Ngày 24/12, UBND tỉnh long trọng tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước nghệ nhân ưu tú cho 16 nghệ nhân ưu tú và trao quyết định, bằng chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ được trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" đợt này
16 nghệ nhân đợt này được trao tặng có 10 nghệ nhân thuộc các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu như: hát ca trù, múa rối nước, hát trống quân và 6 nghệ nhân đang nắm giữ các giá trị về tri thức dân gian như: nghề thêu thủ công truyền thống, y dược học cổ truyền, tạo hình mỹ thuật gốm sứ cổ truyền, tạo hình cấu kiện gỗ trong kiến trúc truyền thống.
16 nghệ nhân được vinh dự nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú lần này là những người có tài năng đặc biệt, có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể tại Hải Dương nói riêng, cả nước nói chung. Việc trao tặng ngoài ý nghĩa tôn vinh nghệ nhân còn chính là sự ghi nhận đóng góp, công lao của những nghệ nhân đã gắn bó cả đời với sự nghiệp bảo tồn các giá trị di sản văn hoá, cổ vũ tinh thần cho các nghệ nhân tiếp tục cống hiến và phát triển với nghề.
Lễ hội đình Trịnh Xuyên, xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang và Lễ hội chùa Hào Xá (xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Cũng dịp này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2015 cho hai di sản của Hải Dương là Lễ hội đình Trịnh Xuyên, xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang và Lễ hội chùa Hào Xá (xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà).
Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại lễ trao tặng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu cho biết tỉnh Hải Dương đã và sẽ tiếp tục quan tâm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng đề nghị chính quyền địa phương có nghệ nhân được phong tặng cần quan tâm đặc biệt đến đời sống các nghệ nhân, đặc biệt là các Nghệ nhân cao tuổi và có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, các ngành hữu quan cần có chính sách bảo tồn cụ thể để trao truyền các giá trị di sản văn hóa mà các nghệ nhân đang nắm giữ trước nguy cơ mai một; phát huy các giá trị của các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Theo thống kê, hiện nay Hải Dương có trên 2.000 di tích, danh thắng, trong đó có 146 di tích đã được xếp hạng quốc gia, 194 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 4.500 đơn vị văn bia cùng hàng nghìn cổ vật có giá trị thuộc mọi loại hình, chất liệu khác nhau./.
Nguồn: http://www.haiduong.gov.vn