BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN 
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM
Trải nghiệm in tranh dân gian “Cá chép đàn”
04/02/2025 04:51:00

Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm trong dịp Tết Nguyên đán (Ất Tỵ - 2025) như: gói bánh chưng, làm mứt dừa, trải nghiệm cổ phục, viết thư pháp,… và đặc biệt là hoạt động trải nghiệm in tranh dân gian, một trong những hoạt động trải nghiệm mới đưa vào trong dịp Tết. Tranh dân gian không chỉ thể hiện nét tinh hoa, tinh tế, thẩm mỹ mà còn là thông điệp và niềm ước vọng của dân gian về năm mới.
Trước đó, hoạt động trải nghiệm in mộc bản cũng được tổ chức tại Bảo tàng cho học sinh trải nghiệm, tuy nhiên năm nay Bảo tàng tỉnh bổ sung thêm hoạt động in tranh dân gian Đông Hồ. Với in mộc bản người tham gia chỉ dùng một ván khắc để in cho một tác phẩm. Hoạt động trải nghiệm in tranh dân gian bao gồm 5 bản ván khắc với 5 mầu sắc khác nhau của bức tranh. Mỗi mầu trong tranh là một bản khắc gỗ riêng. Tranh “Cá chép đàn” trải nghiệm qua 5 bản khắc mầu: nâu, vàng, xanh, hồng và cuối cùng là nét đen. Công đoạn làm như sau:
Đầu tiên, người tham gia cần làm ẩm bìa bàn mầu bằng cọ ướt, quét đi quét lại cho đủ độ ẩm của mặt bìa. Mặt bìa là chất liệu mềm, thấm nước, tựa như chất của chiếc bao tải đã được ôm gọn, bọc lại xinh xắn trên tấm gỗ hình chữ nhật. Sau đó quét một lượt mầu theo bìa. Khi nước và mầu ngấm đều trên bìa mầu, chúng ta thực hiện công đoạn thứ 2 là đặt ván khắc in vào bìa mầu, sao cho các phần gỗ nổi thấm đều mầu (có thể ấn nhẹ, kiểm tra chỗ nào chưa có mầu thì điều chỉnh, quay trái, quay phải). Sau đó, đặt ván khắc trên mặt tờ giấy dó, một tay giữ giấy, một tay giữ ván, lật ngửa ván khắc lên, xoa nhẹ bằng sơ mướp hoặc bằng tay trên mặt trái tờ giấy dó. Ở ván in đầu tiên, điều quan trọng là phải lấy được “2 điểm đinh” để các ván sau có cữ đặt ván, làm cho các màu được chồng khít theo hình đã định.   
Kết thúc một bàn in mầu nâu, người tham gia chuyển sang bàn khắc in mầu vàng, xanh, hồng, cuối cùng là bàn in nét mầu đen. Đây là bàn in quyết định tác phẩm sắc nét. Tuy nhiên, cần lưu ý không để mầu quá nhiều, quá ướt, tranh sẽ bị nhoè và đen.
Tranh “Cá chép đàn” là tranh dân gian nổi tiếng. Nghệ nhân xưa miêu tả đàn cá vui tươi bơi lội trong nước, xung quanh là những bông hoa sen tươi đẹp. Các con cá có các động tác bơi khác nhau, con bơi dưới đáy nước, con bơi phía sau mẹ, con bơi cạnh những bông hoa sen, tất cả hướng về phía mẹ, tạo nên một không gian ấm áp trên nền giấy dó. Tranh có ý nghĩa ước vọng về một cuộc sống sum vầy, chứa đựng những thông điệp sâu sắc về tình mẫu tử, sự đoàn kết và gắn bó trong gia đình. Đồng thời, còn gợi lên những giá trị văn hóa, gia đình và tình yêu thương, là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn.
Hoạt động in tranh dân gian Cá chép đàn là hoạt động thu hút sự khám phá của học sinh và nhân dân nằm trong chuỗi hoạt động tham quan khám phá nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong dịp Tết Ất Tỵ năm 2025 tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương.
       Một số hình ảnh trải nghiệm.
 
 
5 bìa mầu trong hoạt động trải nghiệm in tranh dân gian
 
 
Trải nghiệm thú vị của khách tham quan 
 
  
Học sinh trường tiểu học Sao Mai, TP. Hải Dương tham gia trải nghiệm
 
 
Tranh “Cá chép đàn” được hoàn thành
 
Hoàng Thị Hương
Về Trang Chủ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ : 11 Hồng Quang - P.Nguyễn Trãi -TP Hải Dương - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại :(0220)3852493
Chịu trách nhiệm xuất bản: Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Huê- Giám đốc
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 10
Hôm nay: 87
Tháng này: 8,109
Tất cả: 88,869