấn thiêng liêng, áng thi văn, cổ thoại, truyền thuyết ly kỳ và những sự tích bất hủ của những danh nhân kim cổ. Những di tích và tên, tuổi các danh nhân, đặc biệt là của Nguyễn Trãi đã nâng tầm vóc Côn Sơn trở thành "quốc tự”, "cõi đi về” trong đời sống tâm hồn của muôn triệu người dân Việt.
Nếu Côn Sơn gắn bó của những "tao nhân” với những áng "thiên thi” lay động lòng người thì Kiếp Bạc là một địa danh lừng lẫy những chiến công trong lịch sử chống giặc xâm từ phương Bắc của dân tộc. Kiếp Bạc có thế sông núi hiểm mà hài hoà, hùng vĩ, khoáng đạt mà trang nhã. Tại đây, hội nước 4 dòng sông từ thượng nguồn dồn về, chảy vào sông Thái Bình và sông Kinh Thầy (Lục đầu giang), mang phù sa màu mỡ tốt tươi về xuôi bồi đắp. Bốn dòng sông ấy, ngoài các tên quen thuộc, đều có thêm một tên Hán tự có chữ "đức” đứng sau: sông Đuống (Thiên Đức), sông Cầu tức sông Như Nguyệt (Nguyệt Đức), sông Thương (Minh Đức), Sông Lục Nam (Nhật Đức); dòng chính về xuôi thì có tên là sông Thái Bình. Vì người xưa coi Lục Đầu Giang là nơi hợp lưu của 4 dòng đức lớn trong vũ trụ mang thái bình yên ổn thịnh vượng về cho trăm họ, muôn dân. Kiếp Bạc có đường thuỷ, đường bộ rất thuận tiện. Từ Kiếp Bạc có thể thuận tới Thăng Long, lên ngược, về xuôi, ra biển đều dễ dàng. Do vậy, đây trở thành vị trí chiến lược, "quyết chiến điểm” mà cả quân dân Đại Việt cũng như quân xâm lược phương Bắc đều cần chiếm giữ trong các cuộc chiến tranh.
Vào thời nhà Trần ở thế kỷ XIII, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, vị tổng chỉ huy quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông đã chọn Vạn Kiếp để đặt đại bản doanh, xây dựng phủ đệ. Với tài thao lược của vị Quốc Công Tiết Chế, Kiếp Bạc - Lục Đầu Giang đã phát huy sức mạnh tổng lực của thế trận chiến tranh nhân dân. Dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại vương, quân và dân Đại Việt đã "trên dưới một lòng, cả nước giúp sức” lập nên những chiến công vang dội ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp và cuối cùng là trận Bạch Đằng lừng lẫy, đánh bại hoàn toàn đế quốc Nguyên - Mông hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ để non song toàn vẹn, dân tộc khải hoàn ca khúc thái bình. Cũng tại đây, trước nguy cơ quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ hai, Đại Vương đã viết cuốn "Binh gia diệu lý yếu lược” để dạy tướng sỹ và viết "Hịch tướng sỹ” để xác định trách nhiệm, nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực học tập binh thư, luyện tập võ nghệ, sẵn sàng diệt giặc; sau khi về nghỉ, ngài lại viết cuốn "Vạn Kiếp tông bí truyền thư” đúc kết những kinh nghiệm, bí quyết đánh giặc giữ nước của một đời cầm quân truyền lại cho hậu thế. Từ sau cuộc đại thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ ba, Trần Hưng Đạo đã về ở hẳn tại tư dinh Vạn Kiếp cho tới cuối đời. Trước khi mất, vua Trần Anh Tông về thăm bệnh và hỏi kế sách giữ nước, Đại Vương đã căn dặn: "Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước”. Lời căn dặn đó cũng là di sản cho các thế hệ dân tộc Việt Nam vận dụng trong công cuộc dựng nước và giữ nước trong các giai đoạn lịch sử sau này.
Đứng trước đền thờ Hưng Đạo Vương còn đang mộng tưởng nhìn về phía dòng nước lục đầu giang trước mặt cùng với tiếng quân hô vang lời thề "sát thát” trước giờ ra trận năm xưa, chúng tôi bị cô hướng dẫn viên Đinh Thị Liên kéo trở về với thực tại với những câu chuyện đầy ly kỳ, cuốn hút về người anh hùng dân tộc. Cô chia sẻ: Đại vương là danh tướng bậc nhất, tài mưu lược, một lòng giữ gìn trung nghĩa... lập nên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến cả giặc Bắc khiến chúng chỉ dám gọi là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên tục huý. Có lẽ trong lịch sử dân tộc, chỉ duy nhất có trường hợp của Hưng Đạo Vương được triều đình nhà Trần cho lập đền thờ ngay khi còn sống, gọi là Sinh Từ và chính Thượng hoàng Trần Thánh Tông tự soạn văn bia ngợi ca công đức Đại Vương. Ngày 20/8, năm Canh Tý (1300), Đại Vương mất tại Kiếp Bạc. Triều đình đã tôn phong là Thái sư Thượng phụ, Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương; nhân dân Đại Việt tôn là Đức Thánh Trần, xây đền Kiếp Bạc để tưởng nhớ công lao to lớn đối với non sông, đất nước. Ngày giỗ Đại vương hàng năm trở thành ngày chính hội đền Kiếp Bạc. Hội đền thu hút hàng chục vạn người con đất Đại Việt từ khắp mọi miền đất nước về kính bái, nguyện cầu. Đáng nói, đây cũng chính là một trong số lễ hội lớn nhất của cả nước được gìn giữ hơn 7 thế kỷ nay, trở thành mỹ tục truyền thống, thể hiện sâu sắc đạo lý "uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Nguồn: baohoabinh.com.vn